- Uber, Facebook, Google đã nộp thuế cho Việt Nam ước trên 40 tỷ. Cơ quan quản lý phải chạy nhanh lên để bắt kịp sự sáng tạo của doanh nghiệp, các chuyên gia khuyến nghị trong phần 2 của bàn tròn "VN thích ứng thế nào với các hiện tượng kinh tế mới?" tại chuyên mục Góc nhìn thẳng.
Nối tiếp câu chuyện "Hé lộ số thuế của Uber, Facebook, Google" ba khách mời đại diện cho nhà quản lý, doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế độc lập tiếp tục mổ xẻ về các giải pháp để trả lời cho câu hỏi lớn “Việt Nam sẽ thích ứng như thế nào với các hiện tượng mới của nền kinh tế?”.
- Ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng – Phó trưởng Ban cải cách, hiện đại hóa, Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính.
- Ông Đỗ Hoài Nam – chuyên gia về khởi nghiệp, Chủ tịch Công ty Up Coworking Space (Công ty hỗ trợ không gian khởi nghiệp)
- TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo dõi phần II bàn tròn tại Video sau:
Đừng nghĩ doanh nghiệp phạm tội chỉ vì quá sáng tạo và thông minh
Nhà báo Phạm Huyền: Cảm ơn ông Nguyễn Quang Tiến. Câu chuyện ông kể là những câu chuyện rất cụ thể. Tuy nhiên điều đó đã là đủ chưa, vì thuế mới chỉ là một phần của công tác quản lý.
Tôi muốn hỏi ông Nguyễn Đức Thành, làm sao để các trường hợp còn lại- những hình thái mới của kinh tế đi hết vào một đường ray pháp lý? Nếu chúng ta chỉ làm nhỏ lẻ từng vụ việc thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ rất vất vả. Ông nghĩ thế nào về khả năng và hiệu quả quản lý của nhà nước ở đây?
Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành: Ở đây, khi nghe câu chuyện của ông Tiến, tôi cũng thấy có sự ái ngại. Thứ nhất, việc thu thuế nhằm tạo ra thu nhập của Chính phủ dựa trên các dòng thu nhập phát sinh của người dân và được Nhà nước bảo hộ. Tuy nhiên phải đảm bảo tính công bằng.
Khi ngành thuế tập trung vào một số trường hợp thí điểm như vậy và đã làm được, thu được thuế, nhưng về lâu dài, Tổng cục Thuế không thể đi dò từng trường hợp như là một vụ án hình sự, vụ án an ninh để thu được 5 tỷ hay 10 tỷ đồng. Trong nước, vẫn còn những trường hợp y như thế, nhưng họ lại không bị truy thu thuế.
Như vậy là anh doanh nghiệp đã bị thu thuế lại phải chịu bất bình đẳng so với anh doanh nghiệp kia, phải chịu thiệt. Anh còn lại tự nhiên lại được hưởng đặc lợi là không phải nộp thuế, vì ngành thuế chưa đủ nguồn lực để dò tới.
TS Nguyễn Đức Thành bình luận về Uber và kinh tế số tại Góc nhìn thẳng |
Cách làm như thế, tôi cho rằng, những trường hợp ông Tiến nói về việc thu thuế chỉ là thí điểm nhất định thôi, chưa thể coi là hệ thống, còn nhiều vấn đề khác nữa.
Tôi nghĩ rằng, một cách công bằng mà nói, khi doanh nghiệp có dòng tiền thu nhập phát sinh mà pháp luật chưa có quy định điều chỉnh thì họ hoàn toàn có quyền hưởng.
Nếu không thu hay thất thu thuế thì đó là lỗi của anh cơ quan quản lý Nhà nước thôi. Anh càng chậm điều chỉnh chính sách, quy định thì càng thất thu nhiều, đó là lỗi của anh. Còn tôi- doanh nghiệp sáng tạo- không làm gì sai cả. Nếu Nhà nước đã có quy định rồi, mà tôi không làm theo hoặc làm trái thì tôi mới sai.
Rõ ràng, không thể nào tôi tự ngăn cản tôi hoặc buộc tôi đi kinh doanh một nghề khác mà anh Nhà nước đã quy định. Nếu nghề, ngành mới mà Nhà nước chưa quy định và vì lý do đó mà không cho tôi bước vào thì xã hội này không thể phát triển về mặt sáng tạo được. Đó là vấn đề thứ nhất.
Vấn đề thứ hai là cách chúng ta- cơ quan quản lý ứng xử với một doanh nghiệp có kinh doanh mới như thế nào.
Cả thế giới, cả nhân loại đang ở trong khuôn khổ pháp luật bình thường, nhưng nếu có một anh doanh nghiệp do sáng tạo, do thông minh lại đi ra khỏi cái vòng khuôn khổ đó thì không thể nói, anh ta phạm tội được. TS Nguyễn Đức Thành- VEPR |
Nếu chúng ta đè người ta ra, bắt nộp thuế thì sẽ đưa đến hậu quả nhất định, khi những doanh nghiệp khác đi rất xa rồi, nhưng doanh nhiệp này lại luôn run sợ một ngày nào đó, cơ quan quản lý đến tóm cổ và bảo rằng là, anh phải nộp thuế như vậy. Tôi nghĩ, tình huống đó, dù doanh nghiệp tự nguyện thì cũng đều không hay.
Vì thế mà trong pháp luật, thuế hay là các bên liên quan khác, tôi nghĩ các nhà quản lý cần một quan điểm thực sự rõ ràng.
Đó là trong thời gian chúng ta ta chưa có điều chỉnh bằng pháp luật thì doanh nghiệp làm ra được lợi ích gì thì nó phải thuộc về họ. Đó là giá trị mà họ đáng được hưởng.
Sau đó, cơ quan quản lý nhà nước nhận ra cái mới chưa điều chỉnh, thì tìm cách xác định, như anh Tiến làm rất khoa học, tìm ra nó là cái gì, bản chất như thế nào, sau đó định danh nó rồi áp một loại thuế đưa vào luật. Đó là sự tiến bộ của xã hội vì luật đi theo đời sống xã hội và sự tiến bộ như vậy.
Nói cách khác, cả thế giới, cả nhân loại đang ở trong khuôn khổ pháp luật bình thường, nhưng nếu có một anh doanh nghiệp do sáng tạo, do thông minh lại đi ra khỏi cái vòng khuôn khổ đó thì không thể nói, anh ta phạm tội được.
Phạm tội tức là anh ta phải bẻ cong cái vòng pháp luật. Còn ở đây, anh ta đi theo một không gian mà những nhà làm luật và quản lý chưa đủ trình độ, chưa đủ trí tuệ, chưa đủ nhanh nhạy sáng tạo bằng anh ta để kiểm soát anh ta. Tôi nghĩ rằng anh ta là một người tự do, trong cái khoảnh khắc đó anh ta được hưởng cái lợi của sự tự do đó.
Nhà báo Phạm Huyền: Đồng ý với ông khi mà pháp luật chưa điều chỉnh thì doanh nghiệp có quyền hưởng lợi. Nhưng việc nộp ngân sách hay là việc đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, trách nhiệm xã hội... còn là quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ và thậm chí là đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp nữa.
Anh doanh nghiệp sáng tạo ra cái mới thì tốt rồi, nhưng mà anh lại dùng sự sáng tạo đấy để giảm thấp nhất những nghĩa vụ đối với nhà nước, đối với xã hội thì đâu phải là điều tốt! Ý kiến của ông Nam thế nào ạ?
Chuyên gia startup Đỗ Hoài Nam và ông Nguyễn Quang Tiến- Tổng cục Thuế đang thảo luận về Uber và kinh tế số tại Góc nhìn thẳng |
Ông Đỗ Hoài Nam: Tôi đồng quan điểm với anh Thành. Chúng ta là pháp trị, chúng ta cần phải có một luật pháp rất rõ ràng, nghiêm minh và khi luật pháp được đưa ra rồi thì tất cả mọi người phải thực hiện.
Tuy nhiên, với những người đi tiên phong, đặc biệt là trong những lĩnh vực sáng tạo, họ luôn luôn đẩy biên giới hoạt động ra khỏi cái truyền thống thì những người đó trên thực tế đang đóng góp rất nhiều cho xã hội. Bởi vì, họ làm cho xã hội biết về những cái mới và chính vì thế xã hội mới đi theo, luật pháp mới đi theo và từ đó trở đi, họ tạo ra những ngành mới, sau đó, xã hội cũng sẽ thu được rất nhiều tiền từ những ngành như thế.
Nếu bây giờ có một anh nào đó bảo bán một mảnh đất trên mặt trăng chẳng hạn, ai sẽ là người cấp sổ đỏ? Nếu có người sẵn sàng mua thì anh bán được lợi. Nhưng những sự việc như vậy không nằm trong phạm vi của luật pháp Việt Nam, chúng ta không quản lý đất ở trên mặt trăng. Chúng ta cần phải chấp nhận như thế.
Đối với luật pháp và các cơ quan quản lý, tôi nghĩ là phải đi sau sự phát triển của xã hội chứ không phải đi trước. Chúng ta không thể đi trước được những ngành kinh doanh mới mà doanh nghiệp sáng tạo ra và trong khoảng thời gian từ lúc chúng ta chưa quản lý được đến lúc chúng ta quản lý được, rõ ràng, phải thấy rằng, doanh nghiệp không vi phạm pháp luật nào cả. Và khi người ta không vi phạm pháp luật thì chúng ta không thể nói đến việc đây là yếu tố đạo đức!
Chẳng qua là, doanh nghiệp tôi đã nghĩ ra những cái mới như thế, sau đó các ông quản lý đã hiểu những cái mới đó, xã hội sẽ đưa vào những quy củ thì tôi sẽ tuân theo những quy định thôi.
Hành vi kinh tế đã vượt ra ngoài phạm vi hình chữ S
Nhà báo Phạm Huyền: Đồng ý với ông về phân tích, lập luận vừa rồi, nhưng có một điều tôi vẫn băn khoăn, chúng ta thử nhìn nhận về câu chuyện taxi qua mạng giữa Uber và Grab. Họ cũng có mô hình kinh doanh rất giống nhau về bản chất nhưng tại sao Grab tự giác đăng ký pháp nhân đầy đủ tại VN với đầy đủ các ngành nghề như mong muốn của các cơ quan quản lý nhà nước, nhờ đó, toàn bộ những luồng tiền của họ nằm tại Việt Nam và tất nhiên nộp thuế như một doanh nghiệp VN nhưng Uber lại nhất quyết không muốn làm vậy?
Nhà nước nói rằng chúng tôi tạo môi trường tự do kinh doanh bình đẳng nhưng nhà nước cũng phải có quyền lợi và nhà nước phải có tiền thì nhà nước mới có thể đáp ứng được những hạ tầng và từ đó tạo điều kiện lại cho cộng đồng phát triển. Ông nghĩ sao?
Ông Đỗ Hoài Nam: Tôi nghĩ rằng đối với một doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiêp xuyên quốc gia thì chúng ta không thể nào áp đặt được, bắt họ phải đăng ký pháp nhân ở đâu. Đấy là mô hình kinh doanh họ như thế và chúng ta không thể bắt ông phải mở công ty trong nước hay là không, đặc biệt là khi dịch vụ của họ không cần phải có mặt tại một điểm nào đó, họ cung cấp dịch vụ khắp nơi trên thế giới.
Từ trái sang phải: TS Nguyễn Đức Thành (VEPR), chuyên gia startup Đỗ Hoài Nam, ông Nguyễn Quang Tiến (Tổng cục Thuế) cùng chia sẻ về việc quản lý đối với Uber, Facebook, Google tại Góc nhìn thẳng |
Có thể mô hình kinh doanh của Grab là sẽ mở công ty tại tất cả các nước họ kinh doanh, còn mô hình kinh doanh của Uber là chúng tôi chỉ đặt trụ sở ở một nơi. Chúng ta không có quyền can thiệp bắt họ phải thế này thế kia.
Nhưng tôi hoàn toàn đồng ý về phương diện thuế, đấy là trách nhiệm của họ đối với lại nguồn tiền mà họ thu được từ một xã hội nào đó, đây là xã hội Việt Nam. Họ phải có trách nhiệm để trả thuế cho vấn đề đó.
Ông Nguyễn Quang Tiến: Tôi cũng rất nhất trí như vậy. Nguyên tắc pháp luật của bất cứ nước nào cũng thế thôi. Pháp luật là điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, khi nào những hành vi mới biến thành phổ biến thì mình mới quy định pháp luật, nó chưa phổ biến, chưa có quy định thì không thể áp đặt họ được.
Đối với Việt Nam cũng vậy, qua câu chuyện của bạn đã nêu giữa Grab và Uber. Theo quan điểm của ngành thuế chúng tôi, chúng tôi không gặp vấn đề gì về chuyện anh đã đăng ký hay chưa đăng ký ở Việt Nam. Khi anh không đăng ký pháp nhân ở Việt Nam, chúng tôi có quy định thu thuế qua thuế nhà thầu dành cho các tổ chức cá nhân không đăng ký nhưng có hoạt động phát sinh thu nhập tại Việt Nam. Loại thuế này thu theo một tỷ lệ nhất định trên doanh thu.
Hành vi kinh tế đã không còn chỉ nằm trong phạm vi hình chữ S... Cái mới nhiều khi là một hiệu ứng mà hôm nay chỉ là một đốm lửa nhưng ngày mai có thể là thổi bùng lên thành một đám cháy to. - Ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó trưởng Ban Cải cách và hiện đại hóa, Tổng cục Thuế |
Nếu anh có đăng ký ở Việt Nam, anh sẽ kê khai lợi nhuận hưởng được giữa doanh thu và chi phí anh thực tế phát sinh. Câu chuyện giữa Uber và Grab là họ tự lựa chọn việc quản trị kinh doanh như vậy.
Ông Đỗ Hoài Nam: Nhưng theo tôi, có một điểm ở đây, anh Grab hay là Vinasun chẳng hạn là taxi truyền thống đặt ra một câu hỏi, liệu cách chúng ta đánh thuế anh Uber đã thỏa đáng hay chưa? Đã tạo ra sự công bằng chưa khi xét về hình thức, về mặt nguyên tắc thì vẫn là dịch vụ vận chuyển đưa một người từ điểm A đến điểm B.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành: Trong cùng một thế giới thuế, cùng một không gian về thuế và không gian đó rất minh bạch, tôi là doanh nghiệp có hình thức kinh doanh tạo được dịch vụ, tạo được giá trị gia tăng, tạo được thu nhập cho bản thân tôi và thực hiện đúng nghĩa vụ thuế trong cái không gian thuế đó, ưu việt hơn anh thì anh không thể nói là tôi chơi xấu được.
Bởi vì tôi có mô hình mới, tôi làm được điều đó và anh không phải mô hình như thế, anh vẫn tiếp tục sỡ hữu xe, tiếp tục thuê công nhân lái xe thì anh phải chịu những cái luật hiện thời mà Nhà nước đưa ra.
Nếu muốn thay đổi theo hướng công bằng hơn, tôi nghĩ, các doanh nghiệp, các đơn vị đại diện cứ tiếp tục trao đổi với Nhà nước và Nhà nước tiếp nhận những điều đó. Đấy là nhiệm vụ của Nhà nước phải nghiên cứu. Điều đơn giản là không gian thuế là một không gian thống nhất và không phải chỉ dùng cho anh Uber mà thuế nhà thầu được dùng cho nhiều loại thuế khác.
Ông Nguyễn Quang Tiến: Tôi nghĩ thế này, như các anh nói, Uber quá thông minh, họ thông minh nên họ phải được lợi.
Chúng ta nên ủng hộ, khuyến khích nhưng miễn là chúng ta phải quản được, phải nghĩ ra cách quản lý một cách công bằng!
Chúng ta phải nghe hai tai. Chúng tôi là nhà quản lý, với tư cách người làm cải cách, bao giờ cũng nhìn về cái mới. Cái mới nhiều khi là một hiệu ứng mà hôm nay chỉ là một đốm lửa nhưng ngày mai có thể là thổi bùng lên thành một đám cháy to.
TS Nguyễn Đức Thành: Có thể là làm cháy thành khu rừng.
Ông Nguyễn Quang Tiến: Vâng, chúng ta phải nhìn nhận được cái đó. Nói chung, trong cuộc cách mạng lần thứ 4, cả doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý thuế phải tìm cách thích ứng, thích ứng rồi phải cố gắng chạy nhanh hơn để bắt kịp được tốc độ của thế giới.
Ông Đỗ Hoài Nam: Càng ngày, sự phát triển của nền kinh tế đất nước càng liên quan đến nền kinh tế xung quanh khi mà các dịch vụ xuyên biên giới phát triển.
Chúng ta nhìn nhận rằng, luôn luôn có cái khoảng không phải trắng, cũng không phải đen, tức là luôn luôn là một khoảng xám! Khi càng có nhiều loại hình kinh doanh xuyên biên giới thì chúng ta phải chấp nhận là ngày càng có nhiều khoảng xám. Chúng ta phải thích nghi nhanh với khoảng xám đó thôi.
Ông Nguyễn Quang Tiến: Riêng về các giao dịch xuyên biên giới, rõ ràng chúng ta mở cửa, kinh tế chúng ta ngày càng sáng sủa hơn vì cơ hội nhiều hơn. Rõ ràng chúng ta không phải chỉ có hơn 331 nghìn km diện tích nữa mà biên giới kinh tế của chúng ta ngày càng mở rộng. Giao dịch xuyên biên giới chính là ngày càng mở rộng biên giới phạm vi lãnh thổ về kinh tế. Và các hành vi kinh tế không còn đóng trong phạm vi là hình chữ S.
Qua đây, tôi cũng muốn cảm ơn các doanh nghiệp Việt Nam, ngoài tinh thần khởi nghiệp làm giàu cho mình thì phải có sự yêu nước nữa. Ngoài sự cố gắng của cơ quan quản lý Nhà nước, học hỏi quốc tế, phối hợp chặt chẽ với nhau thì không thể thiếu vai trò của các doanh nghiệp cùng phối hợp để tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch. Chính vì mình minh bạch thì các anh chỉ ra những nơi chưa minh bạch, chúng tôi có cơ sở để điều chỉnh.
Qua trao đổi với chuyên gia kinh tế vĩ mô- TS Nguyễn Đức Thành, chúng tôi thấy là, có thể có những vấn đề chung mà trong quá trình mải mê làm thực tiễn, chúng tôi chưa nhìn thấy. Rồi các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng có thể giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước như cơ quan thuế nhìn được các góc cạnh của thực tiễn.
Nhà nước tạo ra chính sách để tạo sân chơi bình đẳng, chỗ nào chưa bình đẳng thì mình phải chỉ ra chỗ chưa bình đẳng cho Nhà nước thấy. Tôi nghĩ rằng, thế hệ các doanh nghiệp trẻ ngày nay mới làm được chứ trước thì chưa.
Nhà báo Phạm Huyền: Từ câu chuyện thu thuế, ông nghĩ là các cơ quan quản lý Nhà nước của chúng ta trong bối cảnh hiện nay và sắp tới, có thể quản lý được những hiện tượng mới, hình thái mới của nền kinh tế?
Ông Đỗ Hoài Nam: Tôi nghĩ, với cơ chế hoạt động của xã hội, chính trị của Việt Nam, nếu quyết tâm, chúng ta có thể làm được mà thậm chí, có thể nhanh hơn các nước khác. Vì chúng ta không bị vướng nhiều thứ, chúng ta áp đặt nhanh hơn so với các nước khác. Nếu Chính phủ quyết tâm thì chúng ta có thể làm được và làm rất nhanh.
Nhà báo Phạm Huyền: Để khép lại bàn tròn này, xin hỏi TS Nguyễn Đức Thành, ông có niềm tin như thế nào về vai trò của Nhà nước, về vai trò của một Chính phủ kiến tạo cho doanh nghiệp sáng tạo phát triển?
TS Nguyễn Đức Thành: Tôi nghĩ rằng, nếu như Chính phủ thực sự nhìn thấy rõ vai trò của kiến tạo của mình thì đó là một điều rất là tốt cho nền kinh tế.
Một Chính phủ kiến tạo là tự xác định được vị trí của mình, xác định được giới hạn cái mình được làm và không nên làm. Chính phủ không dùng đến một quyền lực vô biên nào đó, bởi nếu không, nó sẽ chèn ép lên đời sống xã hội.
Vai trò kiến tạo còn nằm ở chỗ, phải để tự nhiên, xã hội sẽ có mảnh đất màu mỡ để phát triển, để sáng tạo trong đó, doanh nghiệp cũng như người dân sẽ được hưởng quyền lợi của mình.
Tôi nghĩ, đó là bản chất của một Chính phủ sáng tạo. Khi chúng ta làm điều đó một cách nhất quán thì tự nhiên kết quả sẽ rõ ràng thôi, mọi người tự tin tạo ra giá trị mới, sáng tạo mới, sự sáng tạo thịnh vượng. Đó là một mục tiêu của chúng ta.
Nhà báo Phạm Huyền: Qua đây, có thể nói rằng, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước đều cần chung tay để giải quyết một câu chuyện, làm sao có một môi trường kinh doanh thông thoáng, doanh nghiệp được đảm bảo quyền tự do sáng tạo, người dân được tiếp cận các dịch vụ văn minh, Nhà nước vẫn thu được thuế và đảm bảo các vấn đề an ninh xã hội.
Bàn tròn xin khép lại tại đây, cảm ơn quý vị khách mời đã tham gia.
Chào tạm biệt và hẹn gặp lại!
Xem thêm chuyên mục Góc nhìn thẳng
VietNamNet
Thực hiện: Phạm Huyền
Video: Đức Yên, Huy Phúc, Xuân Quý, Bạt Tuấn, Thuý Hồng
Email: gocnhinthang@vietnamnet.vn
Xem thêm:
Các tin cùng chuyên mục:
Hé lộ số thuế "còi" của Uber, Facebook, Google nộp cho VN
Lần đầu tiên, số thuế của Uber, Facebook, Google nộp cho Việt Nam được tiết lộ khi Tổng cục thuế tham gia bàn tròn "Việt Nam thích ứng thế nào với các hiện tượng kinh tế mới?" tại chuyên mục Góc nhìn thẳng.
Cho người dân chơi casino, Việt Nam kiểm soát được hệ luỵ
Với việc cho phép người Việt chơi casino, Chính phủ sẽ có đủ dữ liệu để kiểm soát được hệ luỵ từ trò chơi này và tăng thu ngân sách, GS Hà Tôn Vinh nói với Góc nhìn thẳng.
200.000 USD chống ùn tắc: Người tài nhiều lắm, nên mở rộng
Giải 200.000 USD chống ùn tắc giao thông của Hà Nội là ý tưởng rất hay nhưng nên mở rộng ra cho toàn dân tham gia, thay vì chỉ có các công ty tư vấn, nhà thơ Trần Đăng Khoa tâm tư với Góc nhìn thẳng.