- Chuyên gia Ngân hàng Thế giới cho rằng việc có thông tin là một yếu tố hết sức quan trọng và Việt Nam cần phải cải thiện về vấn đề này cho người lao động.


VietNamNet tiếp tục giới thiệu nội dung buổi giao lưu trực tuyến về chủ đề: Từ gạo đến robot, Việt Nam đã chuẩn bị gì cho nguồn nhân lực tương lai? Mời các độc giả tiếp tục thảo luận với các câu hỏi của chuyên gia Ngân hàng Thế giới đưa ra TẠI ĐÂY và gửi ý kiến theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn.

Phần 1: Năng suất dưới đáy, nhà tuyển dụng cần bằng cấp hay kỹ năng?


Điều phối viên Christan Bodewig. Ảnh Văn Chung

"Cung - cầu" chưa tiệm cận gần nhau

Độc giả Trần Bình:
Thưa ông Christan, ông đã ở VN lâu rồi, ông có nhận xét gì với hệ thống hỗ trợ thông tin thị trường lao động hay là cách hỗ trợ để người lao động và người sử dụng lao động hiểu được nhau cũng như nhu cầu, nguyện vọng của nhau để đến được với nhau tốt hơn. Ông có thể nói thêm về việc đó được không? Ông đánh giá sự phát triển các cơ quan làm việc đó ở VN đã làm được ở mức độ nào rồi?

Điều phối viên Christan
: Xin cảm ơn anh về câu hỏi. Tôi đã làm việc ở VN được 3 năm. Gần đây chúng tôi đã bắt đầu nghiên cứu vấn đề như anh vừa nêu nhiều hơn. Chúng tôi đã có những cuộc nói chuyện với các đơn vị sử dụng lao động cũng như các cơ sở giáo dục ở các trường đại học để có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này cũng như là xem có những ví dụ về quan hệ đối tác hay là trao đổi thông tin giữa thị trường lao động, tức là những người sử dụng lao động với các trường đại học, các cơ sở giáo dục hay không.

Trong thực tế là có những ví dụ như vậy. Chúng tôi trao đổi với lãnh đạo của các đơn vị sử dụng lao động cũng như hiệu trưởng của các trường đại học. Họ đã đưa ra cho chúng tôi những mối quan hệ về đối tác, nhưng thường đó là những dự kiến mang tính đơn lẻ và cá nhân. Tức là chưa đạt mức độ phổ biến.

Nói cách khác, họ nói rằng trong một số trường hợp, trường cũng mời các đơn vị sử dụng lao động khuyên họ những chương trình giáo dục đào tạo phải đi như thế nào để đáp ứng được nhu cầu… Tuy nhiên, phần đông các đơn vị sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo không có sự trao đổi tương tác như những ví dụ như vừa rồi.

Và chúng tôi cũng thấy rằng hiện nay không có nhiều thông tin về thị trường lao động, tức là trên thị trường lao động đang có những cơ hội như thế nào. Hay cũng không có đủ thông tin mang tính hệ thống để cho các cơ sở giáo dục hay SV, HS biết được người sử dụng lao động cần gì.

Chính vì sự thiếu hụt những thông tin như vậy nên chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu để tìm ra câu trả lời và để các trường đại học, SV biết được đơn vị sử dụng lao động cần gì, muốn gì. Trên cơ sở đó, các trường có thể điều chỉnh chương trình đào tạo của mình, đồng thời cũng để SV đề nghị trường dạy cho họ những kĩ năng như vậy.

Rõ ràng, có thông tin là một yếu tố hết sức quan trọng và VN cần phải cải thiện về vấn đề cung cấp thông tin.

Chính những nước tạo ra được những kênh lưu chuyển thông tin hiệu quả và tạo ra những mối quan hệ đối tác hiệu quả. Tạo sự trao đổi giữa các công ty với các cơ sở đào tạo là một yếu tố rất cần thiết để đảm bảo rằng những SV học ở đó có được những kĩ năng mà người sử dụng lao động cần.

Độc giả Nguyễn Văn Tuyên: Với tư cách là một cá nhân đi tìm việc mà không nói đến họ với tư cách là một tổng thể, một thành viên của một khối lớn lực lượng lao động, nhân lực. Nên do đó, tôi chỉ lấy ví dụ vài năm gần đây ở VN mỗi năm có khoảng 500 cuộc đình công bất hợp pháp. Thế thì, đã có nhà sử dụng lao động nào đến hỏi hiệu trưởng các trường làm thế nào để chúng tôi hạn chế, phòng ngừa những cuộc đình công đó hay không? Vấn đề khác là, qua nghiên cứu của chúng tôi, chúng tôi cho rằng hiện nay vấn đề ách tắc trong việc sử dụng lao động, trong việc xây dựng mối quan hệ hài hòa chính là vấn đề nóng hơn cả vấn đề đào tạo, nguồn nhân lực, hơn cả kết quả sử dụng, năng suất của họ như thế nào. Vừa rồi, Quốc hội cũng thông qua được 2 luật mới về bảo vệ người lao động, hi vọng sẽ giải quyết ổn định hơn mối quan hệ lao động, nhưng theo quan điểm của chúng tôi, chúng tôi cho rằng nguyên ngân sâu xa chính là sự yếu kém và sự không đáp ứng kịp thời của những trường đại học trước nhu cầu hiện đại hóa được quan hệ lao động trong thực tế. Chúng tôi cho rằng đó là một trong những vấn đề quan trọng nhất hiện nay trong thị trường lao động.

Nhà báo Hoàng Hường: Ý anh nói là sự bình đẳng giữa chủ lao động và người lao động?

Độc giả Nguyễn Văn Tuyên: Không, ở đây tôi muốn nêu một vấn đề cụ thể hơn, mà mọi người đều biết là quan hệ người lao động hiện nay. Người lao động đang đình công bất hợp pháp như thế, cả quốc gia cũng đã tập trung vào sửa nhưng chúng tôi cho rằng việc đó vẫn chưa phải là vấn đề cơ bản. Vấn đề cơ bản hơn chính là chúng ta phải có những cải cách giáo đục đào tạo để có nguồn nhân lực biết chung sống hòa bình với nhau, thương lượng với nhau tốt hơn, có quan hệ hài hòa với nhau tốt hơn nữa. Đó mới là điều quan trọng và là mối quan tâm của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.


Chuyên gia cao cấp Mai Thị Thanh. Ảnh Văn Chung

Chuyên gia cao cấp Mai Thị Thanh:
Thực ra, vấn đề về quan hệ giữa người lao động với các doanh nghiệp thì tôi không phải là chuyên gia nên không thể trả lời trực tiếp nhưng qua những cuộc phỏng vấn các đơn vị sử dụng lao động. Chúng tôi luôn hỏi họ rằng những phẩm chất nào ở người lao động mà họ tìm kiếm, họ nói rất rõ những phẩm chất, ví dụ như đối với những lao động làm trong công xưởng hoặc dây chuyền sản xuất… họ rất cần khả năng kỷ luật, có ý thức làm việc, yêu nghề. Cái đó cũng thể hiện nguyện vọng của họ làm sao để giữ được người lao động. Thực ra, những cuộc đình công hay đàm phán đối với các doanh nghiệp cũng mất khá nhiều chi phí liên quan. Đối với người lao động, đó cũng là thời gian không được ổn định. Quay trở lại câu hỏi của anh Tuyên là ‘trong nhà trường có dạy những kĩ năng này hay không’ thì tôi nghĩ là còn dài. Phần lớn khi hỏi, các đơn vị sử dụng lao động đều nói rằng dù bằng cấp là quan trọng nhưng điều họ muốn biết là người lao động đó sẽ làm việc như thế nào, sẽ tương tác với các cán bộ còn lại trong tổ chức như thế nào và có khả năng thích ứng với văn hóa của tổ chức mới hay không, có thể đóng góp vào kết quả của tổ chức hay không. Vì vậy, họ thường vẫn muốn dành một thời gian để thử việc để đánh giá ứng cử viên trước khi họ giao công việc.

Nhà báo Hoàng Hường:
Theo quan điểm của bà, sở trường và sở đoản của các SV, người lao động Việt Nam là gì ?

Chuyên gia cao cấp Mai Thị Thanh: Thực ra cũng chưa có một so sánh cụ thể nào về năng lực của SV Việt Nam so với quốc tế. Trước đây, WB cũng giúp Bộ Giáo dục làm một nghiên cứu nhưng ở mức cấp tiểu học. Trong đó, mặc dù không phải là so sánh quốc tế nhưng có dùng những công cụ tương đương với những nghiên cứu so sánh quốc tế. Nhưng chúng tôi chỉ nghiên cứu trong 2 lĩnh vực hẹp là Toán và đọc hiểu tiếng Việt.

Kết quả cho thấy HS Việt Nam tương đối tốt, tuy nhiên ở mức độ yêu cầu cao của việc giải quyết bài Toán hoặc những kĩ năng về giao tiếp ngôn ngữ ở trình độ cao, có thể hiểu ngầm được ý của tác giả hay dùng kinh nghiệm của mình để chia sẻ thì vẫn còn rất nhiều HS Việt Nam chưa đạt được mức cao như vậy. Hiện nay VN cũng đã tham gia các nghiên cứu quốc tế như nghiên cứu PISA cho học sinh 15 tuổi, đã làm vào tháng 4/2012. Rất hi vọng là đầu tháng 5/2013, chúng ta sẽ biết được kết quả so sánh HS VN với các nước trong khối OCD.

Thiếu thông tin trong tuyển dụng



Độc giả Đỗ Hữu Thịnh: Đã có đánh giá nào về vai trò của nhà trung gian trong tuyển dụng lao động? Hiệu quả của nhà trung gian ở VN so với ở nước ngoài ?

Điều phối viên Christan: Như tôi đã nói, việc đảm bảo thông tin là một yếu tố hết sức quan trọng, nên chúng ta có bất cứ chủ thể nào cùng tham gia vào để cung cấp thông tin giữa các bên cũng đều tốt cả, để giúp chúng ta có thể đạt được kết quả tốt hơn. Hiện nay, ở VN cũng có rất nhiều văn phòng hay những đơn vị tư nhân cung cấp thông tin về những vị trí tuyển người, tuy nhiên chủ yếu dành cho những ví trí ở cấp độ cao như nhân viên ngân hàng, công nghệ thông tin… nhưng lại không có nhiều thông tin tương tự như vậy cho lao động ở cấp độ thấp hơn hay cơ bản hơn. Cũng có một câu hỏi được đặt ra là những thông tin như vậy có được những người sống ở khu vực nông thôn tiếp cận không? Ngoài ra, cũng có thể đặt ra câu hỏi là ‘Chính phủ có thể nỗ lực hơn nữa không trong việc cùng tham gia, đóng vai trò như một bên trung gian giữa người lao động và người sử dụng lao động?

Bây giờ tôi rất muốn nghe ý kiến của khán giả ở trong trường quay cũng như bên ngoài trường quay về việc khi các bạn đi tìm việc làm, các công ty có sẵn cho các bạn không ?

Độc giả Nguyễn Văn Toàn: Theo quan điểm của tôi, để trở thành một người lao động tốt phải là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố. Yếu tố đầu tiên là trường học nhưng không phải chúng ta quy hết trách nhiệm cho trường học, mà ngoài một môi trường giáo dục tốt ra chúng ta cần một gia đình tốt. Những đơn vị sử dụng lao động cũng phải có môi trường tốt và môi trường xã hội tốt. Ở VN, tôi nghĩ cũng có rất nhiều nguồn thông tin khác nhau cho người lao động như các văn phòng việc làm. Bất cứ ai quan tâm đều có thể đến đó. Một nguồn thứ hai nữa nhưng không chính thống bằng là thiết lập mạng lưới trao đổi giữa gia đình, bạn bè, họ hàng… về những cơ hội công việc mà họ biết được. Như vậy, chúng ta có thể biết được cụ thể hơn về những công việc đó, giống như họ là người trong cuộc làm việc cho những công ty đó. Và như vậy, chúng ta có được thông tin tốt hơn, từ đó tỷ lệ bỏ việc hay thay thế nhân viên sẽ thấp hơn. Nếu chúng ta suốt ngày chỉ có lên web tìm hiểu thông tin, cũng không biết rõ về công việc đó, rồi người sử dụng lao động chưa hẳn đã tin cậy chúng ta.

(còn nữa)

  •  Thực hiện: Ban Giáo dục