- Bài viết “Khó nói đến nền giáo dục “mở” khi hệ thống vẫn “đóng” lược thuật những ý kiến thảo luận về tính “mở” của hệ thống giáo dục Việt Nam được trình bày tại Hội thảo khoa học quốc gia “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế” do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức ngày 16/5.
Vấn đề đặt ra ở đây là những người làm giáo dục ở Việt Nam quan niệm như thế nào là “mở” trong giáo dục.
Theo tôi, định hướng “mở” hay “tính mở” trong giáo dục thực chất là sự đề cập đến hai nguyên lý rất cơ bản của một nền giáo dục hiện đại và hiệu quả: Dân chủ và tự do.
Vậy thì thế nào là dân chủ và tự do trong giáo dục?
"Mở” có nghĩa là phải chấp nhận sư đa dạng trong nhận thức của học sinh khi các em đi trên hành trình tiếp cận chân lý. Ảnh: Thanh Hùng |
Để bàn về vấn đề này có lẽ sẽ cần phải viết để cả vạn trang sách vẫn chưa đủ. Đây là vấn đề rất cơ bản trong giáo dục vì thế trong lịch sử từ trước đến nay đã có vô số các học giả có tên tuổi bàn luận về nó và bản thân hai nguyên lý này cũng được áp dụng trong thực tế ở các nền giáo dục. Vì vậy ở đây, trong khuôn khổ bài viết, tôi chỉ xin được bàn chút ít về những biểu hiên cụ thể cần có của nó đối với giáo dục Việt Nam hiện tại đang trong quá trình cải cách.
Thứ nhất, “mở” có nghĩa là phải chấp nhận sư đa dạng trong nhận thức của học sinh khi các em đi trên hành trình tiếp cận chân lý.
Để đảm bảo tính “mở” này cần phải phá bỏ những định kiến, thiên kiến được định hình trong thời gian dài coi sách giáo khoa là tập hợp các chân lý bất biến. Từ đó coi mọi tri thức, kiến giải nằm ngoài sách giáo khoa hay trái ngược với sách giáo khoa đều là sai lầm, không có giá trị.
Để “tương đối hóa” được tính chất tuyệt đối của sách giáo khoa thì việc thực hiện nghiêm túc tinh thần khai phóng của cơ chế “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” có ý nghĩa quan trọng. Đây là điều kiện cơ bản cần đảm bảo trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện tại để có được nhiều cách tiếp cận chân lý, sắp xếp, cấu trúc nội dung giáo dục trong các bộ sách giáo khoa và thúc đẩy thực tiễn giáo dục của giáo viên ở hiện trường giáo dục.
Nói cách khác, nếu như từ trước đến nay, sự tự do của giáo viên trong sáng tạo chỉ là đổi mới phương pháp dạy học thì giờ đây cần phải mở rộng biên độ bằng cách công nhân quyền tự chủ về nội dung giáo dục của giáo viên. Nghĩa là việc “dạy cái gì, dạy như thế nào” xét cho đến cùng thuộc về quyền hạn của giáo viên.
Theo tinh thần đó, dần dần Việt Nam cần phải tiến tới thực hiện “nhiều chương trình-nhiều sách giáo khoa” như các nước có nền giáo dục tiên tiến đang làm.
Ở đó sẽ có chương trình giáo dục phổ thông của quốc gia, chương trình của địa phương, nhà trường và chương trình của từng giáo viên. Khi làm việc trong cơ chế đó, giáo viên sẽ có điều kiện để đối xử công bằng và đảm bảo cho nhận thức đa dạng của học sinh được biểu đạt, thảo luận sâu sắc từ đó tiệm cận chân lý. Đây cũng là điều kiện cơ bản không thể thiếu đảm bảo cho sự sáng tạo trong học tập.
Thứ hai, “mở” trong giáo dục xét ở góc độ hành chính giáo dục thể hiện ở cơ chế vận hành dân chủ và phân quyền. Nếu nhìn vào lịch sử giáo dục của các nước có nền giáo dục tiên tiên sẽ thấy quá trình cải cách giáo dục đồng thời cũng là quá trình dân chủ hóa bộ máy hành chính giáo dục.
Quá trình đó là việc chuyển dần chức năng của các cơ quan này từ chỗ là cơ quan quản lý, giám sát sang chức năng hỗ trợ và tư vấn.
Chính vì vậy, ở các nước này có các bộ luật để quy định rõ quyền hạn, chức năng của bộ giáo dục và các cơ quan hành chính giáo dục khác, ngăn ngừa sự can thiệp quá mức của các cơ quan này vào hoạt động chuyên môn của các trường và người giáo viên. Cải cách đó cũng ưu tiên phân quyền cho các địa phương trong điều hành hành chính giáo dục. Việc “tự trị” về hành chính giáo dục địa phương là yếu tố cơ bản để phát huy tính chủ động, sáng tạo từ các địa phương, tránh sự áp đặt duy ý chí từ cơ quan trung ương.
Thứ ba, “mở” trong giáo dục thể hiện ở việc hệ thống các bộ luật về giáo dục thừa nhận, bảo đảm và khuyến khích sự tồn tại của hệ thống giáo dục tư với nhiều mô hình đa dạng.
Ở các nền giáo dục tốt, bên cạnh hệ thống giáo dục công bài bản thì hệ thống giáo dục tư rất mạnh với các mô hình phong phú. Ở đây giáo dục tư được đảm bảo, khuyến khích và cũng được hỗ trợ cả về tài chính. Giáo dục tư là sự bù đắp tuyệt vời cho giáo dục công và cũng là một yếu tố cạnh tranh thúc đẩy giáo dục công phát triển.
Hệ thống giáo dục tư với mô hình đa dạng sẽ đáp ứng được nhu cầu phong phú của người dân và thúc đẩy giáo dục cá biệt hóa để phát triển nhân tài đặc biệt, các học sinh có năng khiếu hay các nhóm cần giáo dục hỗ trợ.
Cuối cùng, tính “mở” của giáo dục còn thể hiện ở sự hòa nhập và chia sẻ các giá trị phổ quát cũng như áp dụng các quy chế vận hành, kiểm định tiên tiến của thế giới.
Nền giáo dục mở phải tạo ra được những công dân có khả năng sống tốt trong môi trường quốc tế. Giáo dục đó phải hình thành được ở học sinh những phẩm chất, năng lực và giá trị quan hòa hợp với các giá trị có tính phổ quát mà nhân loại công nhận, tôn vinh, theo đuổi.
Hệ thống giáo dục này cũng phải dung nạp và thích ứng với cách thức vận hành, sự kiểm định…của thế giới.
Nguyễn Quốc Vương
“Nút thắt” cản trở giáo dục đại học sẽ được mở thế nào?
Dự thảo Luật Giáo dục Đại học cần tạo ra sự đột phá về cơ chế, chính sách, gỡ bỏ những “nút thắt” cản trở giáo dục đại học phát triển.
Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung có gì mới?
Trước nhiều vấn đề thực tế đã không còn phù hợp với Luật hiện hành, Luật Giáo dục sửa đổi được kỳ vọng không chỉ phù hợp với hiện tại mà còn tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho giáo dục phát triển trong nhiều năm tới.
Cắt giảm 110 điều kiện kinh doanh giáo dục: Liệu đã đủ?
Theo Bộ GD-ĐT, tổng số điều kiện kinh doanh được đề nghị cắt giảm và đơn giản hóa đã tới hơn một nửa so với hiện hành. Song, nhiều ý kiến kiến nghị tiếp tục cắt giảm để tạo hành lang đầu tư và phát triển giáo dục thông thoáng.
Bộ trưởng Giáo dục đề xuất chính sách lương, phụ cấp đặc thù cho nhà giáo
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị T.Ư xem xét có chính sách lương/phụ cấp đặc thù đối với đội ngũ giáo viên, trong đó quy định giáo viên thuộc trường hợp có phụ cấp cao hơn 30% theo quy định chung.
GS Mỹ thiếu chuẩn hiệu trưởng Việt Nam: Cần sửa ngay Luật Giáo dục Đại học
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng khẳng định cần sửa ngay Luật Giáo dục Đại học để thúc đẩy quyền tự chủ cho các trường.