Một trong những điểm mới gây tranh cãi trong dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, bổ sung là quy định sinh viên bắt buộc phải nằm trong Hội đồng trường (HĐT).

Theo Bộ GD-ĐT, quy định này nhằm tạo điều kiện cho sinh viên – đối tượng vừa là “khách hàng”, vừa là “sản phẩm” của trường đại học có thể phản biện hoặc góp ý về các chiến lược phát triển của nhà trường.

{keywords}
"Liệu sinh viên có đủ thời gian, năng lực, tự tin để cho ý kiến về chiến lược, chính sách của nhà trường hay không?" (Ảnh: Thanh Hùng)

Chủ tịch HĐT Trường ĐH Thủy Lợi, PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh cho rằng việc sinh viên tham gia vào HĐT nếu làm được thì rất tốt, tuy nhiên ông vẫn e ngại “liệu có hiệu quả hay không”.

Một vị Chủ tịch HĐT của một trường đại học khác ở Hà Nội cũng có cùng mối băn khoăn này. Những lý do được đưa ra gồm có: liệu sinh viên có đủ thời gian, năng lực, tự tin để cho ý kiến về các vấn đề mang tính vĩ mô như chiến lược, chính sách của nhà trường hay không. Trong khi, trên thực tế, tiếng nói của sinh viên vẫn được lắng nghe thường xuyên qua hội sinh viên, đoàn trường. "Liệu việc đưa đại diện sinh viên vào HĐT có gây chồng chéo?".

Giải đáp mối lo này, GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội khẳng định: “Về chuyện thời gian tham gia HĐT, các em có thể sắp xếp được. Còn nếu nói các em không đủ năng lực thì đó là ý kiến rất chủ quan, và đánh giá thấp sinh viên ngày nay”.

“Đã là trường thì phải có thầy và có trò. Nếu chỉ nhìn từ góc độ của người thầy thôi thì chưa đủ. Chính người trò mới là động lực để nhà trường phát triển. Cho nên rất cần những ý kiến của học trò, từ việc dạy cái gì, dạy như thế nào. Tiếng nói của sinh viên là phần không thể thiếu được của nhà trường” – ông Phạm Quang Minh khẳng định.

Ủng hộ đề xuất đưa sinh viên vào HĐT, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội nêu lý do: “HĐT là nơi đại diện các bên có lợi ích liên quan mà sinh viên là chủ thể. Sinh viên là một thành phần rất quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học và là một trong những bên liên quan quan trọng nhất.

Vì thế, tiếng nói của các em phải được lắng nghe. Việc sinh viên phải được có đại diện trong HĐT là hết sức cần thiết. Ở các nước, thành viên HĐT đều có mặt sinh viên. Khi các trường đại học được tự chủ, HĐT là nơi có trách nhiệm giải trình với xã hội để minh bạch các quyết sách, chiến lược, kế hoạch. Vậy thì người đại diện cho bên liên quan nhất là người học phải có mặt. Theo quan điểm của tôi, đó là chuyện đương nhiên, không phải bàn”.

Chọn được sinh viên thực sự phù hợp là điều quan trọng

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Minh Sơn, việc làm thế nào để sinh viên hoạt động có hiệu quả trong HĐT thì đó là việc mà Luật phải đưa vào, và các trường phải thực hiện liên tục.

{keywords}
"Quá trình tuyển chọn hay bầu cử sinh viên vào HĐT phải bảo đảm để tìm ra người phù hợp nhất" (Ảnh: Lê Văn)

Đồng tình với quan điểm của ông Sơn, TS. Hồ Đắc Nguyên Ngã, hiện đang giảng dạy và nghiên cứu tại ĐH San Francisco State (Mỹ), phân tích: trường học là một tổ chức phục vụ cho sự phát triển của xã hội, có ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều bên liên quan, trong đó có sinh viên, giáo sư, doanh nghiệp... Để nhà trường phát triển hài hòa, phục vụ tốt cho nhu cầu của tất cả các bên liên quan thì các bên đều nên có người đại diện.

Sinh viên trên 18 tuổi là có đủ năng lực tự quyết theo pháp luật, không có lý do gì bị xem là không đủ khả năng. Đương nhiên khả năng mỗi sinh viên khác nhau. Do đó quá trình tuyển chọn hay bầu cử phải bảo đảm để tìm ra người phù hợp nhất” - ông Ngã lưu ý

Cho rằng sinh viên vào HĐT là hoàn toàn hợp lý với thực tế, sinh viên Phạm Thế Hưng, Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đề xuất một số ý tưởng: Thứ nhất là tỉ lệ sinh viên tham gia vào HĐT phải đủ để đại diện đó thực sự có tiếng nói trong Hội đồng. Thứ hai, đại diện sinh viên bắt buộc phải được thành lập và tổ chức có tính độc lập với các thành phần khác trong HĐT và với Nhà trường, phải tự chủ và không nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng, chịu áp lực từ Nhà trường.

"Có như vậy, quy định phải có đại diện của sinh viên tham gia vào HĐT mới thực sự đem lại giá trị trong thực tế" - Thế Hưng khẳng định.

Còn Phạm Trà My, cựu sinh viên Học viện Quản lý Giáo dục, thừa nhận rằng số lượng sinh viên hiểu được tầm nhìn, sứ mệnh và chiến lược của nhà trường chiếm tỷ lệ rất thấp. Tuy nhiên, các trường không được phép phủ nhận và đánh giá thấp vai trò và ý kiến của sinh viên.

Điểm mấu chốt là phải tạo ra các hạt nhân là các sinh viên tiêu biểu, có tiếng nói, có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng sinh viên. Những hạt nhân này sẽ giúp nhà trường hiểu được tâm tư sinh viên, đồng thời giúp sinh viên cùng trang lứa hiểu được những định hướng của nhà trường”.

Theo Trà My, việc chọn ra được những sinh viên thực sự phù hợp là điều quan trọng.

Phạm Điệp Anh, Chủ tịch Hội sinh viên Trường ĐH Ngoại Thương, cũng đưa ý kiến: “Cá nhân tôi cho rằng sinh viên nên có quyền tham gia vào HĐT vì đây là thành phần quan trọng nhất của trường đại học. Đặc biệt, khi các trường bắt đầu thực hiện tự chủ, việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của sinh viên sẽ giúp nhà trường đưa ra các chiếc lược đúng đắn, kịp thời, phù hợp với tình hình chung”.

Theo Điệp Anh, ở các nước phát triển, Hội sinh viên giữ một vai trò rất quan trọng trong việc thu thập ý kiến sinh viên, phản ánh kịp thời với nhà trường. Trong khi ở Việt Nam, Hội sinh viên hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Những vấn đề của sinh viên chỉ được cập nhật qua các diễn đàn, buổi thảo luận thường được tổ chức 2 lần/ năm, hoặc thông qua việc chủ tịch Hội sinh viên tham mưu cho Ban giám hiệu. Song đó là một quá trình mất nhiều thời gian và không cập nhật.

Để sinh viên tham gia HĐT hiệu quả, nữ sinh này đề xuất, đại diện sinh viên tham gia HĐT phải là người chịu trách nhiệm về phong trào sinh viên (Bí thư Đoàn Thanh niên/ Chủ tịch Hội Sinh viên trường) để tránh thông tin chồng chéo.

Nguyễn Thảo – Thúy Nga

Nhiều tranh cãi về nhân sự trong hội đồng trường

Nhiều tranh cãi về nhân sự trong hội đồng trường

Góp ý dự luật Giáo dục sửa đổi, nhiều đại biểu dồn sự quan tâm đến việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn, thành viên của hội đồng trường bởi việc này cũng liên đới đến việc bầu hiệu trưởng.

"Cả bộ chỉ mình bộ trưởng đủ tiêu chuẩn làm chủ tịch hội đồng trường"

"Cả bộ chỉ mình bộ trưởng đủ tiêu chuẩn làm chủ tịch hội đồng trường"

"Trong Bộ Công thương thì may ra chỉ có 1 đồng chí đáp ứng được các tiêu chí của chủ tịch hội đồng trường là đồng chí bộ trưởng".

Đưa quyền phế truất hiệu trưởng của hội đồng trường vào luật

Đưa quyền phế truất hiệu trưởng của hội đồng trường vào luật

Nhiều ý kiến, đề xuất đã được đưa ra tại buổi tọa đàm góp ý sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học do Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức sáng 21/9.