- Trong phần tiếp theo của chương trình, các khách mời đã thảo luận về cơ chế kết nôi thông tin để giải quyết cho vấn đề "nguy cơ hình thành tầng lớp người lớn chưa trưởng thành".

>> Xem phần 1: Những ngôn từ mới của giáo dục
 >> Xem phần 2: Đổi mới sư phạm: Chuyển ưu đãi sinh viên sang người thầy
 >> Xem phần 3: Điểm đột phá của tự do học thuật
 >> Xem phần 4: Trận đánh 'Buôn Mê Thuột' của giáo dục

Nhà báo Hạ Anh: Có một câu hỏi dành cho bộ trưởng Phạm Vũ Luận như sau: Thưa bộ trưởng trẻ em Việt Nam ngày nay có điều kiện chăm sóc tốt hơn, thông minh, nhận thức nhanh hơn rất nhiều. Tuy nhiên chỉ sau 5 năm học tiểu học, nhiều cháu đều trở nên chậm chạp, thụ động và không tốt về mặt giao tiếp xã hội.

Câu hỏi đặt ra là hiện nay những vấn đề đó đều đổ cho tại ngành giáo dục, tại chương trình. Vậy vai trò của xã hội, của gia đình ở đâu? Bạn đọc hỏi tiếp: Nếu cải cách chương trình thì ngoài việc thay sách giáo khoa, tập huấn lại giáo viên thì bố mẹ và nhận thức xã hội có được thay đổi để phù hợp với mục tiêu giáo dục của chương trình mới hay không? Và bằng cách nào?

Đây là câu hỏi của bạn đọc Hoàng Phương (45 tuổi). Xin mời ông!

{keywords} 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Đây là câu hỏi rất hay. Tôi xin bổ sung cho câu hỏi là không chỉ các cháu học sinh chậm chạp mà cả những người lớn cũng trở nên chậm chạp và thụ động. Đây không phải chỉ là chuyện của các cháu nhỏ.

Nguyên nhân nhiều, nhưng tựu chung lại vì từ lúc nhỏ, các cháu không được trải nghiệm nhiều, chưa được tắm mình nhiều trong thực tiễn đời sống, xã hội, trong làng xã, thôn bản phường xóm, trong các hoạt động.

Đây có một phần nhà trường khi chú trọng nhiều quá đến dạy lý thuyết, ít tổ chức hoạt động. Nhưng ở đây cũng có trách nhiệm xã hội.

Chúng ta chăm bẵm, bao bọc các cháu nhiều quá. Tâm lí cha mẹ ông bà chúng ta trước đã khổ vất vả rồi nên nay muốn tạo cho con cháu điều kiện tốt nhất. Cho nên các cháu được trưởng thành, lớn lên trong môi trường không phải tự nhiện.

Người lớn chúng ta phải có trách nhiệm thay đổi nhận thức tư duy, trên cơ sở đó thay đổi nhận thức về ứng xử để các cháu có môi trường tự nhiên hình thành năng lực phẩm chất và cá tính.

Nhà báo Hạ Anh: Cảm ơn Bộ trưởng! Ông vừa có chia sẻ một thông tin rất hay là những năm đầu tiên của thế kỷ 20, chúng ta có những tổng bí thư, lãnh đạo đất nước tuổi 25-30. Nhưng bây giờ, sau gần 100 năm, điều đó là chuyện dường như không tưởng. Vậy có vấn đề gì ở đây? Liệu có phải giáo dục ta đi chậm so với sự phát triển của xã hội?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Đây không phải chỉ là vấn đề của Việt Nam mà là vấn đề của cả nhân loại. Trong quá trình phát triển của mình, nhân loại đang gặp phải vấn đề này.

Khi phát triển đời sống kinh tế lên cao thì ý chí vượt khó, động lực từng con người vượt qua điều kiện, cải thiện vị trí hoàn cảnh của mình giảm đi. Tại sao cứ nói vùng đất Nghệ An, Hà Tĩnh học rất giỏi? Vì họ có động lực.

Nhà báo Hạ Anh: Vâng, cảm ơn ông. Chia sẻ của ông cũng làm tôi nhớ tới một bài phỏng vấn mà VietNamNet có đăng tải cách đây mấy ngày của anh Đàm Quang Minh ở ĐH FPT. Anh nói về nguy cơ hình thành một thế hệ người lớn chưa trưởng thành mà Bộ trưởng có đề cập trong câu trả lời ban đầu. Tức là, có khi thanh niên 25, 30 tuổi còn sống dựa vào bố mẹ tương đối nhiều. Như thế thì đặt ra vai trò tiên phong của giáo dục, với sự đi cùng của xã hội và gia đình.

Có một câu hỏi tiếp theo dành cho các khách mời đến từ Ngân hàng Thế giới. Bà có khuyến nghị gì để giúp nâng cao sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc đào tạo kỹ năng cho thế hệ trẻ Việt Nam? Câu hỏi của độc giả Nguyễn Thu Lan, 30 tuổi.

{keywords}

Bà Victoria Kwakwa: Tôi xin cảm ơn rất nhiều. Báo cáo mà chúng ta đang nói đến ở đây cho thấy rằng là hiện nay đang có một sự thiếu khớp nối giữa các bên liên quan khác nhau hay thiếu sự kết nối trong hệ thống giáo dục của Việt Nam. Như vậy nó khiến cho chúng ta chưa đạt được kết quả tối ưu trong hệ thống giáo dục. Chúng ta có thể thấy có sự thiếu kết nối giữa nhiều yếu tố khác nhau ví dụ như thiếu sự kết nối giữa học sinh và phụ huynh hay giữa các trường phổ thông với các trường ĐH hay giữa các trường, các cơ sở giáo dục với khu vực tư nhân, với các công ty v.v…

Vậy cái quan trọng ở đây là chúng ta phải làm sao để không còn những sự thiếu kết nối này nữa và như vậy chúng ta phải tập hợp các yếu tố khác nhau trong hệ thống giáo dục để làm sao cho toàn bộ hệ thống hoạt động, vận hành một cách hiệu quả hơn.

Có một biện pháp rất quan trọng để giải quyết sự thiếu kết nối này đó là cung cấp thêm nhiều thông tin hơn nữa cho tất cả các bên liên quan để họ có cơ sở đưa ra các quyết định đúng đắn. Chúng ta phải hiểu rằng tất cả các bên liên quan hay tất cả những người sẽ đưa ra các quyết định như vậy thì họ đều là những người có khả năng suy nghĩ rất tốt.

Nếu như họ có thông tin đầy đủ, họ có thể đưa ra những quyết định đúng hoặc đưa ra những sự lựa chọn đúng. Và như vậy thì chúng ta cũng cần phải có được những hình thức khuyến khích các động cơ, kể cả những hình thức khuyến khích bằng các chế độ chính sách, quy định của nhà nước, cũng như các hình thức khuyến khích bằng tài chính. Tất cả những điều này đều rất quan trọng.

Một điều nữa là chúng ta phải xây dựng năng lực cho các bên liên quan để họ có thể đưa ra quyết định và rồi thực hiện được quyết định ấy. Lúc trước Bộ trưởng đã nói đến tầm quan trọng của việc cải thiện công tác đào tạo bồi dưỡng cho giáo viên.

Đây là một khía cạnh rất quan trọng và đây cũng là một trong các biện pháp để chúng ta có thể giải quyết được sự thiếu kết nối giữa các thành tố trong hệ thống giáo dục và một điều quan trọng chúng ta cần phải thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên và chúng ta phải giúp cho các bên liên quan hiểu rằng sự hợp tác ấy là để giúp cho tất cả các bên có thể đạt được kết quả tốt hơn nữa trong giáo dục.

Tôi có thể lấy ví dụ thế này: Có thể tạo ra cơ chế tốt hơn để có sự hợp tác giữa học sinh sinh viên với giáo viên rồi giữa các bên liên quan khác như trường học với các công ty tư nhân hay xã hội nói chung v.v… để đạt được kết quả tốt hơn.

Chúng ta cũng phải tạo dựng được nhận thức của các bên liên quan và chính phủ thì có nhiều cách khác nhau để thực hiên điều này. Chính phủ có thể có cơ chế giúp kết nối giữa các trường học với khu vực tư nhân chẳng hạn như nhiều chương trình đào tạo chính phủ có thể yêu cầu phải có sự kết hợp giữa các cơ sở giáo dục, các trường học với khu vực tư nhân. Chính phủ cũng nên sử dụng sức mạnh, quyền lực của mình trong việc triệu tập các bên liên quan lại để tạo được sự kết nối.

Tôi cũng có thể lấy một ví dụ về sự hợp tác nữa đó là chúng ta có mô hình hội phụ huynh và giáo viên ở các trường. Và hội này cũng có thể có ảnh hưởng tới cách thức quản lý của nhà trường một cách hiệu quả.

Ở đây, tôi cũng muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giáo dục mầm non. Chúng ta thấy rằng những kỹ năng ví dụ như kỹ năng nhận thức là kỹ năng được hình thành từ giai đoạn rất sớm, từ khi chúng ta còn là những đứa trẻ. Như vậy, chúng ta cũng cần đảm bảo phải có các hoạt động phù hợp ở các trường mầm non.

Những hoạt động này cũng cần phải có sự phối kết hợp với phụ huynh để đảm bảo rằng cả nhà trường và phụ huynh cùng nhau tác động để cho trẻ có tinh thần tìm tòi, học hỏi, thúc đẩy sự tự tin ở các học sinh mầm non. Tóm lại chúng ta cần phải có được sự hợp tác, phải xây dựng sự nhận thức, hiểu biết.

Và chúng ta phải biết được sự thiếu kết nối ở đâu và cần phải có sự kết nối ở chỗ nào. Và từ đó, chúng ta có cơ chế cung cấp thông tin, tạo ra động lực để tất cả các bên có thể cùng hợp tác với nhau và đạt được sự kết nối trong hệ thống.

Phần 1: Những ngôn từ mới của giáo dục

Phần 2: Cải cách sư phạm: Chuyển ưu đãi sinh viên sang đãi ngộ người thầy

Phần 3: Điểm đột phá của tự do học thuật

Phần 4: “Trận Buôn Mê Thuột” của giáo dục

 

  • VietNamNet