- Đi dạy được 9 năm, anh Ngô Thanh Hải, một giáo viên phổ thông cảm thấy xót xa trước câu chuyện thủ khoa sư phạm thất nghiệp về quê bán hoa quả, nuôi lợn. Câu chuyện gợi cho anh những suy nghĩ rộng hơn. Dưới đây là bài viết của anh.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2017 (Ảnh chỉ có tính minh họa, nhân vật trong ảnh không liên quan tới bài viết. Ảnh: Lê Văn) |
1. Đang có khủng hoảng thừa nhân lực tốt nghiệp sư phạm
Đầu những năm 2000, khi nhu cầu giáo viên tăng, trường trường mở ngành sư phạm, tăng chỉ tiêu. Kết cục là một lực lượng lớn những người ra trường, chờ chỉ tiêu vào Nhà nước dạy trường công, xếp hàng dài.
Ví dụ như trường tôi đang dạy thì 5 năm nay không có chỉ tiêu giáo viên dạy Văn. Ai đó muốn về thì phải chờ có giáo viên trong trường chuyển đi hoặc về hưu.
2. Cơ chế tuyển dụng nhập nhèm
Chính tôi đã nghe câu chuyện của một cậu thanh niên người Lô Lô học sư phạm ra mấy năm không xin được đi dạy tiểu học, dẫu rằng cậu đó sẵn sàng đi vào các bản hẻo lánh, những điểm trường chênh vênh.
Bạn nói là muốn xin được phải mất một khoản tiền cũng kha khá, và những người nghèo như bạn thì không thể có để "chạy".
3. Đào tạo sư phạm lạc hậu
Các bạn tốt nghiệp sư phạm nhiều người còn có suy nghĩ là phải trở thành cô giáo thế này, nhà giáo thế nọ theo lý tưởng cao siêu gì đó.
Cơ chế và môi trường đào tạo sư phạm hiện nay đã góp phần sản sinh ra những con người thụ động, an phận, ngại thay đổi. Điều này còn thể hiện ở phần đông những giáo viên đang làm nghề.
Với tư tưởng đó, việc đào tạo ở các trường sư phạm cũng khép kín, hạn hẹp. Sinh viên ít được học hoặc mở ra các khả năng khác, phát huy năng lực khác của mình.
Ra trường, các em không xin đi dạy được thì khó làm được việc gì khác. Nhiều bạn chọn đi trồng rau, nuôi lợn hoặc làm công nhân phổ thông.
4. Điểm cao nhưng kiến thức, kỹ năng và những yếu tố bổ trợ cho nghề nghiệp ít
Điều này bắt nguồn từ chương trình đào tạo và kiểm tra, đánh giá của các trường sư phạm.
Với quan niệm nhầm lẫn là phổ thông dạy cái gì thì đại học chỉ học cái đó theo kiểu "thực dụng" nên thực chất đại học "như cấp 4".
Hồi học đại học, tôi bất ngờ vì vài môn học và kiểm tra chỉ có mấy bài sẽ dạy trong sách giáo khoa mới sắp thay, thậm chí còn không hỏi cả tác phẩm mà chỉ là đoạn trích. Kết cục thì sinh viên đại học cũng chỉ bình tán hoặc kéo dài hào quang thời cấp 3, được học các thầy cô dạy hay ho thì khả quan hơn.
Nhiều năm sau, khi hướng dẫn sinh viên thực tập thì tôi thấy tình trạng này còn trầm trọng hơn.
Các em ấy nói là không biết, không đọc gì ngoài mấy bài trong sách giáo khoa. Cả một tiết dạy về tác giả Nam Cao nhưng không biết gì ngoài "Chí Phèo", thậm chí Chí Phèo có khi chỉ đọc cái trích đoạn trong sách giáo khoa.
Với các tác giả truyện ngắn còn vậy, thì không thể chờ đợi các em đọc hết những bộ tiểu thuyết kinh điển, dày đến hàng nghìn trang.
Và hướng dẫn thực tập nhiều năm thì thấy càng gần đây, sinh viên sư phạm "có vấn đề".
Sinh viên gần nhất tôi hướng dẫn cách đây 2 năm cũng người Hà Giang, học ở một trường đại học đóng tại địa phương.
Hồi năm thứ 3, em ấy về thực tập mà không biết bất cứ một việc gì, từ soạn bài đến trình bày bảng.
Ngay cả khi chữa giáo án thì những chỗ sửa, bổ sung tôi phải đọc cho từng gạch đầu dòng, dấu cộng lớn nhỏ kiến thức để chép.
Trong khi đó, tôi chưa bao giờ phải làm như vậy với học sinh phổ thông, nhất là các em khá giỏi. Chỉ cần hướng dẫn, gợi ý là tự các em làm được hết.
Thành thử ra, thủ khoa đấy, điểm cao đấy nhưng có thể là "học gạo". Điểm số không nói lên được năng lực làm việc và những điều khác cần cho công việc. Điểm chác, với chế độ thi cử, kiểm tra thời nay cũng dễ trở thành một giá trị khá "ảo".
5. Hô hào đổi mới nhưng hình thức
Các cuộc thi khiến giáo viên mệt mỏi. Ăn vận, trang kiểu "lên sàn diễn", nhưng điều căn cốt nhất của dạy học, nhất là dạy Văn, lại không có.
Điều căn cốt đó là thầy, cô phải là người đọc, có gu đọc và biết khuyến khích, hướng dẫn học sinh đọc, quan sát, suy ngẫm, trải nghiệm.
Khi giáo viên dạy Văn cả đời chẳng đọc cuốn sách nào tử tế, không biết gì mấy trích đoạn trong sách giáo khoa thì có diễn hay mấy, sâu mấy cũng giả dối. Và di họa lâu dài là những ảo tưởng cho học sinh sống kiểu: Em nhất định phải thành cô giáo dạy Văn.
Ngô Thanh Hải
Thay vì tuyên dương thủ khoa, cần chú trọng dự án thực tiễn Ở bậc đại học, các trường cũng cần thay đổi cách đào tạo và đánh giá sinh viên. Thay vì tuyên dương SV qua các bài thi đạt điểm cao (thủ khoa), nhà trường cần chú trọng hơn các dự án có tính thực tiễn hay các vị trí thực tập thật sự, giúp thử thách sinh viên trong các kỹ năng làm việc, phối hợp, xây dựng quan hệ, tư duy sáng tạo, và tìm giải pháp cho các vấn đề thực tế trong xã hội. Có như vậy các em mới thực sự chuẩn bị tốt để bước ra đời. Nếu không, em rằng sẽ còn nhiều cử nhân thấy mình phải "về nhà nuôi lợn". Đào Thu Hiền (Giám đốc công ty GPA - Hà Nội) |
Tiêu đề bài viết do toà soạn đặt