- Hệ thống giáo dục theo hướng mở là vấn đề quan trọng được Nghị quyết số 29-NQ/TW định hướng cho sự phát triển của giáo dục đào tạo nước nhà. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sau 5 năm, khái niệm hệ thống giáo dục “mở” dường như vẫn còn khá mơ hồ.

Cụ thể, năm 2013, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành TƯ khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) đã nêu bật quan điểm: “Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo,…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dù đã 5 năm, nhưng vẫn chưa có bất kỳ định nghĩa chính thức nào về hệ thống giáo dục mở. Khái niệm này vẫn được hiểu một cách khá cảm tính, chưa đầy đủ cơ sở khoa học và dẫn tới có những quan niệm, cách hiểu khác nhau. Khi chưa thống nhất về cách hiểu thì việc triển khai cũng mơ hồ.

Vấn đề này đã được đem ra mổ xẻ tại Hội thảo khoa học quốc gia “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế” do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức ngày 16/5.

{keywords}
Khái niệm hệ thống giáo dục mở dường như còn rất mơ hồ...

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên thư ký Bộ trưởng GD-ĐT cho rằng, đến nay, chúng ta chưa có bất kỳ định nghĩa chính thức nào về giáo dục mở. Khái niệm này vẫn được các học giả hiểu cảm tính.

Cá nhân ông Tiến cho rằng, hệ thống giáo dục mở là một hệ thống mà trong đó các rào cản về giáo dục được dỡ bỏ.

Theo ông Tiến, Việt Nam cũng đã có những bước đi đầu tiên về giáo dục mở, như có mạng Edunet hay trang mạng giáo dục dành cho tất cả các giáo viên có thể trao đổi với nhau về bài giảng là “Trường học kết nối”,…

“Đây là những bước đi rất quan trọng để hướng tới một hệ thống giáo dục mở, nhưng vẫn còn rất nhỏ lẻ và manh mún”, ông Tiến đánh giá.

Theo ông Tiến, có nhiều rào cản trong việc xây dựng hệ thống giáo dục mở ở Việt Nam. “Đầu tiên về nhận thức, thực sự còn mơ hồ ngay cả trong ngành giáo dục. Tiếp đó là rào cản kinh tế khi thiếu nguồn lực tài chính, bởi muốn có hệ thống giáo dục mở thì phải có những đầu tư về phần cứng, phần mềm, rồi chi phí xây dựng phát triển duy trì,…

Rào cản quan trọng là sức ì của hệ thống giáo dục. Chúng ta nói đến giáo dục mở nhưng hệ thống của chúng ta vẫn chủ yếu là một hệ thống đóng, tập trung đầu vào và hướng tới thi cử”.

Ngoài ra, là các rào cản về lợi ích như vấn đề bản quyền. “Mở thì vấn đề bản quyền phải mở, giáo khoa, giáo trình phải mở nhưng vấn đề này có liên quan đến lợi ích nên rất khó,…”.

{keywords}
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên thư ký Bộ trưởng GD-ĐT. Ảnh: Thanh Hùng.

TS Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban tuyên giáo TƯ cho rằng, trong nội dung Nghị quyết chưa nêu cụ thể đầy đủ “mở” như thế nào.

“Rất tiếc là cho đến nay, đã 5 năm rồi, kể từ khi ra nghị quyết, nhưng các cơ quan liên quan vẫn chưa cụ thể hóa cho rõ nghĩa là hệ thống giáo dục “mở” bao gồm những yêu cầu và nội dung gì”.

Theo ông Hoàng, đặc điểm đầu tiên và bắt đầu của nền giáo dục mở chính là sự thoáng mở về tư duy và cơ chế quản lý trong giáo dục đào tạo, nhằm mục tiêu hình thành những con người “tự nó”, tự chủ, có năng lực tư duy độc lập, có thói quen phản biện, có bản lĩnh bảo vệ chân lý, luôn chủ động và sáng tạo, có năng lực hành động trong công việc, không bị áp đặt, thụ động, rập khuôn máy móc, chỉ biết thừa hành theo ý kiến của người khác,... Tức là hiểu đặc trưng “mở” ấy của nền giáo dục ở phương diện mục tiêu đào tạo.

Ông Hoàng cũng cho rằng, thoáng mở đầu vào để tạo cơ hội cho người học tiếp cận với các cơ sở giáo dục đào tạo khi họ thật sự muốn học cũng là một đặc điểm của hệ thống giáo dục mở.

“Tất nhiên việc thoáng mở đầu vào phải gắn với quản lý chất lượng đầu ra. Ở nước ta nhiều lúc thi vào đại học thật vất vả, nhưng vào được rồi thì gần như chắc chắn sẽ tốt nghiệp, trong khi ở nhiều nước tiên tiến, muốn học thì ghi tên để học, nhưng nếu không học nghiêm túc và tích cực thì sẽ mất thêm nhiều năm vẫn không tốt nghiệp được. Đó là hai cách làm khác nhau nhiều”, ông Hoàng nói.

{keywords}
Ảnh: Thanh Hùng.

Theo ông Hoàng, hệ thống giáo dục mở còn thể hiện ở sự đa dạng, linh hoạt và dân chủ về loại hình và phương thức giáo dục, đào tạo. Có các loại trường công lập, tư thục và dân lập; có trường của Việt Nam và trường của quốc tế; có đào tạo tập trung và phi tập trung; có liên tục và không liên tục; có trực tiếp và trực tuyến (qua mạng)…

“Tại nhiều nước tiên tiến, ở khu vực ĐH và CĐ, trường ngoài công lập chiếm đa số, thậm chí đến 80%, còn trường công lập chỉ số ít, nhiều nước có khoảng 20%. Nước ta thì ngược lại, công lập đến 80%, trong khi ngân sách nhà nước rất có hạn, vậy mà cứ mong muốn có một nền giáo dục đại học chất lượng cao với giá rẻ. Cần phải thay đổi tư duy và cách làm, mở mạnh cho hệ thống ngoài công lập phát triển, nhất là ở khu vực đào tạo sau phổ thông. Tạo nên một môi trường bình đẳng thật sự giữa công lập và ngoài công lập cũng là nội dung quan trọng của hệ thống giáo dục mở”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Có lẽ cũng vì mơ hồ về “giáo dục mở” mà một đại diện đến từ một trường đại học địa phương là Trường ĐH Hà Tĩnh dù rất muốn nhưng tỏ ra rất bẽn lẽn khi đứng lên hỏi về chuyện liên quan đến “giáo dục mở”. Vị này cẩn thận rào trước “Tôi xin hỏi nhỏ”:

“Nếu như các trường đại học địa phương chúng tôi được phát triển theo hướng đại học mở với những quan điểm mở về chương trình đào tạo, ý tưởng, tuyển sinh,… thì có được không?”.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Thanh Hùng.

Lắng nghe nhiều ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng không phải khi chưa thống nhất được cách hiểu thì chúng ta không làm, không đổi mới.

“Hiện nay vẫn còn rất nhiều tranh luận về triết lý của nền giáo dục Việt Nam nhưng không có nghĩa là giáo dục Việt Nam không tiếp tục phát triển. Những gì thế giới đã trở thành xu thế thì chúng ta phải theo. Cần tính đến đặc thù của Việt Nam nhưng không dựa vào đặc thù để đưa ra những mô hình không theo đúng xu thế”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh cần nhìn thẳng vào vai trò của giáo dục Việt Nam phải đổi mới và đi trước một bước.

“Chúng tôi rất đồng tình tất cả những rào cản cản trở việc thực hiện giáo dục mở cần được gỡ bỏ một cách kiên quyết. Có vô cùng nhiều dẫn chứng cho thấy chúng ta còn rất vướng”, Phó Thủ tướng nói.

Ông cũng nhấn mạnh, cần thay đổi nhận thức của xã hội về việc học tập không chỉ để lấy bằng cấp mà để biết, để làm việc, chung sống tốt hơn và để sáng tạo ra tri thức, đóng góp cho xã hội.

Thanh Hùng

Đổi mới giáo dục: Căn hầm sáng tạo nào cho ta?

Đổi mới giáo dục: Căn hầm sáng tạo nào cho ta?

Tại một trường cấp 2 Israel, có hẳn một xưởng cơ khí thu nhỏ mà làm chủ là những em học sinh ở lứa tuổi 12-13 tuổi. Ở đó, các em say sưa làm việc đến 7h tối vẫn chưa muốn về nhà.

Chương trình các môn học ở phổ thông đổi mới thế nào?

Chương trình các môn học ở phổ thông đổi mới thế nào?

Chương trình các môn học ở chương trình phổ thông mới có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành.

2017: Những quãng ngưng của đổi mới giáo dục

2017: Những quãng ngưng của đổi mới giáo dục

Những yêu cầu bức thiết từ thực tiễn giáo dục đôi khi lại đòi hỏi các nhà làm chính sách phải có những quãng ngưng nhất định.

"Cơ hội cuối cùng để đổi mới giáo dục Lịch sử"

"Cơ hội cuối cùng để đổi mới giáo dục Lịch sử"

Theo GS Phạm Hồng Tung, những người làm chương trình giáo dục ý thức rằng đây gần như là cơ hội cuối cùng để đổi mới giáo dục Lịch sử trong nhà trường.