- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, việc 4 trường ĐH Việt Nam đạt chuẩn kiểm định của HCERES là căn cứ để khẳng định điều kiện đảm bảo chất lượng ở trường này không khác biệt gì so với các trường ĐH châu Âu.
Mới đây, lần đầu tiên 4 trường ĐH của Việt Nam gồm ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Xây dựng, ĐH Bách khoa Đà Nẵng và ĐH Bách khoa TP.HCM đạt chuẩn kiểm định của một tổ chức kiểm định nước ngoài. VietNamNet có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga về vấn đề kiểm định quốc tế đối với các trường ĐH Việt Nam.
Sinh viên có nhiều lợi thế
- Phóng viên: Việc 4 trường ĐH đầu tiên của Việt Nam được công nhận đạt chuẩn của một tổ chức kiểm định quốc tế có ý nghĩa như thế nào đối với giáo dục đại học (ĐH) Việt Nam nói chung và 4 trường này nói riêng, thưa ông?
- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Đây là lần đầu tiên các trường ĐH nước ta được kiểm định và đạt chuẩn quốc tế.
Khi các trường hội nhập quốc tế thì điều kiện đảm bảo chất lượng phải được đánh giá bởi thước đo chung.
Việc 4 trường kỹ thuật nước ta đạt chuẩn kiểm định Châu Âu do HCERES công nhận cung cấp cho chúng ta cơ sở để đánh giá các trường ĐH trong nước trong mối tương quan với các trường ĐH nước ngoài.
HCERES đánh giá và kiểm định 6 lĩnh vực bao hàm tất cả các hoạt động của nhà trường. Đây là đánh giá toàn diện. Vì thế có thể nói rằng điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của 4 trường đã qua kiểm định không khác biệt so với các trường ĐH châu Âu.
Đây là lần đầu tiên chúng ta có căn cứ để đưa ra nhận định này. Đó là ý nghĩa của việc kiểm định quốc tế đối với hệ thống giáo dục đại học nước ta.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga. Ảnh: Lê Văn. |
Sinh viên tốt nghiệp của các trường đạt chuẩn kiểm định quốc tế có nhiều lợi thế trong việc tiếp tục học lên cao hay tìm kiếm việc làm trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Bằng cấp của sinh viên các trường này có tính cạnh tranh cao hơn so với các trường khác. Xã hội cũng như người tuyển dụng lao động sẽ tin tưởng hơn về chất lượng đào tạo của các trường này.
Các trường đạt chuẩn kiểm định sẽ có cách thể hiện kết quả kiểm định thông qua logo, nhãn, mác… trên bảng điểm hay trên giấy tờ chứng nhận kết quả học tập của sinh viên để quảng bá hình ảnh của trường mình đồng thời tạo lợi thế cho sinh viên tốt nghiệp.
Sinh viên đang học tập tại trường cũng hưởng thụ điều kiện học tập ngày càng tốt hơn. Bởi để duy trì việc công nhận đạt chuẩn chất lượng thì các trường phải liên tục cải thiện cơ sở vật chất, tăng cường đội ngũ, đổi mới phương pháp quản lý, phương pháp giảng dạy…
- Việc kiểm định thực hiện bởi các tổ chức quốc tế có gì khác với tiêu chuẩn, tiêu chí về kiểm định chất lượng giáo dục trong nước?
- Mỗi một tổ chức kiểm định sử dụng bộ tiêu chuẩn riêng nhưng nhìn chung tất cả các bộ tiêu chuẩn đều đánh giá tổng thể các mặt hoạt động của trường từ sứ mệnh, mục tiêu chiến lược, đội ngũ, cơ sở vật chất, kết quả đào tạo, thành tích nghiên cứu khoa học… đến việc làm của sinh viên, đóng góp cho cộng đồng. Bộ tiêu chuẩn kiểm định của nước ta mới đây cũng đã điều chỉnh để tiếp cận với bộ tiêu chí của Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á.
Bộ khuyến khích các trường đăng ký kiểm định bởi các tổ chức kiểm định quốc tế để nhanh chóng hội nhập. Hiện nay có gần 100 chương trình đào tạo của các trường ĐH nước ta đã được kiểm định bới các tổ chức quốc tế như ABET, CTI, AUN-QA…
Về kiểm định chất lượng trường thì ngoài 4 trường ĐH kỹ thuật đã được kiểm định bởi HCERES, Trường ĐH Khoa học tự nhiên thuộc ĐHQG Hà Nội cũng đang trong tiến trình kiểm định bởi AUN-QA. Trong 4 trường đã đạt chuẩn kiểm định của HCERES thì Trường ĐH Bách khoa thuộc ĐH Đà Nẵng cũng đã đạt chuẩn kiểm định trong nước.
Kết quả kiểm định là do tổ chức kiểm định (trong nước hay quốc tế) công nhận. Bộ GD-ĐT quyết định thành lập tổ chức kiểm định trong nước và công nhận hoạt động của tổ chức kiểm định nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.
Tổ chức kiểm định nước ngoài phải đăng ký hoạt động tại Việt Nam
- Việc công nhận kết quả kiểm định được thực hiện bởi các tổ chức quốc tế đối với các trường ở Việt Nam sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Kiểm định chất lượng là hoạt động có điều kiện. Điều 103 Nghị định 46 - 2017 về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục có qui định các điều kiện, thủ tục để tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được công nhận hoạt động ở Việt Nam.
Trường ĐH Xây dựng, 1 trong 4 trường được công nhận đạt chuẩn kiểm định quốc tế bởi HCERES. |
Theo đó các tổ chức này đã được nước sở tại hoặc một hiệp hội quốc tế hợp pháp công nhận hoặc cấp phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp và có kinh nghiệm trong hoạt động kiểm định. Việc công nhận tổ chức kiểm định quốc tế được hoạt động ở Việt Nam thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Để giáo dục đại học nước ta nhanh chóng hội nhập quốc tế thì việc kiểm định quốc tế chương trình đào tạo cũng như cơ sở giáo dục đại học cần phải được khuyến khích. Vì thế, Bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín được đăng ký hoạt động ở Việt Nam.
Việc lựa chọn tổ chức kiểm định thuộc quyền tự chủ của các trường. Trên cơ sở đề xuất của các trường và nguyện vọng đăng ký hoạt động kiểm định của các tổ chức kiểm định quốc tế, Bộ GD-ĐT sẽ làm thủ tục công nhận cho các tổ chức này được hoạt động ở Việt Nam và công bố danh sách để các trường tham khảo, lựa chọn đăng ký kiểm định.
- Hiện nay chúng ta chỉ mới có 4 trung tâm kiểm định, số lượng trường đại học thì tới hơn 200 trường. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, các trung tâm này vẫn chưa thực sự độc lập do 3/4 trung tâm vẫn thuộc trường ĐH. Xin thứ trưởng cho biết, sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ định hướng phát triển các trung tâm kiểm định trong nước, đặc biệt là các trung tâm tư thục như thế nào?
- Đánh giá độc lập, khách quan, trung thực bởi những chuyên gia kiểm định giàu kinh nghiệm là yếu tố làm nên uy tín và độ tin cậy của tổ chức kiểm định. Khi tổ chức kiểm định mất đi một trong những yêu cầu cơ bản này thì kết quả kiểm định trở nên vô nghĩa.
Hiện nay trong 4 trung tâm kiểm định chất lượng của nước ta có 3 trung tâm của các Đại học. Điều này cũng không ảnh hưởng gì đến tính độc lập của việc kiểm định vì các trung tâm này không được kiểm định các cơ sở GDĐH liên quan đến trung tâm.
Để đảm bảo độ tin cậy trong hoạt động thì các tổ chức kiểm định thường phải được đánh giá, kiểm định định kỳ bởi những tổ chức khác. Ví dụ HCERES, tổ chức kiểm định của Pháp phải chịu sự kiểm định định kỳ của tổ chức kiểm định Châu Âu để đảm bảo hiệu lực của kết quả kiểm định mà HCERES ban hành.
Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục ĐH ở nước ta vẫn còn mới mẻ. Vì thế những qui định về hoạt động này chưa thật đầy đủ. Hiện tại các trung tâm kiểm định nước ta hiện chưa chịu sự kiểm định của các tổ chức kiểm định khác.
Trong quá trình sửa đổi Luật Giáo dục Đại học sắp tới, vấn đề kiểm định chất lượng giáo dục cũng như phân tầng, xếp hạng các cơ sở ĐH sẽ được bàn thảo kỹ. Trên cơ sở đó Bộ GD-ĐT sẽ ban hành những qui định chặt chẽ hơn về điều kiện hoạt động của các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Lê Văn (thực hiện)
Không nên bắt buộc |
Kể từ ngày Nghị định 46 có hiệu lực (21/4) đến nay, chưa có bất cứ tổ chức nào nộp hồ sơ đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Trong khi đó, đã có 88 chương trình đào tạo của 20 trường ĐH ở Việt Nam được đánh giá và công nhận bởi 11 tổ chức kiểm định quốc tế và khu vực. Theo ông Phạm Hiệp, nghiên cứu sinh tại ĐH Văn hóa Trung Hoa (Đài Loan, Trung Quốc), trong xu thế kiểm định quốc tế là tất yếu như hiện nay, Bộ GD-ĐT không nên đặt ra quy định bắt buộc các tổ chức kiểm định nước ngoài phải đăng ký hoạt động tại Việt Nam mà nên để các trường ĐH tự lựa chọn tổ chức kiểm định. "Với vai trò quản lý, Bộ có thể đưa ra danh sách các tổ chức kiểm định có uy tín trên thế giới để các trường có thể lựa chọn đồng thời có thể đưa ra chính sách hỗ trợ kinh phí nếu các trường đăng ký kiểm định các tổ chức quốc tế". |
Các tổ chức quốc tế đã thực hiện kiểm định tại Việt Nam |
1. Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN (ASEAN University Network Quality Assurance) - AUN-QA 2. Uỷ ban Văn bằng Kỹ sư Pháp (Commission des Titres d'Ingénieur) - CTI 3. Hội đồng Kiểm định Kỹ thuật và Công nghệ, Hoa Kỳ (Accreditation Board for Engineering and Technology) - ABET 4. Hội đồng Kiểm định các trường và chương trình đào tạo về kinh doanh, Hoa Kỳ (Accreditation Council for Business Schools and Programs) - ACBSP 5. Quỹ Kiểm định các chương trình quản trị kinh doanh quốc tế (Foundation for International Business Administration Accreditation) - FIBAA 6. Hiệp hội MBA (Association of MBAs) - AMBA 7. Hiệp hội quốc tế các trường đại học đào tạo ngành kinh doanh (International Assembly for Collegiate Business Education) - IACBE 8. Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học, Pháp - HCERES |