Vào ngày 22/9 tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Ủy ban) sẽ tổ chức Hội thảo giáo dục 2017 với chủ đề: "Về chất lượng giáo dục phổ thông". Đây được xem là dịp để các thành phần khác nhau, từ các thầy cô giáo, nhà nghiên cứu, những người làm quản lý và chính sách ngồi lại với nhau để bày tỏ những quan điểm của mình về chất lượng của giáo dục phổ thông.
VietNamNet có cuộc trao đổi với PGS. TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban, về những vấn đề của giáo dục phổ thông sẽ được đặt ra tại hội thảo lần này.
PGS. TS Phan Thanh Bình cho rằng, giáo dục phổ thông sẽ tạo nên chất của con người trong tương lai. Ảnh: Lê Văn. |
Giáo dục phổ thông tạo nên chất của con người tương lai
Phóng viên: Thưa ông, vì sao Ủy ban lại chọn chủ đề "Về chất lượng giáo dục phổ thông" cho hội thảo giáo dục 2017 mà không phải là một chủ đề khác?
PGS. TS Phan Thanh Bình: Hiện nay, chúng ta đang đứng trước 3 thách thức lớn: Chúng ta đang trong giai đoạn chuyển chất, từ một nước nghèo thu nhập thấp trở thành một nước thu nhập trung bình. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang chuyển đổi từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường. Thứ ba là chúng ta đang bước giai đoạn hội nhập và toàn cầu hóa.
Cả ba "vòng xoáy" nêu trên đều đòi hỏi rất lớn ở giáo dục để có thể đào tạo ra những con người có thể thích ứng với những yêu cầu mới.
Trong giáo dục, giáo dục phổ thông sẽ tạo nên cái chất của những con người của tương lai. Vì vậy chúng tôi muốn tập trung vào vấn đề này.
Giáo dục phổ thông của chúng ta trong những năm qua không phải không có kết quả song so với yêu cầu vẫn còn xa. Chính điều này tạo ra sự phân tán của dư luận đối với vấn đề giáo dục.
Đa phần những ý kiến góp ý đều tốt, song mỗi người chỉ mới đứng ở góc nhìn của mình, thành ra đôi khi chưa chia sẻ với nhau. Vì vậy, với trách nhiệm được Quốc hội giao, Ủy ban thấy cần thiết phải tổ chức một hội thảo, cùng ngồi lại để có thể hiểu nhau, từ đó mới đặt ra vấn đề làm chính sách, làm luật cho đúng.
Chúng tôi cũng không hình dung đây là một hội thảo nơi người ta đưa ra những đánh giá hay tìm ra lời giải cho các vấn đề của chất lượng giáo dục phổ thông mà là sự chia sẻ, trao đổi quan điểm của mình. Giống như những vecto đang rất phân tán, nay tạo ra một "từ trường" tương đối để đi về một hướng, đích đến cuối cùng là nền giáo dục của chúng ta.
Vậy đây sẽ là một nơi mà tất cả những thành phần quan tâm tới giáo dục phổ thông sẽ được trình bày ý kiến, quan điểm của mình, thưa ông?
- Sẽ có 5 thành phần tham gia vào hội thảo lần này: Những người làm chính sách chính là các đại biểu Quốc hội, những người làm công tác quản lý Nhà nước liên quan tới ngành giáo dục... Bên cạnh đó là các thầy cô giáo, các nhà nghiên cứu và cả những người làm công tác truyền thông.
Hiện nay, có đôi khi truyền thông và dư luận đang dẫn dắt những vấn đề của giáo dục vì vậy, tôi nghĩ rằng, khi cả 5 thành phần ngồi lại thống nhất với nhau, chia sẻ và hiểu nhau hơn thì những ý kiến của hội thảo sẽ có tác động tích cực tới những người làm chính sách, tới các nhà quản lý, các thầy cô, các nhà nghiên cứu và thậm chí là cả dư luận.
GS Phan Thanh Bình: "Khi chuyển chất thì cần chuẩn bị rất tốt về giáo dục. Nếu không làm tốt ở chỗ này sẽ làm lỡ cơ hội, không vượt được trần đang lơ lửng trên đầu chúng ta" |
Đây là năm đầu tiên chúng tôi tổ chức hội thảo như thế này. Nếu hiệu quả tốt, chúng ta lại tổ chức những hội thảo tiếp theo. Mục tiêu của chúng tôi là từ những hội thảo như thế này để nâng chất của báo cáo hàng năm của Ủy ban về giáo dục, thực hiện đúng vai trò tiếng nói khách quan của Ủy ban.
Làm theo cách này cũng là tạo không gian cho những người hành pháp trong giáo dục đi đến tận cùng các đề án, ý tưởng với điều kiện là quyết tâm, chuẩn bị kỹ càng và làm cho đúng. Nếu không làm như vậy tôi cho rằng sẽ rất khó cho các dự án, ý tưởng đổi mới giáo dục.
Hội thảo sẽ thảo luận về các vấn đề: chương trình, đội ngũ nhà giáo và đội ngũ quản lý.
Cần sớm bàn tới Luật Nhà giáo
Chương trình cho giáo dục phổ thông là một trong 3 nội dung chính của hội thảo lần này. Điều này có ý nghĩa như thế nào khi chúng ta chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới thưa ông?
- Hội thảo của chúng tôi sẽ tổ chức theo hình thức tương tác giữa các diễn giả (panelists) và các đại biểu tham dự và cũng không bàn tới những vấn đề cụ thể. Như chủ đề thì cái chúng ta cần bàn là chương trình đó nên như thế nào, chứ không phải tranh luận ai đúng ai sai trong những vấn đề cụ thể.
Ở đây, tôi cho rằng, với vấn đề chương trình, chúng ta phải quan tâm tới mấy câu hỏi: Thứ nhất, chúng ta muốn đào tạo cái gì? Thứ 2, vấn đề tổ hợp và tích hợp giải quyết ra sao? Thứ ba, giải quyết vấn đề giữa tính địa phương và toàn quốc và vấn đề giữa địa phương và toàn cầu ra sao?
Hội thảo sẽ là nơi các diễn giả và người tham dự bày tỏ quan điểm còn việc triển khai nó thế nào là việc của Ban soạn thảo và Bộ GD-ĐT. Ủy ban sẽ đi cùng Bộ trong việc triển khai đó.
Còn với đội ngũ giáo viên phổ thông, ông cho rằng đâu là những vấn đề cần quan tâm hiện nay?
- Thầy cô giáo không phải là nghề bình thường vì đối tượng đào tạo của nghề này hướng đến là con người cụ thể. Người ta thường ví các em học sinh là những tờ giấy trắng, tôi không nghĩ đơn giản chỉ là một tờ giấy trắng bởi mỗi em có một cá tính, suy nghĩ riêng. Do đó, nghề giáo viên đòi hỏi người thầy phải có tố chất, có tấm lòng.
Bên cạnh đó, người thầy cần phải có chuyên môn. Đặc biệt với chương trình đang được thay đổi thì chuyên môn là điều được yêu cầu rất lớn, từ kỹ năng cho tới phương pháp.
Thứ ba là vấn đề chính sách xã hội đối với giáo viên. Năm nay, Ủy ban cũng thực hiện việc giám sát về chế độ chính sách của thầy cô giáo và sẽ có một báo cáo riêng.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng cần phải tạo không gian để các ý tưởng đổi mới giáo dục được thực hiện đến cùng khi đã chuẩn bị sẵn sàng. Ảnh: Thanh Hùng. |
Quan điểm của chúng tôi là cần phải có Luật Nhà giáo để quy định rõ vị trí, chế độ của giáo viên nói chung, kể cả công lẫn tư, sau đó chúng ta mới tính tới chuyện thay đổi về chính sách của đối tượng này.
Hiện nay, giáo viên vẫn thực hiện theo Luật Viên chức nhưng luật này lại quá rộng, trong khi nghề giáo như tôi nói lại là nghề đặc thù.
Cuối cùng, một vấn đề đáng lưu tâm là hệ thống trường sư phạm nên được chuyển đổi và sắp xếp như thế nào.
Vấn đề sư phạm kém thu hút thì đã từ lâu nhưng năm nay mới nổi lên. Đặt ra những vấn đề về hệ thống các trường dạy sư phạm. Hiện nay, các trường đào tạo sư phạm nhiều quá, dẫn đến có nhiều hạn chế, bất cập.
Có ý kiến cho rằng một trong những điểm "còn xa với yêu cầu" nhất của giáo dục phổ thông nằm ở khâu quản lý. Ông nghĩ như thế nào?
- “Quản lý trong giáo dục” đã được Nghị quyết 29 đặt ra nhưng đây vẫn là một trong những cái yếu rất lớn. Từ khâu dân chủ và tự chủ trong nhà trường tới vấn đề quản lý hệ thống giữa các bộ, ngành và giữa trung ương với địa phương.
Chúng ta đều biết, trong ngành giáo dục thì nhân sự gắn nhiều với Bộ Nội vụ, tài chính lại gắn nhiều với Bộ Tài chính, Bộ GD-ĐT chỉ làm chuyên môn. Điều này có những chia cắt nhất định, gây ra những khó khăn trong điều hành chung của ngành.
Chẳng hạn, chúng ta đều biết Nghị quyết của Quốc hội chi cho ngành giáo dục là 20% tuy nhiên, 20% này được chi ra sao cho từng cấp học thì rất khó biết, dẫu chúng ta đều biết, tới 80% trong số này là chi cho các thầy cô. Điều này cũng rất khó cho Bộ GD-ĐT vì Bộ chỉ quản lý phần ngân sách được giao cho Bộ thôi, đâu đó chừng 4,7% trong tổng số này.
"Các trường tư thục là một nhân tố mới để tạo ra động lực cho sự thay đổi của hệ thống giáo dục" |
Năm nay, theo Luật Ngân sách, Ủy ban sẽ tham gia thêm việc giám sát về tài chính vì vậy, chúng tôi muốn đặt vấn đề nắm bắt dòng tiền chia đi các nơi như thế nào. Hiện nay, việc chi tiêu tiền cho giáo dục như ma trận, nhiều bộ ngành cùng chi và lại chia theo nhiều cấp từ Trung ương tới quận huyện.
Các báo cáo quyết toán của Bộ Tài chính thì cần độ trễ tới 2 năm trong khi chúng ta cần có nắm bắt sớm để biết mình đang làm giáo dục như thế nào và hiệu quả đến đâu để có thể điều chỉnh kịp thời.
Bên cạnh đó, trong vấn đề quản lý, cũng phải bàn đến vấn đề đội ngũ cán bộ quản lý như thế nào, cũng như vấn đề xã hội hóa giáo dục. Cá nhân tôi cho rằng, các trường tư thục là một nhân tố mới để tạo ra động lực cho sự thay đổi của hệ thống giáo dục của chúng ta.
Nếu tô màu cho bức tranh giáo dục, ông sẽ tô màu như thế nào?
- Nhìn lại giáo dục của mình, theo tôi đánh giá thì không phải giáo dục không có kết quả, nhưng so với yêu cầu thì chúng ta còn phải làm nhiều việc, đặc biệt đất nước đang trong giai đoạn chuyển chất – như tôi đã đề cập lúc đầu.
Khi chuyển chất thì cần chuẩn bị rất tốt về giáo dục. Nếu không làm tốt ở chỗ này sẽ làm lỡ cơ hội, không vượt được trần đang lơ lửng trên đầu chúng ta.
Tôi nghĩ không nên đặt chuyện “màu sáng hay màu tối” ở đây. Nhìn tổng thể, đó là bức tranh màu sáng; nhưng so với yêu cầu về hội nhập thì còn phải phấn đấu nhiều.
-Xin cảm ơn ông!
Hạ Anh - Lê Văn (thực hiện)