Trước ý kiến của một ông bố đề nghị giải tán hội phụ huynh (theo Thông tư 55 thì gọi là Ban đại diện Cha mẹ học sinh), vẫn có những bậc cha mẹ cho rằng hội này là cần thiết cho các hoạt động phục vụ việc học hành, chăm sóc con trẻ. Vấn đề là hội phụ huynh cần phải hoạt động đúng vai trò của mình.

Bỏ Hội Phụ huynh là phiến diện?

Chị Thu Trang – một phụ huynh ở Hà Nội - nêu ý kiến, việc hội phụ huynh (HPH) đứng ra thu các khoản xã hội hóa để chung tay với nhà trường thực hiện một số công việc là cần thiết mặc dù không nên thu quá nhiều. 

“Nếu không thu thì nhà trường cũng khó thực hiện một số công việc như: khen thưởng học sinh (ngân sách không có), tổ chức một số hoạt động ngoại khóa, tham gia một số cuộc thi (ngân sách không đủ). 

Còn đầu tư xây dựng thêm cơ sở vật chất (CSVC) quả thật cũng cần vì ngân sách chỉ cho sửa chữa nhỏ, CSVC được cấp thường chậm, thiếu, không đáp ứng yêu cầu. 

Còn nếu nói Ban đại diện Cha mẹ học sinh (BĐD CMHS) thu theo kiểu BOT thì quả thật suy diễn theo kiểu quy nạp không hoàn toàn, và vì suy diễn như vậy mà đòi bỏ BĐD thì là phiến diện” - chị Trang bày tỏ.

{keywords}
Phụ huynh và giáo viên cùng chuẩn bị cho các con biểu diễn văn nghệ (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Anh Đức Nguyên – một phụ huynh có con học cấp 1 ở TP.HCM – chia sẻ, mặc dù không nằm trong BĐD CMHS nhưng anh rất chia sẻ và trân trọng những việc mà HPH đã làm cho các con. “Tất nhiên, việc HPH đứng lên kêu gọi đóng quỹ lớp hoặc các khoản phụ thêm để làm những việc như lắp điều hòa, mua quà tặng các thầy cô ngày lễ là có. Nhưng đa số phụ huynh lớp con tôi không phản đối chuyện này, một phần tôi nghĩ là do mức đóng góp đưa ra là hợp lý, các khoản thu chi rõ ràng, minh bạch”.

Ngoài ra, anh Nguyên cho biết, BĐD CMHS cũng là những người rất tích cực cùng giáo viên tổ chức, lo việc hậu cần cho các con trong các hoạt động ngoại khóa, hội hè, trong khi nhiều phụ huynh bận công việc, không thể tham gia được. “Nếu không có HPH thì ai sẽ làm những công việc này?” – anh đặt câu hỏi.

Là một ông bố tham gia BĐD CMHS đã 8 năm nay, anh Vũ Đình (Q.1, TP.HCM) thẳng thắn chia sẻ về vấn đề HPH đã thực hiện đúng vai trò của mình hay chưa.

Anh Đình khẳng định, trong quá trình tham gia anh luôn thực hiện đúng vai trò của mình – cố gắng là cầu nối giữa phụ huynh học sinh với cô giáo chủ nhiệm và nhà trường. 

“Thật ra, ít có phụ huynh nào muốn tham gia vào BĐD CMHS, có phụ huynh ủng hộ hoạt động của chúng tôi và cũng không ít phụ huynh không ủng hộ. Do đó, chúng tôi rất thận trọng trong việc thu tiền và sử dụng số tiền mà các phụ huynh khác đóng góp để sử dụng vào mục đích chung của lớp”.

Anh Đình cho biết, việc thu tiền được thực hiện rất tế nhị. “Chúng tôi chỉ kêu gọi những phụ huynh có điều kiện và những mạnh thường quân của lớp hỗ trợ các khoản thu, đặc biệt không thu tiền theo cách bổ đầu, tránh thu của các cháu có hoàn cảnh khó khăn, không nêu tên các cháu mà cha mẹ không tham gia đóng góp cho các cháu khác biết … và bản thân BĐD luôn là những người tiên phong ủng hộ nhiều hơn”.

Thậm chí, có những hoạt động, BĐD CMHS tự bỏ tiền túi để lo cho lớp mà không sử dụng tiền đóng góp của phụ huynh. Ngoài ra BĐD CMHS của lớp còn là cầu nối để thông tin cho các phụ huynh còn lại các thông tin về giáo viên bộ môn, về những giáo viên dạy giỏi… để phụ huynh có nhu cầu cho con mình học phụ đạo thêm.

“Trong một số trường hợp chúng tôi ghi nhận các nhận xét của phụ huynh hoặc học sinh về các giáo viên bộ môn mà các cháu chưa dám phản ánh để trao đổi với giáo viên chủ nhiệm nhằm giải tỏa các vướng mắc để việc học của các cháu đạt chất lượng hơn… Như vậy, theo tôi không thể nói là BĐD chỉ biết thu tiền vào các kỳ họp hay là “cánh tay nối dài” của nhà trường để thu tiền của phụ huynh …” – anh chia sẻ.

Theo anh, với hoạt động của BĐD CMHS của trường và của lớp tại trường các con anh học trong thời gian qua là không có gì sai phạm nghiêm trọng mà phải “khai tử”.

{keywords}
"Mọi phụ huynh đều nên có trách nhiệm, có tiếng nói đóng góp về quy chế hoạt động của Hội Phụ huynh..." (Ảnh: Thanh Hùng)

Vấn đề là trong việc thu tiền đầu năm nhà trường cần phân định rõ ràng các khoản thu để tránh sự hiều lầm của phụ huynh. 

“Với các khoản thu hộ, chi hộ, phải lấy ý kiến của phụ huynh và báo cáo lên cơ quan cấp trên quyết định trước khi thu. Phần còn lại là khoản đóng góp của phụ huynh cho các hoạt động của trường lớp trên tinh thần tự nguyện, ai có khả năng thì đóng góp, ai không có khả năng thì thôi, người có điều kiện đóng nhiều hơn để bù vào phần còn thiếu nếu thu không đủ, đặc biệt không có bất kỳ sự phân biệt nào đối với các cháu mà phụ huynh không có điều kiện đóng góp”.

Mọi phụ huynh đều nên có trách nhiệm

TS. Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội - cho rằng không nên bỏ HPH, bởi vì hội rất cần thiết để duy trì sự trao đổi giữa cha mẹ và thầy cô. 

“Tất nhiên, cha mẹ và thầy cô hoàn toàn có thể duy trì mối quan hệ cá nhân, nhưng HPH có ý nghĩa tập thể. Nếu các cha mẹ có cùng quan điểm thì sẽ tạo ra sự áp lực, kiểm soát, trao đổi với nhà trường mang tính chất tập thể và như thế thì sẽ tốt hơn” - bà Hồng đưa ý kiến.

Tuy nhiên, chức năng, nhiệm vụ, mục đích và ý nghĩa của HPH như thế nào thì lại tùy vào BĐD CMHS quyết định. Bà Hồng khẳng định “HPH phải đóng vai trò như người đối thoại, cùng chia sẻ trách nhiệm với thầy cô. Mục đích cuối cùng là làm sao cho con cái được học hành, chăm sóc chu đáo. Nếu HPH thực hiện sai mục đích, ý nghĩa của mình thì lúc đó tập thể phụ huynh phải có trách nhiệm lên tiếng. Ngay từ đầu năm học, phụ huynh phải họp bàn, thống nhất với nhau về ý nghĩa và trách nhiệm của HPH là gì, thu khoản nào, không thu khoản nào…”.

Bà Hồng cho rằng mọi phụ huynh đều nên có trách nhiệm, có tiếng nói đóng góp về quy chế hoạt động của HPH, để tránh tình trạng một số phụ huynh khoán trắng cho HPH muốn làm gì thì làm, đến khi có gì đó không vừa lòng thì lại kêu than. “Theo tôi, như thế là không công bằng”.

“Tôi không phủ nhận có những phụ huynh lợi dụng HPH để có những quan hệ với thầy cô, làm lợi cho con em mình. Có chuyện như vậy, nhưng đó không phải là mục đích, ý nghĩa ban đầu đặt ra. Cũng không phải tất cả phụ huynh đều đồng ý với cách làm như vậy”.

Là một phụ huynh, bà Hồng chia sẻ cách đây nhiều năm cuộc sống đơn giản hơn rất nhiều. Hoạt động của HPH cũng rất đơn giản: mỗi năm tổ chức cho các con đi tham quan 1-2 lần, liên hoan đầu năm cuối năm, cũng không có chuyện thu hộ nhà trường cái nọ cái kia.

Không phải là giải tán, mà cần thực hiện nghiêm túc

Bàn về vấn đề này, TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT ĐH FPT - cho rằng thực tế hiện nay, nhiều khi HPH có những hoạt động bị biến tướng, gây bức xúc cho một số phụ huynh khác. Tuy nhiên, theo ông, vấn đề không phải là giải tán HPH hay không, mà là phải duy trì HPH như Luật Giáo dục đã quy định và thực hiện nghiêm túc như điều lệ hoạt động BĐD CMHS mà Bộ đã ban hành.

“Nếu BĐD CMHS thực hiện đúng theo điều lệ mà Bộ đã quy định và kiểm soát chặt chẽ thì đỡ hơn rất nhiều” – ông nói.

{keywords}

"Bộ GD-ĐT có thể đưa thêm quy định những khoản đóng góp tự nguyện cần thu theo hình thức vô danh vào trong điều lệ hoạt động của BĐD CMHS..."

Theo ông Tùng, vấn đề HPH đang bị luẩn quẩn giữa việc học phí thì thấp trong khi kinh phí của Nhà nước có hạn chế nhất định, các trường lại chạy theo thành tích. “Thấy trường này xây được cái cổng đẹp thì trường mình cũng muốn, lớp kia có máy lạnh thì lớp này cũng muốn đóng góp… cứ chạy theo như vậy thì không biết khi nào mới có thể dừng được”.

Thực tế là phụ huynh thì muốn có cơ sở vật chất tốt hơn để phục vụ con em mình học tập nhưng trường hiển nhiên là không đủ ngân sách để trang bị những vật dụng như máy lạnh, sàn gỗ… thì lại phải xã hội hóa. Một số phụ huynh thì không vấn đề gì với các khoản đóng góp đó, nhưng không phải ai cũng nhất trí hoàn toàn. 

“Ngoài ra, HPH làm một số việc lẫn lộn giữa việc tự nguyện và bắt buộc, đẩy các phụ huynh vào thế không theo thì cũng ngại, theo thì bức xúc. Vì thế, cần phải xem lại điều lệ hoạt động của BĐD CMHS, quy định chặt hơn nữa. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã từng chỉ đạo Bộ GD-ĐT xem lại quy định liên quan đến vấn đề này”.

“Theo tôi, tất cả đều liên quan đến chữ tự nguyện, làm thế nào để tự nguyện phải thực sự là tự nguyện. Chúng ta không thể cấm ai đó muốn đóng góp cho giáo dục, nhưng phải là tự nguyện thực sự”.

TS. Tùng đưa ra giải pháp trước mắt: Bộ GD-ĐT có thể đưa thêm quy định những khoản đóng góp tự nguyện cần thu theo hình thức vô danh vào trong điều lệ hoạt động của BĐD CMHS. Nhà trường, HPH có thể vận động xã hội đóng góp để xây dựng cơ sở vật chất cho trường, có thể đóng góp theo dạng này sẽ nhận được ít kinh phí hơn thì nhà trường sẽ phải “liệu cơm gắp mắm”. Như thế sẽ mang đúng tinh thần tự nguyện – ông Tùng nói.

"Ông bố Sài Gòn đòi giải tán hội phụ huynh là không dũng cảm"

"Ông bố Sài Gòn đòi giải tán hội phụ huynh là không dũng cảm"

Tôi rất ủng hộ việc phản đối của anh Võ Quốc Bình. Chỉ có điều, tôi không cho rằng anh là người dũng cảm.

Nhà trường nói gì về việc ông bố đề nghị giải tán hội phụ huynh?

Nhà trường nói gì về việc ông bố đề nghị giải tán hội phụ huynh?

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Bình, TP.HCM, cho biết Hội Phụ huynh của trường không thu quỹ 6 năm nay.

Nguyễn Thảo