- Trước thông tin Hội đồng chức danh giáo sư ngành Y có 29 hồ sơ phải để lại để tiếp tục rà soát sau cuộc họp chiều ngày 27/2, GS. Phạm Gia Khánh – Chủ tịch Hội đồng Chức danh GS ngành Y cho biết, đây chưa phải là con số chính thức, mà mới là ý kiến của HĐCDGSNN trình Thủ tướng Chính phủ để xin chỉ đạo cụ thể. 

GS. Phạm Gia Khánh cũng có những chia sẻ về trường hợp được dư luận rất quan tâm trong câu chuyện xét duyệt, công nhận chức danh GS, PGS năm nay. Đó là trường hợp của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến – được biết là một trong những hồ sơ nằm trong danh sách phải rà soát lại.

“Theo tôi, những trường hợp phải rà soát lại là những hồ sơ chưa đủ các thủ tục, còn vướng mắc. Nhóm đối tượng thứ 2 là các ứng viên có hồ sơ rất đẹp, nhưng bị kiện cáo, đã giải quyết rồi nhưng giải quyết chưa thỏa đáng, vẫn còn dư luận thì nên để lại để rà soát lại cho thật chắc chắn” – GS. Khánh cho hay.

- Chỉ đạo rà soát lại vào ngày 9/2 của Chủ tịch HĐCDGSNN đã yêu cầu các hội đồng ngành, liên ngành rà soát kỹ những trường hợp bị khiếu kiện, làm công tác quản lý.... Hội đồng ngành y đã thực hiện việc rà soát các đối tượng này như thế nào, thưa GS?

Chúng tôi giải quyết các đơn thư khiếu nại theo đúng quy định hiện hành như hỏi ý kiến các cơ quan quản lý các ứng viên, ý kiến của cả các nhà khoa học trong ngành...

Tôi lấy ví dụ có một đơn thư nặc danh kiện ứng viên có 3 bài báo không có tính chất khoa học ở điểm A, B, C.. , đồng thời nhận xét ứng viên không đủ tư cách. Vậy phải giải quyết ra sao? Chúng tôi đã gửi đơn khiếu nại, 3 bài báo đó về đơn vị công tác xin ý kiến về đạo đức, chuyên môn của ứng viên. Tiếp theo, chúng tôi mời 2 chuyên gia về lĩnh vực đó nhận xét về khiếu nại với ứng viên. Khi nhận được công văn của đơn vị ứng viên công tác, 2 ý kiến của 2 giáo sư, chúng tôi báo cáo hội đồng, sau đó bỏ phiếu. Tinh thần là làm đúng quy trình và làm chắc chắn nhất để người kiện cáo tâm phục khẩu phục, kể cả đích danh hay nặc danh.

- Những hồ sơ bị ‘để lại’ để trình Thủ tướng được đưa ra dựa trên quy trình như thế nào, thưa GS?

Số lượng hồ sơ rất lớn nên rà soát toàn bộ thì rất khó, không đủ thời gian. Vì thế, Hội đồng ngành Y tập trung vào 3 đối tượng:

Một là hồ sơ có đơn thư khiếu nại, hai là những hồ sơ mà tổ công tác phát hiện còn thiếu sót. Thứ ba là các ứng viên thuộc diện cán bộ quản lý như Bộ trưởng, Thứ trưởng, Cục trưởng, Vụ phó, Giám đốc Sở… 

Quá trình rà soát lần đầu thì chúng tôi thấy hồ sơ ứng viên đầy đủ cả, nên vẫn bảo lưu kết quả 19 hồ sơ đạt chuẩn GS.

- Cá nhân GS đánh giá thế nào về hồ sơ của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến?

Về mặt khoa học là rất tốt. Các tiêu chuẩn về đào tạo, nghiên cứu khoa học của bà Tiến đạt mức cao so với tiêu chuẩn chức danh GS hiện hành.

- Theo chia sẻ của GS, điểm số hồ sơ của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến rất cao, thành tích tốt. Vậy hồ sơ của Bộ trưởng Tiến được đưa vào danh sách phải rà soát lại là vì lý do gì?

Tôi nghĩ có lẽ là có 2 lý do. Một là bà Tiến là cán bộ quản lý thì phải xem xét kỹ hơn về tiêu chí thành tích xuất sắc. Thứ hai, trường hợp của Bộ trưởng Tiến cũng có những đơn khiếu nại. Với hai lý do đó, tôi nghĩ rằng, việc quyết định xem xét lại cũng là điều nên làm để cho rõ ràng hơn, minh bạch hơn.

- Hội đồng ngành Y nhận được khiếu kiện về hồ sơ của Bộ trưởng Tiến ở tiêu chí nào, thưa GS?

Dư luận cho rằng Bộ trưởng nhiều việc như vậy thì thời gian đâu mà nghiên cứu. Từ đó, người ta hoài nghi về công việc thực của Bộ trưởng. Có lẽ đó là cái được nhiều người quan tâm nhất.

- Hội đồng ngành Y và HĐCDGSNN sẽ làm như thế nào để xác minh được những tiêu chí đang bị hoài nghi đó?

Tiêu chí đó nằm trên hồ sơ. Về thành tích nghiên cứu, Bộ trưởng có 2 đề tài cấp Nhà nước. Từ trước đến nay, có rất ít người là chủ nhiệm 2 đề tài cấp Nhà nước. Một đề tài cấp NN cũng đã khó. Bà Tiến cũng chủ nhiệm 6-7 đề tài cấp Bộ, 15 đề tài cấp cơ sở. Cho nên, nếu nói Bộ trưởng không có nghiên cứu là không được. Án tại hồ sơ. Nếu so sánh với các hồ sơ khác, riêng thành tích nghiên cứu của bà Tiến đã là nổi bật.

Còn về đào tạo, Bộ trưởng đã hướng dẫn 3 NCS bảo vệ tiến sĩ, 4 thạc sĩ, và hiện tại bây giờ vẫn còn đang hướng dẫn NCS. Bà Tiến viết 2 cuốn sách chuyên khảo, nhiều sách giáo trình, sách tham khảo… Số sách của Bộ trưởng cũng thuộc loại cao so với các ứng viên khác.

Bộ trưởng có hợp đồng giảng dạy của ĐH Y dược TP.HCM, Viện Dinh dưỡng, có thanh lý hợp đồng. Riêng ĐH Y dược TP.HCM, bà Tiến là chủ nhiệm bộ môn. Chủ nhiệm bộ môn thì phải giảng dạy. Cho nên nói bà Tiến không giảng dạy hay không nghiên cứu thì không được.

Đừng nghĩ Bộ trưởng trăm công nghìn việc thì không có thời gian làm nghiên cứu hay giảng dạy. Người lãnh đạo tốt, điều hành tốt có thể làm được. Cái này thảo luận thì vô kể, thôi thì án tại hồ sơ.

Về mặt khoa học thì tôi nghĩ như vậy. Khoa học chỉ là một phần tiêu chí của chức danh GS, PGS. Ngoài phần cứng còn phần mềm, về con người ứng viên. Bà Tiến nhận được 2-3/21 phiếu không tán thành trong vòng bỏ phiếu kín, vẫn đạt chuẩn 2/3 số phiếu.

Ý kiến dư luận thì rất nhiều, khiến những người bỏ phiếu rất khó khăn. Nhưng dư luận không có bằng chứng thì rất khó. Tôi muốn chia sẻ để xã hội hiểu được trách nhiệm của những người trong hội đồng, làm thế nào để công bằng, minh bạch, rõ ràng, thuyết phục.

Khi bỏ phiếu cho Bộ trưởng Tiến, không chỉ riêng tôi, mà cả hội đồng đều rất suy nghĩ. Chúng tôi phải nghe cả hai bên. Và phải đặt mình vào vị trí người ứng viên đó để xem xét cho thấu tình đạt lý.

Dư luận rất quan tâm đến vấn đề này, và điều đó cũng là hợp lý. Nhưng phải nhìn cả hai phía, đánh giá một cách khách quan.

Có lẽ bây giờ dư luận quan tâm đến thực chất giờ giảng. Cái này về phía hội đồng thì thấy rất hợp lệ, vì đã có hợp đồng giảng dạy, có thanh lý hợp đồng. Thành tích cụ thể nhất có thể nhìn thấy là luận văn, luận án đào tào thạc sĩ, tiến sĩ; sách giảng dạy rất phong phú.

- Năm nay, hội đồng Y học có số lượng ứng viên được công nhận đạt chuẩn GS là 19, chuẩn PGS là 173 và cũng là ngành có số lượng ứng viên được công nhận cao nhất trong 28 hội đồng ngành, liên ngành. Số lượng ứng viên được công nhận năm ngoái của hội đồng Y cũng thuộc tốp cao. GS có thể đưa ra một số lý do cho những con số này?

Năm nay, tổng số ứng viên của các hội đồng cơ sở đưa lên là 208 người. Sau khi qua hội đồng ngành và Nhà nước, 192 ứng viên được công nhận, đạt tỷ lệ khoảng 92,3%. Năm ngoái có 125 ứng viên được công nhận. Như vậy, năm nay tăng 1,53 lần so với năm ngoái.

Dư luận cho rằng số lượng GS, PGS của ngành Y nhiều quá, nhưng tôi cho rằng như thế là quá ít so với nhu cầu. Tỷ lệ sinh viên/ GS, PGS ở các cơ sở đào tạo ngành y của chúng ta là thấp so với thế giới. Trường ĐH Y Hà Nội chỉ có 16 GS, Trường ĐH Y dược TP.HCM có 12 GS, các trường y trực thuộc các tỉnh khác chỉ có một vài GS. Trong khi nhu cầu tối thiểu cơ sở đào tạo y khoa phải có 50 GS, tương ứng trên 50 bộ môn. Vì thế, tỷ lệ hiện tại của chúng ta là quá thấp. Ở các trường y nước ngoài, yêu cầu này còn lớn hơn rất nhiều, lên tới hàng trăm GS.

Thế nhưng, không nhiều người đang công tác tại các trường đào tạo y khoa đáp ứng được các tiêu chuẩn hiện hành cho chức danh GS, PGS. Ví dụ như những tiêu chuẩn như: GS phải hướng dẫn chính ít nhất 2 NCS, có đề tài cấp Bộ, viết sách chuyên khảo…

- Không chỉ thời gian vừa qua, mà từ trước tới nay, giới khoa học đã trao đổi rất nhiều về cách thức xét duyệt chức danh GS, PGS. Theo GS, ta nên thay đổi cách thức xét duyệt GS, PGS như thế nào để đảm bảo thực chất và hiệu quả? GS đánh giá thế nào về đề xuất giao việc này về các trường?

Đây là một vấn đề rất lớn. Chúng ta vẫn nói phải đi theo chuẩn quốc tế, nói lý thuyết thì rất đúng, nhưng phải hiểu "chuẩn quốc tế" là cái gì.

Mỗi đất nước có một cách xét duyệt khác nhau và cách thức đó được thay đổi theo từng thời kỳ, giai đoạn. Ở Pháp, người trao bằng GS là Tổng thống, chứ không phải là trường. Vậy ta nên  theo mô hình nào? Để trả lời câu hỏi này rất khó.

Chúng ta muốn giao cho trường, nhưng Nhà nước, xã hội không tin vào trường thì giao thế nào được. Chứng nhận giảng dạy của nhà trường mà cơ quan chức năng và xã hội không tin. Tôi rất buồn.

Vấn đề này rất lớn, tôi chỉ nói một vài ý để thấy rằng tiêu chuẩn, cách thức rất khó khăn. 

- Theo GS, tiêu chí nên được coi trọng, nên được đánh giá cao nhất khi xét duyệt GS, PGS là gì?

Tiêu chí cao nhất là thành tích giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Thiếu đào tạo và NCKH thì không làm được. Đó là về mặt khoa học bên cạnh phẩm chất đạo đức của ứng viên.

- Xin cảm ơn GS.

Clip Phó Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước Bùi Văn Ga trả lời "Góc nhìn thẳng" của VietNamNet

Phần 1: Quan chức có nên làm giáo sư?

Phần 2: Trình độ giáo sư ngày càng tăng

GNT Giáo sư phần 2

Nguyễn Thảo (thực hiện)

Giáo sư và phó giáo sư 2018: Tiêu cực hay là xã hội mất lòng tin?

Giáo sư và phó giáo sư 2018: Tiêu cực hay là xã hội mất lòng tin?

Trước những dư luận ồn ào về câu chuyện công nhận chức danh giáo sư, Bộ GD-ĐT phải trả lời được Thủ tướng là sẽ xử lý các tiêu cực trong quá khứ và nâng cao chất lượng chức danh trong tương lai như thế nào.

Làm gì để ứng viên được xét duyệt đàng hoàng chức danh giáo sư?

Làm gì để ứng viên được xét duyệt đàng hoàng chức danh giáo sư?

Sau khi Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công bố danh sách đạt chuẩn chức danh PGS, GS năm 2017, đã có những góp ý để việc xét duyệt, công nhận những năm tới đảm bảo chất lượng, đồng thời tránh được điều tiếng từ dư luận.

Có "trả"chức danh giáo sư về trường đại học?

Có "trả"chức danh giáo sư về trường đại học?

Sau "chuyến tàu cuối 174", có nên tiếp tục đưa giáo sư lên “thượng tầng kiến trúc” với chức danh mang tính quốc gia như hiện nay?