- Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay việc có nhiều giấy khen cho học sinh tiểu học như thực tế hiện nay là không trái với quy định.
Chiều 29/5, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, nhiều phóng viên nêu hiện tượng ở không ít trường tiểu học có hiện tượng gần như 'cháu nào cũng có giấy khen' cuối năm. Có em được học sinh giỏi môn Toán, có em giỏi môn Tiếng Anh hay giỏi môn Tiếng Việt...
Trước thực tế này, nhiều ý kiến đặt vấn đề liệu có tình trạng “lạm phát” giấy khen hay không?
Về việc này, Bà Hoàng Thị Minh Hương, Phó Trưởng Phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho hay, việc khen thưởng đối với học sinh tiểu học hiện làm theo quy định tại điều 16 Thông tư 22 ngày 22/9/2016. Theo đó, quy định rất rõ về các trường hợp khen thưởng cho học sinh vào cuối năm học.
“Cụ thể, đối tượng được khen thưởng là học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện, kết quả đánh giá các môn học. Tiêu chí để được khen thưởng cũng rất rõ ràng như các phẩm chất, năng lực phải được đánh giá tốt, các bài kiểm tra cuối năm phải được đánh giá từ 9 điểm trở lên.
Các học sinh có thành tích vượt trội hoặc tiến bộ vượt bậc ít nhất về một môn học hoặc một phẩm chất nào đó.
Ngoài ra, cũng có những khen thưởng cho những học sinh có thành tích đột xuất trong năm học, có thể diễn ra vào giữa năm, cuối năm... tùy thuộc vào thời điểm có thành tích đó.
Một đối tượng nữa được khen thưởng là những học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét và đề nghị cấp trên khen thưởng”, bà Hương cho hay.
Theo đại diện Sở GD-ĐT, khi Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 30, việc này không chỉ diễn ra ở Hà Nội mà còn có ở nhiều tỉnh, thành khác.
Đến năm 2016, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 22 quy định cụ thể hơn, rõ hơn đối với việc khen thưởng học sinh. Sở GD-ĐT Hà Nội cũng thành lập một đoàn kiểm tra chuyên đề về việc thực hiện Thông tư 22, Thông tư 30 đối với việc đánh giá học sinh tiểu học.
“Năm ngoái và năm nay, nhìn chung việc thực hiện Thông tư 22 và Thông tư 30 được thực hiện khá tốt và đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ và của Sở”, vị đại diện này nói.
Trước đó, những ngày gần đây khi mà nhiều trường tổ chức tổng kết năm học, một số phụ huynh băn khoăn với những tờ giấy khen của con mình khi thấy gần như 'cháu nào cũng có giấy khen'.
Thanh Hùng
Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ chấn chỉnh giấy khen
Giấy khen được xét tặng dễ dãi, điểm 10 nhiều còn do một phần thầy cô, nhà trường chấm điểm lỏng tay. Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ rà soát, chấn chỉnh tình trạng này, ông Nguyễn Đức Hữu, Vụ Giáo dục Tiểu học nói với Góc nhìn thẳng.
Vụ Tiểu học: "Giấy khen cuối năm không thể là tấm thiệp chúc mừng"
Đại diện Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) khẳng định việc biến tấu giấy khen cuối năm thành thiệp chúc mừng là chưa đúng theo quy định.
"Đây là giấy khen hay thiệp chúc mừng cuối năm học?"
Ở cấp tiểu học lại xuất hiện một loại giấy khen mới. Đó là tấm giấy đề hai chữ “Chúc mừng” của một trường tiểu học ở thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang).
Trường “xin lại” giấy khen của học sinh có “thành tích vượt trội 7 môn học”
Trường Tiểu học xã Gia Vượng được chỉ đạo gặp gỡ phụ huynh để "xin lại" tờ giấy khen học sinh "có thành tích vượt trội 7 môn học",
Giấy khen học sinh "có thành tích vượt trội" tới 7 môn
Mấy ngày nay, cư dân mạng đang chia sẻ để “cười” một giấy khen hết sức đặc biệt, đó là giấy khen của một trường tiểu học ở tỉnh Ninh Bình.
Phụ huynh bớt mặn mà với giấy khen
Tại nhiều trường tiểu học, số học sinh nhận được nhận giấy khen cuối năm đã ít lại. Thế nhưng, phụ huynh lại vui vẻ vì con không được giấy khen.
Ông bố tự làm giấy khen cho con 2 năm liền
Tấm giấy khen độc đáo này được một thành viên trên một diễn đàn dành cho phụ nữ đăng tải. Người đăng tải chính là cô của cậu bé 4 tuổi được bố tự làm giấy khen suốt 2 năm nay.