- Lời toà soạn: VietNamNet vừa nhận được bài viết của một thầy giáo tiểu học, nêu câu chuyện về một loại giấy khen mới. Đó là tấm giấy đề hai chữ “Chúc mừng” của một trường tiểu học ở thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang). Dưới đây là ý kiến phân tích của thầy giáo và mời bạn đọc cùng trao đổi.

Thiệp chúc mừng hay giấy khen 

Cuối năm học, trường nào cũng in giấy khen để tặng học sinh có thành tích cao trong năm học. Giấy khen vừa để công nhận thành tích học tập, vừa để động viên, khuyến khích học sinh cố gắng hơn nữa. 

{keywords}

Giấy khen hay thiệp mừng?

Thường thì theo quy định của công đoàn cơ quan của các phụ huynh, phần thưởng dành cho trẻ em có giấy khen xuất sắc thường cao hơn giấy khen tiên tiến. 

Còn ở bộ phận khuyến học các địa phương, khi khen thưởng khích lệ trẻ em, bây giờ cũng linh hoạt theo đổi mới giáo dục: Thưởng theo hai loại giấy khen xuất sắc và giấy khen giỏi từng môn. 

Theo nếp nghĩ đó, nên khi tập hợp giấy khen để kịp thời phát thưởng cho các cháu nhân dịp Tết Thiếu nhi 1/6 năm nay, cơ quan của anh bạn tôi ngạc nhiên vì một số “giấy khen” được photo gửi đến nó không phải là… giấy khen. 

Mà đó là tấm giấy đề hai chữ “Chúc mừng”. Dưới chữ “Chúc mừng” đó là tên học sinh và các thành tích đạt được.

Mọi người đều cảm thấy lạ. Bởi giấy khen thì phải theo khuôn mẫu giấy khen đúng quy định về quốc huy, tiêu đề… theo Nghị định 85/2014 của Chính phủ. 

Còn thiệp chúc mừng chỉ dành cho sinh nhật, khai trương… chứ không để vinh danh thành tích học sinh. 

Giấy khen – tính truyền thống và tính pháp lí

Từ trước tới nay, tất cả các công ty, doanh nghiệp, trường học… đều thưởng giấy khen cho cá nhân có thành tích cao. 

Tấm giấy khen là một hình ảnh đẹp, đáng tự hào cho mỗi cá nhân được tặng và là một kỉ niệm lớn của tuổi học trò. Tấm giấy khen cũng là niềm mong muốn của cha mẹ học sinh. 

{keywords}

Đây là giấy khen chuẩn mực

Giấy khen còn mang tính quy định vì đây là một hình thức khen thưởng theo Luật Thi đua khen thưởng số 16/VPQH năm 2013 (áp dụng đối với cá nhân, tập thể người Việt Nam và người Việt Nam ở nước ngoài) và các văn bản dưới luật. Vì thế, trong những trường hợp ấy, từ "giấy khen" được viết hoa.

Theo các văn bản quy định nói trên thì cá nhân có thành tích cao được thủ trưởng đơn vị tặng Giấy khen. 

Nếu có thành tích cao nữa thì được đề nghị cấp trên tặng Bằng khen. 

Thực tế đã có học sinh được tặng Bằng khen như mới đây hai học sinh ở Bình Dương dũng cảm bắt cướp, hay em Nguyễn Văn Thao ở Thái Nguyên đã quên mình cứu bạn…

Theo quy định về đánh giá học sinh Tiểu học (Thông tư 22) đã sửa đổi Điều 16 của Thông tư 30 về khen thưởng, thì “Hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh…”, “Học sinh có thành tích xuất sắc được nhà trường đề nghị cấp trên khen thưởng…”.

Qua phân tích trên, tôi cho rằng việc biến tấu giấy khen thành thiệp chúc mừng là chưa đúng.

{keywords}

Rất nhiều thành tích mà học sinh chỉ có thiệp chúc mừng

Thủ trưởng đơn vị là người quyết định và kí giấy khen. 

Việc viết giấy khen được phép linh hoạt theo nội dung khen nhưng vẫn phải bám sát các quy định trong ngành. Tuy nhiên, một số hiệu trưởng lại vận dụng tạo ra giấy khen muôn vẻ. 

Trong trường hợp này, hiệu trưởng đã “sáng tạo” ra thiệp chúc mừng để thay cho giấy khen như quy định.

Để góp ý cho việc trao giấy khen ở những năm học sau, xin được tham khảo ý kiến bạn đọc về việc những giấy khen là thiệp chúc mừng kia có thực sự là giấy khen hay không?

Thầy giáo Tùng Sơn

Vụ Tiểu học: "Giấy khen cuối năm không thể là tấm thiệp chúc mừng"

Vụ Tiểu học: "Giấy khen cuối năm không thể là tấm thiệp chúc mừng"

Đại diện Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) khẳng định việc biến tấu giấy khen cuối năm thành thiệp chúc mừng là chưa đúng theo quy định.


Giấy khen ở các nước đa dạng

Nếu như ở Séc, học sinh không được nhận giấy khen cuối năm học thì ở Mỹ, tấm giấy khen có nội dung và cách trình bày rất đa dạng, tùy vào từng trường và không theo một quy chuẩn nào cả.

Ở Mỹ, vào cuối mỗi năm học, nhiều học sinh nhận được một tấm giấy khen có chữ ký của Tổng thống Mỹ. Giải thưởng này có tên là President’s Education Awards Program (PEAP), được trao cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông của Mỹ.

Những học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập hoặc ở một vài môn học cụ thể sẽ được nhận giấy khen này. Cậu bé Đỗ Nhật Nam – tác giả nhí của nhiều cuốn sách học tiếng Anh – từng nhận được tấm giấy khen này khi theo học ở Trường Tiểu học Saint Paul (Mỹ).

Nội dung của giấy khen viết: “President’s Education Awards Program presented to Do Nhat Nam in recognition of Outstanding Academic Achievement” (Giải thưởng giáo dục của Tổng thống trao cho Đỗ Nhật Nam để công nhận thành tích học tập nổi trội).

Phía dưới tấm giấy khen là chữ ký của Tổng thống Barack Obama – Tổng thống đương nhiệm vào thời điểm đó.

Còn trong giấy khen của trường dành cho Đỗ Nhật Nam, nội dung viết:

“Certificate of Award

This is to certify that Do Nhat Nam

A pupil of Saint Paul School

Has been awarded this certificate for Exellence in Geometry/Algebra

Presented on this 29th day of May, 2015”

(“Giấy chứng nhận

Đỗ Nhật Nam

Học sinh của trường Saint Paul School

Đã được trao tấm giấy chứng nhận này nhờ thành tích xuất sắc trong môn Hình học/ Đại số

Được trao vào ngày 29/5/2015”)

Một số giấy khen còn sử dụng các cụm từ khác như: Certificate of academic Excellence is award to…, Certificate of Merit, Award of Merit…

Điểm chung của những tấm giấy khen này là hình thức trình bày đơn giản, phần lớn giấy trắng mực đen, gần như không có những chi tiết trang trí hay họa tiết. Phía dưới là chữ ký của trường hoặc người khen tặng, đôi khi có cả logo của trường.

Trong khi đó, Hồ Thu Hương – một người Séc gốc Việt – cho biết, ở Séc, học sinh không được nhận giấy khen vào cuối năm học, kể cả đạt thành tích xuất sắc. “Học sinh Séc chỉ nhận được bảng điểm vào cuối năm. Chỉ trừ khi tham gia cuộc thi nào đó và đạt giải thì sẽ nhận được giấy khen”.

Doãn Lâm – một phụ huynh hiện đang sống ở Séc cũng chia sẻ: “Cuối năm, học sinh chỉ mang bảng điểm về cho bố mẹ. Ở đây chấm theo thang điểm 5, nếu các môn đạt 1 điểm hết nghĩa là giỏi, chứ không có giấy khen”.

Chị Lâm còn cho biết, “giáo dục ở đất nước này không rườm rà chuyện khen ngợi thành tích. Bạn tôi từng thi Olympic đạt Huy chương Bạc, được trường cho đi du lịch nước ngoài 2 tuần và được tuyển thẳng vào đại học, nhưng không làm lễ lạt long trọng như ở Việt Nam”.

Sau hơn 10 năm sống và làm việc ở Séc, chị Lâm nhận thấy: “Ở đây họ không tuyên dương quá đà cái gì cả. Lớp học không có lớp trưởng, vì họ muốn mỗi học sinh trong lớp bình đẳng như nhau, không ai quản ai, không ai có quyền lực cao hơn ai. Ai giỏi thì thầy cô, bạn bè trong lớp đều biết, chứ không phân loại cháu này giỏi, cháu kia khá. Tôi thấy đó là cách tôn trọng và quan tâm tới suy nghĩ, cảm xúc của những đứa trẻ kém nhất”.

Nguyễn Thảo