Một tuần kỳ lạ, khi những vụ việc thầy đánh trò, học sinh đánh nhau xuất hiện nhiều chưa từng thấy, liên tục từ đầu tuần tới cuối tuần.

Học sinh… no đòn

“Bản đồ” các vụ bạo lực học đường diễn ra suốt từ Bắc chí Nam.

Vụ việc đầu tiên là ở Thanh Hóa: Ngày 21/10, một thầy giáo tiếng Anh của Trường THCS Quảng Đông (TP. Thanh Hoá) đã tát, đạp vào bụng học sinh. Gia đình sau đó đưa nam sinh đến trạm y tế chữa trị vết thương và làm đơn tố cáo. Thầy giáo đã bị phạt hành chính 2 triệu đồng và cơ quan chức năng đang đề nghị cảnh cáo, đình chỉ đứng lớp.

{keywords}

Trong khi đó, ở Thừa Thiên - Huế, thầy Lâm Minh Hào Trường Tiểu học - THCS Bến Ván (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc) đã đánh 6 học sinh tím bầm đùi, mông do các em nghịch trong lớp làm gãy ghế. Sự việc xảy ra tại vào sáng ngày 22/10. Thầy Hào đã phải chịu mức kỷ luật “cảnh cáo”, không được xếp làm chủ nhiệm lớp 7/1. Bên cạnh đó, thầy Cao Trường Sơn, Hiệu trưởng trường Tiểu học - THCS Bến Ván cũng sẽ bị xếp loại "không hoàn thành nhiệm vụ" vào cuối năm học 2016-2017 vì không điều hành tốt công việc.

Còn  Nghệ An, ngày 24/10 Phòng GD-ĐT ra quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với thầy Trần Văn Bình, giáo viên chủ nhiệm lớp 4B Trường tiểu học Kim Lâm (xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương) để làm rõ hành vi  đánh em Lo Vi Đăng (lớp 4B) khi lên bảng không làm được bài môn toán, khiến em bị tổn thương vùng sụn giữa khớp đùi và mông.

Tại Trà Vinh, nữ giáo viên Nguyễn Thị Trúc Ly xuất hiện trong đoạn clip ghi lại cảnh một giáo viên mầm non tát vào miệng cháu bé 3 tuổi khiến cháu khóc thét. Vụ việc xảy ra tại trường Mầm non Thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè. Vụ việc đang được xác minh làm rõ.

Không chỉ bị giáo viên dùng bạo lực, mà học sinh cũng sử dụng vũ lực với nhau. Nghiêm trọng nhất là vụ việc xảy ra tại Hà Nội, chỉ vì can ngăn nữ sinh bị đánh hội đồng, một nam sinh lớp 9 Trường THCS Quảng An (Quận Tây Hồ, Hà Nội) đã bị đánh hội đồng gây chấn thương nặng, dẫn đến tử vong. 

Đoạn clip dài hơn 2 phút ghi lại cảnh một nam sinh bị nhóm học sinh đánh hội đồng dã man xảy ra ở Hải Dương. Mặc dù nam sinh này đã khóc lóc, van xin nhưng nhóm học sinh vẫn không dừng lại, thậm chí còn tè bậy trước mặt… Ông Nguyễn Văn Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Tân (Kinh Môn, Hải Dương) cho biết nguyên nhân vụ việc một nam sinh của trường bị đánh hội đồng rồi tè bậy trước mặt vì không chịu nộp 5.000 đồng cho các học sinh lớp trên.

 Bắc Ninh thì có chuyện vì nói xấu nhau rồi lời qua tiếng lại, hai nữ sinh vốn là bạn thân cùng một lớp của Trường THCS Việt Đoàn (Tiên Du, Bắc Ninh) đã lao vào giật tóc, ẩu đả nhau sau giờ tan trường. Vụ việc được xác định diễn ra vào khoảng 17 giờ ngày 24/10 trước cổng Trường THCS Việt Đoàn. Qua xác minh, hai nữ sinh đánh nhau là Vũ Thị H.T và Ngô Thị T từng rất thân nhau và học cùng lớp 9C của trường.

Học sinh TP.HCM cũng “đóng góp” một clip mà trong đó những cô bé 15, 16 tuổi hành hung dã man một thiếu nữ khác và bắt quỳ gối liếm chân. Đoạn clip được xác minh xảy ra đã hơn hai tháng, với nguyên nhân xuất phát từ chuyện tình cảm đồng giới…

Trước những vụ bạo lực xảy ra liên tiếp trong cũng như ngoài cổng trường, một giáo viên THCS ở Quận 3, TP.HCM, đã phải thốt lên "Bạo lực: Tôi cảm thấy bất lực" . Trên Vietnamnet, giáo viên này cho rằng “câu nói “thương cho roi cho vọt” vẫn còn giá trị. Nhưng giá trị ở chỗ khi thầy phạt học trò bằng roi, phải làm sao để học trò thấy được tâm của người thầy. Thầy đánh trò, trò chưa đau mà thầy là người đau trước tiên”.

Dưới góc độ của một nhà giáo từng xử lý nhiều vụ đánh nhau của các em học sinh, tác giả Lâm Minh Trang trong bài “Phụ huynh là lá chắn, bạo lực học đường sẽ gia tăng” trên Báo Tuổi Trẻ TP.HCM nhận định nguyên nhân dẫn trẻ con đến những hành xử không đúng như thế phần lớn đến từ nguồn gia đình - đó là các bậc phụ huynh. 

Theo tác giả bài viết, “Luật Giáo dục sửa đổi năm 2015 và Điều lệ Trường phổ thông nếu chỉ dừng lại ở mức độ triển khai đến người dạy, còn người học và các đối tượng liên quan vẫn không nắm bắt được, thì chúng tôi e rằng việc giải quyết nạn bạo lực học đường giữa trẻ con với nhau chỉ có thể làm ở “phần ngọn” - nghĩa là xử lý, chứ không thể hi vọng giải quyết được đến “phần gốc”- nghĩa là ngăn chặn và hạn chế”.

Những chuyển động trong đào tạo đại học

Bên cạnh sự “sôi động” một cách đáng buồn của giáo dục phổ thông, thì trong tuần này giáo dục đại học cũng có một số chuyển động tích cực.

Một vấn đề thu hút khá nhiều sự quan tâm là dự kiến về việc sinh viên Y khoa sẽ phải thi chứng chỉ hành nghề sau khi tốt nghiệp của Bộ Y tế. Theo đó, chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ đa khoa có thể là yêu cầu bắt buộc để tham gia các hoạt động chuyên môn ở các cơ sở y tế.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trở thành trường đại học thứ 15 được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thực hiện tự chủ. Trường sẽ tăng mức học phí lên 30% so với hiện tại.

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ TP.HCM, PGS Hoàng Minh Sơn, hiệu trưởng nhà trường cho biết “Trường mong muốn và nỗ lực xây dựng hội đồng trường thành cấp có thực quyền, chuyển đổi từ chế độ một thủ trưởng hiện nay sang chế độ tập thể lãnh đạo. Có cơ chế hội đồng trường là cấp thực quyền rất tốt, sẽ giúp quyết định của nhà trường không bị rơi vào tình cảnh chỉ là quyết định độc đoán của một người…”. 

Sau một thời gian thí điểm tự chủ ở 14 cơ sở đào tạo, ở một số trường thu nhập của giảng viên tăng lên, góp phần giảm áp lực ngân sách nhà nước. Tuy nhiện,  cũng xuất hiện hiện tượng tự do mở ngành, gây ra những nghi ngại về lãng phí.

Cho rằng cuộc tranh luận tự chủ đại học của Việt Nam hiếm khi bàn tới vấn đề tự chủ theo đuổi mục tiêu học thuật, các ý kiến phân tích trên báo Dân Trí về vấn đề này khuyến nghị cần sửa Luật Giáo dục để thực thi chủ trương hiệu quả hơn.

Khó đưa SGK mới vào giảng dạy từ năm 2018

Một vấn đề gây chú ý khác trong tuần là nhận định được Báo Thanh Niên nêu ra là “Khó đưa SGK mới vào giảng dạy từ 2018”. Nhiều ý kiến cho rằng sẽ khó khăn khi Bộ GD-ĐT sốt sắng thay đổi thi nhưng chưa kịp đổi mới chương trình, "thay đổi thi mà SGK vẫn cũ là vênh nhau” làm giáo viên sẽ khổ. Bà Cao Tố Nga, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, Hải Phòng cho biết “Trì hoãn việc thay SGK thì đổi mới thi phải từ từ lại, nghĩa là giữ phương thức thi như năm 2017 cho đến khi nào học sinh được học theo chương trình SGK mới”... 

Ngân Anh tổng hợp

Xem thêm: