- Clip thầy đánh trò ở Thái Nguyên phát tán, nhiều độc giả cho rằng phản giáo dục, nhưng cũng không ít ý kiến lên tiếng ủng hộ với cách dạy "yêu cho roi vọt". Bạn đọc Dương Trọng Loan dẫn dụ: "Ở Nhật Bản trong trường học thầy giáo vẫn dùng roi để vụt học sinh hư, nên họ mới đào tạo ra những kỹ sư tuyệt vời....".
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Giáo viên dạy thêm có tâm?
"Tôi có xem clip và nói thật, nếu chỉ nhìn và xem clip trên thì thấy là không đúng. Nhưng tôi thấy vẫn thích cách dạy của thầy cô như vậy, để cho con mình biết sợ và nể thầy chứ. Ở nhà bố mẹ đánh con vài roi thì sợ con đau, nên con cái ỷ lại không biết phấn đấu. Các em còn nhỏ phải uốn nắn từ bây giờ để không theo những gương xấu.
|
Nhiều ý kiến ủng hộ thầy giáo trong clip "dùng roi dạy học sinh" |
Nickname Đi học nêu quan điểm "sự giáo dục là phải kết hợp từ gia đình, nhà trường và xã hội.. Chúng tôi không bao giờ chỉ nhìn một phía".
Bạn Dương Trọng Loan dẫn dụ: "Ở Nhật Bản trong trường học thầy giáo vẫn dùng roi để vụt học sinh hư đó thôi, nên họ mới đào tạo ra những kỹ sư tuyệt vời như thế...."
Còn chị Đỗ Thị Quế phụ huynh em Nguyễn Tiến Duy - học sinh có mặt trong clip chia sẻ: gia đình chị khó khăn, ba mẹ con trông cả vào tiền bán bánh mì rong. Duy học kém, gần hết lớp 7 chuẩn bị sang lớp 8 mà kiến thức lớp 5 còn hổng quá nhiều. Từ ngày học ở trung tâm tôi thấy cháu có tiến bộ và thầy giáo cũng thường xuyên trao đổi việc học của cháu.
"Bản thân tôi là phụ huynh cũng gửi gắm, nhờ thầy nếu cháu lười quá phạt một vài roi cũng không sao”- lời chị Quế.
Độc giả Vũ Đình Đồng cho rằng các giáo viên ở trung tâm bồi dưỡng kiến thức cấp 2 của ông chủ Phạm Minh Tuấn đã làm đúng trách nhiệm phụ huynh giao cho. "Có những giáo viên dạy thêm chỉ biết lấy tiền. Những người cho rằng hành vi trên là vi phạm pháp luật cần phải nhìn lại mình. Tôi nghĩ trung tâm đã hoạt động được 4 - 5 năm nhưng được các phụ huynh đón nhận khá tốt, ủng hộ. Như vậy trung tâm đã đào tạo được những học sinh có chất lượng. Như vậy thật đáng khen".
Tranh cãi
Độc giả Lê Ngọc Diệp giới thiệu là trò cũ của trung tâm nói: "Dù là ai, khi không còn học ở đây nữa chúng tôi vẫn rất kính trọng và yêu quý chú, vẫn coi chú là nhà giáo lớn trong đời. Bạn bè trong lớp tôi hồi đó cũng đã vào đại học, tốt nghiệp và có công việc tốt. Không có ai "bị ảnh hưởng xấu tới nhân cách" như nhiều người lo ngại. Theo tôi người giáo viên chỉ lên lớp cho đủ giờ hợp đồng, không bao giờ trăn trở về tương lai của học sinh mới đáng đặt dấu hỏi về đạo đức nghề nghiệp, về năng lực sư phạm".
Còn độc giả Nguyễn Nhân Nghĩa thì cho rằng, thầy đánh roi phạt học trò và con cái là có trong truyền thống. Nếu giờ bảo là phạm pháp thì đánh con vài roi có thể bị tiền sự, ghi lý lịch như chơi. Còn đánh con và đanh roi học trò như thé nào cho đúng là cần bàn.
Trao đổi với VietNamNet chiều 21/7, bà Trịnh Thị Nguyệt, Trưởng phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Sở LĐ- TB&XH Thái Nguyên) không khỏi buồn lòng khi xem clip thầy giáo dùng roi đánh nhiều học sinh tại Trung tâm Bồi dưỡng số 2 Phạm Minh Tuấn.
Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Nguyên Bùi Đức Cường khẳng định, việc đánh học sinh như vậy đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhưng vi phạm đến đâu sẽ cần có thời gian để làm rõ. Quan điểm chỉ đạo của Sở là anh sai đâu sẽ xử lí nghiêm tới đó, không bao che, dung túng. |
Hành vi trên dù được phụ huynh “đồng tình, cho phép” nhưng theo bà Nguyệt, đã vi phạm điều 14 của Luật bảo vệ quyền trẻ em, cần xử lý thích đáng.
Trước ý kiến của một số gia đình nói vì bận rộn, không quản được con nên giao cho các thầy ở trung tâm, theo bà Nguyệt: “Mục đích chính của phụ huynh và trung tâm là dạy tăng cường kiến thức cho con. Chắc chắn trung tâm không thể giáo dục toàn diện cho trẻ. Trong khi lứa tuổi 13-14 sự thay đổi tâm lý rất lớn”.
Vai trò của gia đình trong định hướng, giáo dục trẻ ở giai đoạn này theo bà Nguyệt quyết định đến 70% tính cách và tâm lý của trẻ.
Về trách nhiệm của ngành, bà Nguyệt cho biết: “Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên sẽ có ý kiến với các ngành chức năng, đặc biệt là ngành giáo dục để tuyên truyền và bảo vệ quyền lợi cho các em”.
-
Phong Đăng - Nguyễn Hiền