- Đăng bức hình "cô Tấm" Nguyễn Thị Trường tự tay pha nước, rót chén trà ngát hương ấm áp duyên tình trao cho chồng  - GS Vũ Đình Hòe một ngày trước khi mất, báo Tuổi Trẻ gọi tên đó là "mối tình violet xuyên thế kỷ".


Duyên cớ của tên gọi, xuất phát từ câu chuyện "khoảng giữa những năm 1930, hằng tuần, cứ chiều thứ bảy, chuyến xe ca Hà Nội - Sơn Tây chuyển đến dinh Tuần phủ một lẵng hoa violet tím xinh xinh của chàng tân cử nhân luật dành cho thiếu nữ tên Trường, tuổi trăng rằm, con gái út quan Tuần".

Bóng hoa violet

Năm 20 tuổi, chàng sinh viên trường luật (khi ấy, sinh viên ngành luật, y rất đắt vợ, với câu lưu truyền "phi cao đẳng bất thành phu phụ..") được gia đình chấm cho một vài mối con nhà quyền quý.

Nhưng, mối thì không được xem kỹ "cả dáng dấp và cách ăn nói", mối thì không hợp cung cách ứng xử, nên ông bố "đành bỏ cuộc" mai mối để cậu con trai tự lo.

"Và vô tình, ông đã giải phóng cho bọn trẻ trong lĩnh vực hôn nhân" - chàng luật sư kể́ lại.

Và chàng xác định "có nghề trong tay đã rồi hãy vợ con".

Mối tình với người vợ tào khang đã gắn bó với mình qua nhiều biến động bão táp của cuộc đời, được chàng gọi ví là đến từ "duyên trời" và bà Nguyệt không ai khác, là người chị dâu họ tên Bích (người phụ nữ hiền lành, cung kính gia đình nhà chồng, nhưng không được hưởng nhiều hạnh phúc của tình yêu thực sư bởi những nghiêm khắc của gia giáo).

Buổi giáp mặt đầu tiên với "cô Tấm" là lúc chàng cử nhân đỡ lọ hoa cẩm chướng do mình mua tặng chị Bích.

Lần ấy, chàng khá ấn tượng với cách sắp xếp hài hòa màu sắc hoa của thiếu nữ.

Lần gặp mặt thứ hai là  khi tới thăm cả gia đình vào dịp Tết, chàng mua bó hoa to (laydơn, cúc, thược dược) mừng người già và cụm hoa violet tặng những người con gái trong gia đình.

"Đi tham quan khu dinh, liếc vào phòng các cô, tôi nhìn thấy cụm hoa màu tím xinh xẻo được đặt vào một cốc đĩa pha lê rất xứng, nghĩ bụng chắc là ý tứ tế nhị của cô Trường!".

Cho đến cuộc đi chơi ở đền Và - núi Tản Viên thì cả hai đã được người chị dâu tinh ý, mạnh bạo tạo điều kiện được thoải mái tìm hiểu nhau. 

Những câu chuyện hai người nói với nhau hôm ấy đã được chàng trân trọng ghi lại trong cuốn Hồi ký Thanh Nghị sau này.

Sau khi nói chuyện trông cháu, thêu thùa, đan áo len, đọc họa báo tiếng Pháp với các bài hướng dẫn tập thể dục và những mẫu cắt may y phục phụ nữ, trẻ em ..., chàng luật sư hỏi: "Cô Trường thích màu gì nhất?".

Ngập ngừng, cô đáp:

- Em thích màu tím nhạt.

-  Như hoa violet, phải không?

Cô bẽn lẽn, khẽ gật đầu và thỏ thẻ:

- Cả hoa Pensee nữa ạ.

- Vâng hoa này có cả hai màu tím, vàng trộn lẫn hài hòa...

Bỗng chị Bích tự lúc nào đã đứng ngay sau lưng hai đứa, nói xen vào:

- Hoa cúc, hoa sen, hoa thược dược, không đẹp à?

- Đẹp chứ ạ, cô Trường vội đáp. Hoa nào em cũng thích. Chả là vì anh...anh...anh đây hỏi em thích màu gì nhất?

Tôi đỡ lời:

- Tôi cũng rất ưa hoa pensee, violet, chị ạ. Màu thanh nhã mà dáng mảnh mai, nho nhỏ, xinh xinh, óng ả, nhẹ nhàng, mịn mà như nhung ấy!

Cô Trường đỏ bừng mặt, đứng lên chạy thoăn thoắt, biến mất.

Hai người đính hôn suốt ba năm và vẫn muốn kéo dài "quãng thời gian say sưa nhất đời, không bợn chút tục lụy".

Chủ nhật mỗi tuần, hai người gặp nhau ở Sơn Tây hoăc Hà Nội.

Tặng phẩm cho nàng là hoa tươi, tự thân chàng đến làng Ngọc Hà chọn ở vườn quen.

Còn nàng gửi tặng chàng hoa thêu khăn, hoa tết lụa và cả hoa đan len.

"Thơ tình tuổi 80"

Sau ba năm “trăng mật chay tịnh, say sưa nhất đời, không bợn chút tục lụy - xin thề!” (lời chàng trong hồi ký) , đến năm cô tròn 18, họ cưới nhau.

Cùng nhau vượt qua thăng trầm thời cuộc biến động, cuộc sống vợ chồng chàng cử nhân luật "luôn là tấm gương sáng cho con cháu", theo lời kể của người cháu gái thân thiết Vũ Thị Tuyết.

Là tiểu thư khuê các, con gái út cưng chiều, trong kháng chiến chống Pháp gian khổ, đặc biệt 3 năm đầu, khi chồng làm việc không lương, một mình người vợ trẻ đã đảm đương giang sơn nhà chồng, lội ruộng cấy lúa, đứng lò sao chè, nuôi dê vắt sữa, cuốc vườn tăng gia rau đậu... để nuôi gia đình 14 miệng ăn cho chồng yên tâm lo việc nước.

Gọi bà là “cô Tấm của tôi”, trong cuốn Hồi ký Thanh Nghị, GS Vũ Đình Hòe đã dành cho vợ quyền tự tay viết chương "Vợ tôi học làm dâu".

"Cô Tấm" mới học qua bậc tiểu học thời Tây, chưa bao giờ làm thơ, thuở nhỏ thuộc lòng cả tập thơ của Thế Lữ, về già lại thuộc lòng thơ của nữ sinh Xuân Quỳnh, nhất là những bài viết về người chồng Lưu Quang Vũ và mẹ chồng.

 Khi qua tuổi “cổ lai hi”, bà đã thảo vài nét chân dung “hoàng tử” của mình trong bài thơ viết riêng cho chồng.

"Thân cao dong dỏng: thoáng dáng tùng

 Tráng kiện in màu da hung hung

 Cặp mắt thông minh, giàu nghị lực

Nụ cười tươi mát đượm bao dung

Khoan thai chân bước, tâm thanh thản,

Giọng nói dịu êm ấm áp lòng.

Cử chỉ hào hoa thêm tao nhã

Ung dung đĩnh đạc nét nho phong".

Mối lương duyên trọn nghĩa vẹn tình đã được con cháu soạn bằng câu đối do trưởng nam soạn dâng lên hai cụ nhân kỷ niệm lễ cưới kim cương:

Gái sắc, trai tài, vàng đá sắt son tình một thuở
Chồng đương, vợ đảm, kim cương chói lọi nghĩa trăm năm.


  • Vân Phong