Mới nhận nhiệm vụ hơn 6 tháng mà đối với toàn bộ các vấn đề 49 đại biểu Quốc hội nêu ra, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đều nắm chắc tình hình, xác định đúng nguyên nhân chính của hạn chế, bất cập và đưa ra được các biện pháp giải quyết toàn diện, có tính khả thi. 

Trước câu hỏi của đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) về khả năng thực hiện mục tiêu của Đề án Ngoại ngữ 2008-2020, Bộ trưởng đã trả lời ngay là sẽ không đạt được. Với nhiều câu hỏi khác cũng có những lời đáp ngắn gọn, quyết đoán.

Tôi không nghĩ những câu trả lời thẳng thắn như vậy là dễ dàng. Bởi vì thừa nhận Đề án không đạt được mục tiêu có nghĩa là thừa nhận trách nhiệm. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mới nhận nhiệm vụ, không phải người chịu trách nhiệm trực tiếp trong chuyện này.

Nhưng ông có cái khó của mình: một mặt phải nhận trách nhiệm của người đứng đầu Bộ; mặt khác, phải nhận theo cách như thế nào đó để không đẩy trách nhiệm cho người tiền nhiệm. Cách xử lý là gánh lấy trách nhiệm giải quyết và vạch ra những biện pháp cụ thể để giải quyết vấn đề. 

Riêng về Đề án Ngoại ngữ, tôi tâm đắc với quan điểm điều chỉnh cách tiếp cận, mục tiêu, từ cách tiếp cận ôm đồm và mục tiêu vượt quá điều kiện thực thi đưa về một phạm vi đối tượng và mục tiêu hiện thực hơn.

Trả lời ĐBQH về yêu cầu ngoại ngữ đối với cán bộ, giáo viên, giải pháp phân biệt mức độ yêu cầu với các nhóm đối tượng khác nhau (cán bộ, giáo viên tuyển mới; cán bộ, giáo viên trẻ, còn có thời gian phấn đấu; cán bộ, giáo viên đã lớn tuổi)  đưa ra là một giải pháp thực tế.  

Đối với nhiều vấn đề, mặc dù đã được đã trả lời rõ, đưa ra giải pháp cụ thể, nhưng một số ĐBQH vẫn tái chất vấn, câu hỏi không có nội dung gì mới; làm cho phần sau của buổi chất vấn kéo dài, không đề cập được nhiều vấn đề mới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ  cũng kiên nhẫn trao đổi để làm rõ vấn đề. 

...
Phần phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong 15 phút đã giúp cho Quốc hội và cử tri cả nước thấy rõ hơn hoàn cảnh của giáo dục, vị trí của giáo dục VN trên trường quốc tế, những triết lý đang dẫn dắt, đổi mới giáo dục VN. Đó là sự nhìn nhận công bằng, khách quan, có kiến giải sâu sắc

Nếu có đủ thời gian để khái quát các câu chất vấn theo từng nhóm vấn đề thì nội dung trả lời sẽ gọn hơn.

Về một số dự án, đề án giáo dục không đạt mục tiêu, tôi cho rằng nên rút kinh nghiệm và có giải pháp khắc phục. Chẳng hạn, đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống quốc dân có hơn  9.000 tỷ nhưng thực sự đến nay mới có hơn 3.000 tỷ được giải ngân, các địa phương chi khoảng 1.600 tỷ.

Là người theo sát các kỳ họp Quốc hội nhiều năm, trong đó có 9 năm làm ĐBQH, tôi không bất ngờ với số lượng 49 đại biểu đặt câu hỏi, 18 đại biểu có tranh luận lại của phiên chất vấn hôm qua. Giáo dục là vấn đề thiết thân với từng người, từng nhà, luôn được cử tri quan tâm; do đó, việc có nhiều đại biểu đăng ký chất vấn là bình thường. Vả lại, các vấn đề giáo dục dễ hiểu, dễ nói hơn nhiều vấn đề khác.

Các ĐBQH đã đặt ra nhiều vấn đề mà ngành giáo dục cần giải quyết. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thay mặt Chính phủ đã giải trình, tiếp thu và cam kết thực hiện một số biện pháp giải quyết vấn đề. 

Công việc tiếp theo Bộ trưởng cần làm là thực hiện các cam kết của mình. 

Nhiều giải pháp, nhiều vấn đề cần tới sự cộng tác, phối hợp của nhiều ngành và các địa phương. 

Hy vọng là đến kỳ họp sau của Quốc hội, nhiều vấn đề các ĐBQH đặt ra sẽ được giải quyết có kết quả. 

  • GS Nguyễn Minh Thuyết