- Theo Nội quy học sinh mà Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) vừa ban hành hôm nay (28/9) học sinh tuyệt đối không được mang và ăn kẹo cao su trong trường, nam sinh không được để tóc dài, nữ sinh không để những kiểu đầu tóc thời trang, không nhuộm tóc...
Bản Nội quy học sinh có 11 điều yêu cầu học sinh khi đến trường phải tuân thủ vừa được ban hành hôm nay.
Cụ thể: "Mặc đúng quy định trang phục của trường, quần đồng phục, áo đồng phục phải bỏ trong quần. Không đi dép lê, dép quai hậu xỏ ngón, giày cao gót. Nam sinh không được để tóc dài, nữ sinh không để những kiểu đầu tóc thời trang, không nhuộm tóc.
Trường THPT Lương Thế Vinh (Ảnh: website trường) |
Học sinh ra vào trường phải quẹt thẻ theo đúng quy định, nếu quá 3 lần/1 kỳ không quẹt thẻ thì sẽ bị hạ 1 bậc hạnh kiểm của kỳ học đó...
Nếu vào lớp muộn quá 5 phút (bất cứ tiết học nào) đều không được vào lớp và phải lao động công ích trong suốt thời gian còn lại của một tiết.
Không được đi xe đạp qua cổng trường, gửi xe đạp đúng nơi quy định, tuyệt đối không gửi xe ngoài trường vì bất cứ lý do gì. Tuyệt đối không được đi xe máy khi chưa có bằng lái xe.
Phải có cử chỉ lời nói văn minh, lịch sự khi tiếp xúc với mọi người. Chào hỏi, thưa gửi lễ phép với thầy cô giáo, với cán bộ, nhân viên trường mình và khách đến trường tham quan. Không văng tục, gây gổ, đánh chửi bạn. Không la cà hàng quán, tuyệt đối không vào quán chơi điện tử trước hoặc sau giờ học.
Trích nội quy Trường THPT Lương Thế Vinh) |
Không mang sách, truyện nhảm nhí và hung khí đến trường, nếu phát hiện sẽ bị tịch thu – không trả lại và sẽ bị xử lý kỷ luật.
Các chức năng giáo dục vốn là chức năng truyền thống của gia đình và xã hội địa phương đã được đẩy sang cho trường học. Trong khi đó trường học lại bị biến thành lò luyện thi. Tình trạng đó tạo ra sự đứt gãy về truyền đạt kinh nghiệm sống và các giá trị văn hóa. |
Cấm mang quà bánh, nước uống vào lớp. Cấm chơi trò ăn tiền. Cấm mang chất nổ, chất dễ cháy đến trường. Tắt máy điện thoại di động trước khi vào trường và chỉ được bật máy khi ra khỏi cổng trường. Không mang máy nghe nhạc, máy chơi điện tử đến trường. Cấm hút thuốc lá trong trường.
Không được đá cầu, đá bóng trong lớp và dọc hành lang. Không xô đẩy, sắp xếp lại bàn ghế. Không ngồi lên thành lan can, nhất là lan can tầng cao.
Cấm rủ bạn ngoài trường đến tụ tập quanh trường lớp, gây gổ đánh nhau;
Phải có ý thức bảo vệ của công và giữ vệ sinh chung, không vẽ bậy lên bàn, lên tường, không trèo cây bẻ cành, không vứt rác, không đổ nước, khạc nhổ bừa bãi. Đi vệ sinh đúng nơi quy định.
Thực hiện tốt việc vệ sinh hành lang, lớp học trước mỗi giờ học".
Đặc biệt, "Học sinh tuyệt đối không được mang và ăn kẹo cao su trong trường. Nếu vi phạm sẽ xử phạt nặng".
Ngoài ra, trường cũng quy định về những điều cấm kỵ khi học sinh lên Facebook và yêu cầu học sinh phải chấp hành tuyệt đối như: "Tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt, ví dụ như dm, vcl, vl, bts,… phải sử dụng ngôn từ trong sáng, thuần Việt.
Tuyệt đối không dùng Facebook để nói xấu bất cứ ai. Chỉ like status khi đã đọc kỹ nội dung của nó. Nếu like những status có nội dung xấu, chủ nhân Facebook sẽ bị quy trách nhiệm. Cần phải biết đấu tranh, bày tỏ quan điểm trước status có nội dung xấu hoặc không lành mạnh. Tuyệt đối, không được để bạn bè hiểu lầm khi đọc status. Viết status phải rõ ràng"
Bên cạnh đó, bản nội quy cũng quy định "Tùy theo lỗi nặng nhẹ sẽ bị nhắc nhở, phê bình, khiển trách, cảnh cáo trước lớp. Trường hợp bị cảnh cáo trước lớp, học sinh phải làm bản kiểm điểm và mời cha mẹ đến trường bàn bạc biện pháp giáo dục.
Nếu học sinh tiếp tục vi phạm nội quy, giáo viên chủ nhiệm sẽ mời cha mẹ học sinh đến thông báo ý định cho thôi học của trường.
Nếu cha mẹ học sinh có nguyện vọng, nhà trường sẽ cho tiếp tục thử thách một thời gian. Khi nhà trường có giấy mời cha mẹ, nếu học sinh có biểu hiện gian dối hoặc trì hoãn việc chuyển giấy mời, học sinh sẽ bị đình chỉ học tập.
Trường hợp học sinh không chịu sửa chữa khuyết điểm (sau khi đã thông báo cho cha mẹ, nhà trường sẽ kiên quyết cho thôi học)".
Lãnh đạo nhà trường nói gì?
Trao đổi với VietNamNet, bà Văn Thùy Dương, Phó hiệu trưởng nhà trường cho rằng những nội dung quy định liên quan đến Facebook như vậy bởi tính đến những ảnh hưởng đến văn hóa của học sinh.
“Bây giờ có những người chưa đọc hết nội dung các bài viết trên mạng xã hội đã bấm like. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu học sinh chỉ được like khi mà đã hiểu rõ nội dung, việc đó không chỉ là để giáo dục học sinh mà cũng cần thiết đối với người lớn, phụ huynh. Thực tế đã có những trường hợp bị đuổi khỏi cơ quan khi like những status nói xấu đồng nghiệp”.
Theo bà Dương, quan điểm của trường là những người không đọc kỹ nội dung các chia sẻ trên mạng mà đã like là một sự a dua và không thể chấp nhận được.
Clip: Tranh biện quyết liệt của 2 học sinh về chủ đề "Có nên đưa ra nội quy cho học sinh khi sử dụng mạng xã hội" (xem bài đầy đủ TẠI ĐÂY).
Trước câu hỏi của VietNamNet rằng việc này có làm mất tính dân chủ trên mạng xã hội của học sinh hay không, bà Dương cho biết có nhiều vụ việc tiêu cực của học sinh với nhau chỉ vì Facebook nên trường phải quy định như vậy để dạy trẻ.
“Cái tệ hại nhất của mạng xã hội là đôi khi chỉ bấm nút Like để chứng tỏ rằng đã đọc bài đăng của người khác mà không hiểu rõ nội dung. Nhưng nếu với thông tin có nội dung xấu…, các em không đọc mà vẫn bấm nút Like thì người đăng sẽ nghĩ rằng được ủng hộ và cho rằng đó là việc đúng. Mỗi người phải chịu trách nhiệm trước mọi hành vi của mình chứ” - bà Dương nói.
Ngoài ra, trường cũng quy định không được viết tắt hay dùng tiếng lóng vì gây khó hiểu. “Chẳng hạn viết cl mà nói cháo lòng thì ai mà hiểu cho được".
Theo bà Dương, nhà trường đã áp dụng những quy định này và kể từ đó, hiện tượng học sinh nói tục, chửi bậy trên mạng xã hội giảm đi rất nhiều.
Theo bà Dương, nhà trường chưa có quy định riêng cho giáo viên về việc này, bởi khi yêu cầu học sinh thực hiện, tự khắc chính các giáo viên cũng phải làm gương.
Lê Huyền - Thanh Hùng