- Có một di sản của cha ông mà 9X, 10X… đang khó có được: tính lãng mạn. Gọi họ là thế hệ gấu bông (nói hay nói tốt cho ý “hình nộm, vô hồn, không tim”…), văn nghệ sĩ có nhận thấy phần trách nhiệm của mình trong bắc “cầu phao âm thanh”?

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Vang mãi bài hát tuổi thơ

Một nhà khoa học Việt Nam vừa bảo vệ xong tiến sĩ (TS) ở Tây Âu, và nhận được lời mời tham dự một dự án hấp dẫn bên đó. Người nhà gọi điện sang hỏi anh muốn thưởng quà gì. “Một đĩa ghi các bài hát ru của Việt Nam” – là câu trả lời. Mẹ của vị TS này đã mất ở vùng chiêm trũng Bắc Bộ, nơi mật độ dân số hẳn cao nhất thế giới, ngay vào đầu thời “đổi mới”.

Nhiều sân mà vẫn phải… chung sân, nhiều sao, mà vẫn như  “không trăng không sao” (Ảnh có tính chất minh họa)

Riêng với tôi, khi còn ở trời tây, các bài hát tuổi thơ lại luôn vang vọng. Những ngày tuyết rơi đầy trời, không hiểu sao tai tôi lại nghe thấy “Hè về đây, hương lúa nồng say”, hoặc “Trời cao trong xanh, ánh nắng đẹp lung linh…” Một cô giáo người Nga của tôi cười, bảo: “Chúng ta được làm từ những bài hát, và chúng sẽ còn giúp chúng ta sống”.

Thật vậy, về sau, có lần đi công tác gần hết tiền giữa Sibir băng giá u ám, chợt văng vẳng “Đàn chim bay trong phong ba, góc trời kia chim én thương ai, đợi chờ ai…”. Tôi tới gần một ốp có người Việt sinh sống...

Bài hát dành cho tuổi niên thiếu thời bao cấp thường vui sống, “trẻ con” mà vẫn sâu lắng. 6X như lớn lên với những bài hát của đội viên, từng say sưa “Tiến lên đoàn viên”, và đã thả tâm hồn vào đó, dù vẫn nghịch như quỷ. Nay đã U60, tôi vẫn thỉnh thoảng lẩm nhẩm các bài hát một thời “mực tím”…

Khuya rồi vẫn ngồi đếm sao… Hàn

Có thể do bận, tôi không biết một bài hát mới nào dành cho thiếu niên. Tôi chỉ thấy “bọn nhóc” hát bài “Ngoài sân có con gà, có con gà…”, nghe ngây ngô, cằn cỗi.
Có lần tôi ngờ nghệch bảo với một nhà hoạt động truyền thông (từ mới chỉ cán bộ ngành phát thanh truyền hình) là nên có một kênh riêng ca nhạc cho thiếu nhi. Anh bạn trẻ ừm hừm, rồi bảo bài hát cho trẻ em của Việt Nam còn “ít”, vả lại, ít bài hay. Tôi đâu dám bảo là những bài hát thời cực thịnh của Đội thiếu niên, Đoàn thanh niên là hay ghê gớm, nhưng chúng đã là một phần nhân cách của nhiều trong thế hệ chúng tôi.

Hôm nay, ngôi nhà âm nhạc của giới trẻ vang vang những bài K – pop (do người Hàn soạn nhạc, nhưng hát bằng tiếng Anh), với vũ đạo như đồng diễn thể dục.

V – pop? Về hiệu ứng nghe - nhìn, V – pop với nhiều 5X, 6X, nghe như đấm vào tai, mà nhìn thì còn “chối” hơn. Mà không khéo nghe V – pop lại hoá hàng nhái của K – pop.

Con tôi lên mạng, chat được với một vài sao Hàn nó ưa thích. Nó mừng lắm, vì không mấy ai được “diễm phúc như thế”. Nhìn con, tôi thất vọng tràn trề....

Ảnh: Nhiều sân mà vẫn phải… chung sân

Bỏ ngỏ sân chơi âm nhạc thiếu nhi?

Nghịch lý hôm nay là các kênh truyền hình thì cứ nhiều lên, mà bài hát Việt ra hồn chẳng có mấy. Người ta cố lấp đầy dung lượng truyền hình bằng bất tận những cuộc thi hát, những “bước nhảy hoàn vũ”. Nhưng nếu không có… cốc bia làm đà, thì quá khứ trong lành của nhạc Việt Nam sẽ buộc ta phải bóc mẽ các “thí sinh”. Họ thường không có thanh, cũng chẳng có sắc, lại vô hồn. Nhưng ai đó vẫn bảo, thế giới hôm nay cũng đang trải qua những bế tắc trong sáng tác nữa là. Chớ hoài cổ, và đừng kêu ca, trách cứ nhiều…

Và trẻ em vẫn phải dùng chung các kênh truyền hình sành điệu với người lớn. Tôi có cố xem một số chương trình biểu diễn của thiếu nhi, thấy - xin nói thật, nhiều bài hát thì như loại “tự biên”, cách các em múa thường hơi già so với tuổi, ăn mặc có khi hơi cũn cỡn… Nhìn chung, chương trình ca hát của thiếu niên trên tivi hôm nay không thể hiện sinh hoạt ca nhạc, tuy thuần phác, ngây thơ, nhưng đầy tính giáo dục “như xưa”. Chúng tựa như một cuộc đua danh lợi, giật dây và “thu hoạch” ngay bởi người lớn, khi các em (bị ép) bỏ chạy khỏi tuổi thơ của mình.

***

Vẫn còn le lói hy vọng là một ngày nào đó người ta sẽ lại biểu diễn, thi thố và sáng tác âm nhạc vì tình yêu (không phải tình yêu tiền). Để mỗi hè về, âm nhạc sẽ lại là môi trường giáo dưỡng các em nhỏ “sống để yêu thương giữ đẹp trái đất xanh”.

  • Thành Lê