- 6 giáo viên nhận hình thức kỷ luật sa thải trong sự việc tiêu cực thi cử ở Đồi Ngô trong bối cảnh, dư luận và nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá “ Đồi Ngô cũng không tồi hơn các “đồi” khác”. Giáo giới nghĩ gì về những người đồng nghiệp chịu kỷ luật trong bối cảnh này?

TIN BÀI LIÊN QUAN

Câu hỏi đó không nhận được câu trả lời nào từ những người cầm phấn. Những gì đọng lại là những câu hỏi: Ngành giáo dục không bảo vệ được giáo viên?

Trường THPT dân lập Đồi Ngô

Chúng tôi đã tìm đến một vị giáo viên “già” có hơn 30 năm đứng lớp về những tâm tư của ông khi chứng kiến đồng nghiệp bị kỷ luật trong bối cảnh “vàng thau lẫn lộn”. Bản thân ông cho đến hôm nay vẫn nhận được sự kính trọng từ các thế hệ học sinh. Thế nhưng ông từ chối bình luận vì cho rằng chính mình cũng đang xuống cấp rồi.

Trò chuyện với ông, chúng tôi mang những câu hỏi mà có lẽ nhiều người cũng muốn hỏi khi nói về nghề giáo: “Ai làm giáo viên cũng muốn học trò mình giỏi, cũng muốn một kết quả trung thực chứ. Vậy tại sao,ở kỳ thi tốt nghiệp, nhiều giáo viên lại chấp nhận “nhắm mắt coi thi”?

“Người ta nhắm mắt trong bối cảnh nhiều người cùng nhắm!” – ông nói. “Thử hỏi xem, ngoài giáo viên, có bố mẹ học sinh nào không muốn con mình giỏi, không muốn kết quả 12 năm cắp sách đi học của con mình là thật?”

“Bây giờ mình cho bài văn 6 điểm thì cách đây 20 năm mình chỉ cho có 4 điểm thôi. Thế nhưng học trò vẫn kêu mình chấm điểm đắt thế. Vậy đấy, tự bản thân mình thấy mình cũng đã xuống cấp thế mà vẫn chưa kịp với thời thế”.

Nhưng khi giả dối tràn lan, thậm chí người ta thấy nó là bình thường thì tình hình lại khác đấy. Người giáo viên như chúng tôi phải chịu áp lực rất lớn từ xã hội, từ bố mẹ học sinh. Ngay cả khi biết trung thực là tốt cho con họ nhưng cái hại nhãn tiền là con họ trươt tốt nghiệp, họ sẽ quay sang chỉ trích những người làm thật ngay lập tức.”

Nhưng đáng lẽ, những giáo viên trung thực như vậy sẽ được ngành giáo dục bảo vệ chứ? Lật lại thực tế, trước những sự kiện giáo dục nào đó, mà thường là những sự kiện tiêu cực xảy ra, dư luận thật khó khăn để được nghe ý kiến của một giáo viên nào đó, đặc biệt là những ý kiến mang tính phê bình, phản biện. Cô giáo dạy Sử nổi tiếng của trường chuyên ở Hà Nội sẽ không dám nhận xét đề Sử trong kỳ thi tốt nghiệp hay đại học vì “ở trên đều là các thầy mình cả” hoặc một lời từ chối khéo khác.

“Bạn không thể tìm được người nào có thể lên tiếng về những sai phạm như thế này trong giáo giới đâu. Giáo viên chúng tôi tốt nhất là an phận.”- vị thầy giáo già nói.

Ông nhắc lại câu chuyện về các vị giám đốc Sở bị lãnh đạo tỉnh nhắc nhở, phê bình và phải giải trình khi để tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh mình tăng chậm hơn so với các tỉnh khác từ lúc cuộc vận động “Hai không” được phát động.

Câu chuyện về phong trào thi đua trong giáo dục mà những bản đăng ký thi đua được “áp” từ trên xuống từng kỳ, từng năm, bất chấp thực tế chất lượng đầu vào ra sao là nguyên nhân quan trọng. Thầy giáo già nói: “Điều này TS. Ngô Tự Lập đã nói rõ rồi.”

“Giáo viên đã mất niềm tin ở trên và vì thế, ai cũng có tâm lý an phận.”- ông kết luận.

TS Nguyễn Thị Ly (ĐHQG TP.HCM) nêu ý kiến: “Nếu một thầy cô nào đó từ chối ném phao cho học sinh, rồi sẽ có nhiều người khác làm như vậy, vì tôi tin chắc không có một thầy cô giáo nào vui sướng trong lòng khi thực hiện hành động tiếp tay cho học trò dối trá.”

“Nhưng, cái nước Việt mình nó thế!” – Câu nói nổi tiếng của GS Hoàng Ngọc Hiến được người giáo viên già nhắc lại, thay cho câu trả lời.

  • Nguyễn Hường - Hương Giang