- Từng sinh sống và giảng dạy tại khu vực sát biên giới của tỉnh Lạng Sơn, cô giáo Lý Thị Thảo chứng kiến không biết bao nhiêu đứa trẻ học hành không đến nơi đến chốn, vượt biên sang bên kia biên giới để lao động trái phép.
Học sinh vùng cao. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng |
Đau lòng và trăn trở trước hiện trạng đó, cô Thảo đề xuất ý tưởng đẩy mạnh công tác giáo dục vùng biên và giải quyết việc làm cho đồng bào biên giới nhằm góp phần thay đổi diện mạo nông thôn biên giới, ổn định cuộc sống của bà con.
Ý tưởng của cô Thảo là một trong những sáng kiến đạt giải trong Cuộc thi Sáng kiến vì cộng đồng năm 2018 do Bộ Khoa học và công nghệ phối hợp tổ chức cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản.
Cô giáo dạy Địa lý chia sẻ, cô không chỉ chứng kiến những đứa trẻ vượt biên lao động, mà chính bố mẹ chúng cũng vượt sang bên kia biên giới để kiếm cái ăn, bỏ lại con trẻ ở nhà tự chăm sóc nhau. Đó là động lực khiến cô tha thiết với ý tưởng giáo dục hướng nghiệp cho học sinh vùng biên.
“Mỗi giáo viên nên lồng ghép vào môn học của mình những định hướng nghề nghiệp cho các em. Nhà trường cần tổ chức các buổi ngoại khóa, tham quan thực tế tại các trường nghề” – cô Thảo chia sẻ.
Ngoài ra, cô giáo trẻ còn cho rằng cần đưa vào nhà trường những nội dung về tình hình biên giới, an ninh quốc phòng, chủ quyền… thông qua các buổi ngoại khóa tham quan một số cột mốc biên giới và đường biên.
Tuy nhiên, cô Thảo cũng đề xuất trước các nhà khoa học và ban tổ chức cuộc thi nguyện vọng của mình: “Tôi chỉ là một giáo viên dạy hợp đồng, một cá thể rất nhỏ bé và chỉ có những đóng góp rất nhỏ bé trong nhiệm vụ to lớn này. Tôi tha thiết mong nhận được sự đồng hành, chung tay của các cơ quan trong ngành giáo dục huyện, tỉnh cũng như chính quyền địa phương để ý tưởng được nhân rộng tới không chỉ vùng biên tỉnh Lạng Sơn mà còn sang các địa phương khác”.
Trong số 12 sáng kiến được chọn ra từ 400 sáng kiến để trao giải mùa thi thứ 2 này có nhiều sáng kiến xuất phát từ tấm lòng của các thầy cô, những người đang làm việc trong ngành giáo dục. Mục tiêu chung của họ đều là góp phần làm tăng cơ hội giáo dục, nâng cao đời sống cho học sinh vùng khó.
Các tác giả đạt giải trình bày sáng kiến của mình tại Hội thảo "Sáng kiến vì cộng đồng" sáng ngày 1/6 |
Nếu như sáng kiến giáo dục hướng nghiệp cho học sinh vùng biên của cô Thảo giống như một đề xuất về chính sách, thì những sản phẩm như Đèn học tiết kiệm đa năng, Bếp lò đun tạo nước nóng phục vụ sinh hoạt cho học sinh bán trú vùng cao là những sáng kiến có sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết thực của học sinh.
Xuất phát từ thực tế thời tiết lạnh giá vào mùa đông ở khu vực Lào Cai, nhóm tác giả sáng kiến Bếp lò đun nước nóng đã tận dụng nhiệt từ hệ thống bếp nấu ăn cho học sinh, thiết kế hệ thống ống dẫn nước bằng kim loại chạy theo đường ziczac trong lòng bếp lò. Khi đun nấu cơm, thức ăn, nhiệt lượng của bếp lò sẽ đồng thời làm chín thức ăn và làm nóng nước trong ống. Nước được cấp vào, được làm nóng và chảy ra liên tục, có thể sử dụng trực tiếp hoặc đưa vào bồn bảo ôn để học sinh sử dụng.
Hiện nay, hệ thống bếp lò đã được đưa vào ứng dụng triển khai tại 35 trường học ở các huyện vùng cao. Dựa vào mô hình này, một số trường cũng đã có kế hoạch xây dựng hệ thống bếp để phục vụ sinh hoạt cho học sinh.
“Sáng kiến vì cộng đồng” là chương trình thường kỳ tổ chức 2 năm một lần với mục tiêu tìm ra những sáng kiến, ý tưởng, dự án sáng tạo nhằm phát triển cộng đồng, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.
Ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ - đại diện Ban tổ chức cho biết, sau 9 tháng phát động, đã có gần 400 sáng kiến gửi về. Những sáng kiến này đã, đang hoặc sẽ được triển khai tại các địa phương trong cả nước.
“Các sáng kiến năm nay tập trung nhiều nhất ở các lĩnh vực môi trường, giáo dục, văn hóa – xã hội; tiếp đến là các lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, kinh tế, y tế, du lịch… Trong đó, các sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các vùng khó khăn và các sáng kiến trong lĩnh vực môi trường chiếm tỷ lệ cao”.
Sáng ngày 2/6, Lễ trao giải cuộc thi sẽ diễn ra tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Nguyễn Thảo
Sáng kiến khoa học xuất sắc có thể nhận 60.000 USD
Nhằm tôn vinh cá nhân, các nhà khoa học có những đóng góp thiết thực cho xã hội và cộng đồng, giải thưởng Bảo Sơn 2018 đã nâng mức giá trị trao giải lên 60.000 USD cho mỗi công trình/sáng kiến khoa học xuất sắc.
Lãnh đạo hết bệnh thành tích, giáo viên mới hết áp lực sáng kiến kinh nghiệm
Với giáo viên, năm nào cũng phải nộp sáng kiến không phải tại quy định ở Nghị định 56 mà chính là do bệnh thành tích với phong trào 100% giáo viên viết sáng kiến từ xưa để lại.
Chính thức bỏ tiêu chí thi đua sáng kiến kinh nghiệm cho giáo viên
Quy định không phải có sáng kiến mới được xếp loại "hoàn thành nhiệm vụ" đã taọ hành lang pháp lý gỡ bỏ "vòng kim cô" sáng kiến kinh nghiệm cho giáo viên.
Đóng góp sáng kiến giáo dục, nhận giải thưởng 100 triệu đồng
Sáng 25/4, chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2017 đã được khởi động