- Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được công bố, sẽ có một số môn học mới lần đầu tiên xuất hiện từ năm học 2018 - 2019 theo hướng giảm tải kiến thức, tăng trải nghiệm sáng tạo và định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Chương trình mới thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp ở các cấp tiểu học và THCS, thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn ở cấp THPT.

Theo đó, ở cấp tiểu học và cấp THCS sẽ thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục. Ở cấp THPT, yêu cầu học sinh học một số môn học bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập theo hình thức tích lũy tín chỉ. 

Dưới đây là những môn học mới sẽ xuất hiện trong thời khóa biểu của học sinh sau năm 2017:

Giáo dục kinh tế và pháp luật

Môn học này sẽ xuất hiện ở cấp THPT. Theo ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông, thực chất đây là tên gọi mới của môn Giáo dục công dân- môn học này ở cấp tiểu học là Giáo dục lối sống.

Môn học này sẽ là môn học bắt buộc ở lớp 10; là môn học tự chọn bắt buộc ở lớp 11 và 12. Nội dung chủ yếu của môn học này là học vấn phổ thông, cơ bản về kinh tế pháp luật.

Ở lớp 10, môn học này giúp học sinh hoàn thiện thêm một bước các phẩm chất, năng lực đã được định hình trong giai đoạn giáo dục cơ bản, đồng thời có cái nhìn tổng quát về lĩnh vực kinh tế và pháp luật. Từ đó đánh giá đúng nguyện vọng, sở trường của bản thân để lựa chọn môn học ở lớp 11 và lớp 12 một cách phù hợp.

Ở lớp 11 và lớp 12 sẽ dành cho những học sinh định hướng theo học các ngành nghề Giáo dục chính trị, Giáo dục công dân, Kinh tế, Hành chính và Pháp luật. Nội dung chủ yếu của môn học gồm những vấn đề kinh tế và pháp luật mang tính ứng dụng, thiết thực đối với định hướng nghề nghiệp sau THPT của học sinh.

{keywords}
Ảnh minh họa: Lê Ạnh Dũng.

Môn Giáo dục lối sống ở tiểu học môn học bắt buộc. Nội dung chủ yếu là giáo dục đạo đức, pháp luật, giá trị sống, kỹ năng sống. Các mạch nội dung này định hướng chính vào giáo dục về giá trị gia đình, quê hương, cộng đồng, nhằm hình thành cho học sinh thói quen, nề nếp cần thiết trong học tập, sinh hoạt và ý thức tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo được thực hiện xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12.

Đây là hoạt động giáo dục mà học sinh dựa trên sự tổng hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực giáo dục và nhóm kỹ năng khác nhau để trải nghiệm thực tiễn đời sống và tham gia hoạt động phục vụ cộng đồng dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo dục. Qua đó hình thành những phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và một số năng lực thành phần đặc thù của hoạt động này: năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động; năng lực thích ứng với sự biến động của nghề nghiệp và cuộc sống.

Nội dung cơ bản của Hoạt động trải nghiệm sáng tạo gồm 5 lĩnh vực: Phát triển cá nhân; Cuộc sống gia đình; Đời sống nhà trường; Quê hương, đất nước và cộng đồng xã hội; Nghề nghiệp và phẩm chất người lao động.

Nội dung được thiết kế theo nguyên tắc tích hợp, kết hợp đồng tâm và tuyến tính. Các chủ đề được xây dựng mang tính chất mở với những nội dung hoạt động bắt buộc cho tất cả học sinh trong cả nước và nội dung mang tính phân hoá tuỳ theo nhu cầu, năng lực, sở trường của học sinh cũng như điều kiện đáp ứng của cơ sở giáo dục.

Chuyên đề học tập

Các chuyên đề học tập là nội dung học tập dành cho học sinh lớp 11 và lớp 12, thuộc môn tự chọn bắt buộc, nhằm giúp học sinh phát triển khả năng vận dụng kiến thức và kỹ năng của nhiều môn học để giải quyết các vấn đề thực tiễn có tính chất phức hợp. Qua đó, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận với nghề nghiệp phù hợp với sở thích, năng lực và thực tiễn địa phương.

Thời lượng giáo dục cho mỗi chuyên đề học tập là 15 tiết. Các trường THPT căn cứ vào nguyện vọng của học sinh, điều kiện cụ thể của trường hoặc liên trường để tổ chức dạy học các chuyên đề học tập. Hệ thống các chuyên đề học tập của mỗi trường có thể được thay đổi, bổ sung qua các năm học. Người dạy chuyên đề học tập là giáo viên đã được đào tạo, bồi dưỡng hoặc là doanh nhân, nghệ nhân,... có hiểu biết, kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực chuyên môn của chuyên đề học tập đó.

Ngoại ngữ 2

Ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn, có thể bắt đầu từ lớp 6 và kết thúc ở bất kỳ lớp nào tùy theo nhu cầu của học sinh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục. Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12.

Nghe có vẻ xa lạ nhưng có thể hiểu là học sinh được tự chọn thêm ít nhất một ngoại ngữ khác (gọi là Ngoại ngữ 2) ngoài một ngoại ngữ (gọi là Ngoại ngữ 1) bắt buộc phải học theo nguyện vọng của mình và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình phổ thông cho biết: “Ngoại ngữ 2 là một danh sách mở, nhưng phải là những ngoại ngữ đã có chương trình đào tạo được Bộ GD-ĐT duyệt, đã có SGK, có giáo viên dạy thì mới có thể đưa vào. Môn học này nhằm đáp ứng nhu cầu của các em có năng khiếu hoặc những học sinh thấy khó có khả năng thi vào các trường ĐH khối có môn tiếng Anh, học và thi khối khác liên quan đến ngoại ngữ khác. Học sinh ở vùng có quan hệ kinh tế với nước ngoài nhiều cũng có thể học, ví dụ vùng biên giới giáp với các quốc gia như Trung Quốc,...”

Tiếng dân tộc thiểu số

Là môn học tự chọn ở cả 3 cấp Tiểu học, THCS và THPT, ưu tiên dạy tiếng dân tộc thiểu số đối với các dân tộc thiểu số ít người; khuyến khích, tạo điều kiện cho học sinh phổ thông là người dân tộc thiểu số có nguyện vọng, nhu cầu được học và hoàn thành chương trình học tiếng dân tộc thiểu số đã có chữ viết.

Môn học này sử dụng thời lượng tự chọn tương ứng của từng cấp học để tổ chức dạy học. Nội dung dạy học tiếng dân tộc thiểu số được quy định trong từng chương trình tiếng dân tộc thiểu số do Bộ trưởng GD-ĐT ban hành. Điều kiện tổ chức dạy học và quy trình đưa tiếng dân tộc thiếu số vào dạy học ở cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Ngoài ra, có một số môn khác như Thế giới công nghệ, Nghệ thuật,… nhưng số này về cơ bản là cách gọi khác của những môn Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật,…

Hệ thống các môn học của chương trình giáo dục phổ thông được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc.

Môn học bắt buộc: là môn học mà mọi học sinh đều phải học.

Môn học bắt buộc có phân hóa: là môn học mà nội dung được thiết kế thành các chủ đề hoặc học phần (môđun), trong đó một số chủ đề hoặc học phần là bắt buộc đối với tất cả học sinh, một số chủ đề hoặc học phần được tự chọn tùy theo nguyện vọng của học sinh và điều kiện đáp ứng của cơ sở giáo dục.

Môn học tự chọn: là môn học không bắt buộc, được học sinh tự nguyện lựa chọn, phù hợp với nguyện vọng, sở trường và định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Môn học tự chọn bắt buộc: là môn học mà học sinh bắt buộc phải lựa chọn trong số các môn học định hướng nghề nghiệp ở lớp 11, lớp 12 theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông.

Thanh Hùng