Theo TS Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc Quốc gia PISA Việt Nam, cũng như những quốc gia khác, chúng ta tham gia PISA không nhằm đánh giá kết quả học tập của từng cá nhân học sinh mà để tìm kiếm thông tin nhằm xác định giáo dục phổ thông của mình đang đứng ở đâu!

{keywords}
Bà Lê Thị Mỹ Hà

Bà Lê Thị Mỹ Hà nói:

Một số ý kiến bày tỏ sự nghi ngờ về tính khách quan của kết quả PISA Việt Nam. Tôi cho rằng đó là vì họ chưa hiểu về PISA. Nếu như không khách quan, chắc chắn mình đã bị huỷ kết quả. Chúng ta đã phải trải qua một thời kỳ thẩm định của PISA OECD rất ngặt nghèo. Bất kỳ một bước kỹ thuật nào họ cũng giám sát rất chặt chẽ.

Nếu họ có bất kỳ một sự nghi ngờ nào, chúng ta không được phép tiến hành các bước tiếp theo. Thực tế là mọi chuyện đã diễn ra khá suôn sẻ. Các trường, thầy cô giáo và học sinh tham gia kỳ khảo sát đều làm việc rất nghiêm túc, không có hiện tượng quay cóp, hay là tráo đổi học sinh…

Khi nghiệm thu, chúng ta đã trải qua một thử thách rất lớn. Trong quan niệm của OECD, Việt Nam là nước đói nghèo, lạc hậu, các chỉ số rất thấp, vì thế họ cũng nghĩ rằng kết quả của mình không cao. Vì thế họ kiểm tra rất kỹ khi nhận thấy hiện tượng “đột biến”.

Chẳng hạn họ kiểm tra dữ liệu rất khắt khe. Rồi họ còn kiểm tra khả năng ngẫu nhiên để xem học sinh VN có được “gà bài” hay không. Thậm chí họ còn mời hai chuyên gia tiếng Việt đọc độc lập những hồ sơ mà họ yêu cầu gửi qua bằng đường chuyển phát nhanh để xem có phát hiện được biểu hiện gian dối nào không… Khi không phát hiện được một chút gian dối nào, họ mới cho phép nghiệm thu và công bố kết quả.

Được biết Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho kỳ khảo sát PISA 2012, thậm chí các địa phương còn tổ chức huấn luyện để học sinh làm bài tốt. Dư luận cho rằng đây là một yếu tố khiến kết quả PISA của ta cao hơn nhiều nước phát triển. Bà nghĩ sao?

Tôi cho rằng đây là một sự hiểu lầm. PISA có một bộ tài liệu được phổ biến tới tất cả các nước tham gia PISA, do đó tất cả các nước đều bình đẳng về thông tin. Họ công khai kiến thức, kỹ năng mà họ sẽ khảo sát. Họ hướng dẫn toàn bộ quy trình kỹ thuật làm bài, dạng bài nào khoanh thế nào, trả lời ra làm sao.

Mọi người nghĩ mình tập huấn cho học sinh là luyện thi, nhưng thực tế chỉ là tập huấn kỹ thuật trả lời các câu hỏi: dạng câu hỏi có/ không, đúng/ sai, phức hợp thì khoanh thế nào, ở đâu; nhiều lựa chọn thì khoanh (1) hay khoanh (2)…

Trong kỳ khảo sát PISA 2012, các chỉ số của Mỹ, Anh và một số nước khác thấp hơn mình, trong khi ở ta nhiều phụ huynh bỏ tiền ra cho con du học ở những nước đó. Vậy phải chăng có sự ngộ nhận của phụ huynh, hay bản chất của giáo dục không nằm ở những lĩnh vực mà PISA kiểm tra?

Kết quả PISA là một sự bất ngờ. Không phải cứ muốn cao là được cao. Có nhiều yếu tố để ảnh hưởng tới kết quả, chẳng hạn học sinh mệt không thích làm bài thì nền giáo dục nước đó tốt đến mấy thì kết quả cũng ở mức độ vừa phải. Mỹ hay Anh cũng sẽ phân tích kết quả của họ, để kiến nghị phải có những chính sách giáo dục tốt hơn giúp khuyến khích học sinh học tập…

{keywords}

Học sinh trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội) làm bài kiểm tra tại lớp. 

Nhìn nhận sơ bộ kết quả PISA, bà thấy có những vấn đề chính sách nào mình cần điều chỉnh?

Học sinh của mình có những năng lực thấp hơn mức bình quân của học sinh OECD. Ví dụ năng lực vận dụng kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề thực tiễn.

Chẳng hạn, một bài toán thực tiễn lát nền nhà, sau khi tính toán thì học sinh chỉ ra được con số 18,2 hộp gạch. Câu hỏi là cần phải mua bao nhiêu hộp gạch.

Theo lý thuyết toán gần đúng, con số làm tròn sẽ là 18, nhưng trên thực tế nếu mua 18 hộp gạch thì sẽ lát không xong cái nền nhà, cho nên đáp số đúng phải là 19. Học sinh ta thiếu thực tiễn nên không có điểm, hoặc sẽ không đạt điểm tối đa dù tưởng như trả lời đúng.

Một cái yếu khác là khả năng lập luận, bày tỏ quan điểm của học sinh. Do không được dạy nên với những câu hỏi có yêu cầu này nhiều học sinh đã trả lời “Em không biết” hoặc “Câu này khó quá”… Đó là những thiếu sót mà ngay lập tức hệ thống giáo dục phổ thông cần phải điều chỉnh.

Những vấn đề cụ thể khác chúng tôi chưa phân tích được vì chưa đọc kỹ báo cáo của OECD. Chẳng hạn 13% học sinh được đánh giá năng lực cao của Toán thì rơi vào nhóm học sinh nào? Hoặc 14% yếu rơi vào nhóm học sinh nào. Do đó chưa thể nói vấn đề chính sách nào phải điều chỉnh vào thời điểm này.

Chuẩn bị cho PISA 2015 này sẽ thế nào, thưa bà?

Việc đổi mới kiểm tra đánh giá trong nhà trường hiện đã triển khai, mình sẽ tiếp tục đẩy mạnh đưa những cách đánh giá, cách tư duy vào trong nhà trường; động viên khuyến khích giáo viên học cách viết các câu hỏi PISA để ứng dụng vào nhà trường, cho học sinh làm quen. Mình sẽ chủ động biên soạn các tài liệu để cho giáo viên, cho cả công chúng biết để tham gia PISA 2015 mình sẽ phải tuân thủ quy trình nào. Từ PISA 2012, mình đã có Ban chỉ đạo PISA các cấp. Các Ban chỉ đạo này sẽ tiếp tục làm việc cho PISA 2015.

Chuẩn bị cho một kỳ PISA có tốn kém không?

Chúng tôi chỉ làm kỹ thuật, không làm về tài chính nên tôi không trả lời được câu hỏi này. Tôi chỉ biết chúng ta phải đóng phí là 160.000 Euro. Nhưng theo quan sát chủ quan của tôi thì sự tốn kém của chúng ta sẽ rất ít so với các nước có tham gia PISA khác. Một chuyên gia Canada cho biết, nước này phải chi khoảng 8 triệu USD cho một kỳ PISA. Tôi nghĩ chúng ta chỉ phải chi một phần rất nhỏ so với con số đó.

Cảm ơn TS Lê Thị Mỹ Hà!

Phạm Anh Tuấn - Washington DC, Mỹ: Lưu ý Việt Nam chuẩn bị rất rất nhiều cho PISA bao gồm lập các ban chuyên trách từ trung ương tới địa phương, cho các cháu học trước, làm trước đề mẫu...

Việc này cũng giống như mình đi làm xét nghiệm y khoa, bác sĩ bảo không ăn thì mình không ăn để kết quả được chính xác, đích thực. Mục đích của mình là để biết được thực trạng sức khỏe chứ không phải để làm ra vẻ một người béo khỏe béo đẹp với những người khác.

Nếu mà không biết thực trạng sức khỏe thì không thể nào biết được các căn bệnh trầm kha còn hay đã hết và nếu còn thì mức độ ra sao để còn tìm cách chữa.

PGS Văn Như Cương: Tham gia PISA một lần để xác định vị trí giáo dục phổ thông của mình đang ở đâu cũng là việc làm bổ ích. Nhưng mỗi lần tham gia PISA là thêm một lần tốn kém.

Nước mình còn nghèo, giáo dục còn lắm thứ phải chi tiêu. Nên chăng cần phải suy nghĩ lại việc cứ ba năm tham gia PISA một lần, liệu điều đó có cần không? Có lẽ chúng ta vẫn tham gia PISA, nhưng tần suất thưa hơn”.

  Theo Qúy Hiên (Tiền Phong)