- Nhiều kiến nghị và giải pháp đã được đưa ra tại hội nghị "Phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017-2025” diễn ra sáng ngày 29/7.

Hội nghị đã kéo dài hơn 4 giờ, với sự tham dự của 300 đại biểu tới từ các trường đại học trên cả nước, đại diện Ngân hàng Thế giới và 2 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).

{keywords}

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng cần chuyển từ tư duy quản lý sang quản trị trường đại học. Ảnh: Lê Văn


Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định vai trò của hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) trong các trường đại học, coi đó là một trong 2 trụ cột của trường ĐH bên cạnh đào tạo.

"Khác với phổ thông, cơ sở giáo dục đại học phải tạo ra được tri thức mới. Vì vậy, nếu không đẩy mạnh phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ thì thuần túy chỉ là truyền bá kiến thức mà không có sáng tạo".

Ông Nhạ cũng chỉ ra thực trạng trường ĐH hiện nay dành nhiều thời gian, sức lực cho đào tạo, tuyển sinh khiến "chân khoa hoc" xếp sau, thậm chí nhiều nơi "rất mờ". 

Ông Nhạ kỳ vọng hội nghị sẽ giống như “hội nghị Bình Than” để các nhà khoa học hiến kế tháo gỡ những nút thắt của cơ chế chính sách cũng như nội bộ nhà trường để đạt tới mục tiêu cuối cùng: Tạo cơ chế để phát triển khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học nói riêng và KHCN nói chung, để nghiên cứu khoa học (NCKH) tiếp cận thị trường, tiếp cận giáo dục quốc tế, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường ĐH.

"Những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của 2 Bộ trưởng, 2 Bộ sẽ giải quyết ngay. Những vấn đề nào lớn hơn sẽ cùng báo cáo Chính phủ, Quốc hội để tìm cách tháo gỡ".

Giảm giờ dạy, kết nối các nhóm nghiên cứu

Bổ sung và đi vào cụ thể hơn sau khi nghe trình bày “Báo cáo kết quả khảo sát về hoạt động KHCN trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2011-2016 và kiến nghị” của nhóm nghiên cứu ĐHQG Hà Nội, một số đại biểu đã nêu những kiến nghị và giải pháp của đơn vị mình.

PGS.TS Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế, nêu thực trạng: ĐH Huế có trên 200 sản phẩm NCKH nhưng chưa hấp dẫn doanh nghiệp và nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn thì "bán không ai mua".

{keywords}

GS.TS Đặng Kim Vui – Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho rằng cần thay đổi quy định về số giờ giảng cũng như cần phối hợp với các nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước. Ảnh: Lê Văn


GS.TS Đặng Kim Vui – Giám đốc ĐH Thái Nguyên kiến nghị về quy định số giờ giảng hiện nay của các giáo sư, tiến sĩ trong trường đại học. “Quy định hiện nay đối với GS, TS thì phần giảng dạy vẫn chiếm nhiều hơn. Tỉ lệ giảng dạy của giáo sư còn cao hơn so với tiến sĩ. Điều này cần sự thay đổi từ Bộ GD-ĐT”.

Bên cạnh đó, cần phải có những đề tài nghiên cứu phối hợp các trường, các nhóm trường, nhóm khoa học với nhau. Bởi, ví dụ như đặc thù khối nông lâm của ĐH Thái Nguyên, nếu chỉ nghiên cứu các đề tài độc lập, riêng biệt thì không thể tạo ra những sản phẩm toàn diện theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và theo chuỗi giá trị hiện nay.

Phản hồi đề xuất của Giám đốc ĐH Thái Nguyên, ông Nhạ cho biết Bộ GD-ĐT đang xem xét để điều chỉnh lại quy định về giờ giảng của các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ nhằm tạo thuận lợi theo hướng tăng cường nghiên cứu.

Đảm bảo thu nhập của giảng viên NCKH

Nhất trí với những ý kiến nêu lên thực trạng của NCKH trong trường đại học, đại diện Trường ĐH Duy Tân – trường đại học Việt Nam xếp thứ tư về số lượng bài báo khoa học quốc tế được công bố - đã đưa ra một số “lời giải” cho các vấn đề mà chính trường phải đối mặt trong 5 năm gần đây.

Đó là, lãnh đạo trường xây dựng cơ chế chính sách để các giảng viên thực hiện nghiên cứu khoa học có thu nhập đủ sống tốt. Trường cũng sẵn sàng đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho giảng viên sang nghiên cứu với nhóm nhà khoa học ở nước ngoài. “Hiện nay thu nhập của các giảng viên NCKH cao hơn các lãnh đạo của trường” – ông khẳng định.

Về vấn đề thành lập nhóm nghiên cứu, đại diện Trường ĐH Duy Tân cho rằng không chỉ lập nhóm nghiên cứu trong trường, mà còn mở rộng nhóm nghiên cứu giữa các đại học trong nước và với các nhóm nghiên cứu nước ngoài.

Ông cũng đề xuất Bộ nên cho phép các nhà nghiên cứu sử dụng chung phòng thí nghiệm. “Bản thân Trường ĐH Duy Tân cũng đang sử dụng phòng "lab" của các đại học ở Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ. Thực sự ngân sách của trường không đủ để đầu tư 100%. Hiện nay cũng có những tập đoàn có phòng “lab” rất tốt” – ông chia sẻ.

Một trong những quyết sách của trường là: Nếu giảng viên không nghiên cứu, sẽ giảm dần giờ dạy. Nếu trong nhiều năm liền không nghiên cứu sẽ chuyển sang bộ phận khác.

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng giám đốc VNPT đề xuất cơ chế cho các nhà khoa học làm việc trực tiếp với doanh nghiệp. Ảnh: Lê Văn


Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng giám đốc VNPT, cho rằng hiện nay mối quan hệ giữa các trường đại học và doanh nghiệp là tự tìm đến với nhau trên nhu cầu của cả hai phía, chứ không cần quản lý Nhà nước nữa.

“Trong phạm vi mà VNPT hợp tác với các trường, chúng tôi thấy rằng những công nghệ nền tảng, công nghệ ứng dụng là 2 mảng mà tập đoàn đang rất cần, hiện vẫn nhập của nước ngoài là chính. Nếu cơ sở giáo dục sẵn sàng thì hoàn toàn có thị trường. Vấn đề là thị trường cung chưa sẵn sàng, hoặc sẵn sàng ở mức độ chưa cao. Tôi đề xuất cơ sở đào tạo có cơ chế để cho các giảng viên, giáo sư, nhà khoa học làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp”.

{keywords}

Ông Francisco Marmolejo – chuyên gia cao cấp về lĩnh vực giáo dục đại học tại Ngân hàng Thế giới - chia sẻ một số kinh nghiệm phát triển KH&CN của các trường đại học trên thế giới. Ảnh: Lê Văn


Ông Francisco Marmolejo, chuyên gia cao cấp về lĩnh vực giáo dục đại học tại Ngân hàng Thế giới, đã chia sẻ bài học kinh nghiệm phát triển KHCN của một số trường đại học trên thế giới.

Thứ nhất, cần thực hiện đổi mới cơ chế tài chính với sự quản lý mạnh mẽ và quá trình ứng dụng rõ ràng để đẩy mạnh đầu tư vào khu vực tư nhân trong nghiên cứu và phát triển.

Thứ hai, cần gây dựng ngân sách để khởi xướng những thay đổi trong văn hóa hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp.

Thứ ba, cần thành lập các văn phòng chuyển giao công nghệ để khuyến khích các nhà nghiên cứu thương nghiệp hóa nghiên cứu và phát triển công, đồng thời kích thích các nghiên cứu ứng dụng.

Và cuối cùng là cấp ngân sách nghiên cứu dựa trên chất lượng, sự rõ ràng và đơn giản sẽ giúp thu hút các nhà khoa học đang làm việc ở nước ngoài.

Ông Francisco cũng đưa ra gợi ý một số lĩnh vực nghiên cứu nên ưu tiên: công nghệ sinh học và thực phẩm, y tế, sản xuất và thiết kế, công nghệ truyền thông và thông tin, phát triển bền vững, kinh doanh, Chính phủ và giáo dục.

Cần xây dựng văn hóa nghiên cứu trong trường đại học

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh đánh giá cao các kết quả KHCN trong các trường ĐH dù điều kiện còn nhiều khó khăn.

Khẳng định hội nghị lần này là sự khởi động quan trọng, cơ hội để 2 Bộ cùng bàn về cách phát triển KHCN nói chung, ông Anh khẳng định, sắp tới, 2 Bộ phải bàn những vấn đề rất cụ thể, rất khả thi để đi đến đích cuối cùng.

"Tôi đề nghị Bộ GD&ĐT lên kế hoạch và cùng chúng tôi dựa trên từng kiến nghị để xử lý về khả năng thực hiện và đưa ra những cơ chế, chính sách hỗ trợ các trường đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu”- ông Anh nói.

Đối với vấn đề thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, kết nối giữa viện, trường và doanh nghiệp, ông Anh khẳng định Bộ KHCN sẵn sàng phối hợp với Bộ GDĐT nhận nhiệm vụ này để nâng cao hơn nữa sự phục vụ KHCN trong các trường ĐH cho phát triển kinh tế xã hội.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, ban tổ chức sẽ căn cứ vào các báo cáo, tập hợp kiến nghị của các đại biểu để cùng làm việc với các đơn vị của Bộ KHCN. Những vấn đề gì phải sửa trong thẩm quyền của hai Bộ trưởng thì giải quyết ngay để tạo môi trường thuận lợi cho các trường.

{keywords}

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các trường cần làm nghiêm các quy định về nghiên cứu khoa học. Ảnh: Lê Văn

"Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ tái cấu trúc lại hoạt động KHCN theo hướng tiếp cận mới nên việc rà soát lại các cơ chế chính sách rất quan trọng".

Đối với các trường ĐH, ông Nhạ đề nghị lãnh đạo các trường phải coi trọng việc đẩy mạnh thực hiện các quy định về NCKH. “Thực tế rất nhiều giảng viên chưa thực sự quan tâm đến KHCN mà chủ yếu chỉ quan tâm tới giờ dạy” – ông Nhạ nói.

Ông Nhạ cũng đề nghị các trường chỉ đạo bộ phận chuyên trách rà soát các văn bản quy định về hoạt động KHCN có liên quan tới các trường ĐH, từ đó, đề xuất các nhiệm vụ, chương trình dự án riêng và chung theo chuỗi để tập hợp thành ngân hàng nhiệm vụ KHCN trong 2 năm tới làm cơ sở xây dựng dự toán ngân sách.

“Có nhiều hướng dẫn, cơ hội chúng ta không biết. Ở dưới không tham mưu, ở trên các lãnh đạo cũng chưa thực sự quan tâm”.

Ngoài ra, ông Nhạ cũng đề nghị các trường dành thời gian, công sức xây dựng chiến lược KHCN của nhà trường, nghiên cứu có bài bản. “Hãy thuê hẳn nhóm nghiên cứu thực hiện chứ không phải giao cho các phòng ban, làm ra một thứ rất hình thức, chỉ mang tính trang trí”.

Theo ông Nhạ, tùy theo đặc điểm, hoàn cảnh từng trường sẽ có chiến lược riêng, không phải cứ to tát mới là nghiên cứu. "Cần phải xác định, đã là trường ĐH thì phải nghiên cứu".

Tùy theo điều kiện, mỗi trường có lộ trình thích hợp để cải thiện hoạt động khoa học công nghệ. Đặc biệt phải đưa xây dựng văn hóa nghiên cứu trong trường đại học.

Ông Nhạ cũng lưu ý, các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của các trường phải gắn với quy hoạch, tránh trường hợp nghiên cứu một đằng, đào tạo chất lượng cao một nẻo, phân tán nguồn lực.

Trong khuôn khổ hội nghị cũng diễn ra Lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa hai Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Khoa học & Công nghệ trong việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học.

  • Nguyễn Thảo - Lê Văn