Trong những ngày qua, đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền làm dấy lên một cuộc tranh luận rộng khắp trên các diễn đàn, hội nhóm nghề nghiệp.
Giới chuyên môn: Ngôn ngữ đã có sự “tự điều chỉnh”
PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, bày tỏ sự ngạc nhiên vì đề xuất “cải cách chữ quốc ngữ" của PGS Bùi Hiền lại được mọi người quan tâm đến vậy. Theo ông, việc PGS Bùi Hiền xới lại vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ ở thời điểm này là “lạc lõng”.
“Chữ Quốc ngữ từ khi hình thành và đi vào cuộc sống như hiện nay đã bộc lộ nhiều bất hợp lý. Vì hệ thống chữ cái Latin không đủ, tương ứng với hệ thống âm vị tiếng Việt nên người ta phải sáng tạo chữ khác để ghi cho đủ (như thêm các chữ hoặc ghép tổ hợp chữ cái: ă, ơ, ô, ơ, đ, ư, nh, ng(h), th, tr...” - ông Tình cho biết.
Theo ông Tình, những bất hợp lý đó nhiều nhà nghiên cứu đã nhận ra từ trước và tìm cách cải tiến nhưng không được. Lý do rất đơn giản bởi chữ Quốc ngữ đã ăn sâu vào trong tiềm thức và được cộng đồng chấp nhận, sử dụng hàng trăm năm nên bây giờ thay đổi là điều rất khó.
Thực tế thì trong quá trình sử dụng, do nhiều lý do mà chữ Quốc ngữ đã có sự "tự điều chỉnh" theo hướng hợp lí hơn. Tuy nhiên, chỉ một thay đổi nhỏ trong hệ thống chữ viết tiếng Việt sẽ kéo theo hàng loạt hệ luỵ như SGK phải viết lại, cách viết của học sinh phải thay đổi, các văn bản nhà nước phải làm lại, hàng triệu người phải thay đổi cách đọc, cách viết...
GS Nguyễn Đức Dân, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cũng cho rằng “Đề xuất ông Bùi Hiền đưa ra làm rối vấn đề lên và khó được chấp nhận vì hoàn toàn trái ngược với quy tắc về âm vị học”.
Ông Dân nhắc lại những nghiên cứu về cải tiến tiếng Việt trước đây, thậm chí Bác Hồ cũng cải tiến tiếng Việt thay chữ z thay cho chữ g nhưng không thành công, hay chữ f thay chữ p cũng không được chấp nhận.
“Từ xưa đến nay, trải qua qua mấy trăm năm hình thành và biến đổi, chữ viết tiếng Việt đã hoàn chỉnh và ổn định, khá chuẩn và không cần thiết phải thay đổi thêm. Nếu có chúng ta chỉ nên thêm một vài ký tự để có thể phiên âm tiếng nước ngoài, chẳng hạn J, W, Z đủ để miêu tả những thuật ngữ khoa học và tên người” – ông Dân đề xuất.
TS Nguyễn Văn Chính, Trưởng khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH QG Hà Nội, nhìn nhận theo thời gian, ngôn ngữ có sự vận động, chuyển biến, một số nét khu biệt về âm xưa nay mờ dần mà các con chữ thì vẫn giữ nguyên và kết quả là ta thấy có chuyện "thừa" chữ ở phương ngữ này phương ngữ kia.
“Chuyện bắt đầu lôi thôi khi một số trí thức nhìn thấy cái sự "thừa" ấy và tính việc cách tân. Việc này không mới vì xưa đến giờ cũng có một số người bàn. Không cứ bên ta mà các quốc gia khác cũng vậy. Tuy nhiên, để bàn cho ra lẽ thì cần những nhà khoa học có căn cốt thực sự, phải cân nhắc mọi nhẽ chứ không thể làm theo lối "tôi thích thì tôi làm" được” – ông Chính nói.
Theo ông Chính, việc bàn tính là chuyện nên có trong các sinh hoạt khoa học. Nhìn rộng hơn, tiếng nước nào cũng có chuyện lệch chính tả cả. Hệ thống chữ viết ghi âm vị, như đã biết, mỗi con chữ gắn với một âm là nguyên tắc. Để cải tiến nó thì các nhà khoa học phải chứng minh cho được hệ thống chữ viết đang dùng đã không đáp ứng được yêu cầu khoa học.
Ngôn ngữ có cơ chế tự điều chỉnh, và từ xưa tới nay chữ viết cũng đã thay đổi nhiều, nhưng về cơ bản chỉ thay đổi hình dáng, kí tự. “Nay chữ Việt ta nhìn một cách nghiêm nhặt vẫn thực hiện tốt chức năng của mình. Bao thế hệ đã chấp nhận, người Việt giờ vẫn chấp nhận, sử dụng một cách hiệu quả, hà cớ gì lại phải cải tiến cải lui” – ông Chính bình luận.
Có thể áp dụng trong nhà trường không?
Với câu hỏi này, GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, khẳng định đề xuất của PGS Bùi Hiền sẽ “không bao giờ thực hiện được trong nhà trường bởi không có tính khả thi”.
Ông Thuyết cho biết gần đây nhất, vào năm 1998, có kiều bào ở Pháp gửi thư cho nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề nghị nhà nước ta cải tiến chữ quốc ngữ cho hợp lý hơn.
Văn phòng có gửi công văn hỏi ý kiến một số cơ quan về đề xuất này. Khi đó, thay mặt Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội, ông Thuyết có gửi công văn trả lời, trong đó nói rõ: “Nếu cải tiến chữ Quốc ngữ theo đề xuất này thì chúng ta sẽ phải đào tạo lại hàng chục triệu lao động; các học giả cũng sẽ trở thành người vừa đọc vừa đánh vần, viết sai chính tả và sẽ phải đi học lại từ đầu. Đó là chưa kể phải thay đổi tất cả các tài liệu khoa học và như vậy thì sẽ rất tốn kém”.
Với đề xuất của PGS Bùi Hiền, ông Thuyết vẫn giữ quan điểm này. “Chữ nào cũng sẽ có những điểm vô lý, muốn xây dựng một thứ chữ hoàn hảo rất khó, bởi trước sau gì, cùng với thời gian nó cũng sẽ trở nên bất hợp lý.
Theo tôi, những đề xuất về cải tiến chữ Quốc ngữ là không cần thiết, nó sẽ tạo ra nhiều hệ lụy” – ông Thuyết nhấn mạnh.
Về nội dung cho rằng chữ viết cải tiến này sẽ học và viết nhanh hơn so với chữ hiện hành, ông Thuyết “không biết PGS.TS Bùi Hiền đã thực nghiệm dạy đối chứng 2 thứ chữ ở đâu để rút ra những kết luận này. Nhưng tôi ngờ rằng cả người dạy học, người viết sách, người đánh máy, người biên tập, người đọc sách đều sẽ phải loay hoay, mất thời gian hơn với thứ chữ cải tiến này.
Đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ nếu được chấp nhận sẽ làm cho hàng chục triệu người lao động phải học lại từ đầu, hàng chục triệu tài liệu phải in lại, như vậy thì sẽ tốn giấy mực và thời gian hơn nhiều.
Ngay cả việc người trẻ dùng những ký hiệu khác lạ viết cho nhau chỉ được xem như trò chơi, họ chấp nhận với nhau, chứ không thể thành chữ viết chính thức được” – ông Thuyết bày tỏ quan điểm.
GS Nguyễn Đức Dân cũng cho rằng hiện nay nhiều bạn trẻ hay dùng chữ viết như ông Hiền đề xuất, nhưng đó là tiếng lóng (hay gọi là tiếng Lống). Đây là thứ tiếng không chuẩn với chữ viết. Ví dụ từ không = o.
“Đây không phải là tiếng Việt mà là tiếng lóng. Tiếng lóng muốn viết như thế nào nhưng cũng có hệ thống và tiếng lóng này không phải là tiếng Việt. Khi nào tiếng lóng này được mọi người chấp nhận có thể bổ sung thêm một số từ trong hệ thống chữ viết hiện nay” – ông Dân nói.
Trong tranh luận học thuật không chấp nhận công kích cá nhân
Trong những ngày qua, những đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền làm dấy lên một cuộc tranh luận rộng khắp trên các diễn đàn, hội nhóm nghề nghiệp. Có những đường “link” bài viết về đề xuất của ông nhận tới hàng ngàn lượt bình luận, tuy nhiên những lập luận dựa trên chứng cớ khoa học lại ít được đưa ra. Chủ yếu nhất trong số những bình luận, nhận xét về cải tiến này nghiêng về hướng chửi bới, thóa mạ cá nhân.
Người ta dùng những tính từ bất nhã, nặng nề để bình luận về cá nhân ông, như “rửng mỡ”, “tiến sĩ dởm”, thậm chí là “dở hơi”, “tâm thần”.
Có người còn bình phẩm về những cải tiến mà ông cho biết đã nghiên cứu từ 30 năm trước, là “ăn cắp trí tuệ rẻ tiền của con nít, chứ nghiên cứu 30 năm cái nỗi gì”. Hay những lời lẽ châm biếm như “giáo sư chắc ‘chat’ với các cháu teen nhiều, nên hiểu được tâm tư, ngôn ngữ của các cháu”…
Thậm chí, có một tiến sĩ lên tiếng theo hướng ủng hộ những đề xuất cải tiến này nếu đủ sức thuyết phục, cũng bị đám đông hùa vào “ném đá” tích cực.
Chia sẻ về câu chuyện này, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng (ĐHQG TP.HCM), cho biết ông thực sự cảm thấy bất bình về những ý kiến miệt thị, xúc phạm, công kích công trình khoa học cũng như cá nhân PGS. Bùi Hiền.
“Người Việt Nam dường như rất khoái trá khi có đông người cùng hùa nhau làm một việc gì đó, trong khi mỗi người trong số đó ít suy nghĩ thấu đáo về việc đó như thế nào. Cứ có một cái “like” là có hàng trăm cái “like” tiếp theo, hễ có một người ném đá thì sẽ có hàng tấn gạch đá ném theo”.
Ông cho rằng điều này ở văn hóa phương Tây rất hiếm khi xảy ra, vì mỗi người khi nói gì, làm gì đều có bản lĩnh để suy nghĩ và chịu trách nhiệm cá nhân về ý kiến của mình.
GS Nguyễn Đức Dân thì bày tỏ “Chúng ta tôn trọng tự do học thuật, nhưng tôi nghĩ nếu không đồng ý thì nên tự do trình bày quan điểm và những suy nghĩ của mình và suy nghĩ nghiêm túc về điều này. Tôi trình bày quan điểm của tôi và không đồng ý với hành vi ném đá vì đó là cách mạt sát không đúng tinh thần khoa học”.
Ông Phạm Văn Tình cho rằng điều đáng ghi nhận là, dư luận quan tâm đến ngôn ngữ và tiếng Việt (và tỏ ra lo lắng) là dấu hiệu tốt.
“Nhưng mọi người có thái độ hơi quá mức cần thiết. Tôi cho rằng không nên thóa mạ bởi quyền làm hay ý kiến về khoa học là quyền của mọi người. Đây cũng chỉ là một đề xuất cá nhân, không đại diện cho giới ngôn ngữ học, càng không phải chủ trương mà Nhà nước đem ra áp dụng”.
Lịch sử cải tiến tiếng Việt
Theo ông Đoàn Xuân Kiên trong bài viết "Chữ quốc ngữ qua những biển dâu”, những mảng tài liệu tìm được cho đến nay đã bước đầu cho thấy là chữ quốc ngữ đã manh nha từ những năm đầu thế kỉ XVII.
Ròng rã hơn 30 năm liền, chữ Quốc ngữ đã được hoàn chỉnh dần, qua những công phu của những nhà truyền giáo Portugal như cố Pina. Đến khi A. de Rhodes xuất bản cuốn từ điển Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (Rome, 1651) thì chữ Quốc Ngữ đã có dạng hoàn chỉnh.
Từ khi ra đời đến nay, chữ quốc ngữ đã luôn luôn được tu chỉnh. Những khác biệt này có thể bắt nguồn từ chính tiếng nói thay đổi, nhưng cũng có những trường hợp do sự sửa đổi, khiến cho chữ viết mỗi ngày thêm thay đổi.
Đề nghị sửa đổi chữ Quốc Ngữ năm 1902: Hội nghị Nghiên cứu Viễn đông năm 1902 tại Hà Nội, bản đề nghị sửa đổi của Uỷ ban Cải cách chữ quốc ngữ được chuẩn y và giao cho Viện Viễn đông bác cổ tiếp tục nghiên cứu, thực hiện trên các trang in của Viện. Nhưng công chúng và nhà trường không biết gì về những đề nghị thay đổi đó.
Dự án cải tổ năm 1906: Đến năm 1906, vấn đề cải cách lại được đặt ra ở hội nghị của Hội đồng cải lương học chánh. Bản đề nghị của Hội đồng lần này bị công luận đả kích kịch liệt vì nhiều lí do bên ngoài học thuật và vĩnh viễn bị chôn vùi.
“Quốc Ngữ mới" của nguyễn Văn Vĩnh (1928): Trên báo Trung Bắc Tân Văn, khoảng cuối năm 1928, nhà văn và cũng là nhà báo nổi tiếng thời bấy giờ, ông Nguyễn Văn Vĩnh, tung ra lối in chữ Quốc Ngữ mới, gọi là Quôcj Ngưw Moeij. Dự định của Nguyễn Văn Vĩnh không thành. Sau này còn có một số người khác muốn sửa đổi chữ quốc ngữ theo ý đồ và ý thích riêng như trường hợp Vi Huyền Đắc (với công trình Việt tự), Phạm Xuân Thái (qua công trình Việt ngữ cải cách). Những “công trình” nói trên đều tan vào lãng quên.
Cách viết theo Nguyễn Bạt Tuỵ (1949). Đoạn thơ trên là: "Chí làm trai dặm nghìn da ngựa/ Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao/ Giã nhà đeo bức chiến bào/ Thét roi cầu Vị ào ào gió thu". |
"Chữ và vần Việt khoa học" của Nguyễn Bạt Tuỵ (1949): Năm 1949, Nguyễn Bạt Tụy viết sách Chữ và Vần Việt Khoa Học, rồi qua đó đưa ra một bản đề nghị sửa đổi cách viết chữ Quốc Ngữ. Bản đề nghị của ông dựa trên nguyên tắc ghi âm, lại dựa ở trên một số phát kiến quan trọng và mới mẻ, nhưng không thể thực hiện được trên thực tế, vì chữ viết không phải là những kí hiệu ngữ âm theo kiểu một bản phiên âm quốc tế.
Hội nghị thống nhất ngôn ngữ (1956): Đại hội Văn hoá toàn quốc tại Sài Gòn năm 1956 có một Uỷ ban Ngôn ngữ, cũng kiến nghị một chương trình sửa đổi một số cách viết về chữ quốc ngữ, nhưng rồi không có gì thay đổi.
Hội nghị cải tiến chữ Quốc Ngữ (1959): Tại Hà Nội, một hội nghị cải tiến chữ Quốc Ngữ được tổ chức năm 1959. Nhưng rồi, mọi bàn cãi sôi nổi cũng lại ngủ yên trên giấy tờ, vì cho rằng “tình hình chưa thuận tiện”, nên nhiệm vụ cải tiến chữ Quốc Ngữ phải gác lại.
Uỷ ban điển chế văn tự (1973): Những năm 1970, tại Sài Gòn có một cơ quan tên là Hội đồng Văn hoá Giáo dục. Về địa hạt ngôn ngữ, một Uỷ ban Điển chế văn tự được ra đời để cải tiến chữ quốc ngữ. Ảnh hưởng của Uỷ ban này chưa có gì đáng kể trong công chúng.
Sau năm 1975: Một hội nghị lớn bàn về vấn đề "chuẩn hoá" tiếng Việt liên tiếp được triệu tập trong những năm 1979. Theo đà làm việc đó, một số từ điển, chủ yếu là song ngữ, đã ra đời. Đã có cả một công trình Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ chủ biên. Tiếng Việt phát triển trong hoàn cảnh thuận lợi nhiều mặt như thế.
Sự thay đổi của bộ mặt chữ quốc ngữ từ khi ra đời cho đến nay đã chứng tỏ rằng các nhà hoạt động ngôn ngữ đã không quá bảo thủ hoặc hãnh tiến đến mức cố chấp.
Nhóm phóng viên
Gặp tác giả đề xuất cải tiến ‘Giáo dục’ thành ‘Záo zụk’
PGS.TS Bùi Hiền, tác giả của đề xuất cải tiến chữ cái Tiếng Việt cho biết ông bị nhiều người chỉ trích, thậm chí nói rằng bị điên dù chưa hiểu rõ câu chuyện.
Toàn bộ đề xuất cải tiến chữ viết ‘Tiếng Việt’ thành ‘Tiếq Việt’
VietNamNet xin giới thiệu toàn bộ đề xuất phương án cải tiến chữ quốc ngữ phần phụ âm của PGS.TS Bùi Hiền khiến dư luận xôn xao mấy ngày qua, khi ‘giáo dục’ sẽ thành ‘záo zụk’ hay ‘tiếng Việt’ thành ‘tiếq Việt’…
Đề xuất cải tiến "tiếng Việt" thành "tiếq Việt"
PGS.TS Bùi Hiền, Nguyên Hiệu phó Trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội đã đề xuất cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt như chuyển cách viết Luật giáo dục" đổi thành “Luật záo zụk”. “Tiếng Việt” thành “Tiếq Việt”, “ngôn ngữ” thành “Qôn qữ”