- Những ngày qua, chuyện tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội như nóng lên bởi những bức xúc của phụ huynh xoay quanh việc các trường ngoài công lập yêu cầu đóng các khoản phí lớn khi nộp hồ sơ. Tuy nhiên khi rút hồ sơ, họ sẽ không được trả lại khoản tiền này.

Đội nắng "rút - nộp" hồ sơ

Ngoài áp lực chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10, không ít phụ huynh ở Hà Nội còn phải rước thêm  những vất vả, bức xúc chỉ vì những khoản tiền phải bỏ ra để yên tâm chắc chắn con mình có một suất học.

Lứa học sinh tuổi Dê Vàng (sinh năm 2003) tăng mạnh, hơn 20.000 thí sinh so với năm học trước. Cùng với mặt bằng mức điểm thi thấp, những nỗi lo về khả năng trượt trường công nguyện vọng 1 khiến nhiều phụ huynh nghĩ đến phương án nộp hồ sơ cho con vào các trường ngoài công lập.

Trước ngày Hà Nội công bố điểm chuẩn (29/6) của các trường THPT công lập năm học 2018-2019, nhiều trường ngoài công lập đã công bố mức điểm chuẩn và thông tin bắt đầu nhận hồ sơ.

Và rồi phụ huynh đứng giữa bài toán “cân não” nộp hay không nộp hồ sơ vào trường ngoài công lập.

Nếu nộp, thì yên tâm có trượt trường công vẫn vào được trường ngoài công lập tạm ưng ý. Điều đó cũng đồng nghĩa chấp nhận những “luật chơi” mà các trường đưa ra, mỗi trường một kiểu.

{keywords}
Phụ huynh rút hồ sơ để nộp vào một trường công lập hạ điểm chuẩn ngày 5/7. Ảnh: Thanh Hùng.

Nhiều phụ huynh phản ánh, trước khi công bố điểm chuẩn, Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu đã đặt ra một “luật chơi” đó là có hình thức nhận nộp lệ phí ghi danh 2 triệu đồng. Ai ghi danh sớm sẽ được “tặng” 1 điểm. Nếu học sinh trúng tuyển vào trường mà rút hồ sơ, không học thì trường sẽ không trả lại phí ghi danh.

Nhùng nhằng giữa nhà trường và các phụ huynh chỉ kết thúc khi Sở GD-ĐT có công văn nêu đích danh yêu cầu trường phải hoàn trả toàn bộ các khoản tiền lệ phí đã thu khi học sinh rút hồ sơ. Tuy nhiên, những công văn của Sở GD-ĐT không phải lúc nào cũng phát huy được tác dụng với các trường phía dưới.

Như Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh công bố điểm trúng tuyển và thu hồ sơ của các học sinh từ ngày 26/6. Cùng với đó, thông tin mỗi học sinh khi làm thủ tục nhập học phải nộp các khoản tổng cộng hơn 6 triệu đồng. Nếu sau khi biết điểm chuẩn công lập, học sinh rút hồ sơ thì sẽ không được trả lại tiền mà khoản đó sẽ được đưa nộp về quỹ khuyến học của trường.

Sau khi tiếng nói của phụ huynh "đến tai" cơ quan có thẩm quyền, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản đề nghị Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh trả toàn bộ các khoản tiền, lệ phí đã thu khi học sinh rút hồ sơ. Nhưng theo phản ánh của nhiều phụ huynh, họ không được trả lại đủ số tiền đã đóng góp.

Sáng 4/7 tôi gọi điện hỏi trường xin lấy lại tiền theo tinh thần công văn của Sở, nhà trường trả lời: Công văn của Sở ra ngày 3/7/2018, nên trường thực hiện từ ngày 3/7, những hồ sơ đã rút trước ngày này nhà trường không giải quyết. Ngày 3/7 là ngày cuối cùng để nộp hồ sơ vào trường THPT công lập, liệu còn mấy hồ sơ rút vào ngày đó. Vậy công văn của Sở chỉ mang tính chất xoa dịu dân thôi mà chả có tác dụng gì à”, chị Hồng Hà (quận Cầu Giấy) chia sẻ.

Số phụ huynh được trả lại tiền thì qua phản ánh cũng chỉ lấy về được gần 2 triệu đồng gồm tiền vở và đồng phục,… số tiền 4 triệu đồng (học phí và xây dựng trường) còn lại nhà trường không đồng ý trả lại.

Thậm chí cho đến sáng nay, ngày 6/7, các phụ huynh đến từ 8h sáng nhưng không vào được cổng trường để nhận lại số tiền đã "đặt cọc".

{keywords}
Phụ huynh ở cổng trường Lương Thế Vinh sáng 6/7. Ảnh: Lam Khê

Không chỉ Trường Lương Thế Vinh,  Trường Tiểu học - THCS -THPT Nguyễn Siêu (quận Cầu Giấy) cũng  bị phụ huynh phản ánh là có yêu cầu phụ huynh đóng phí giữ chỗ lên tới 10 triệu đồng và không trả lại nếu rút hồ sơ.

Nhiều phụ huynh cho rằng Sở GD-ĐT cần có quy định cụ thể để ngăn ngừa việc các trường tư lợi dụng để “kiếm tiền” trên sự lo lắng, hoang mang của phụ huynh.

Nhà trường: Đặt cọc là thỏa thuận giữa 2 bên

Bà Văn Liên Na, Phó hiệu trưởng Trường THCS- THPT Lương Thế Vinh cho rằng, nhà trường hoàn toàn cho phụ huynh sự lựa chọn đăng ký tuyển sinh chứ không bắt ép.  

“Trước khi phụ huynh ký nộp hồ sơ, trường đã có thông báo rõ ràng và công khai cần cân nhắc kỹ. Bởi khi rút hồ sơ thì những khoản tiền đã đóng góp sẽ được trường bổ sung vào quỹ khuyến học. Chúng tôi đã có thông báo, thậm chí in đậm phần lưu ý đó và hoàn toàn không bắt ép phụ huynh phải đăng ký nộp vào trường. Nhưng nếu đã ký nộp hồ sơ thì đồng nghĩa với việc chấp nhận luật chơi và sẵn sàng chấp nhận chuyện đó”.

Theo bà Na, trường đưa ra việc này nhằm tránh việc phụ huynh đăng ký nháo nhào và rồi sau lại có thể nháo nhào rút ra mà không hề có sự cân nhắc, suy nghĩ kỹ trước khi lựa chọn trường.

“Nếu giờ phụ huynh cứ không cân nhắc, cứ đến nộp vào rồi đến lúc công lập hạ điểm chuẩn lại đồng loạt rút hồ sơ thì trường chúng tôi có hình thành được các lớp, và rồi có tồn tại nổi không?"

Theo bà Na, trường đưa ra mức phí cao khi nộp hồ sơ nhằm mục đích để các phụ huynh phải cân nhắc thật kỹ. “Giống như việc tham gia giao thông vậy. Nếu vi phạm mà phạt nhẹ thì cứ thế vi phạm chẳng e sợ vì có phạt cũng không đáng kể”.

{keywords}
Thông báo về các khoản thu của Trường Lương Thế Vinh ngày 26/6 khi tuyển sinh vào lớp 10

Bà Na cho rằng, trường mình còn không có khoản phí ghi danh hay đặt chỗ nên số tiền phụ huynh phải đóng còn thấp hơn nhiều so với một số trường khác, khi số tiền lên đến hàng chục triệu đồng.

Nói về hướng xử lý trường hợp nếu phụ huynh đến rút hồ sơ và đòi lại tiền, bà Na cho rằng "không thể chỉ mình Trường Lương Thế Vinh phải trả tiền. Khi có thống nhất chung và công bằng các trường thì trường sẽ trả, dù số tiền thu được không quá lớn".

Ngược lại, cũng có trường cho phụ huynh rút hồ sơ một cách thoải mái và hoàn tiền như Trường Marie Curie.

Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang chia sẻ:

“Một số ít trường ngoài công lập có những hiện tượng bất khiến dư luận không đồng tình. Tôi cho rằng bên cạnh tính được tự chủ thì các trường ngoài công lập cũng cần tự chịu trách nhiệm với xã hội và dư luận. Qua việc này các trường đó chắc chắn phải rút kinh nghiệm để không tái diễn điều tương tự ở những mùa thi sau”.

Quản lý lúng túng

Để xảy ra câu chuyện này hay hiện tượng trục lợi rõ ràng trách nhiệm quản lý, điều phối của Sở GD-ĐT chưa tốt.

Nhiều phụ huynh cho rằng sẽ bớt hoang mang và lo lắng nếu như sau khi công bố điểm thi, Sở cung cấp thêm cho phụ huynh và thí sinh thông tin về phổ điểm mặt bằng chung. Bởi đó sẽ ít nhiều là căn cứ để phụ huynh tiên liệu khả  năng đỗ trượt của con trước khi quyết định có nộp hồ sơ vào các trường ngoài công lập.

Cùng với đó, việc hỗn loạn tâm lý xảy ra khi thời gian làm hồ sơ nhập học. “Luật chơi” được các trường đưa ra sát nút thời điểm công bố điểm chuẩn, thời gian làm thủ tục nhập học công lập được Sở GD-ĐT quy định quá ngắn (chỉ 3 ngày mỗi đợt, đợt chính và bổ sung) trong khi phụ huynh phải đôn đáo rút - nộp từ trường này sang trường khác, đã nên gây náo loạn. 

Một so sánh được đưa ra: Cũng tương tự hiện tượng tăng vọt số lượng thí sinh do tuổi Dê Vàng (cả Hà Nội và TP.HCM số lượng này đều tăng so với năm trước là hơn 20.000 em), nhưng quy định thời hạn nộp hồ sơ khác nhau khiến TP.HCM ít bị náo loạn như mấy ngày vừa qua của Hà Nội. TP.HCM cho phép thời gian này kéo dài 22 ngày.

Không phủ nhận cần tôn trọng quyền tự chủ của các trường ngoài công lập nhưng  GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng việc "tuyển sinh trên nỗi lo sợ của khách hàng" là không thể chấp nhận.

Nếu bên này đưa dịch vụ và bên kia trả tiền thì là sòng phẳng. Còn lấy tiền nhưng không cung cấp dịch vụ gì thì không hợp lý. Quyền tự chủ không có nghĩa các trường được phép tự đặt ra những luật lệ riêng, đưa ra các khoản tiền cọc. Người ta không học thì phải trả lại tiền chứ không thể lấy lý do này khác, phải đứng trên quyền lợi của người học. Nếu không đừng mở ra trường học mà hãy bỏ tiền ra đầu tư vào lĩnh vực khác”.

Theo ông Dong, "muốn vận động người ta đến học thì cơ bản không phải là số tiền bao nhiêu mà quan trọng là chất lượng đào tạo ra sao".

Theo GS Dong, Sở GD-ĐT Hà Nội "đang để các trường ngoài công lập có quyền to quá, thích làm như thế nào thì làm".

Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD-ĐT Hà Nội) khẳng định những hiện tượng này sai cả về mặt nhân văn lẫn quy định, hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội. “Các trường được tự chủ nhưng cần có tính giáo dục, nhân văn”, ông Toản nói.

Ông Toản cũng thừa nhận, về phổ điểm, trước nay Hà Nội cũng không năm nào công bố.

“Phổ điểm để tham khảo và có thể đưa ra mức điểm chuẩn thì chúng tôi thấy chưa có một cơ sở khoa học nào nói lên điều đó. Bởi phổ điểm là chung trên toàn thành phố và với trên 95.000 thí sinh dự thi. Tất nhiên cũng có thể đó là một kênh mà chúng ta có thể tham khảo được. Từ trước đến nay, Hà Nội cũng chưa bao giờ phân tích phổ điểm đó hay công bố. Ngay từ kế hoạch ban đầu cũng chưa có nội dung này. Nên nếu nó là một kênh để phụ huynh tham khảo được thì Sở sẽ nghiên cứu, tiếp thu. Và trong kế hoạch tuyển sinh những năm tới, chúng tôi sẽ triển khai tiếp thêm nội dung công bố phổ điểm thi của thí sinh”.

Ngoài việc có văn bản xử lý, ông Toản cho rằng làm công tác về mặt giáo dục do đó các trường cũng cần nhìn nhận về tính nhân văn, có những hỗ trợ, thông tin thêm cho các phụ huynh.

Thanh Thiên

Phụ huynh tươi như hoa vì con trúng tuyển lớp 10 phút 89

Phụ huynh tươi như hoa vì con trúng tuyển lớp 10 phút 89

Sáng nay 5/7, rất nhiều phụ huynh ở Hà Nội đã rầm rập kéo đến các trường để làm thủ tục rút nộp hồ sơ cho con vào lớp 10 sau khi hạ điểm chuẩn.

Hà Nội yêu cầu hoàn trả "phí ghi danh" vào lớp 10

Hà Nội yêu cầu hoàn trả "phí ghi danh" vào lớp 10

Sở GD-ĐT Hà Nội vừa có công văn gửi hiệu trưởng Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu liên quan đến công tác tổ chức tuyển sinh lớp 10 năm học 2018-2019 của trường này.

Các trường phải tạo điều kiện để học sinh rút hồ sơ vào lớp 10

Các trường phải tạo điều kiện để học sinh rút hồ sơ vào lớp 10

Sở GD-ĐT Hà Nội vừa có công văn gửi hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn về việc thực hiện nghiêm túc công tác tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019.

Điểm chuẩn lớp 10: Sáng 46, chiều 49

Điểm chuẩn lớp 10: Sáng 46, chiều 49

Công bố các mức điểm chuẩn vào lớp 10 khác nhau theo từng buổi - điều không tưởng này đã được Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu (Hà Nội) đưa ra để tuyển sinh cho năm học 2018-2019.

Biết điểm chuẩn vào lớp 10 Hà Nội, phụ huynh bật khóc

Biết điểm chuẩn vào lớp 10 Hà Nội, phụ huynh bật khóc

Sau chuỗi ngày căng thẳng kéo dài cho kỳ thi lớp 10, khi biết điểm chuẩn, nhiều phụ huynh đã không cầm được những giọt nước mắt. Có những giọt nước mắt hạnh phúc và cả những giọt nước mắt tiếc nuối, thậm chí ân hận với con mình.

Điểm chuẩn lớp 10 và cơn đau đầu dễ chịu của phụ huynh

Điểm chuẩn lớp 10 và cơn đau đầu dễ chịu của phụ huynh

Trái ngược với sự lo lắng thấp thỏm chuyện con đỗ trượt vào lớp 10 của nhiều phụ huynh ở Hà Nội, một số cha mẹ cũng đau đầu nhưng lại là những cơn đau đầu dễ chịu khi có nhiều sự lựa chọn vì con trúng tuyển nhiều trường.