- Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT khi lưu ý về hiện tượng thí sinh sử dụng công nghệ cao ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

Nói về công tác đảm bảo an toàn cho kỳ thi sắp tới, ông Bằng cho hay năm nay, mỗi hội đồng sẽ có 2 cán bộ thanh tra.

“Lưc lượng Thanh tra Bộ GD-ĐT không nhiều nhưng mở rộng đội ngũ cộng tác viên. Tức không phải chuyên nghiệp nhưng những cán bộ này sẽ được tập huấn. Về thanh tra sở, năm nay mỗi điểm thi có 2 thanh tra cắm chốt”.

{keywords}
Ông Nguyễn Huy Bằng. Ảnh: Thanh Hùng

Như vậy, với hơn 2.000 điểm thi THPT quốc gia, thanh tra có hơn 4.000 người. Tối thiểu 7 phòng thi thì có 1 giám sát. Cán bộ giám sát không làm thay giám thị mà giám sát giám thị.

Về vấn đề gian lận trong thi cử, ông Bằng nhìn nhận do số lượng thi rất đông nên năm nào cũng xuất hiện. Tuy nhiên, theo Chánh thanh tra Bộ, việc này sẽ giảm đi nếu làm tốt việc tuyên truyền.

Ông Bằng cho hay, những vi phạm có thể xảy đến ở nhiều trường hợp như trực tiếp giải bài hoặc hướng dẫn làm bài, lấy bài thí sinh này đưa cho thí sinh khác, chấm thi không đúng,… trao đổi bài, chép bài của thí sinh khác, mang vật dụng vào phòng thi, đưa đề ra ngoài, thi hộ thi kèm.

Thanh tra Bộ cũng từng phát hiện các thiết bị có thể được ngụy trang bằng nhiều cách. Có thí sinh chuẩn bị những máy tính cầm tay có gắn thiết bị camera và có thể phát truyền thông tin.

“Năm ngoái ở Quảng Nam, chính thanh tra Bộ đã phát hiện ra thiết bị như vậy. Cũng ở Quảng Nam, có trường hợp dùng tai nghe không dây như hạt đậu phải dùng nam châm hút ra, chứ không có cách gì lấy ra được”.

Ông Bằng cũng lưu ý, khi thí sinh sử dụng những thiết bị đó hay có ý đồ xấu thì chắc chắn có những dấu hiệu bất thường.

“Giả sử máy tính thì chỉ cần để trên bàn, nhưng khi cần dùng nó cho việc chụp ảnh thì sẽ buộc phải nâng cao máy lên. Nếu 2 giám thị quan sát thì có thể phát hiện ra ngay. Hay giả sử thí sinh có dùng tai nghe dạng không dây thì trong quá trình truyền thông tin ra có thể phải lẩm bẩm miệng để đọc nội dung và trao đổi về đề. Giám thị trách nhiệm và chú ý có thể phát hiện ra bất thường. Hoặc có những trường hợp, bằng mắt thường quan sát có thể thấy quần áo cộm,…”.

Trước khi vào phòng thi, giám thi cũng cần quán triệt các thí sinh, tránh trường hợp có thể không cố tình nhưng quên dẫn đến hệ quả đáng tiếc. Nếu giảm thị nghiêm và chú ý sẽ phát hiện các hiện tượng này.

“Khi em nào có ý đồ gian lận thì có thái độ bất thường. Do đó giám thị cần tập trung ngay từ đầu thì sẽ hạn chế hơn.

Trường hợp sự việc diễn ra, thì cán bộ coi thi và giám thị cũng không nên mất bình tĩnh, làm ảnh hưởng tới tất cả phòng thi bởi mỗi thí sinh mỗi đề. Do đó, nếu thấy có dấu hiệu đặc biệt thì có thể làm biên bản để mời thí sinh ra ngoài”.

{keywords}
Đại diện Bộ GD-ĐT trao đổi thông tin về kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 với báo chí sáng 16/6. Ảnh: Thanh Hùng

Ông Nam Nhật Minh, Phó phòng Quản lý thi (Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT) thông tin, Bộ đã thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại các địa phương và hiện mọi công tác đã trong trạng thái “sẵn sàng”.

“Tất cả các địa phương đã chuẩn hóa các công việc phân phòng thi, điểm thi, in giấy báo dự thi,… Có thể nói công việc chuẩn bị thi đã hoàn tất và trong trạng thái “đã sẵn sàng”. Công việc chuẩn bị đề thi cũng đã hoàn tất”.

Năm nay, tổng số thí sinh đăng ký dự thi và đủ điều kiện là 925.792 (năm 2017 là 866.000 thí sinh).

Cả nước có tổng cộng 2.144 điểm thi với 39.689 phòng thi.

Để đảm bảo hạn chế gian lận, ông Minh cho hay trong 1 phòng thi, mỗi thí sinh có một mã đề riêng.

“Để đảm bảo quản lý các bài thi của thi sinh an toàn từ phòng thi cho đến khi chấm,… năm nay Bộ cũng đưa vào các quy định từ quy cách niêm phong hay việc kiểm đếm của cán bộ phải kỹ lưỡng,… Phó trưởng điểm thi đến từ các trường ĐH cũng phải ký vào các tem nhãn niêm phong. Đặc biệt, cán bộ coi thi và cán bộ chấm thi phải đăng ký chữ ký và được lưu giữ lại cùng với bài thi của thí sinh để sau này có vấn đề phát sinh cần so sánh thì có cơ sở truy và kiểm chứng. Bộ cũng quy định thêm thứ tự phát phiếu trả lời trắc nghiệm khi thống nhất vẽ hẳn sơ đồ bố trí gửi về các đơn vị để tránh việc giám thị cố tình chọn một đề nào đấy để phát cho thí sinh nào đó”.

Giữa các môn thi của bài thi tổ hợp, giám thị cũng phải thu lại giấy nháp, những tài liệu, giấy tờ, vật dụng mà thí sinh có ghi lại nội dung liên quan đến môn thi trước.

“Như năm trước có phản ánh có những thí sinh ghi lại đề vào thẻ dự thi, hộp bút, thậm chí ngăn bàn,… để tranh thủ làm tiếp vào giờ bài thi môn sau. Năm nay những dấu hiệu này sẽ được cán bộ coi thi kiểm soát và thu lại”.

Ông Minh cho rằng cán bộ coi thi đủ thời gian để làm được việc đó và hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu thực sự có trách nhiệm và chú tâm.

Thanh Hùng