>> Triều Tiên tuyên bố thử hạt nhân thành công
>> Giải mã công nghệ bom hạt nhân Triều Tiên (P2)
Dù vậy, ngay sau vụ thử này,Triều Tiên để lộ ý muốn được thế giới công nhận là "một quốc gia sở hữu tên lửa và vũ khí hạt nhân". Đồng thời họ vội bật tín hiệu đe doạ rằng nước Mỹ “hiện đang nằm trong tầm ngắm của các tên lửa chiến lược cũng như vũ khí hạt nhân của Triều Tiên".
Vì vậy, nhiều nhà phân tích muốn làm sáng tỏ sức mạnh thực của “bộ đôi” răn đe của Triều Tiên, tên lửa và đặc biệt là bom nguyên tử.
|
Triều Tiên thử ba vụ nổ hạt nhân
Liệu có thật Triều Tiên đã tiến hành ba vụ thử hạt nhân trên lãnh thổ của mình? Câu hỏi đầu tiên này có lẽ dễ trả lời nhất và nhanh nhất với công nghệ phát hiện động đất phổ biến hiện nay trên thế giới.
Ba vụ thử nổ hạt nhân của Triều Tiên vào các ngày 08/10/2006, 25/5/2009 và 12/2/ 2013 đã được nhiều trạm quan sát địa chấn trên thế giới ghi nhận. Chẳng hạn, đồ thị tín hiệu ghi tự động bởi Đài quan sát địa chấn NORSAR của Na Uy được mô tả trong hình 1 dưới đây.
Hình1: Tín hiệu ghi 3 vụ thử bom của Triều Tiên ở Trạm NORSAR của Na Uy. |
Máy ghi tín hiệu, rõ ràng, chỉ thời gian và cường độ địa chấn gây ra bởi các vụ nổ đó.
Ngoài ra, bằng phương pháp phối hợp số liệu đo khoảng cách từ vị trí của các đài quan sát địa chấn khác nhau đến từng địa điểm nổ bom, đồng thời kết hợp hình ảnh chụp từ vệ tinh, vị trí của 3 địa điểm thử bom ở Triều Tiên cũng được chính xác hóa.
Các kết quả đo độc lập đều đi đến kết luận rằng vị trí của vụ thử thứ nhất năm 2009 cách vụ thử thứ hai 2006 một khoảng 2 km về phía tây và lệch một chút về phía Bắc. Còn vụ nổ thứ ba năm 2013 mới đây, so với vụ nổ thứ hai, nằm trong vòng 500 mét và lệch một chút về phía tây nam.
Một thông số quan trọng khác là sức mạnh vụ nố. Việc tính thật chính xác sức nổ của bản thân “các cơ cấu nổ” hay các quả “bom A made in Korea” lại không dễ. Để xác định chính xác phải dựa vào một số yếu tố như kích thước vụ nổ, độ lóe sáng, yếu tố địa chấn, và sóng sốc tạo ra. Nhưng với các vụ thử bom của Triều Tiên xảy ra dưới lòng đất, yếu tố gần như duy nhất có trong tay dùng làm cứ liệu để tính toán sức nổ của bom chỉ là thông tin địa chấn, vì vậy sai số của tính toán gặp phải không nhỏ.
Đài quan sát NORSAR cho biết sức nổ của quả bom thứ ba có cường độ khoảng 5,0, lớn hơn sức nổ của hai quả bom trước với cường độ là 4,7 và 4.2, tương ứng. Còn Cơ quan quan trắc địa chất Mỹ USGS cho con số sức nổ của quả bom thứ ba khoảng 7 đến 10 kiloton (nghìn tấn thuốc nổ TNT). Theo TechNewsDaily Contributo, thì con số đó thấp hơn một ít, khoảng 6 đến 7 kiloton, hoặc tương đương các quả bom Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945.
Riêng các chuyên gia phân tích của Không lực Mỹ và Pháp lại ước tính sức mạnh của quả bom thấp hơn nữa, chỉ khoảng 5 kiloton, tức nhỏ hơn hai quả bom của Mỹ năm 1945.
Như vậy, sự đánh giá của các nhà quan sát và phân tích trên thế giới về sức mạnh của bản thân các quả bom Triều Tiên có sự chênh lệch nhau ít nhiều. Dù vây, họ cũng đã thống nhất về hai điều.
Một là, lời tuyên bố của Triều Tiên về các vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất trong những năm 2006, 2009 và 2013 là hoàn toàn xác thực. Hai là, các “cơ cấu nổ hạt nhân” của Triều Tiên hay các quả “bom A made in Korea” thuộc loại nhỏ và sức nổ của chúng nằm trong khoảng cùng cỡ hay non hơn một ít so với những quả bom đầu tay mà Mỹ chế tạo từ thời Thế chiến II hơn nửa thế kỷ trước.
Tính năng “bom A made in Korea”?
Trong thời đại hiện nay, sức mạnh nguyên tử của một quốc gia không chỉ dựa vào một hai quả bom nguyên tử cất giấu trong kho, càng không phải là một cơ cấu nổ chứa nhiên liệu hạt nhân giản đơn và cồng kềnh.
Sức mạnh vũ khí hạt nhân thực sự phải dựa vào cả “bộ đôi” gồm bom nguyên tử và tên lửa mang. Đối với một nước đang trong bước đường đầu “nguyên tử hóa” như Triều Tiên, lại muốn gửi đi thông điệp đe doạ đối với các địch thủ gần và xa, yêu cầu tối thiểu là các quả bom đó phải đủ gọn nhẹ, tương thích với tên lửa họ có trong tay.
Các nhà phân tích, vì vậy, đang cố gắng tìm hiểu tính chất và tính năng các quả bom Triều Tiên, cụ thể là muốn biết mức độ tối ưu về kích thước và trọng lượng của nó.
Nhưng trả lời các câu hỏi trên hoàn toàn không đơn giản, mặc dù cơ quan phát ngôn của Triều Tiên tuyên bố bom nguyên tử của họ đã đạt độ gọn nhẹ cần thiết.
Nắm rõ được sơ đồ thiết kế của quả bom Triều Tiên mới khó, còn nguyên lý các loại bom nguyên tử hay bom A thì ngày nay chẳng có gì là bí mật nữa.
Các quả bom A đều dựa vào năng lượng nổ phát ra từ phản ứng phân hạch của các nhiên liệu phân hạch như uranium làm giàu hoặc plutonium. Năng lượng nổ đó của các quả bom A chất đống trong kho vũ khí của các cường quốc hạt nhân có thể dao động từ tương đương 1 kiloton (1 tấn TNT) đến 500 kiloton (500.000 tấn TNT).
Về nguyên lý cấu tạo, như phác hoạ ở hình 2 bên cạnh, trong quả bom A, nhiên liệu phân hạch được nạp đến một khối lượng tổng cộng quá tới hạn (lượng vật liệu cần thiết để bắt đầu xảy ra phản ứng dây chuyền, tức tạo nên sự nổ hạt nhân) và cho phát nổ bằng hai cách khác nhau.
Hình 2- Kết cấu quả bom nguyên tử với quả bom uranium (trên) và plutonium (dưới) |
Một là phương pháp “bắn súng”: mỗi một trong hai khối nhiên liệu đều dưới tới hạn để tách rời nhau (xem phần trên của hình 2). Khi kích nổ khối thuốc nổ thông thường sẽ đẩy hai khối chập vào nhau và vụ nổ phân hạch lập tức xảy ra.
Hai là phương pháp nén: khối nhiên liệu (plutonium) nén ở giữa (xem phần dưới hình 2), kích nổ thuốc nổ thông thường bao quanh sẽ tăng thêm mật độ và đưa khối plutonium lên quá tới hạn và gây ra nổ phân hạch.
Trình độ công nghệ chế tạo bom nguyên tử thể hiện ở kích thước nhỏ, khối lượng thấp và sức nổ mạnh của quả bom. Nhưng không dễ dàng nhận biết được các tính năng đó của quả bom do Triều Tiên chế tạo một cách chính xác, nhưng có thể phân tích gián tiếp qua khả năng thực tế của nước này.
James Acton, một chuyên gia cao cấp trong Chương trình chính sách hạt nhân thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế cho rằng, chương trình của Triều Tiên đã được thiết kế từ đầu để sản xuất một vũ khí nhỏ gọn, nên có thể họ có những bước tiến thực sự, mặc dù đây mới chỉ là lần thử bom thứ ba. Cũng theo Acton, Bình Nhưỡng có khả năng nhận được hỗ trợ bên ngoài, do đó có thể họ có thể dễ dàng tạo ra một đầu đạn hạt nhân thu nhỏ. Nhưng đây chỉ là khả năng.
Kinh nghiệm của nước Mỹ cho thấy, họ đã tiến hành hàng trăm vụ thử hạt nhân trước khi phát triển các đầu đạn hạt nhân nhỏ đáng tin cậy như hiện nay.
Cần lưu ý rằng, đối tượng đe dọa chính của Triều Tiên là nước Mỹ có đủ thứ vũ khí vượt trội Triều Tiên. Không ai nghĩ rằng Triều Tiên, ở thời đại này, lại nghĩ đến dùng tàu thuyền, xe tải để chở một vài quả bom nguyên tử cồng kềnh đến một cảng biển hay mãnh đất nào đó của nước này để đe dọa.
Vấn đề là trình độ tên lửa của Triều Tiên đến đâu và sự tương quan với kích thước và trọng lượng thích hợp của bom nguyên tử họ có trong tay. Theo Acton, dù có được tên lửa với đến nước Mỹ, nhưng nhiều vấn đề còn chưa rõ, chẳng hạn, bom hạt nhân của Triều Tiên có “yên ổn” khi rơi vào bầu khí quyển ở tốc độ siêu thanh và ở nhiệt độ bỏng cháy.
Như vậy, lời tuyên bố của Bình Nhưỡng rằng bom nguyên tử của họ đã “com-pắc” về kích thước, tức gọn, nhẹ và sức nổ đủ mạnh chưa được kiểm chứng khách quan.
Điều chắc chắn là họ đang nổ lực tối đa để nâng cao chất lượng cả “bộ đôi”, vừa bom nguyên tử và tên lửa mang bom. Và cả số lượng nữa. Muốn tăng số lượng, họ không thể chỉ dựa vào nguồn plutonium gần như đã cạn. Vậy nguồn nhiên liệu uranium? Vấn đề này sẽ bàn tiếp trong phần tiếp theo, mời độc giả đón đọc…
- Trần Minh
>> Giải mã công nghệ bom hạt nhân Triều Tiên (P2)