- Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hùng, nguyên phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Trưởng bộ phận thường trực đề án Ngoại ngữ Quốc gia giai đoạn 2008-2020 trao đổi với VietNamNet về "bước đi" của đề án.
Giáo viên không đạt B2 đi đánh trống, làm thư viện…
- Từ bây giờ cho đến năm 2020 chỉ còn 8 năm nữa. Với hiện trạng chất lượng giáo viên như hiện nay, ông đánh giá khả năng “về đích” của đề án này như thế nào?
Tôi nghĩ đề án phải đạt được chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra như lộ trình đã nêu. Cái này không khó. Khó nhất là chúng ta phải có đội ngũ giáo viên tốt, đạt chuẩn. Trang thiết bị không cần nhiều lắm.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng |
Hiện nay có rất nhiều đề án của chính phủ bổ sung cho đề án này như 7 đề án cho trường sư phạm, đề án máy vi tính cho trường phổ thông… bằng các trang thiết bị.
- Tuy nhiên, chỉ trong 8 năm… thì có gây nên sự e ngại cho dư luận không?
Tôi không thấy e ngại vì chúng tôi không làm tất cả một lúc. Năm ngoái, chúng tôi đào tạo được 1.500 giáo viên, năm nay đào tạo tiếp độ 5.000 giáo viên nữa. Như vậy, sẽ có khoảng 1 triệu đến 1,5 triệu học sinh được tham gia vào chương trình trên tổng số 4,5 triệu học sinh tiểu học.
Sau tập huấn và tự bồi dưỡng, nếu giáo viên không đạt được chuẩn thì các sở GD-ĐT sẽ tổ chức tuyển giáo viên mới. Số giáo viên không đạt chuẩn sẽ chuyển sang đánh trống, làm thư viện…chẳng hạn.
- Những giáo viên dạy tiếng Anh dù đã ở trình độ B1 nhưng vẫn rất vất vả ôn luyện mới đạt đến trình độ B2. Vậy làm thế nào để những giáo viên đang ở những trình độ A1, A2, thậm chí chưa đạt A1 có thể đạt được chứng chỉ này trong 6 tháng học tập trung?
Đề án này không đặt vấn đề đào tạo trong 6 tháng hay 1 năm có được 100% giáo viên đạt chuẩn. Những người có trình độ A1 và A2 sẽ phải tự học để đạt được B1. Tự học không phải là việc khó với giáo viên trong điều kiện sách vở, băng ghi âm, đĩa CD và internet thuận tiện như hiện nay.
Đề án đã bố trí 20 trường ĐH, CĐ có chất lượng tại khắp các vùng miền trong cả nước để bồi dưỡng giáo viên cho các tỉnh từ B1 lên B2. Các tỉnh cũng có chương trình bồi dưỡng riêng của mình để hỗ trợ giáo viên. Chúng ta còn 8 năm nữa để làm việc này. Tuy nhiên, mỗi địa phương có một lộ trình và tiến độ khác nhau.
- Vậy vấn đề này lại phụ thuộc vào địa phương? Các địa phương đang cần hỗ trợ gì?
Tôi đánh giá rất cao trách nhiệm của lãnh đạo các tỉnh, sở GD-ĐT. Hiện nay các sở đã triển khai kế hoạch thực hiện đề án ngoại ngữ tại địa bàn của mình.
Tất cả các địa phương đều đang cần sự hỗ trợ về đào tạo giáo viên và đang phối hợp chặt chẽ với các vụ, bậc học thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên này. Ngoài ra các địa phương đều đòi hỏi BQL Đề án và Bộ GD-ĐT phải tăng cường bảo đảm chất lượng và chuẩn đầu ra của các cơ sở đào tạo giáo viên ngoại ngữ.
Quan trọng là việc tuyển dụng giáo viên như thế nào. Tôi nghĩ các địa phương nên yêu cầu đạt chuẩn B2 mới tuyển.
- Ông đánh giá chất lượng đào tạo giáo viên ở các trường ĐH sư phạm như thế nào?
Có thể nói chất lượng của đội ngũ giảng viên rất tốt. Đây không chỉ là đánh giá của riêng tôi mà của nhiều chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên, sinh viên ra trường đã tốt hẳn hay chưa? Hai bên vẫn lời ra tiếng vào: báo chí đổ tội cho trường đào tạo không đạt chuẩn. Trường thì nói chúng tôi đạt chuẩn rồi. Bây giờ chúng tôi kiểm định chất lượng theo đề án này, vừa để trả lời công luận, vừa khẳng định đẳng cấp của trường.
Thay giáo viên bản ngữ bằng…bút chấm đọc
- Xin ông cho biết, đề án có tính đến việc thuê giáo viên bản ngữ trong lớp học?
Mỗi một học sinh trong đề án được 2,2 đô la/năm. Chúng ta hoạt động trong 12 năm. TP.HCM bỏ vào đây 2.500 tỉ nữa để thuê giáo viên nước ngoài, đó là nỗ lực của từng địa phương.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều phương tiện hỗ trợ giáo viên ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh. Bút chấm đọc là một phương tiện rất hữu ích, có thể khắc phục được phát âm chưa chuẩn của giáo viên người Việt.
- Hiện tại, đã có công ty, đơn vị sản xuất các thiết bị tương tự nào chào hàng với ban tổ chức đề án về các phương tiện này chưa?
Từ nhiều năm nay, Bộ GD-ĐT đã phân cấp việc mua sắm trang thiết bị, phương tiện hỗ trợ việc học tập và giảng dạy cho các địa phương. Nhiều công ty đã tiếp cận Đề án để tìm hiểu về định hướng phát triển của ngành ngoại ngữ trong 10 năm tới và đã được Đề án tư vấn chu đáo, tận tình. Khi hiểu rõ đây là Đề án trong Chương trình mục tiêu quốc gia và chủ trương phân cấp cho địa phương thì các công ty đã chủ động tìm hiểu nhu cầu và làm việc với các địa phương.
- Tuy nhiên, loại bút chấm đọc này giá thành quá cao, không phù hợp với đa số gia đình học sinh ở các vùng nông thôn, các tỉnh? Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT có nhiều kênh tiếng phục vụ cho dạy và học: đĩa CD, USB và sử dụng mã mở trên sách giáo khoa để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các thiết bị hỗ trợ với giá cả cạnh tranh. Tôi tin rằng trong thời gian không xa nữa, khi số người dùng tăng lên, số doanh nghiệp kinh doanh tăng lên, các loại bút chấm đọc sẽ có giá phải chăng hơn. Ngoài ra, Đề án đang nghiên cứu đưa kênh tiếng này lên cả điện thoại di động để mọi người có thể sử dụng với chi phí rất rẻ.
Cần nhiều nguồn nhân lực thạo ngoại ngữ
- Về SGK, tại sao chúng ta không sử dụng những bộ giáo trình tiếng Anh của nước ngoài mà phải viết một bộ sách khác?
Hiện Bộ vẫn cho phép một số địa phương sử dụng SGK trong chương trình tự chọn.
SGK viết cho người Việt để Việt hóa chương trình . Sách nước ngoài chỉ có một phần rất nhỏ nói về những đặc trưng riêng của ngôn ngữ tiếng Việt. Chỉ người Việt mới biết người Việt sai cái gì và tập trung sửa cái sai đó.
Hơn nữa, chúng ta không học tiếng anh để nói về nước ngoài mà học để nói về Việt Nam, nói về thế giới dưới góc nhìn của chúng ta.
- Có ý kiến cho rằng các nước như Singapore, Malaysia, Philipine và Indonesia đã dùng tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức trong chương trình giáo dục và làm việc của họ. Vì thế người dân các nước này sử dụng tiếng Anh rất chuẩn. Nếu tiếng Anh chỉ dạy như một ngoại ngữ thì sẽ không có hiệu quả vì không có môi trường sử dụng?
Lập luận của họ cũng có cái đúng, cũng có cái sai. Sử dụng ngôn ngữ nào là ngôn ngữ thứ hai là một quyết định mang tính chính trị.
Chúng ta đã cho dạy toán và các môn tự nhiên trong trường THPT bằng tiếng Anh. Nhưng quan trọng nhất là sự phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông, truyền hình đã mang ngoại ngữ về các vùng nông thôn, miền núi. Nhiều trẻ ở Tây Nguyên, Lạng Sơn.. đã dùng bút thông minh, xem truyện, xem phim hoạt hình nước ngoài… Đó là môi trường của học sinh tiểu học.
- Học sinh ở nhiều vùng sâu, vùng xa rất ít cơ hội sử dụng ngoại ngữ. Vì vậy, việc triển khai đến từng vùng như vậy là lãng phí và kém hiệu quả. Ông nghĩ gì về ý kiến này?
Tôi không nghĩ như vậy. Tôi cho rằng trẻ em mọi nơi trên lãnh thổ Việt Nam đều phải được hưởng cơ hội bình đẳng trong giáo dục. Với sự chuyển dịch lao động ngày càng tăng lên và tốc độ tăng triển kinh tế của Việt Nam hiện nay những vùng sâu, vùng xa như Lũng Cú, Bạch Mã, Bà Nà và nhiều nơi khác nay lại là những nơi cần rất nhiều nguồn nhân lực có trình độ ngoại ngữ. Tôi cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của giáo dục là chuẩn bị những hạt giống tốt để khi được gieo vào các môi trường khác nhau, những hạt giống này đều có sức sống, nảy mầm và cho trái ngọt.
- Xin cảm ơn ông!
- Nguyễn Hường (thực hiện)
Bài 3: Nở rộ dịch vụ 'ăn theo', loạn bút chấm đọc