Trao đổi với VietNamNet về clip thầy đánh trò ở Thái Nguyên sáng 23/7 - Chủ tịch hội tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm: Hành động đánh trò có thể không ác ý, nhưng phụ huynh và giáo viên đang nhầm lẫn trong nhận thức giữa hiệu quả của việc học và phương pháp giáo dục...

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng Nguyễn Tùng Lâm: “Nếu chỉ dùng roi vọt để giáo dục đứa trẻ vào nề nếp thì đâu đến người thầy”.

- Xem clip thầy đánh trò ở Thái Nguyên, ông có suy nghĩ về hiện tượng đó như thế nào?

Trước hết cần cảm ơn những người đã quay clip. Dù với mục đích gì thì nó đều khiến chúng ta phải suy nghĩ. Hành vi đánh học trò dù ở hình thức nào cũng không thể chấp nhận được. Thật đau lòng khi bước sang thế kỉ XXI nhưng chúng ta vẫn phải chứng kiến những hành động như vậy.

- Nhưng, một ngày sau khi clip được công khai - nhiều phụ huynh có con đang học tại trung tâm lại lên tiếng ủng hộ cách dạy "yêu cho roi...". Là một nhà giáo có nghiên cứu sâu về tâm lý, ông nghĩ sao về phản ứng của phụ huynh?

Xem clip và đọc các bài viết, tôi được biết đây là những học sinh kém, lười. Nhiều phụ huynh còn nói mình bất lực, “bố mẹ nói không nghe, thầy nói mới nghe”. Họ cho phép thầy dùng roi vọt để dạy con mình. Người thầy thấy việc đánh học trò được chấp nhận nên cứ làm.

Cần thông cảm rằng hiện nay nhiều cơ sở giáo dục công lập vì chạy theo thành tích mà bỏ quên nhiệm vụ chính là đào tạo thực chất. Nhiều người cảm ơn trung tâm vì con học tốt, tiến bộ rồi nhiều em học tại đây đã đỗ vào trường chuyên, ĐH. Rõ ràng chuyện học là tự nguyện, phải có kết quả họ mới tìm đến trung tâm này.

Tuy nhiên, phụ huynh và cả các thầy đang nhầm lẫn giữa tính hiệu quả và phương pháp giáo dục của người thầy. Họ thấy cách làm truyền thống “yêu cho roi vọt” có hiệu quả nên cứ làm.

- Cũng không ít bình luận cho rằng, thầy giáo dạy ở trung tâm bồi dưỡng "dạy bằng roi" là vì thương trò và có tâm huyết?

Có thể họ làm không phải do ác ý, làm vì muốn các con thay đổi. Nhưng, xin nhắc lại là không thể làm như thế. Không đánh mà vẫn rèn được các con mới là khó, mới cần đến những người làm giáo dục.
 
Có nhiều phương pháp để đưa đứa trẻ và khuôn khổ, nề nếp. Nếu dùng roi vọt để rèn kỷ cương thì không cần đến người thầy. Ai cũng làm được. Giáo dục không nên làm thế.
 
Chỉ cần một người thầy lạm dụng roi vọt, một học trò vì thế mà co lại, chai lì thì hậu quả đã khôn lường. Không thể mãi lạc hậu như vậy được.
 
Chúng ta thông cảm vì có thể các thầy giáo ở trung tâm này chưa có thời gian và điều kiện tiếp xúc với những phương pháp mới, hiện đại. Những người làm quản lí giáo dục ở Thái Nguyên phải giúp đỡ họ để thay đổi. Nếu không làm được, tôi nghĩ trung tâm không nên tồn tại.
  
-  Lãnh đạo ngôi trường có tiếng nhiều học sinh nghịch, khó bảo. Là người đứng đầu Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm dạy dỗ và cảm hóa học sinh tiến bộ?
 
Phải kết hợp nhiều phương pháp. Tất nhiên cũng phải có kỷ luật nhưng không thể là đánh, mắng trò được. Với trò không muốn học, lười trước hết phải giúp các em thích học bằng những bài học nhẹ nhàng, bổ ích. Sau là phương pháp. Mỗi đứa trẻ là một tính cách nên không thể áp dụng rập khuôn được.

Những kinh nghiệm suốt hơn 20 năm dạy và quản lí các trò hư, tôi hoàn toàn sẵn sàng giúp đỡ các thầy cô ở trung tâm của thầy Tuấn. Quan trọng là chúng ta có sẵn sàng và chấp nhận thay đổi không?

- Cảm ơn ông!

  • Phong Đăng (thực hiện)