- Xung quanh việc đổi mới sáng tạo của giáo viên, VietNamNet có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Hữu Tá, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP.HCM.

4 điều kiện để đổi mới sáng tạo

Thưa PGS, ngành giáo dục đang phát động phong trào đổi mới sáng tạo. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định đổi mới, sáng tạo là nhu cầu tự thân, tự nguyện. Theo ông, với cơ chế quản lý như hiện nay, giáo viên có tự đổi mới sáng tạo được không?

Ở bất kỳ lĩnh vực nào, muốn đạt kết quả, người thực hiện nhất thiết phải có tinh thần tự giác, tự chủ. 

Đây là nhân tố quyết định và là động lực không thể thiếu. Cụ thể trong lĩnh vực giáo dục, người giáo viên cần được thoả mãn một số điều kiện.

{keywords}
PGS.TS Trần Hữu Tá

Thứ nhất, phải được nâng cấp trình độ. Thứ hai, phải được tạo điều kiện để hoạt động. Thứ ba, phải có một chủ trương đúng xuất phát từ lãnh đạo cấp cao, từ Bộ GD-ĐT đến các Sở GD-ĐT. Thứ tư, họ phải được chăm lo đời sống tinh thần cũng như vật chất.

Đơn cử một dẫn chứng: Vừa qua, ở TP.HCM có chủ trương cấm rồi sau lại không cấm dạy thêm, học thêm. Chuyện cấm có lý, nhưng cấm hay không phải xuất phát từ nguyện vọng của học sinh và phải được sự đồng thuận của giáo viên. Rất tiếc, khi giáo viên chưa được hỏi ý kiến, lãnh đạo TP.HCM đã cấm. Chủ trương đó tạm thời bị vô hiệu hoá là điều dễ hiểu.

Theo tôi, để giáo viên tự giác, chủ động và hết sức sáng tạo phải đạt được những yêu cầu trên. Xin nhắc lại: Đó là bản lĩnh của người giảng dạy, sự hỗ trợ của hoàn cảnh, chủ trương chính sách của nhà nước, của ngành và sự quan tâm chu đáo đến đời sống, vật chất, tinh thần của họ.

Một khi đời sống vật chất không đầy đủ, khó có thể nói đến chuyện sáng tạo một cách tích cực, triệt để.

Tôi rất đồng ý với quan điểm của bộ trưởng, nhưng chuyện này không thể nói chung chung mà phải đặc biệt lưu ý đến bốn điều kiện trên.

Thưa ông, với chương trình học và thi cử như hiện nay giáo viên có thể tự đổi mới sáng tạo được không?

Hiện nay ta đang rơi ở tình trạng "nửa trăng, nửa đèn", mọi chuyện cứ mờ nhoè. 

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Chương trình cũ thực hiện đến bao giờ? Chương trình mới lúc nào sẽ thực hiện? Sách giáo khoa cũ để nguyên hay cần chỉnh sửa? Sách giáo khoa mới bao giờ sẽ có? Hình như cho đến hôm nay, chúng ta chưa thấy hình hài của chương trình, chứ chưa nói tới sách giáo khoa.

Xa hơn nữa, cấu trúc bậc học phổ thông sẽ giữ như hiện nay hay thay đổi? Số năm học có bớt đi hay thêm vào không? Việc phân tuyến, phân ban có đặt ra không?…

Bao nhiêu chuyện lớn lao ấy có lúc đã đề cập tới nhưng chưa được giải quyết. 

Đây là những chuyện không thể né tránh.

Tôi cho rằng chúng ta hay mắc bệnh hấp tấp, vội vàng. Nguyên nhân sâu xa xuất phát là do không tôn trọng người trong ngành, mà như cách nói của các vị lãnh đạo cấp cao  là không tôn trọng dân.

Theo ông, nếu thực hiện cởi trói hết những vướng mắc bấy lâu nay trong ngành, giáo viên có thể tự sáng tạo không?

Cần một quá trình để thực hiện, với 4 điều kiện như đã nói ở trên. 

Hiện nay nhiều giáo viên rất ngại nói lên quan điểm của mình vì sợ phải chịu trách nhiệm. Ông cho rằng việc này có ảnh hưởng như thế nào đến việc phát huy trí tuệ của giáo viên?

Nói một cách sòng phẳng và đúng đắn, giáo viên, hiệu trưởng, bộ trưởng, tất cả đều phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước tương lai của dân tộc. 

Phải xác định làm nghề vì cơm áo hay vì thế hệ trẻ

{keywords}

Để có được sáng tạo trong giáo dục cần có sự tin tưởng lẫn nhau giữa lãnh đạo và giáo viên. Hiện nay đã có sự tin tưởng đó chưa, thưa ông?

Đây là điều kiện mang tính nguyên tắc. Tôi xin phép không bình luận. 

Chỉ xin đề xuất một vấn đề: lãnh đạo ngành giáo dục hãy thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng là xây dựng một cơ quan lãnh đạo liêm chính. 

Tôi cũng mong những người làm giáo dục tránh cảnh “đồng sàng dị mộng”. 

Giáo dục là một việc rất khó khăn, không chỉ một người cố gắng mà phải toàn ngành, từ bộ trưởng đến 1 triệu giáo viên cùng hợp sức, tôn trọng nhau, tin tưởng nhau, nhân sức nhau lên mới hy vọng đạt kết quả tốt.

Vậy thì bản thân mỗi nhà giáo cần làm gì để khơi dậy sự sáng tạo đổi mới tiềm ẩn trong con người mình?

Tôi xin đưa kinh nghiệm của thế hệ chúng tôi, những người học đại học cách đây đã hơn 60 năm. Trong nhiều năm qua, anh chị em chúng tôi có một chút tiến bộ, đóng góp được một chút công sức và được học trò tin mến. 

Có được điều đó một phần nhờ các thầy dạy chúng tôi trong giảng đường đại học, nhưng sau đó chủ yếu từ nỗ lực tự học.

Vì vậy tinh thần tự học trong giáo viên rất quan trọng. Tự học chuyên môn và nghiệp vụ cũng như vốn sống phải được nạp liên tục. Nhưng tôi rất e ngại vì tinh thần tự học hiện nay của một số không nhỏ giáo viên còn thấp.

Để làm được chuyện này ngành cũng phải có kế hoạch căn cơ, bồi dưỡng chu đáo. Bài học bồi dưỡng giáo viên của nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến rất đáng để chúng ta học tập.

Ngành giáo dục bên cạnh rất nhiều giáo viên tâm huyết với nghề, một bộ phận nhà giáo cũng bằng lòng với những gì mình đã có. Theo ông việc này ảnh hưởng thế nào đến việc sáng tạo của giáo viên?

Đó là hệ quả xấu của nhiều năm phát triển ngành sư phạm mà thiếu sự tính toán khoa học. Lãnh đạo nhiều địa phương lại có bệnh phô trương hình thức: các tỉnh khác có trường đại học, vậy thì tỉnh mình cũng phải có. Dẫn đến tình trạng trường đại học được mở ra như "nấm sau mưa".

Nhiều giáo viên sư phạm chưa hề sẵn sàng vẫn phải dạy bậc cao hơn trình độ thực của mình. Họ mặc "chiếc áo quá rộng", nên kết quả lên lớp không đạt yêu cầu.

Ở nhiều nước phát triển, việc tuyển sinh vào Sư phạm và Y dược rất khắt khe. Tuyển chọn sinh viên, họ chú ý tới chất lượng còn nước mình lại quá vụ vào số lượng.  Nghịch lý là ở đấy.

Mặt khác, mỗi thanh niên trước khi quyết định chọn nghề sư phạm cần xác định: Vào sư phạm làm gì? Vì "miếng cơm, manh áo" cho qua ngày đoạn tháng hay vì khát vọng làm những việc có ích cho thế hệ trẻ, cho tương lai của đất nước.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lê Huyền