- Lãnh đạo một số trường đại học cho biết có tâm lý lo ngại, cấp tập ở các ứng viên trong đợt xét tiêu chuẩn chức danh giáo sưphó giáo sư năm 2017.

{keywords}
Số lượng giáo sư, phó giáo sư đạt chuẩn qua các năm gần đây. Đồ họa: Lê Huyền

Việc tăng đột biến số lượng giáo sư, phó giáo sư đạt chuẩn năm nay đã được GS.TSKH Trần Văn Nhung – Tổng Thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước – lý giải do 2 nguyên nhân.

Một là thời hạn nhận hồ sơ đăng ký được lùi lại nửa năm so với các năm trước. Nguyên nhân thứ hai, năm 2018 sẽ có sự thay đổi về quy định phong GS, PGS, nên tâm lý chung của các ứng viên mong muốn mình đi về "chuyến tàu cuối".

Do đó, năm nay, sự gia tăng số lượng ứng viên vừa do yếu tố tâm lý, vừa do họ có thêm thời gian để làm hồ sơ.

Trước con số 1.229 giáo sư, phó giáo sư đạt chuẩn năm 2017 – so với 703 giáo sư, phó giáo sư năm 2016 và 522 người đạt chuẩn năm 2015, việc dư luận đặt câu hỏi là điều dễ hiểu.

Lãnh đạo một số trường đại học cũng là các thành viên nằm trong hội đồng xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư cấp cơ sở cho biết có tâm lý lo ngại, cấp tập ở các ứng viên trong đợt xét tiêu chuẩn năm nay.

PGS Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – chia sẻ, “có tăng tốc theo nghĩa tập trung cố gắng hoàn thiện”.

Theo danh sách công bố, năm nay Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có 4 giáo sư và 33 phó giáo sư được công nhận – so với năm 2016 là 2 giáo sư và 26 phó giáo sư.

Theo PGS Tớp, quy chế mới trong dự thảo về xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư ngày càng cao hơn, nên hiển nhiên các ứng viên tiềm năng sẽ cố gắng tìm nhiều cách để có đủ điểm công trình, thậm chí có thể chưa đạt được nhưng cũng cố gắng làm trong năm nay.

“Thường thì các hội đồng cơ sở sẽ xem xét cho cán bộ của mình, cho nên đánh giá cũng ở thang rộng hơn một chút. Tuy nhiên, hội đồng cơ sở của Bách khoa làm rất nghiêm túc, cẩn thận. Với 8 hồ sơ xét duyệt chức danh giáo sư, hội đồng cơ sở đã loại 2 hồ sơ, lên hội đồng liên ngành còn 5 và lên cấp Nhà nước còn 4. Số hồ sơ phó giáo sư ở cấp cơ sở là gần 60 hồ sơ, và qua 3 vòng là còn 33 người được công nhận. Như vậy, tỷ lệ đạt của Bách khoa là khoảng 50%”.

Còn xét về chất lượng giáo sư, phó giáo sư năm nay của Bách khoa, theo ông, trừ một vài ngành khối Khoa học xã hội, Kinh tế, Lý luận chính trị, phần lớn các ngành khối Kỹ thuật đều có số lượng công bố tương đối tốt, gần như ai cũng có bài công bố ISI. “Đội ngũ giáo sư năm nay của Bách khoa có rất nhiều bài ISI, đội ngũ trẻ”.

Thậm chí, Bách khoa có một trường hợp mà ông cho rằng rất đáng tiếc.

“Ứng viên này có tới hơn 200 bài báo, trong đó có một nửa là ISI. Điểm số rất cao nhưng chỉ thiếu một quyển sách. Hội đồng chức danh liên ngành đánh giá rất cao ứng viên và đề nghị đặc cách, nhưng lên hội đồng Nhà nước thì không đủ phiếu đạt”.

Tuy nhiên, với trường hợp này, ông cho rằng, nếu để năm sau xét duyệt theo quy chế mới thì "rất có thể sẽ đạt mà không cần phải viết thêm sách nữa".

Ngoài ra, về mặt đảm bảo chất lượng xét duyệt, năm nay Bộ GD-ĐT còn xây dựng ban thanh tra hội đồng cơ sở - ông thông tin thêm.

“Tất nhiên với quy chế theo hướng chặt chẽ hơn, người ta cũng phải có những cái cấp tập hơn, ví dụ như viết sách. Nếu như trước kia không có động lực, nhưng sang năm quy chế có thể chặt hơn, tiêu chí viết sách có thể bỏ đi, không tính điểm nữa, trong khi sách đã viết hòm hòm rồi… thì việc thời gian kéo dài đến tháng 8 cũng là điểm thuận lợi hơn để ứng viên hoàn thiện. Hoặc có thể có nghiên cứu rồi nhưng chưa kịp viết bài thì cũng phải gấp rút dành thời gian viết bài. Thậm chí, dự kiến bài viết đăng ở tạp chí này có thể quy trình làm chậm thì ứng viên lại chuyển sang một cơ sở khác”.

PGSTớp cho rằng, chắc chắn có tâm lý làm thế nào để cố gắng hoàn thiện cho kịp, nhưng chỉ với những ứng viên thiếu chút đỉnh, còn có những trường hợp “có cố cũng không thể được”. 

Trong số 4 giáo sư được công nhận năm nay của Bách khoa, ông cho biết, hầu hết ứng viên đều đã xét duyệt từ 2-4 lần, chứ không phải là lần đầu.

{keywords}
Lễ công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2015 (Ảnh Văn Chung)

GS.TS Phạm Quang Minh – Hiệu trưởng ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội năm nay trường chỉ có 1 ứng viên bị loại.

Năm nay, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn có 3 giáo sư, 15 phó giáo sư đạt chuẩn – nhiều hơn so với mọi năm, nhưng không quá nhiều. Những năm trước, trường có trung bình từ 12-15 giáo sư, phó giáo sư đạt chuẩn. 

Trong khi đó, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội, thành viên Hội đồng chức danh giáo sư ngành Cơ học, nhận định, mặt bằng chung số lượng giáo sư, phó giáo sư năm nay tăng nhiều, tuy nhiên với Trường ĐH Công nghệ thì không có gì đặc biệt.

“Ở ĐH Công nghệ, các ứng viên cho chức danh giáo sư đều trượt hết, mặc dù đều có công bố khoa học. Các ứng viên trong Hội đồng ngành Cơ học mà tôi tham gia cũng đều có công bố quốc tế cả” – ông chia sẻ.

Là thành viên nằm trong Hội đồng xét duyệt cấp cơ sở và cấp ngành, ông cho biết năm nay ĐH Công nghệ và ngành Cơ học không tăng đột biến, chỉ tăng nhẹ hơn mọi năm một chút.

“Các bạn đều đi học nước ngoài về, có bài công bố quốc tế, đều chuẩn bị rất kỹ và rất xứng đáng” – GS. Đức khẳng định.

Về lý do tăng đột biến, ông đồng ý rằng một phần là do Bộ ban hành tiêu chuẩn mới có phần cao hơn, nên chắc chắn dẫn dến tâm lý lo ngại.

Nguyễn Thảo