- Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội vừa nêu một số ý kiến đang lưu ý về giáo dục - đào tạo trong bản báo cáo dài 8 trang.
Đổi mới toàn diện: Đang tăng cường phân cấp, phân quyền
Nhìn tổng thể, Thường trực Ủy ban cho rằng, công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động GD-ĐT đang chuyển biến theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động, linh hoạt cho các địa phương, cơ sở GD-ĐT.
Một trong những việc cần tiếp tục làm sắp tới là đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý giáo dục, khắc phục sự thiếu đồng bộ trong tiến trình đổi mới quản lý giáo dục vừa qua; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý giáo dục cho địa phương,cơ sở GDĐT theo hướng giao quyền tự chủ gắn liền với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch và bảo đảm sự giám sát của xã hội.
Ảnh Đinh Quang Tuấn |
Về các hoạt động chuyên môn, Thường trực Ủy ban nhìn nhận Bộ GD-ĐT đã triển khai đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp dạy và học các cấp học, các trình độ đào tạo và xây dựng chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông mới; đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện theo hướng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Ngành giáo dục cũng tích cực đẩy mạnh hoạt động hợp tác, hội nhập quốc tế trong GD-ĐT.
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban cho rằng công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, các cấp, các ngành liên quan còn hạn chế. Đồng thời, lưu ý những nội dung trọng yếu như sau:
Xây dựng hệ thống trường sư phạm trọng điểm
Việc quy hoạch mạng lưới trường sư phạm, đầu tư cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chưa được triển khai quyết liệt; chưa có chính sách hữu hiệu thu hút học sinh, sinh viên giỏi vào trường sư phạm.Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ nghiên cứu xác định phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý là giải pháp đột phá, có chính sách ưu tiên để phát triển. Chú trọng đầu tư xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm, làm đầu tàu cho hệ thống trường sư phạm.
Thúc tiến độ làm chương trình phổ thông mới
Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo kịp thời việc xây dựng kế hoạch cụ thể để đẩy nhanh tiến độ tổ chức triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới theo đúng tiến độ. Đổi mới mạnh mẽ nội dung giáo dục đại học và sau đại học.Ảnh Phạm Hải |
Cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân chưa hợp lý
Thường trực Ủy ban Văn hóa nhận thấy cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam thời gian qua thiếu thống nhất trong quản lý; chưa có sự liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo..
Đến ngày 18/10/2016, Thủ tướng mới ban hành quyết định phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Khung trình độ quốc gia Việt Nam trong khi nhiều giải pháp đổi mới cụ thể về nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, đổi mới thi, tuyển sinh… đã được triển khai trên thực tiễn.
Phải chuẩn bị tốt ngân hàng đề thi trắc nghiệm
Về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017, Thường trực Ủy ban Văn hóa ủng hộ hình thức thi trắc nghiệm khách quan đối với hầu hết bài thi nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm tính khách quan và độ tin cậy của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tuy vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện tốt công tác đề thi, nhất là ngân hàng câu hỏi thi phục vụ các bài thi trắc nghiệm khách quan, một mặt bảo đảm tính nghiêm túc, khách quan và phù hợp với chuẩn chương trình giáo dục.
Chắt lọc nhân tố tích cực của mô hình trường học mới (VNEN)
Theo đánh giá của Thường trực Ủy ban Văn hóa thì mô hình trường học mới (VNEN) coi trọng yêu cầu tự học, tự quản của học sinh, thể hiện tư duy mới về phương pháp dạy học, phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực của học sinh.
Tuy vậy, việc triển khai mô hình trong thời gian qua còn "chủ quan, nóng vội", chưa bám sát điều kiện thực tiễn của địa phương và cơ sở giáo dục, do vậy hiệu quả còn hạn chế.
Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kết, đánh giá đầy đủ và khách quan việc triển khai mô hình trường học mới, kết quả đầu ra của dự án; phân tích, đánh giá ưu nhược điểm, từ đó chắt lọc những nhân tố tích cực của mô hình.
Ảnh Đinh Quang Tuấn |
Cần đánh giá nghiêm túc thực trạng dạy học ngoại ngữ
Thương trực Ủy ban Văn hóa nêu rõ "Việc mở rộng đại trà hoạt động dạy và học đối với bất kỳ một ngoại ngữ nào trong hệ thống giáo dục quốc dân cũng đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chương trình, tài liệu, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất".
Theo đó, trước hết cần tổng kết, đánh giá nghiêm túc thực trạng dạy và học ngoại ngữ thời gian qua; đánh giá hiệu quả đạt được theo từng phân đoạn, so sánh với các chỉ tiêu đặt ra, từ đó có những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Thứ hai, việc xác định ngoại ngữ nào được đưa vào giảng dạy, theo phương thức bắt buộc hay tự chọn và bắt đầu từ lớp mấy phải căn cứ trên nhu cầu thực tiễn cũng như khả năng đáp ứng về tài chính, chương trình, đội ngũ giáo viên, hệ thống học liệu.
Thứ ba, cần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên.
Ngân Anh