Cô là giáo viên chuyên dạy lớp một ở Trường Tiểu học An Tịch, thuộc Sa Đéc (nay là An Hiệp) tại ngôi làng quê nho nhỏ dọc theo dòng sông Sa.

Lúc nào cô giáo cũng bước vào lớp với chiếc áo dài trắng ngăn ngắn kiểu cổ điển và chiếc quần dài đen. Trong ngôi làng nhỏ này có rất nhiều người đã từng là học trò của cô.

Nói đến cô Dân, ai cũng biết đó là một người hiền lành, nhân từ nhưng khi dạy học thì thật là... nghiêm khắc. 

{keywords}
Ảnh minh họa (Nhân vật trong ảnh không phải là nhân vật trong bài viết)

Hình như ở cái thời dạy học của cô thì học trò không phải làm bài tập ở nhà. Duy có điều, trò nào học không theo kịp các bạn trong lớp thì về nhà viết rất nhiều lần bài học trên lớp của ngày hôm đó, vừa viết vừa đọc. 

Bạn nào không chịu làm theo yêu cầu của cô, cô không la rầy học trò của mình mà lặng lẽ đến tận nhà gặp luôn ba má của bạn ấy để nhắc nhở, thậm chí cô còn mắng cho. Bởi vì, xét cho cùng thì những phụ huynh này cũng đã từng là học trò của cô.

Trường Tiểu học An Tịch của chúng tôi ngày ấy chỉ có 10 lớp, 5 cô giáo và một ông hiệu trưởng. Mỗi người dạy 2 lớp, cô giáo Dân của chúng tôi dạy 2 lớp một, buổi sáng là 1A có 52 học sinh, buổi chiều là 1B với 50 bạn

Lớp 1A của chúng tôi năm đó cũng có vài bạn biết đọc biết viết trước khi nhập học nhờ gia đình tự dạy. Đa phần các bạn đều chưa được học gì, cá biệt còn có một bạn bị nói cà-lăm (nói lắp). 

Thời đó, giáo viên tiểu học dạy đủ các môn tập đọc, tập viết, tập làm toán, tập thể dục, tập vẽ, tập hát, tập may vá... Cũng chính vì thế mà cô giáo Dân của chúng tôi có thể sắp xếp để dạy toán cho nhóm bạn này, tiếng Việt cho nhóm kia trong khi nhóm khác thì học vẽ, học tập đọc.

Mỗi đầu giờ trước khi vào lớp, học sinh xếp hàng để cô kiểm tra vệ sinh 2 bàn tay, 2 bàn chân của từng bạn. Có lần, một bạn gái dùng dây thun đeo vào tay, cô bảo bạn ấy nộp cho cô để trên bàn giáo viên, hết giờ học thì lên nhận đem về.

Bạn ấy không chịu nộp và cũng không cho cô lấy ra, trong lúc cô kéo sợi dây thun ra khỏi tay học sinh, vô tình dây thun đã bắn trở lại tay bạn ấy. Bị đau quá, bạn này đã bỏ chạy như bay ra khỏi lớp.

Trước tình thế này, cô cho cả lớp đọc thầm, lớp trưởng giữ lớp để cô đi tìm gặp chị của bạn đó đang học cùng trường. Trước tiên, cô xin lỗi về sự việc vô tình xảy ra và nhờ người chị giúp cô đưa bạn gái này trở lại lớp.

Việc dạy của cô ở lớp 1 dường như tập trung vào môn tập đọc, cô thường nói với chúng tôi là các em phải đọc cho tốt, một khi đọc được rồi thì cái gì các em cũng sẽ từ từ mà biết.

Sau mỗi ngày học, cô thường dành khoảng 1 giờ để kiểm tra việc đọc cho cả lớp bằng một bài viết tổng hợp với tất cả các từ được học trong buổi hôm đó cũng như 1 vài từ khó.

Ai đọc đúng và chính xác thì được ra về trước, đọc nửa bài thì phải tiếp tục đọc lại lần 2, lần 3 cho đến khi đọc hết cả bài mới được ra khỏi lớp.

Lớp tôi có vài bạn học trước, vài ngày đầu được ra về sớm nhất. Sau đó, cô giao nhiệm vụ cho các bạn này cùng học một rồi hai, ba bạn đọc kém. Khi nào các bạn đó đọc đúng toàn bộ thì mới được cùng nhau ra khỏi lớp.

Với cách dạy từng ngày, từng ngày một như thế thì làm sao mà tất cả các bạn của chúng tôi không đọc tốt được?

Riêng với giờ tập viết, cô cầm tay sửa từng nét chữ cho từng bạn trong lớp. Ai viết kém thì cô gửi bài tập về nhà để cha mẹ kèm cặp thêm.

Nếu quá 2 lần cha mẹ một bạn nào đó không giúp con mình tập viết thì cô lại yêu cầu các gia đình đưa con đến lớp vào cuối giờ buổi chiều để cô luyện thêm, cho dù đó là học sinh của lớp buổi sáng hay buổi chiều, mà không hề có khái niệm nhận tiền công hay là tiền bồi dưỡng.

Tuy nhiên, một vài cha mẹ thấy con mình tiến bộ thì thỉnh thoảng cũng mang cây trái, gà, vịt với tính chất "cây nhà lá vườn" đến thăm và cám ơn vậy thôi.

Một lần, cả đám bạn lớp tôi vào ngày mồng 2 Tết mang đến cho cô vỏn vẹn có 5 quả mận xanh. Vậy mà khi ra về, cô đã gửi lại cho chúng tôi một hộp mứt chùm ruột do chính tay cô làm mà không hề hỏi xem ai là chủ nhân của 5 quả mận ấy.

Điều tâm đắc nhất của tôi đối với cô là cách thức dạy nhóm của cô. Cho dù bạn học trước hay bạn chưa từng biết bất kỳ một chữ cái nào thì đối với cô cũng không thành vấn đề. 

Chỉ cần sau tuần học đầu tiên, với kết quả cụ thể của từng học sinh, cô sẽ nhóm một số các bạn lại với nhau cùng học chung với nhau vào giờ cuối của mỗi buổi học.

Một nhóm có thể là 2, 3 hoặc 4 hay 5 bạn tuỳ thuộc vào khả năng của nhóm trưởng. Chỉ khi nào các nhóm viên đọc đúng, chính xác thì nhóm mới được cùng ra về. Riêng với bạn bị "cà lăm" thì cô dạy trực tiếp, nội dung học ít hay nhiều ở mỗi ngày học là do cô chuẩn bị trên một chiếc bảng phụ.

Như vậy, vấn đề mang tính lý luận được rút ra ở đây là cô giáo được tự chủ viết một bài tập đọc tích hợp từ các môn học trong mỗi một ngày dạy học bằng sự trải nghiệm và tâm huyết của chính bản thân cô. 

Việc các nhà giáo thiết kế được một bài tích hợp sau mỗi buổi dạy cũng có thể được xem là thước đo năng lực của các nhà giáo trong một nhà trường, địa phương cũng như ngành giáo dục nước nhà.

Người dân làng tôi thường nói với nhau rằng, cô giáo Dân dạy 50 trò là 50 đứa có chữ viết đẹp như nhau. Có lẽ do ảnh hưởng chính cách dạy của các cô giáo tiểu học, nên tôi đã luôn dành tâm huyết của mình cho giáo dục tiểu học.

(*) Cô là Nguyễn Thị Dân, giáo viên Trường Tiểu học An Tích, Sa Đéc ngày trước nay là Trường Tiểu học An Hiệp, Châu Thành, Đồng Tháp. Cả làng tôi mọi người đề gọi cô là cô giáo Dân.

NGND. TS Đặng Huỳnh Mai