- "Học thuyết nào cũng có hạn chế lịch sử của nó, con người phải biết nắm
bắt tinh hoa của nó mà vận dụng cho tốt mà thôi..." - bạn đọc Mai Trọng
Nhân nêu quan điểm.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
'Tiên học lễ…” không còn hợp thời?
Bóng 'Khổng Tử' vẫn ám ảnh giáo dục
Độc giả tranh luận 'lễ' với Lê Đỗ Huy
|
Bác Hồ nói: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”, nghĩa là phải trau dồi đạo làm người. Đạo làm người được Nho giáo tóm tắt trong tám chữ:
1. CÁCH VẬT: Hiểu lý lẽ sự vật (tri lý)
2. TRÍ TRI: Trí óc được thông suốt
3. THÀNH Ý: Ý nghĩ chân thành
4. CHÍNH TÂM: Tấm lòng ngay thẳng
5. TU THÂN: Sửa mình
6. GIA TỀ: Yên nhà
7. QUỐC TRỊ: Nước thịnh
8. THIÊN HẠ BÌNH: Dân an
Tám chữ đó xuyên suốt cả quá trình học tập, rèn luyện tu dưỡng để nhằm tới mục đích “yên nhà, nước thịnh dân an”. Từ bậc thiên tử cho tới thứ dân, ai ai cũng lấy sửa mình (tu thân) làm gốc. Năm điều thường có trong việc tu dưỡng là:
Nhân: Lòng yêu thương đối với con người
Nghĩa: Cư xử công bình theo lẽ phải.
Lễ: Sự tôn trọng, hòa nhã trong cư xử với mọi người.
Trí: Sự thông biết lý lẽ, phân biệt thiện ác, đúng sai.
Tín: Giữ đúng lời, đáng tin cậy.
Trong đó Lễ là trung tâm, là điều kiện để một con người thành đạt được xã hội đón nhận và trở nên người hữu dụng. Muốn có Lễ phải có Nhân, Nghĩa), Trí, Tín. Người xưa nói việc muốn thành phải có “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, lễ chính là nhân hòa vậy.
Cho nên dù cho xã hội có đổi thay, thì câu khẩu hiệu “Tiên học Lễ, hậu học Văn” luôn luôn đúng và ngành giáo dục không nên bỏ đi. Nên chăng Việt hóa như tiêu đề của bài này? cũng không nên đặt câu khác của một người vô danh.
Học thuyết nào cũng có hạn chế lịch sử của nó, con người phải biết nắm bắt tinh hoa của nó mà vận dụng cho tốt mà thôi.
Đối với Khổng Tử, một nhà giáo dục đã khái quát hóa 8 điều cơ bản trong đạo làm người, chúng ta cần có quan điểm lịch sử, khách quan và biện chứng để đánh giá.
Theo tôi, thuyết Khổng Tử đóng vai trò phản biện xã hội, đã chống tham nhũng và cường quyền, vì thế ông bị bài xích. Chỉ riêng bàn về “Quân tử và tiểu nhân”, “Chính danh định phận”, ông đã làm cho giới tham nhũng và kẻ cơ hội lộng quyền ngán ông rồi.
Ngày nay, trên danh nghĩa Nhà nước, chúng ta không theo Nho giáo, vậy thì những cái gì xấu xa của xã hội cũng không nên đổ lỗi cho Nho giáo. Văn Miếu - Quốc Tử Giám với 700 năm hoạt động đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước. Các bậc hiền nhân Nho học xưa ra làm quan rất đúng đạo: trung với nước, hiếu với dân, chăm dân như cha mẹ lo cho con và ít tham nhũng - chẳng nhẽ họ đã học những điều toàn sai trái hay sao?
Cần phải thấy đất nước đã trải qua những triều đại thịnh trị và hào hùng oanh liệt để thấy các tiền nhân đã được đào tạo có phẩm chất tốt. Trong đa số dân chúng, đặc biệt các gia đình và gia tộc đều đều coi trọng và gìn giữ những tinh hoa Nho giáo để giáo dục đạo làm người và duy trì sự ổn định trật tự trong gia đình và ngoài xã hội.
Nếu mục đích của Nho giáo là dạy đạo làm người và góp phần ổn định xã hội thì nó đã đạt được kết quả rất sớm rồi. Cùng thời với đạo Thiên chúa và đạo Phật thì đạo Nho là đạo tiến bộ, nó khẳng định khả năng làm chủ xã hội của con người, nhập thế cuộc gánh vác việc đời, làm ích nước lợi dân, khác hẳn với đạo Phật và đạo Công giáo chỉ dạy con người cam phận lánh đời.
- Độc giả Mai Trọng Nhân