Không hài lòng với phương pháp giảng dạy cứng nhắc của các trường truyền thống cộng với nhiều bê bối lạm dụng học sinh gần đây, một số “Mẹ Hổ” ở Trung Quốc quyết định dạy con học tại nhà.

Anh Yuan Peikun – một ông bố đang dạy con học tại nhà cho biết: “Chúng tôi cảm thấy hệ thống giáo dục này đang làm hỏng con trai tôi. Nhiều thứ mà nhà trường đang dạy thật vô ích”.

Bản thân anh rất quan tâm tới những kiệt tác cổ của Trung Quốc như Luận ngữ của Khổng tử. Anh cho rằng những triết lý sâu sắc ấy của cuộc sống là điều bọn trẻ nên học. Bên cạnh hình thức học tại nhà do bố mẹ dạy, thậm chí còn nổi lên những trường tư nhân dạy học tại nhà.

{keywords}

Cặp sách của học sinh ở một ngôi trường ngoại ô Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Theo một cuộc khảo sát gần đây với 18.000 phụ huynh ở đại lục – những người quan tâm tới hình thức học tại nhà, có 2.000 phụ huynh đã bắt đầu thực hiện hình thức học tập này.

Khảo sát được tiến hành bởi Viện Nghiên cứu giáo dục thế kỷ 21 – một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Bắc Kinh. Dữ liệu khảo sát được thu thập qua các kênh trực tuyến khác nhau, trong đó có web giáo dục Tencent.com và các diễn đàn dành riêng cho mô hình học tại nhà.

Hệ thống giáo dục đặt nặng thi cử của nước này đang khiến bản thân các em và gia đình trở nên căng thẳng. Theo khảo sát này, trong số những phụ huynh chọn dạy con tại nhà, có hơn một nửa 54% quyết định thực hiện là do họ phản đối triết lý giảng dạy của các trường truyền thống. Những người khác thì cho rằng ở lớp học bình thường, tốc độ bài giảng quá chậm (10%) và con cái họ không được quan tâm đầy đủ (7%).

7% phụ huynh cho biết con họ sợ cách học truyền thống. Tuy nhiên, 6% khác chia sẻ rằng họ chọn học tại nhà là vì các lý do tôn giáo.

Trong khi đó, số trường hợp bị lạm dụng ở Trung Quốc ngày càng được phanh phui nhiều hơn, khiến dư luận phẫn nộ. “Tôi nghĩ bọn trẻ bị tổn thương về tinh thần và thể chất ở những trường mầm non truyền thống” – anh Zhang Qiaofeng, một phụ huynh khác nhận định.

Khảo sát cũng cho biết 41% phụ huynh dạy con tại nhà sẽ tiếp tục phương pháp này đến khi con học trung học. Khoảng 1/3 dự tính sẽ cho con đi du học, trong khi 1/3 còn lại nói rằng họ vẫn cho con tham gia kỳ thi đại học của Trung Quốc.

Mặc dù quyền dạy con học tại nhà của các bậc phụ huynh không chính thức được đưa vào luật, song học tại nhà bây giờ không còn là một hiện tượng lạ ở Trung Quốc. Trường hợp nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Zheng Yuanjie dạy con học tại nhà cách đây vài năm đã giúp đẩy mạnh sức hấp dẫn của hình thức học tập này qua các phương tiện truyền thông.

Kết quả khảo sát nói rằng hơn một nửa trẻ học tại nhà từ 4-10 tuổi và khoảng 62% các em là con trai. “Các cậu bé thường táo bạo hơn trong việc thể hiện suy nghĩ của mình và thách thức các giáo viên. Giáo viên ở Trung Quốc thường gạt ra ngoài những ‘kẻ gây rối’ trong lớp học, vì thế bé trai thường gặp nhiều bất lợi khi đến trường” – bà Yuan Fangyan, giám đốc dự án ở Viện Nghiên cứu giáo dục thế kỷ 21 cho hay.

Cần chuyên nghiệp hơn

So với Mỹ - quốc gia có hơn 2 triệu trẻ học tại nhà tính tới năm 2010, thì ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, học tại nhà vẫn còn đang chập chững những bước đầu tiên.

Bà Yuan cho rằng những phụ huynh áp dụng phương pháp học tại nhà chưa được nhận những hướng dẫn đầy đủ và chuyên nghiệp. “Họ cần được tiếp xúc với nhiều nguồn hơn, trong đó có cả sách giáo khoa và sách hướng dẫn phương pháp”.

Bà cũng thừa nhận, sự phổ biến của xu hướng này thật đáng khích lệ. “Cha mẹ bắt đầu quan tâm nhiều hơn trong việc tập trung vào kỹ năng đọc và các môn nghệ thuật, cũng như tôn trọng sự tự do và suy nghĩ của trẻ” – bà nhận xét.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn lo ngại rằng học tại nhà có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển tâm lý của trẻ do thiếu sự tiếp xúc với bạn bè cùng lứa.

“Tôi cho con tham gia nhiều hoạt động khác nhau nhiều nhất có thể để trau dồi kỹ năng giao tiếp cho cháu” – đó là cách làm của anh Yuan để bổ sung những yếu điểm của phương pháp này.

Ông Xiong Bingqi – phó giám đốc Viện Nghiên cứu giáo dục thế kỷ 21 cho rằng học tại nhà có thể mang đến một cuộc cải cách cho các trường học truyền thống. Tuy nhiên, theo ông cần phải có tiêu chuẩn nào đó để đánh giá khả năng giảng dạy của cha mẹ.

  • Nguyễn Thảo (Theo Wall Street Journal, Xinhua)