- Nếu không trở về nội hàm gốc của “lễ”, cuộc thảo luận tiếp tục hay đình chỉ học “lễ” sẽ vô tận, vô bổ. Bởi vì, mỗi vị sẽ mở đầu bằng: “Theo ý kiến riêng của tôi, thì “lễ” là…” (!).

Thống nhất nghĩa gốc của “lễ” để khỏi bàn cãi vô bổ

Cứ làm như chúng ta có quyền đưa ra khái niệm “lễ” cho thời hiện đại. Không đâu! Chữ “lễ” (trong “tiên học lễ”) là di sản ngàn năm, sửa đổi tuỳ tiện là mắc tội. Sửa đổi đến mất cả nghĩa gốc thì tội nặng lắm. Với di sản vật thể cũng vậy.  

Ngày xưa, tổ tiên ta học “Lễ” đúng với nghĩa gốc của Lễ; và học “Văn” cũng đúng nghĩa của Văn (để làm quan văn). Ngày nay, vẫn y nguyên “tiên học lễ, hậu học văn” nhưng cách giải thích thì đủ kiểu. Ngoài ra, nhiếu ý kiến khăng khăng “phải học lễ”, nhưng học gì, thì bỏ lửng… Chỉ khổ các cháu: bị thúc “học đi” mà chẳng biết học gì, ở đâu, ai dạy... 

Trước năm 1945, “lễ” được dạy ngay từ bậc tiểu học, trong môn Luân Lý (gọi tắt của Luân Thường và Đạo Lý). Học sinh dưới 10 tuổi phải học ứng xử trong nhiều mối quan hệ - chủ yếu là quan hệ với người “bậc trên” - gồm tới mấy chục bài. Dẫu vậy, cái quy tắc cốt lõi toát ra từ các bài vẫn thể hiện trung thành nghĩa gốc của khái niệm “lễ”.
Ngày nay, hô hào học sinh cả nước học “lễ” mà không có nội dung học , không có sách giáo khoa, và bói không ra thầy dạy “lễ”.    

Khẩu hiệu Tiên học lễ, hậu học văn ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám

Cái quy tắc cốt lõi

Phương châm “tiên học lễ, hậu học văn” thâm nhập nước ta rất sớm: trước khi ta có Văn Miếu. Không thể thay đổi bất cứ chữ nào trong cụm từ 6 chữ này mà không làm biến dạng (kể cả làm méo mó, xuyên tạc) nghĩa gốc của cụm từ.

Bởi vậy, không thể tuỳ tiện giải thích chữ “lễ” khi nó nằm ở phương châm trên.
“Lễ” đưa quy tắc ứng xử (giao tiếp), trước hết là với bậc trên, rồi đến bậc ngang hàng và bậc dưới. Trẻ em chủ yếu ứng xử với bậc trên. 

Vậy thì quy tắc thép khi ứng xử với “bậc trên” là: Kính cẩn (khúm núm) và Tuân phục (cấm cãi). Thay đổi quy tắc này thì chữ “lễ” của đức Khổng Tử sẽ thành chữ “lễ” mà cá nhân ông A hay bà B nào đó, đang tuỳ tiện sử dụng ở thời nay.

Bởi vậy làm rõ khái niệm mà “lễ” vốn có, chúng ta sẽ dễ thống nhất:
1)    được phép thay đổi “lễ” tới mức nào (để nghĩa gốc vẫn còn);
2)    Cần duy trì nó, hay cần thay thế nó.  

Té ra, một đứa trẻ có vô thiên lủng “bậc trên”
- Với người lớn, “bậc trên” cũng đủ nhiều.
Không chỉ có thần linh và Quân - Sư - Phụ... Mà ngay trong những quan hệ tưởng như bình đẳng, vẫn có trên - dưới: Anh là bậc trên của em (quyền huynh thế phụ), chồng bậc trên của vợ (xuất giá tòng phu). Vẫn phải áp dụng quy tắc kính cẩn và tuân phục.

- Với đứa trẻ, số “bậc trên” còn nhiều kinh khủng.
Đứa trẻ vừa sinh ra (khóc oe oe) đã thấy quanh mình toàn là bậc trên: anh chị, cha mẹ, ông bà… Bước chân vào mẫu giáo cũng vẫn vậy: Bạn ngang tuổi thì ít (chỉ 1-2 triệu), nhưng các anh chị lớp trên rất nhiều (20 triệu) và người lớn càng nhiều (60-70 triệu)… 

Một đất nước này bắt trẻ em học “lễ” (đúng nghĩa gốc), nó chỉ được phép duy nhất có một thái độ (kính cẩn, kể cả… khúm núm) và một cách cư xử (tuân phục… chết thôi)(!). Điều tâm niệm của đứa trẻ: Cố nhẫn nại đợi tới ngày mình trở thành “bậc trên”.  

Ngoài “lễ”, còn có vô số cách “ứng xử có văn hoá” khác

Đức thánh Khổng đưa ra “Lễ”, thịnh hành tới mấy ngàn năm ở phương Đông. Nhưng dẫu cao siêu đến đâu thì “Lễ” của Khổng Tử vẫn chỉ là một cách ứng xử trong muôn ngàn cách khác nhau mà con người sáng tạo ra.
Xin đưa ra 4 trường hợp làm ví dụ:

- Trước khi kinh Lễ ra đời, xã hội Trung Quốc (Việt Nam, Cao Ly, Nhật Bản…)  đã hình thành những cách giao tiếp đầy văn hoá rồi, chứ đâu phải là những xã hội hỗn loạn, dã man? Nói khác, xã hội sinh ra được đức thánh Khổng phải là xã hội văn minh tới mức nào đó, rồi chứ?   

- Những nước châu Á không du nhập đạo Khổng (Thái Lan, Singapore, Philippines, Indonesia…) vẫn tự sáng tạo được một nền văn hoá giao tiếp không thể nói là không tốt đẹp. Chưa phải lúc bàn: Các nước đó ngày nay hơn hay kém Việt Nam. 

- Những nước từng du nhập đạo Khổng (từng “tiên học lễ”), nhưng về sau phế bỏ chúng thì… nay ra sao? Khỏi cần dẫn chứng Nhật (bỏ Nho giáo sớm nhất), chỉ cần nêu Đài Loan và Nam Hàn, để chúng ta dễ so sánh với Trung Quốc (lục địa) và Bắc Hàn. 

- Phương Tây không dính dáng gì tới đạo Nho, nhưng không vì thế mà thiếu những chuẩn mực ứng xử đẹp đẽ, tới mức lan sang nhiều nước Á Đông. Đã có người cho rằng, tổ chức sinh nhật vui vẻ (cho người đang sống) vẫn “hay” hơn là làm cỗ lớn để cúng giỗ (người đã khuất). Bắt tay (khi gặp mặt hoặc từ biệt) dường như đã thông dụng hơn vái chào… 

Đừng quơ tất cả mọi giá trị cho “Lễ”

1) Muốn đề cao “lễ”, người ta sáng tạo nhiều cách lập luận - kể cả loại bỏ nghĩa gốc.
Ví dụ: Biết rằng thời nào trường học cũng dạy học sinh Đức và Tài. Thế thì chỉ việc quơ Đức thay chỗ “lễ” (và “văn” biến thành Tài). Có người coi “lễ” là lập trường cách mạng (Hồng), Thế thì phải học rồi. Thiếu “hồng” làm sao sống nổi dưới chế độ XHCN?

2)Ngày nay, “lễ” được nhiều người hiểu rất lơ mơ, thế thì cứ thay “lễ” bằng khái niệm lơ mơ hơn: Học “làm người”. Không học “lễ” sẽ thành… con vật chăng? Thế là phải học. 
Tóm lại, mọi cách lập luận cao siêu chỉ nhằm để đưa đến… đương nhiên trẻ em phải học “lễ” (theo nghĩa mới – mà người lớn tuỳ tiện sáng tạo ra). Thế là môn Chính Trị, Đạo Đức và môn Giáo Dục Công Dân kiêm nhiệm cả chức năng môn Luân Lý thuở xưa. 

3)    Tuy nhiên, hầu hết quý vị khăng khăng quan điểm “phải học lễ” đã tự ý quơ mọi cách ứng xử cao đẹp (mà nhân loại sáng tạo được cho tới nay) gán cho khái niệm “lễ” – là khái niệm ra đời từ nhiều ngàn năm trước. Làm sao sức nó chứa nổi? Làm sao nó tiêu hoá được khái niệm nam - nữ bình đẳng?

4)    Nếu cứ gán cho “lễ” những giá trị toàn diện mà quả thật nó không có, tất nhiên sẽ nảy ra nỗi lo: Không học “lễ” xã hội sẽ… loạn, cá nhân sẽ thành những vectơ vô hướng (!). 

Trẻ Việt Nam học “lễ” 30 năm nay nên không sợ xã hội sẽ loạn; không lo mỗi cá nhân thiếu định hướng… Chứ gần 200 nước hiện không cho trẻ học “lễ” - nếu vì thế mà loạn, thì cái loạn này mới kinh. Loạn tứ bề sẽ lan sang ta như thứ vạ lây, chứ chẳng chơi.

Thực tế, các nước đó không loạn, vì không dạy “lễ” họ dạy thứ khác. Do vậy, chúng ta chưa cần lo cho tương lai các nước đó, mà nên coi thử họ dạy cái gì thay cho “lễ”. Ít nhất là tham khảo các nước có thứ hạng trên ta về giáo dục và kinh tế. 

Chưa nên xoá các khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”

Đó là ý kiến riêng tôi. Bởi vì, xoá được hết ở khắp nước cũng tốn kém bạc tỷ (trăm hay ngản tỷ) chứ không ít. Trong khi đó, chúng ta chưa có khẩu hiệu nào thay thế.

Lãnh Nguyên