- Các trường ĐH,CĐ và Học viện đã có buổi tọa đàm với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tìm câu trả lời cho những lo ngại về người lao động, đặc biệt là sinh viên tốt nghiệp ra trường thiếu hụt nhiều kỹ năng cần thiết cho công việc.


Không khí buổi tọa đàm trực tuyến


Những thiếu hụt người lao động làm việc của lao động Việt Nam được ông Christian Bodewig, Chuyên gia Kinh tế cao cấp và Ðiều phối viên Quốc gia về Phát triển Con người của WB tại Việt Nam chỉ ra tại “Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2013”.

Cụ thể, lao động Việt Nam gần như thiếu hụt hoàn toàn những kỹ năng cần cho các công việc cao cấp. Nhóm các kỹ năng của người lao đồng gồm: văn phòng, quản lý, chuyên môn, kỹ thuật chiếm tỷ lệ % bị các công ty than phiền nhiều nhất từ khoảng 56% đến hơn 80%....

"Nhập khẩu" chưa đủ

Bà Mai Thị Thanh, Chuyên gia cao cấp về giáo dục của WB tại Việt Nam cho rằng, các trường ĐH, CĐ và Học viện ngoài việc xác định được sứ mạng của mình thì giáo trình, phương pháp giảng dạy cần đổi mới. Cùng với đó, cần có cơ chế đánh giá, khen thưởng tạo động lực để cái mới được áp dụng có hiệu quả....

Một giảng viên trẻ thuộc ĐH Cần Thơ nhìn nhận: “Sứ mệnh của trường là đào tạo nguồn nhân lực cao, đáp ứng nhu cầu xã hội. Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng giáo trình và đổi mới cơ chế để nâng cao chất lượng đào tạo”.

Đại diện Trường ĐH Thủy lợi Hà Nội tiếp lời, những năm qua nhà trường đã “nhập khẩu” giáo trình của các ĐH Mỹ để biên soạn thành tài liệu giảng dạy cho SV. Trường cũng thường xuyên cử giảng viên đi học tại Singapore, Mỹ và mời các giảng viên nước ngoài về trường giúp đỡ.

Một chuyên gia nghiên cứu hiện cũng là giảng viên cho khoa Du lịch của Viện ĐH Mở Hà Nội chia sẻ: Ngoài “nhập khẩu” giáo trình, khoa này thường xuyên mời quản lí của các nhà hàng, khách sạn, công ty lữ hành giúp đỡ giảng dạy cũng như tham gia biên soạn tài liệu giảng dạy cho SV.

Ngoài việc "nhập khẩu" giáo trình - các trường ĐH đều nỗ lực xây dựng chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu...

Giám đốc Đặng Kim Vui ĐH Thái Nguyên cho biết: “Các trường trực thuộc đã và đang cố gắng cắt bỏ các môn lý thuyết, hàng năm tăng cường các đợt cho SV đi thực tế tại các doanh nghiệp, bệnh viện,… trên địa bàn để bổ sung những kỹ năng từ thực tế”.

Cách giúp SV tiếp cận thực tế của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM là hàng năm trường tổ chức ngày hội việc làm. Tại đây các doanh nghiệp, nhà trường và SV được gặp gỡ để trao đổi về công việc cũng như cùng xây dựng giáo trình....

Trước yêu cầu ngày càng cao của nhà tuyển dụng - các trường cũng đã nỗ lực đổi mới phương pháp, nâng chất lượng dạy và học, nhưng quá trình thực hiện cũng gặp không ít khó khăn.

Giải quyết mối quan hệ "3 bên"


Đại diện ĐH Huế nêu thực tế: “Do cơ chế tài chính của nhà trường có hạn nên muốn thay đổi cũng khó. Hơn nữa, khung chương trình đào tạo của Bộ GD-ĐT còn nhiều môn lý thuyết. Các trường không đủ thời gian nếu muốn giảng dạy các kỹ năng cho SV”.

“Do là ĐH vùng, ít doanh nghiệp lớn, sản xuất nhỏ lẻ gây khó khăn cho SV nếu muốn tiếp cận công nghệ, kỹ thuật cao”- là khó khăn ĐH Thái Nguyên đang đối mặt.

Mong muốn xác định nhu cầu thực sự của người sử dụng lao động nhưng khó khăn của ĐH Cần Thơ là chưa nhận được những phản hồi chính thức của các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn. Khảo sát của họ chủ yếu đến từ cá nhân các SV đã tốt nghiệp hay hội cựu SV.

Để người lao động thiếu hụt những kỹ năng đó, theo ông Christian: “Có lỗ hổng trong hợp tác giữa doanh nghiệp-nhà trường-người lao động. Vấn đề không thể giải quyết nhanh chóng và chỉ xuất phát từ một phía”.

Chuyên gia của WB cho biết những quốc gia như Hàn Quốc, Singapore đã giải quyết rất tốt mối quan hệ giữa người lao động - sử dụng lao động - đơn vị đào tạo.

Tới đây, WB sẽ có những hành động cụ thể để cùng với các trường, doanh nghiệp, người lao động đưa ra những sáng kiến nhằm nâng cao kỹ năng cho người lao động Việt Nam.

  • Văn Chung