- "Khi xây dựng nhà trường thân thiện, rất cần có kỷ luật, nhưng kỷ luật học sinh phải mang tính giáo dục.Việc áp dụng hình thức trừng phạt bằng đòn roi là biện pháp cần chấm dứt" - độc giả Phan Duy Nghĩa (Sở GD-ĐT Hà Tĩnh) nêu ý kiến.

TIN LIÊN QUAN:
'Có những học sinh cũng cần phải đánh'

Vụ thầy đánh trò, phụ huynh đã nhầm lẫn

Clip: Thầy giáo đánh dã man nhiều học sinh

Dừng hoạt động cơ sở thầy đánh trò dã man


Những năm gần đây, khi nạn bạo lực học đường có xu hướng gia tăng, các trường hợp vi phạm đạo đức của học sinh liên tục được nhắc đến thì một trong những biện pháp được quan tâm để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức học sinh là tăng cường biện pháp 'kỷ luật tích cực'. Vậy, cần hiểu về 'kỷ luật tích cực' và vận dụng nó như thế nào cho phù hợp với thực tế giáo dục hiện nay?

Đánh, véo, giật tóc...phổ biến

Các biện pháp kỷ luật đang áp dụng trong trường học hiện nay là nhắc nhở, phê bình, thông báo với gia đình, cảnh cáo ghi học bạ, buộc thôi học có thời hạn… được các trường thực hiện nghiêm túc và công khai, đảm bảo công bằng cho học sinh trong việc khen thưởng và kỷ luật.

Tuy nhiên, các biện pháp kỷ luật này còn khá 'khô cứng' đối với một số học sinh có biểu hiện đạo đức không tốt. Không ít giáo viên hiện nay vẫn quan niệm, khi học sinh mắc lỗi thì chỉ có cách giáo dục duy nhất, hiệu quả nhất là trừng phạt. Điều này do hai nguyên nhân: (i) giáo viên chưa hiểu được tâm lý lứa tuổi học sinh 'trong xã hội mở' hiện nay và (ii) coi nhẹ kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ.

Việc trừng phạt thân thể (đánh, véo, kéo tai, giật tóc, quì, úp mặt vào tường...) và trừng phạt về tinh thần (la mắng, nhiếc móc, hạ nhục, bỏ rơi, làm cho xấu hổ, chửi rủa...) - đó là những biện pháp đã, đang diễn ra khá phổ biến. Điều đó gây ra những hệ quả nghiêm trọng, làm các em mất đi sự tự tin, giảm ý thức kỷ luật, căm ghét trường học, để lại những 'vết sẹo' trong tâm hồn, khiến các em luôn có thái độ thù địch.

Cách xử phạt hiện nay của người lớn đa phần chưa thuyết phục được học sinh. Bởi nó xuất phát từ cách suy nghĩ áp đặt, đôi khi hơi bảo thủ, không đặt mình vào hoàn cảnh của người phạm lỗi, đó chưa kể những biện pháp xử lý quá nặng, có tính chất xúc phạm, khiến người bị phạt bị tổn thương, không tâm phục, tạo ra tâm lý chống đối, càng phạt thì càng vi phạm cho... 'bõ ghét'.

Nhìn khách quan, có thể coi cách kỷ luật trừng phạt (ở cả 3 môi trường gia đình - nhà trường - xã hội) như một nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng bạo lực học đường, hoặc tạo ra những cú sốc tâm lý, những phản ứng không lành mạnh của học sinh. Khi cần xây dựng nhà trường thân thiện, rất cần có kỷ luật, nhưng kỷ luật học sinh là kỷ luật mang tính giáo dục là chủ đạo, do vậy áp dụng hình thức trừng phạt rõ ràng là biện pháp cần chấm dứt.

Chấm dứt trừng phạt bằng đòn roi

Trước hết giáo viên cần nhận thức rằng, biện pháp kỷ luật trừng phạt học sinh cần được chấm dứt và thay thế bằng biện pháp kỷ luật tích cực. Để làm được điều này, giáo viên cần có suy nghĩ sâu sắc về nghề dạy học, yêu nghề, mến trẻ, cái tâm phải bao trùm khắp tâm hồn. Hiểu và nắm bắt tâm lý của học sinh ở mọi lứa tuổi và bản thân phải tìm được niềm vui trong công việc.

Đồng thời, giáo viên phải tự đặt mình ngang hàng với học sinh để cùng chơi, cùng học, cùng hiểu để tìm cách giáo dục học sinh thấu tình đạt lý. Khi học sinh mắc lỗi, thầy cô giáo phải là người bạn, người anh, người chị, người mẹ, người cha - chỉ cho các em nhận ra lỗi của mình để tự điều chỉnh.

Hiện nay, giáo viên luôn chịu áp lực từ nhiều phía như yêu cầu về chất lượng dạy và học, những khúc mắc trong quan hệ thầy - trò, đồng nghiệp hay những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày... Ai cũng hiểu tức giận, căng thẳng có thể làm chúng ta có những hành vi nóng giận nhất thời và gây hậu quả tai hại. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng kiềm chế những phút nóng giận, căng thẳng như thế.

Theo các chuyên gia, để hạn chế tình trạng căng thẳng trên, giáo viên nên tự rèn luyện bản thân với chế độ ăn uống, ngủ nghỉ phù hợp, hạn chế hút thuốc hoặc dùng chất kích thích. Các thầy cô có thể giảm căng thẳng bằng việc trau dồi khả năng hài hước, tinh thần lạc quan trước mọi tình huống…

Mặt khác, giáo viên phải xác định rằng, 'kỷ luật tích cực' không phải là cây đũa thần, do vậy bên cạnh việc sử dụng nó như một giải pháp chủ công thì còn phải kết hợp với hệ thống các giải pháp đi kèm, sao cho việc kỷ luật học sinh vẫn phải diễn ra nghiêm túc đúng luật.

Liều thuốc...

Đó là "kỷ luật tích cực" - một biện pháp giáo dục hoàn toàn khác với lối giáo dục truyền thống theo kiểu 'đòn roi'. Kỷ luật tích cực là động viên, khuyến khích, hỗ trợ, nuôi dưỡng lòng ham học dẫn đến ý thức kỷ luật một cách tự giác, nâng cao năng lực và lòng tin của học sinh vào giáo viên.

Kỷ luật tích cực là phi bạo lực về cả thể xác lẫn tinh thần, là một quá trình thường xuyên, liên tục và nhất quán, thông qua đó khuyến khích khả năng tư duy, lựa chọn của học sinh. So với phương pháp cũ, học sinh 'chưa tốt' cảm thấy được tôn trọng hơn, ít có những phản ứng tiêu cực đối với bản thân, gia đình, bạn bè và xã hội. Tâm lý của các em cũng có biểu hiện tốt hơn, không còn mặc cảm, tự ti, chủ động trong việc tự thay đổi bản thân, phát huy các giá trị tích cực của mình.

Theo các chuyên gia giáo dục, việc mắc lỗi của học sinh được coi như lỗi tự nhiên của quá trình học tập và phát triển. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng của nhà giáo dục là làm thế nào để học sinh nhận thức được bản thân, tự kiểm soát hành vi, thái độ.

  • Phan Duy Nghĩa (Sở GD-ĐT Hà Tĩnh)

TRA CỨU ÐIỂM THI ÐẠI HỌC, CAO ĐẲNG NĂM 2012

1. Ðiểm thi đại học
Soạn tin: DT {Số báo danh} gửi 6524
Ðể nhận kết quả điểm thi ngay khi công bố

2. Ðiểm thi trọn gói
Soạn tin: DTG {Số báo danh} gửi 6724
Ðể nhận trọn gói điểm thi (bao gồm điểm thi, chỉ tiêu, xếp hạng)

3. Xếp hạng
Soạn tin: XH {Số báo danh} gửi 6524
Ðể biết thứ hạng của mình so với các thí sinh khác

4. Ðiểm chuẩn
Soạn tin: DC {Mã trường} {Mã khối} gửi 6724
Nhận điểm chuẩn ngay khi công bố