Việc xét công nhận giáo sư, phó giáo sư ở nước ta có thể nói chính thức bắt đầu từ năm 1976 và cho đến nay có nhiều thay đổi. Nhà giáo được bổ nhiệm vào ngạch giáo sư, phó giáo sư được hưởng những quyền lợi về bậc lương, ưu tiên khi làm khoa học.
Quyền lợi về lương bổng, công việc
Năm 2012, Thủ tướng ban hành quyết định số 20 điều chỉnh, bổ sung một số điều của quyết định số 174. Theo đó, GS, PGS được hưởng các quyền của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục.
GS, PGS ở đại học có thể kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học; nếu có đủ sức khỏe, tự nguyện kéo dài thời gian làm việc và cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu.
GS, PGS được ưu tiên trong việc giao đề tài, dự án khoa học - công nghệ, xây dựng các chương trình, đề án phục vụ công tác quản lý và các điều kiện cần thiết khác để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó là quyền lợi nhất định trong việc nâng ngạch lương.
Các GS, PGS được công nhận năm 2015. Ảnh: Văn Chung |
Nhà giáo được bổ nhiệm vào ngạch GS - giảng viên cao cấp (mã ngạch 15.109) thì bậc lương có hệ số cao hơn 1 bậc so với hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất hệ số lương đang được hưởng. Trường hợp đã hưởng lương ở ngạch GS - giảng viên cao cấp thì được xếp lên 1 bậc lương liền kề.
Nhà giáo được bổ nhiệm vào ngạch PGS - giảng viên chính (mã ngạch 15.110) có bậc lương có hệ số cao hơn 1 bậc so với hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất hệ số lương đang hưởng. Trường hợp đã hưởng lương ở ngạch PGS - giảng viên chính được xếp lên 1 bậc lương liền kề.
Nhà giáo đã hưởng bậc lương cuối cùng, hoặc đã hưởng thụ phụ cấp thâm niên vượt khung của ngạch được bổ nhiệm thì được tính thêm 5% phụ cấp thâm niên vượt khung.
Thông tư liên tịch số 28 của Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ ban hành năm 2015 còn đưa ra nhiều quy định có lợi cho GS, PGS hơn nữa.
Theo đó, viên chức giảng dạy được công nhận hoặc bổ nhiệm chức danh GS, hưởng mã số lương 15.109 thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01.
Trường hợp đang giữ ngạch giảng viên cao cấp, mã số 15.109 thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01 và được xếp lương lên một bậc trên liền kề của bậc lương chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm.
Trường hợp đang giữ ngạch PGS - giảng viên chính, mã số 15.110 thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01.
Viên chức giảng dạy được công nhận hoặc bổ nhiệm chức danh PGS thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I), mã số V.07.01.01.
Tiêu chuẩn Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước
Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước do Thủ tướng quyết định thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, có trách nhiệm xét công nhận hoặc huỷ bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.
Thành viên của Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước gồm: Chủ tịch hội đồng, một Phó Chủ tịch hội đồng, Tổng thư ký và các ủy viên. Các thành viên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước phải có chức danh GS. Tổng thư ký hội đồng làm việc theo chế độ chuyên trách. Các thành viên khác của Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm;
Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở là các hội đồng chuyên môn, do Chủ tịch hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước quyết định thành lập để giúp Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước thực hiện nhiệm vụ được giao.
Lịch sử từ học hàm tới chức danh
TS. Đỗ Đức Tín - nguyên trưởng phòng chuyên môn Văn phòng Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước cho biết: Sau năm 1945, Nhà nước đã phong hàm GS cho khoảng 30-40 trí thức. Đây là thế hệ đặt nền móng cho nền khoa học, giáo dục.
Sau năm 1945, đội ngũ GS, PGS có điều kiện triển khai quy mô, bài bản.
Năm 1976, quyết định số 162-CP ban hành ngày 11/9 của Chính phủ quy định về hệ thống chức vụ khoa học và tiêu chuẩn các chức vụ khoa học trong lĩnh vực công tác giảng dạy đại học và công tác nghiên cứu khoa học.
Quyết định gồm 2 phần: Hệ thống và Tiêu chuẩn chức vụ khoa học.
Hệ thống gồm 4 chức vụ: “Trợ lý giảng dạy” (tương tự là “Trợ lý nghiên cứu”); “Giảng viên” (tương tự là “Nghiên cứu viên”); còn 2 chức vụ phó giáo sư (PGS) và giáo sư (GS) là chung cho cả lĩnh vực giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học.
Thủ tướng quyết định công nhận các chức vụ GS, PGS; Bộ trưởng công nhận chức vụ Giảng viên hoặc Nghiên cứu viên; trường đại học hoặc viện nghiên cứu công nhận chức vụ Trợ lý giảng dạy hoặc Trợ lý nghiên cứu.
Đồ hoạ: Lê Văn |
Trong 9 năm, từ năm 1980 đến hết 1989, Chính phủ đã công nhận tổng cộng 222 GS và 1.341 PGS. (trong số 1.341 PGS. đã có 63 PGS được công nhận chức vụ GS ở các lần xét sau).
Có tất cả 6 Quyết định: số 131-CP, ngày 29/4/1980 ( công nhận 83GS. và 347PGS.); số 81-HĐBT, ngày 28/5/1984 (công nhận 117GS. Và 898PGS.); số 107-HĐBT, ngày 11/9/1986 (công nhận bổ sung 6GS. Và 9PGS.); số 174-HĐBT, ngày 15/11/1988 ( công nhận bổ sung 14GS. Và 87PGS.); số 20-HĐBT, ngày 28/2/1980 (công nhận bổ sung 1GS.); số 55-HĐBT, ngày 17/5/1989 (công nhận bổ sung 1 GS).
Văn bản này cũng khẳng định: GS, PGS là Chức vụ khoa học.
Nghị định số 153-HĐBT, ngày 25/9/1989 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thành lập Hội đồng xét duyệt học vị và Chức danh khoa học Nhà nước
Nghị định này ra đời chủ yếu tập trung giải quyết vấn đề tổ chức để thực hiện việc công nhận chức vụ khoa học.
Theo các quy định của năm 1976 hay 1989, GS, PGS đều được khẳng định nằm trong hệ thống chức danh khoa học hoặc chức vụ khoa học.
Hội đồng xét duyệt này trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và “các quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng”.
Hội đồng Xét duyệt học vị và Chức danh khoa học Nhà nước đã gấp rút ban hành 6 văn bản trong tháng 8 năm 1990, gồm các quy chế hoạt động của hội đồng, quyết định lập 18 hội đồng tư vấn ngành (hoặc liên ngành) cấp Trung ương, bầu cử hội đồng tư vấn ngành (liên ngành) Trung ương,v.v...và Quyết định số 19.
Quyết định số 19 quy định 2 vấn đề lớn: Chức năng, nhiệm vụ của PGS, GS và Tiêu chuẩn để xét GS, PGS.
GS hoặc PGS đều có 5 loại tiêu chuẩn nhưng trong từng loại tiêu chuẩn thì thì giữa PGS với GS là có sự phân biệt, có yêu cầu cao thấp khác nhau.
5 loại tiêu chuẩn cho cả PGS và GS là: Tiêu chuẩn 1 (về chính trị và đạo đức); tiêu chuẩn 2 (Về học vị); tiêu chuẩn 3 (Về thời gian giảng dạy đại học); tiêu chuẩn 4 (về thành tích khoa học); tiêu chuẩn 5 (về ngoại ngữ).
Sau Nghị định số 153, đã tiến hành 2 đợt xét vào các năm 1991 và 1992; xét phong 387 chức danh khoa học GS và 1.507 chức danh khoa học PGS.
Nghị định số 21/CP ngày 4/3/1995 của Chính phủ thành lập Hội đồng Học hàm Nhà nước và Quyết định số 200/TTg, ngày 4/4/1995 của Thủ tướng ban hành quy chế xét duyệt và công nhận học hàm Giáo sư, Phó giáo sư
Năm 1992, sau tất cả 3 lần xét, Hội đồng Học hàm Nhà nước đã xin phép tạm dừng 1 năm để nghiên cứu cải tiến công việc xét công nhận chức vụ khoa học ở Việt Nam. Đến năm 1995, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 21/CP.
Văn bản này xác định rõ: GS, PGS là học hàm (hàm khoa học). Quy chế còn khẳng định rõ “Học hàm GS, PGS không phải là chức danh viên chức Nhà nước”.
Đối tượng được phong học hàm là cán bộ giảng dạy ĐH, cán bộ nghiên cứu ở viện nghiên cứu. Ngoài ra còn có thể phong cho các cán bộ khoa học nước ngoài và Việt kiều “có đóng góp lớn” trong giáo dục, khoa học.
Trong các năm 1996 và 1997, chúng ta đã xét phong 212 học hàm GS và 771 học hàm PGS.
Nghị định số 20/2001 / NĐ-CP, ngày 17/5/2001 của Chính phủ, quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức danh giáo sư và phó giáo sư và Quyết định số 138/2001/QĐ-TTg, ngày 19/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước
Nội dung chính của 2 văn bản này: Gọi thẳng là chức danh GS, PGS (theo Luật Giáo dục. GS, PGS là chức danh nhà giáo đang giảng dạy đại học và sau đại học).
Quy trình bổ nhiệm vào ngạch GS, PGS chia làm 2 bước: Xét công nhận chức danh GS, PGS; Bổ nhiệm vào ngạch GS, PGS.
Có 3 loại đối tượng được dự xét: Nhà giáo thuộc biên chế giảng viên của các trường đại học; nhà giáo không thuộc biên chế đại học nhưng đang tham gia đào tạo đại học, sau đại học hoặc làm nhiệm vụ giảng dạy theo hợp đồng; Nhà giáo nước ngoài giảng dạy tại VN.
Qua 7 đợt xét, nhiệm kỳ Hội đồng từ năm 2001 đến hết 2007 đã công nhận tổng cộng 450 chức danh GS và 2.802 chức danh PGS (năm 2001 và 2002 công nhận 211 chức danh GS và 944 chức danh PGS; năm 2003 công nhận 62 chức danh GS và 388 chức danh PGS; năm 2004 công nhận 37 chức danh GS và 302 chức danh PGS; năm 2005 công nhận 42 chức danh GS và 312 chức danh PGS; năm 2006 công nhận 44 chức danh GS và 411 chức danh PGS; năm 2007 công nhận 54 chức danh GS và 445 chức danh PGS).
Quyết định số 174/2008/TTg, ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ, quy định tiêu chuẩn tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư và Quyết định 20/2012/QĐ-TTg, sửa đổi, bổ sung QĐ số 174
Về cơ bản các quy định tại văn bản này không khác với Nghị định số 20/2001/NĐ-CP nêu trên. Chỉ có mấy điểm khác đáng chú ý là:
1. Văn bản này cũng chia quy trình bổ nhiệm chức danh GS, PGS làm hai “công đoạn”, nhưng có khác là Hội đồng chỉ xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS chứ không công nhận chức danh và vì vậy mới có công đoạn hai là bổ nhiệm chức danh GS, PGS (cũng không phải là bổ nhiệm vào ngạch GS, PGS như ở Nghị định số 20 đã quy định).
2. Về tiêu chuẩn, trừ 2 đợt xét năm 2009, 2010, từ 2011 mấy tiêu chuẩn khác trước về: ngoại ngữ, đào tạo sau đại học và chủ trì đề tài NCKH.
Sửa đổi quyết định 174
Bộ GD-ĐT hiện đang soan thảo văn bản thay thế cho quyết định 174 với các tiêu chuẩn cao hơn về công bố quốc tế, trình độ ngoại ngữ của ứng viên chức danh GS, PGS. Ngoài ra, cũng dự kiến thay đổi cơ cấu 3 cấp hội đồng. Dự thảo hiện đang được Chính phủ xem xét thông qua.
Clip Phó Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước Bùi Văn Ga trả lời "Góc nhìn thẳng" của VietNamNet
Phần 1: Quan chức có nên làm giáo sư?
Phần 2: Trình độ giáo sư ngày càng tăng
Phương Chi (Tổng hợp)
Rà soát GS, PGS: Nhiều hội đồng giữ nguyên kết quả
Nhiều hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành sau khi rà soát vẫn bảo toàn quyết định ban đầu.
Bộ Giáo dục xin lùi thời hạn báo cáo rà soát giáo sư
Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi Thủ tướng xin phép lùi thời hạn báo cáo kết quả rà soát chất lượng giáo sư, phó giáo sư đến hết ngày 28/2.
Làm gì để ứng viên được xét duyệt đàng hoàng chức danh giáo sư?
Sau khi Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công bố danh sách đạt chuẩn chức danh PGS, GS năm 2017, đã có những góp ý để việc xét duyệt, công nhận những năm tới đảm bảo chất lượng, đồng thời tránh được điều tiếng từ dư luận.