Bên lề hội nghị tuyển sinh đại học ngày 18/2, câu chuyện mà báo giới quan tâm đặt ra với tân thứ trưởng phụ trách mảng giáo dục đại học của bộ GD-ĐT là di dời các trường đại học. Dưới đây là nội dung trao đổi giữa ông Bùi Văn Ga với báo giới về nội dung này.
Chưa chốt danh sách trường ĐH rời nội thành
Đại học dời đô, lơ mơ điểm đến
Trường ra ngoại thành, đất vàng dành ai?
GS Bùi Văn Ga. Ảnh: Thịnh Anh |
- Thưa Thứ trưởng, trong khi bộ tiêu chí đang trình làng lấy ý kiến nhưng đã có danh sách 12 trường ĐH, CĐ có tên trong danh sách phải di dời. Thứ trưởng cho biết độ chính xác của thông tin này đến đâu?
12 trường có tên phải di dời do Hà Nội công bố là dựa theo tiêu chí của Hà Nội. Bộ GD-ĐT cũng chưa có ý kiến gì về những trường này.
Việc quyết định trường "đi hay ở" thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng và địa phương quản lý.
Quan điểm của Bộ GD-ĐT: Những trường nào thấy quá nhỏ hẹp, không phát triển lâu dài được thì lãnh đạo nhà trường biết rõ.
Như vậy, nhiệm vụ của hiệu trưởng là phải đăng ký di dời.
Ví như Trường ĐH Luật TP.HCM khi thấy diện tích quá nhỏ, đã đăng ký dời sớm hơn quy hoạch vùng TP.HCM và đến nay họ đã được cấp đất.
Do đó, lãnh đạo nhà trường phải có sự nhạy bén chứ không thể nghĩ mình chỉ làm vài ba năm rồi nghỉ mà phải có trách nhiệm trong tương lai để Trường ĐH tồn tại hàng trăm, hàng ngàn năm chứ không phải vài năm.
Vì vậy, Bộ cũng muốn lãnh đạo các trường phải có tinh thần trách nhiệm để xác định mình phải di dời trong thời điểm nào và đăng ký với Bộ, với Chính phủ và TP Hà Nội để sớm có đầt.
-Phần lớn các trường đều có mong muốn thêm đất xây dựng cơ sở 2 và vẫn giữ được giữ lại khu đất vàng ở nội thành. Vậy quan điểm của Bộ như thế nào?
Hầu hết các trường đều có nguyện vọng như vậy.
Thế nhưng, chuyện đó phụ thuộc vào quy hoạch của thành phố ở hai vùng Hà Nội và TP.HCM.
Để di dời thì cần có kinh phí giải tỏa mặt bằng và đầu tư xây dựng. Nếu tiếp tục giữ đất trong nội thành thì sẽ rất khó khăn trong vấn đề tìm kinh phí xây dựng cơ sở mới.
Về phía Bộ GD-ĐT, đã có phương án cho một số trường tiếp tục ở trong nội thành.
Ví như Trường ĐH Y, ĐH Bách khoa...Việc di dời những trường ĐH này hết sức nặng nề. Hoạt động của trường Y gắn với các bệnh viện. Vì vậy, sẽ có trường vẫn tiếp tục duy trì cơ sở 1 ở trong nội thành và phát triển thêm cơ sở 2.
Với những trường khác, việc di dời thuận tiện hơn thì khi xây dựng cơ sở mới sẽ hoạt động phát triển tập trung hơn đảm bảo đủ điều kiện để phát triển lâu dài.
Sẽ không còn trường ĐH vài ngàn m2
- Thưa Thứ trưởng, việc xử lí khu đất vàng, các trường có được phép bán để thực hiện di dời hay trả lại cho UBND TP hay có phương án nào khác?
Vấn đề này thuộc thẩm quyền của địa phương quản lí đất đai hoặc Bộ Xây dựng về quy hoạch.
- Trong kế hoạch di dời các trường ĐH ra ngoại thành, Bộ đã tính đến phương án giảm đối tượng tuyển sinh và không giữ chân được số cán bộ giảng viên có năng lực?
Chúng tôi không nghĩ việc di dời sẽ khiến các trường khó khăn khi tuyển sinh hay không giữ được giảng viên giỏi. Vấn đề là khi các trường di dời ra ngoài thì sẽ có diện tích mặt bằng rộng lớn hơn để đảm bảo phát triển lâu dài.
Tương lai, sẽ không còn trường ĐH chỉ có vài ngàn m2. Trên thế giới, có những trường diện tích vài trăm ha thì mới phát triển lâu dài.
Vì vậy trường ĐH của Việt Nam dần dần cũng phải phù hợp với chuẩn, trước hết là chuẩn Việt Nam và dần tiến tới chuẩn quốc tế.
Giáo viên tham gia giảng dạy ở những trường này cũng ý thức được với trường có quy mô lớn thì bản thân cũng có điều kiện phát triển.
Thực tế, nhiều trường trong nội thành có diện tích quá chật hẹp không đảm bảo được chất lượng cũng như sự phát triển lâu dài.
- Việc di dời có tính đến tính đặc thù cũng như yếu tố văn hóa hay không?
Hiện nay, chưa có kết luận cuối về các tiêu chí: chọn trường nào để di dời.
Các trường cũng đặt nặng vấn đề truyền thống như tuổi đời, đặc thù ngành nghề,v.v…
Chúng tôi dự kiến đánh giá, chấm điểm từng tiêu chí và có những trọng số để xác định.
Tôi xin khẳng định, Bộ GD-ĐT có nhiệm vụ quản lý về chuyên môn, còn việc quy hoạch đất đai hoặc di dời trường nào là trách nhiệm của Bộ Xây dựng hoặc các thành phố trực tiếp quản lý đất đó họ xác định.
Tháng 3 ban hành tiêu chí xác định "trường đi - trường ở"
- Những tiêu chí chuyên môn để chấm điểm trường phải di dời cụ thể thế nào, thưa Thứ trưởng?
Các tiêu chí chuyên môn gồm: tuổi đời, truyền thống, số lượng sinh viên, số lượng giáo viên, diện tích mặt bằng.v.v...
- Vậy đã có họp chính thức giữa các cơ quan chức năng về vấn đề này?
Cách đây hơn 3 tháng, Chính phủ đã có buổi làm việc với Bộ GD-ĐT, Bộ Xây dựng, TP.Hà Nội, TP.HCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ sở của giáo dục, các cơ sở của y tế...bàn về vấn đề này. Sau buổi làm việc này,các Bộ đang tiếp tục triển khai phần công việc được giao.
Bộ GD-ĐT được giao nhiệm vụ xây dựng các tiêu chí "chấm điểm" để di dời các trường ĐH ra ngoại thành.
Khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành tiêu chí về mặt chuyên môn ngành giáo dục; còn các tiêu chí khác do các Bộ, ngành khác xây dựng.
Sau khi ban hành các tiêu chí, Chính phủ sẽ phải tổ chức buổi làm việc để các trường đề xuất phương án.
Dựa trên các tiêu chí đó, Chính phủ sẽ tổng hợp xác định trường phải di dời.
12 trường có tên phải di dời do Hà Nội công bố là dựa theo tiêu chí của Hà Nội. Bộ GD-ĐT cũng chưa có ý kiến gì về những trường này.
Những vướng mắc của trường trong mấy lần họp, Bộ cũng đã lắng nghe.
Trước mắt, khi triển khai di dời thì các trường thấy khó khăn di chuyển, thí sinh đi lại khó khăn.
Về phía Bộ GD-ĐT cũng rất mong muốn khi di dời các trường ra ngoại thành thì điều kiện giao thông đi lại giữa khu nội thành với các khu ĐH mới sẽ thuận lợi hơn.
Có thể tổ chức các tuyến xe bus, tầu điện để học sinh và giáo viên đi ra ngoại thành.
- Thực tế đã có trường, 10 năm không thực hiện di dời được. Điều này có giúp các cơ quan chức năng rút ra được bài học không tái diễn ở lần di dời này?
Quá trình thực hiện di dời thì khâu khó là giải phóng mặt bằng. Một số trường phải kéo dài thời gian là do không giải phóng được mặt bằng. Khi để lâu giá đất tăng lên thì ngân sách nhà nước không đảm bảo được.
Vì vậy cho nên vấn đề mấu chốt trong việc di dời này theo tôi là vấn đề giải phóng mặt bằng - nghĩa là phải giao đất sạch để các trường có thể xây dựng được.
Muốn có đất sạch thì phải làm gấp. Muốn làm gấp thì phải có nguồn vốn đủ lớn. Có thể lập "quỹ di dời trường ĐH" hay một khoản vay ODA của Ngân hàng thế giới để có nguồn vốn đủ lớn để làm luân phiên.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
• Kiều Oanh (ghi)