- Đầu tuần, tại hội nghị tổng kết năm học cũ và triển khai nhiệm vụ năm học mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói rằng "xin việc ở ngành sư phạm rất khó", hiện tượng nhiều người theo đuổi hợp đồng, "mai phục" để vào biên chế là khá phổ biến.
Đến giữa tuần, từ việc tố cáo ông hiệu phó quấy rối, một cô giáo tiểu học đã "tự thú trước bình minh" câu chuyện đau lòng khi "mai phục" biên chế ở nhà nghỉ của mình.
Với hy vọng “sếp” sẽ giúp đỡ vào biên chế, cô giáo đã đồng ý đi nhà nghỉ. Sau đó giữa hai người xảy ra bất hoà, tới mức xúc phạm nhau ở trường học và đỉnh điểm là trưng cả những hình ảnh riêng tư trên Facebook.
Câu chuyện "tung ảnh nóng lên mạng" còn phải chờ thêm kết luận của cơ quan điều tra mới ngã ngũ, còn những kết quả từ hành vi "vi phạm đạo đức nhà giáo” thì đã rõ ràng: Cô giáo bị chấm dứt hợp đồng, ông hiệu phó không được tái bổ nhiệm chức cũ và đang bị xem xét kỷ luật.
Biên chế có lẽ là một trong những "từ khoá" nhạy cảm và có sức hấp dẫn đối với giáo viên nhất. Hồi tháng 5, khi ý tưởng "sẽ thí điểm không còn công chức, viên chức đối với giáo viên ở một số trường phổ thông" của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ được diễn dịch thành chuyện "bỏ biên chế trên diện rộng" lập tức đã gây ra sóng gió trên dư luận.
Biên chế và hiệu quả trong giáo dục |
|
3 tháng sau đó, sau khi thu thập thông tin tỉ mẩn về chuyện biên chế ở xứ người (ở Mỹ, Nhật, Đức, Canada...), một nhà nghiên cứu giáo dục cho biết câu chuyện biên chế dường như ở đâu cũng vậy, đều là những cuộc tranh cãi "không cùng ngôn ngữ", "không có hồi kết".
Phân tích cho thấy, theo quy định pháp luật, khái niệm biên chế giáo viên ở Việt Nam không còn tồn tại. Theo các văn bản quy phạm pháp luật gồm Nghị định 71/2003/NĐ-CP về phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp Nhà nước, Luật Cán bộ, công chức 2008, Luật Viên chức 2010, Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế, giáo viên là viên chức được quản lý bằng hợp đồng làm việc (khác với hợp đồng lao động). Chỉ có cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục mới là công chức và được quản lý bằng biên chế.
Thế nhưng qua những chuyện trớ trêu của hàng nghìn giáo viên bị cắt hợp đồng đột ngột ở Bắc Ninh, Thanh Hoá, Đắk Lắk… mấy năm qua, chưa rõ nhà trường và các cơ quan liên quan đã thực thi những quy định trên đến mức độ nào.
Trong nhiều năm, người ta đã chẳng lấy làm lạ với hiện tượng méo mó: Chuẩn bị mấy trăm triệu đồng để chạy việc, chấp nhận đổi thời gian thanh xuân xin dạy không lương, hoặc mai phục hợp đồng chờ chỗ trống. Câu chuyện cá biệt “đổi tình lấy biên chế” khiến bên mất việc, bên mất chức và cả hai bên đều mất hạnh phúc gia đình… càng cho thấy cái giá đánh đổi của “biên chế giáo viên” quả là đắt đỏ, còn cái nghề sư phạm lại bị làm cho rẻ rúng.
Định giá lại sự đắt rẻ này không chỉ là việc của ngành giáo dục, khi mà tuyển dụng giáo viên ở địa phương có vai trò chủ đạo của chính quyền, các ban bệ trong UBND. Gốc rễ căn cơ phải là đổi mới cơ chế về nhân sự, tài chính, tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng con người...
Thế nhưng, chẳng ai ngoài chính ngành giáo dục phải chủ động xác lập đúng giá trị của mình.
Được biết, trong “9 nhiệm vụ, 5 giải pháp” của năm học 2017 – 2018, thì “nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp” được xem là một trong những giải pháp hàng đầu. Theo đó, sẽ có các công cụ đánh giá chuẩn hiệu trưởng, chuẩn giáo viên.
Không rõ các công cụ chuẩn đó sẽ góp phần đến đâu trong việc thanh lọc những cán bộ quản lý giáo dục biến chất, chọn lọc đúng những nhà giáo đủ tâm, đủ tài cho phát triển giáo dục.
Nhưng có một điều chắn rằng để hết những nhiễu nhương, ái ố và những bi kịch phát sinh từ hấp lực của “biên chế giáo viên”, cần lắm một môi trường giáo dục tôn vinh sự đàng hoàng, chính trực.
Có như thế, thầy cô mới không còn là công cụ phục dịch những ông giám hiệu biến chất, mà được ngẩng mặt làm thầy, toàn tâm toàn ý phụng sự cho một sự nghiệp giáo dục lành mạnh.
Hạ Anh
Hai luồng ý kiến trái chiều về biên chế
Những tranh luận về biên chế ở Mỹ và các quốc gia khác cho thấy cả hai phía ủng hộ và phản đối duy trì biên chế đều có những ý kiến đáng cân nhắc.
Năm học 2017 - 2018, ngành giáo dục làm gì?
Sửa luật, quy hoạch mạng lưới giáo dục, ban hành chuẩn giáo viên...là những việc mà ngành giáo dục xác định đang làm mạnh mẽ trong năm học mới.