- Sinh năm 1990, chấp nhận từ chối cơ hội công tác vùng thuận lợi, bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu tình nguyện về công tác tại Mường Nhé, Điện Biên, một trong những địa bàn khó khăn nhất của cả nước.

Tôi hẹn trò chuyện được với Hiếu vào 19h30, sau khi anh vừa khám cho ca cuối ngày tại Trung tâm y tế Huyện Mường Nhé. Bệnh nhân là người dân tộc H’Mông, vào đây vì đau bụng và được chẩn đoán viêm đại tràng. Hôm đó đúng ngày Hiếu trực, ca trực kéo dài 24 tiếng, khác với ca 8 tiếng như ở vùng xuôi.

“Nếu cường độ công việc cao như ở tuyến trung ương thì thật sự không thể làm việc liên tục 24 tiếng được”, chàng trai sinh năm 1990 tâm sự.    

{keywords}
Bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu thăm khám cho bệnh nhi vùng cao.

Tốt nghiệp Trường ĐH Y Hà Nội năm 2014, Nguyễn Văn Hiếu được tuyển dụng về làm việc tại Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Thanh Nhàn. Tuy nhiên, khi biết đến dự án bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn (Dự án 585 của Bộ Y tế), Hiếu đã không ngần ngại viết đơn ngay và xung phong đến vùng nào xa xôi, những nơi trình độ dân trí thấp và đời sống nhân dân đặc biệt khó khăn.

Em sẵn sàng tình nguyện đến bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam, nơi nào thiếu nhân lực thì em xung phong được đến” - Hiếu viết như vậy trong lá đơn tình nguyện của mình.

Hiếu chia sẻ “Là một người trẻ, bản thân lại thích tham gia các hoạt động tình nguyện, em muốn đi để trải nghiệm, để giúp đỡ cho bà con vùng khó khăn”. Ngay từ khi còn là sinh viên, Hiếu đã thường xuyên tham gia các phong trào tình nguyện.

Quyết định như vậy đồng nghĩa Hiếu phải chấp nhận đánh đổi công việc ổn định và thuận lợi ở Thủ đô.

Thấy tôi tò mò về lý do, Hiếu giải thích “Có lẽ em sống đơn giản từ xưa rồi nên cũng không để ý đến chuyện kinh tế lắm. Thời sinh viên, các bạn ăn suất cơm 25-30 nghìn đồng nhưng em ăn suất 10-15 nghìn đồng mà đã thấy đủ và ngon rồi. Lúc viết đơn, trong đầu em chỉ nghĩ đến chuyện lên đường chứ không hề nghĩ được gì, mất gì”.

Trong điều kiện thiếu đội ngũ bác sĩ ở vùng cao, lá đơn của Hiếu nhanh chóng được chấp thuận. Tháng 8/2017, Hiếu được phân công về Mường Nhé, một huyện nghèo bậc nhất của tỉnh Điện Biên, thuộc danh sách 63 huyện nghèo của Dự án 585, cách Hà Nội 700 km.

Nơi đây, do cơ sở thiếu điều kiện, dù chuyên ngành Nội-Nhi nhưng Hiếu vẫn được bố trí làm việc với vai trò bác sĩ đa khoa.

Khó khăn, vất vả không làm giảm sút tinh thần của bác sĩ trẻ. Hiếu còn học tiếng dân tộc để tiếp xúc với dân.

“Trước khi lên đây thì nghĩ khó khăn, nhưng rồi dần cũng thành quen. Có lần, 2 vợ chồng bệnh nhân đều không nói sõi tiếng Kinh, tôi hỏi sao không chịu học tiếng Kinh à, người ta bảo là bác sĩ phải học tiếng H’Mông chứ.

Câu nói đấy cũng khiến mình phải suy nghĩ và quyết tâm học. Mình học những câu từ cơ bản để hỏi bệnh, câu nào khó thì ra hỏi đồng nghiệp trong trung tâm và dần rồi cũng biết. Khi mình nói được, bệnh nhân cũng thấy gần gũi và chia sẻ nhiều hơn”.

{keywords}
Bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Trung tâm y tế Huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên

Kỷ niệm cứu người “thần kỳ”

Bệnh nhân thì nhiều nhưng những ca đẻ non, suy hô hấp hay uốn ván khiến Hiếu nhớ hơn cả vì phải gắn bó với người bệnh lâu, có khi kéo dài cả tháng.

Kỷ niệm cứu người mà Hiếu cảm nhận như một sự thần kỳ là một ca uốn ván rốn sơ sinh.

“Đáng lẽ ra không phải vất vả nhưng trên này người dân không chịu đi tiêm phòng uốn ván. Thậm chí, cán bộ đến tận nhà vận động tiêm nhưng chồng không cho vợ tiêm, vì sợ có hại. Lúc con đẻ ra vệ sinh rốn không tốt phải đưa vào trung tâm. Thường những ca này đa số phải điều trị ở những nơi có điều kiện máy thở và trang thiết bị tốt.

Bác sĩ phải sát sao để hỗ trợ bệnh nhân kịp thời vì uốn ván thì lên cơn co cứng, co giật liên tục. Dùng an thần mạnh thì bé sẽ ngừng thở mà trong điều kiện không có máy thở sẽ dẫn đến chết. Còn không dùng an thần đủ thì cơn co giật kéo dài dẫn đến thiếu oxy. Uốn ván ở vùng sâu vùng xa điều kiện khó khăn thì gần như tỷ lệ điều trị sống chỉ khoảng 1%”.

Khi đó nếu chuyển ra bệnh viện tỉnh, đường xa, trên đường rung lắc nhiều, bệnh nhân bị co cứng liên tục kể cả có dùng thuốc an thần mạnh đến đâu. Trước đây, như lời các bác sĩ trên đây kể lại, cứ chuyển ca nào là ca đó không qua khỏi. Hiếu quyết định lần này không chuyển nữa và điều trị bằng những gì hiện có.

Hiểu được cơ chế trường hợp này, trước khi điều trị cho bệnh nhân, Hiếu đã lên tinh thần, động viên anh em điều dưỡng phải cố gắng trong vòng 2 tuần. Nếu qua được tuần thứ 2, bệnh nhi sẽ sống. Nhưng đến ngày thứ 5-7, mọi người đã rất uể oải, trong khi tình trạng bệnh thì diễn biến ngày một nặng hơn. Không cách nào khác, Hiếu phải động viên anh em nhớ đến tinh thần thống nhất với nhau từ đầu đề tiếp tục. Và rồi đến ngày thứ 14, không phải truyền an thần nữa và bé đã có thể bú mẹ được.

Bệnh nhân đó phải điều trị liên tục 15 ngày, bác sĩ chính chỉ có Hiếu, anh kể đến ngày thứ 15 gần như là kiệt sức.

“Em phải theo dõi bệnh nhân liên tục, sát sao. Không giống ở miền xuôi là mỗi 8 tiếng các bác sĩ đổi ca trực thay nhau và chăm sóc bệnh nhân tốt như nhau, trên này, cứ bệnh nhân nặng thì mình phải trực. Bởi khoa hiện có 3 người nhưng 2 bác sĩ mới ra trường đang diện thử việc, chưa thể giao trọng trách.

Chưa bao giờ em phải sát sao với một ca như thế trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn. Trong khi anh em không phải làm theo ca mà phải làm 24/24h. Rất may ca đó qua được. Nhưng sau đó, tất cả thấy được tầm quan trọng của một tập thể đoàn kết và khi mỗi người đều nỗ lực, đặt cái tâm lên đầu thì thành quả là không ngờ. Cứu được mạng người em cảm thấy rất vui, hạnh phúc khi những nỗ lực của mình được đền đáp. Và hơn cả là tình yêu với nghề tăng thêm gấp bội. Với bác sĩ có lẽ chỉ cần thấy bệnh nhân khỏi bệnh là vui hơn tất thảy”

Điều Hiếu cùng các đồng nghiệp vui nhất là chính gia đình bệnh nhân ấy sau khi khỏi thì tiếp tục phổ biến cho mọi người dân xung quanh sự cần thiết của tiêm phòng.

{keywords}
 

Sau chặng đường dù chưa phải là dài nhưng không quá ngắn, Hiếu chia sẻ không hề thấy hối tiếc. “Chỉ thiệt thòi nhất là không được ở gần vợ con và thi thoảng cũng có chạnh lòng nghĩ không chăm sóc được và vợ con thiếu thốn tình cảm người chồng, người bố”.

Không phải điều kiện ăn ở, sinh hoạt, xa vợ xa con có lẽ là khó khăn nhất đối với bác sĩ trẻ. Cách trở xa xôi, khoảng 2 tháng Hiếu xin về thăm vợ và con nhỏ một lần sau 24 tiếng di chuyển qua nhiều lần xe. Chưa kể, nếu mùa lũ, sạt lở đường thì còn lâu hơn.

Lập gia đình vào tháng 6/2015, hiện Hiếu có 2 con nhỏ, cháu lớn gần 2 tuổi, cháu bé mới tròn 4 tháng.

Vui vẻ và đầy lạc quan khi kể về những đứa con của mình, ít ai nghĩ, cả hai vợ chồng bác sĩ Hiếu đều mắc bệnh, ảnh hưởng không ít đến sức khỏe. Hiếu bị viêm cột sống dính khớp, có lúc ngay việc đi lại còn vô cùng khó khăn, sau một thời gian điều trị, bệnh đã ổn hơn nhưng vẫn ảnh hưởng không ít đến sức khỏe. Vợ Hiếu là cô giáo tiểu học dạy ở quê, cô bị u tuyến giáp phải phẫu thuật cắt tuyến giáp, phải dùng hormon thay thế cả đời do suy giáp sau phẫu thuật và mắc cả lao hạch.

Cả hai vợ chồng đều mắc bệnh mạn tính, Hiếu càng thấm thía được giá trị của cuộc sống, của tình người, của sự chia sẻ những điều tốt đẹp. Hiếu chỉ mong vượt qua được bệnh tât, có đủ sức khỏe để cống hiến nhiều hơn cho xã hội.

Hiếu nói: “Ở đâu thì trách nhiệm cứu người đều cao quý và thiêng liêng và không có sự khác biệt, ở đâu mình cũng cần phải cố gắng”.

Hiện, bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu cũng lọt vào danh sách 20 đề cử cho giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017 ở lĩnh vực Hoạt động xã hội.

Thanh Hùng 

10X “hạt tiêu” chinh phục các giải thưởng quốc tế

10X “hạt tiêu” chinh phục các giải thưởng quốc tế

Trong suốt gần 10 năm kể từ khi luyện những nốt nhạc đầu tiên, người cha vẫn đồng hành với con tại các lớp học, trên sân khấu hay theo chân con đi biểu diễn khắp châu Âu, châu Mỹ.

Gặp nam sinh 2 lần HCV quốc tế vừa trúng học bổng viện công nghệ hàng đầu thế giới

Gặp nam sinh 2 lần HCV quốc tế vừa trúng học bổng viện công nghệ hàng đầu thế giới

Hiếu nói mình tự “thức tỉnh” bản thân rằng huy chương vàng Olympic quốc tế thực ra cũng chỉ là một kỳ thi mà thôi và phải tiếp tục cố gắng.