- Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ đã quyết định tổ chức tang lễ GS Vũ Đình Hòe theo nghi thức cấp cao. Sáng nay, 11/2, lễ truy điệu diễn ra trọng thể tạii nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, quận 3).


Nhiều người dân ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức (TP.HCM) đến đưa tiễn cụ Vũ Đình Hòe về nơi yên nghỉ cuối cùng.

Đọc điếu văn đưa tiễn cụ Vũ Đình Hoè, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, trưởng ban tang lễ nhắc lại:

“Trong 6 tháng làm Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục, dưới sự chỉ đạo của Hồ Chủ tịch, Cụ đã làm được những việc mang “tính tạo nền” cho hệ thống giáo dục mới … Cụ còn quan tâm nghiên cứu các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Đề xuất trong những công trình Cụ viết về nền giáo dục học những ý tưởng sư phạm cấp tiến đương thời như giáo dục vị nhân sinh, “rèn đúc tính khí” (nhân cách), định hướng thực nghiệm, bổ cứu học vấn suốt đời… mà ngày nay chúng ta nhìn lại vẫn thấy còn nguyên giá trị thời sự… Cụ Vũ Đình Hoè đã từ trần nhưng những gì cụ để lại khiến chúng ta như thấy Cụ vẫn đồng hành với dân tộc hôm nay”

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đọc điếu văn trong lễ truy điệu GS Vũ Đình Hoè
Ông Vũ Thế Khôi, con trai trưởng của cố GS Vũ Đình Hoè không ngăn được dòng nước mắt trước giờ động quan: “Vừa hôm trước, ba còn bảo Tết ra sẽ cùng con biên tập sách Một nền giáo dục bình dân để đưa in! Con đâu ngờ, ba điều ước nguyện đầu xuân về giáo dục là dòng tâm huyết cuối cùng ba thổ lộ với đời”.

Cùng ngày, linh cữu GS Vũ Đình Hoè được an táng tại nghĩa trang TP.HCM.

Ngoài những đoàn cán bộ cấp cao của Nhà nước, đại diện các ban ngành trung ương và địa phương … nhiều người dân ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức ( TP.HCM) cũng đến để tiễn đưa người bạn cao niên sống hoà nhã, chân tình với bà con hàng xóm về nơi yên nghỉ cuối cùng.

GS Vũ Đinh Hòe sinh ngày 1/6/1913 tại làng Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, trong gia đình có truyền thống Nho học.

Ông được cử giữ chức Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục khi mới 32 tuổi.

Tháng 1/1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá I và từ tháng 3/1946, được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến cho đến tháng 9/1960.

Từ tháng 9/1960 ông chuyển về công tác tại tổ luật học thuộc Uỷ ban Khoa học Nhà nước (tiền thân của Viện luật học thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam) cho đến năm 1975 thì về hưu.

Theo kỷ yếu 100 năm ĐHQG Hà Nội, khi về hưu, dù không một huân, huy chương và tâm tư thì nhiều, nhưng ông không kêu ca, thắc mắc hay phiền lụy các cơ quan của Đảng và Chính phủ, kể cả những lần ốm thập tử nhất sinh.

Chỉ từ sau khi Đảng có chính sách đổi mới, danh tính Vũ Đình Hoè mới xuất hiện trở lại.Sau năm 1986, GS Vũ Đình Hòe chuyển vào sinh sống tại TP.HCM và tham biên soạn nhiều công trình lý luận phục vụ công cuộc đổi mới do Ban Khoa học Thành uỷ chủ trì.

Năm 1996, ông  được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Do tuổi cao, sức yếu, ông đã từ trần ngày 29/1/2011, tại Bệnh viện Chợ  Rẫy, TP.HCM.


              Ba điều ước của GS Vũ Đình Hòe

Điều đầu tiên: Trẻ em không bị bạo hành, được thương yêu và lại được hưởng điều 15 của Hiến pháp 1946 như từng được hưởng trong những năm Dân chủ Cộng hoà. Đó là “nền sơ học cưỡng bách và không học phí”.

“Và chí ít, ngày Chủ nhật, ông bà được nhìn thấy lũ cháu chắt nghỉ ngơi, vui chơi để phát triển hài hoà tự nhiên về thể lực, trí tuệ và tâm hồn đặng trở thành những chủ nhân ông mạnh mẽ, năng động và thông minh mà nhân hậu của đất nước mai sau”.


Điều thứ hai, người ông tuổi đã tròn trăm, trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời từng mong ước giản dị rằng, người già được con cháu và toàn thể xã hội kính trọng, chăm sóc để được yên vui và thanh thản hưởng tuổi trời.

Điều thứ ba: Mong nền giáo dục thực sự là “giáo dục vị nhân sinh”, nghĩa là phục vụ các nhu cầu thiết thực của mỗi con người về vật chất cũng như tinh thần, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững một nước Việt Nam dân chủ, văn minh và phồn vinh.

Không giải thích thêm bởi “có gì thì đã viết hết trong hồi ký”  (Hồi ký Thanh Nghị và Hồi ký Vũ Đình Hòe) trong phần viết ngắn gọn cuối đời, GS đã nhắn nhủ đừng quên nhiệm vụ “diệt giặc dốt” vẫn còn rất quan trọng.

Một sự trùng hợp tình cờ, theo kế hoạch năm 2011, Bộ GD-ĐT sẽ trình Chính phủ và phê duyệt các đề án liên quan đến nhiệm vụ “diệt giặc dốt” và nối tiếp phong trào tự học - được khởi xướng từ những trí thức Tây học những năm đầu thế kỷ 20, mà chàng trai Vũ Đình Hòe ngày đó là một hạt nhân tích cực.


Các đề án “xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2011-2020” và “xóa mù chữ giai đoạn 2011-2020” dự kiến phê duyệt trong năm nay.                                                                                                   


  •  Nhật Tân