Trong buổi họp của Ủy ban Khoa học, Không gian và Công nghệ thuộc Hạ viện Mỹ diễn ra 4 ngày sau sự cố thiên thạch ở Nga, các quan chức thuộc Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thừa nhận không thể làm gì nếu thiên thạch trên đà va chạm với Trái đất trong vòng 3 tuần.


Nhiều video và bức ảnh đã ghi lại cảnh thiên thạch phát nổ trên bầu trời Nga ngày 15/2 vừa qua. Ảnh: EarthSky

Vào ngày 15/2 vừa qua, một thiên thạch đã phát nổ trên bầu trời thành phố Chelyabinsk của Nga, tạo ra những sóng xung kích làm vỡ vô số cửa kính và khiến khoảng 1.500 người bị thương. Cùng ngày, thiên thạch 2012 DA14 cũng di chuyển sát gần Trái đất, chỉ cách bề mặt hành tinh của chúng ta gần 27.700km, gần hơn cả một số vệ tinh viễn thông của thế giới.

Sau các sự cố trên, Ủy ban Khoa học, Không gian và Công nghệ thuộc Hạ viện Mỹ đã nhóm họp trong một buổi điều trần diễn ra vào ngày 19/3. Tại buổi điều trần có nhan đề “Các đe dọa từ không gian: Đánh giá những nỗ lực của chính phủ Mỹ trong việc theo dõi và giảm thiểu các thiên thạch và tiểu hành tinh”, các nhà khoa học và nhà lập pháp Mỹ đã thảo luận về nguy cơ cũng như chiến lược phòng vệ trước một thiên thạch hoặc tiểu hành tinh không được tiêu liệu trước đang trên đà va chạm với Trái đất.

Mặc dù vẫn cố gắng nhấn mạnh tới nhu cầu phải có đầu tư đầy đủ để phát hiện và nhận diện các vật thể cận kề Trái đất cũng như làm chuyển hướng chúng nếu cần thiết, lãnh đạo NASA Charles Bolden tuyên bố: “Từ các thông tin có trong tay, chúng tôi không biết bất kỳ thiên thạch nào sẽ đe dọa dân số Mỹ. Nhưng nếu nó đến trong vòng 3 tuần … hãy cầu nguyện”.

Phát biểu của ông Bolden ám chỉ, trừ khi chúng ta biết trước rằng một thiên thạch sắp lao tới và do đó có thời gian để làm chuyển hướng nó, gần như chúng ta không thể làm gì trước một thiên thạch trên đà va chạm với Trái đất. Ông Bolden nói thêm rằng, lí do cho sự bất lực này là vì nhiều thập niên qua, người Mỹ đã không chú trọng việc phát hiện sớm để đối phó với các thiên thạch hoặc tiểu hành tinh đe dọa tấn công Trái đất.

Tất cả các thiên thạch và tiểu hành tinh trong phạm vị 1/3 khoảng cách từ Trái đất tới Mặt trời được sơ đồ hóa tính đến giữa tháng 2 (trong đó, Trái đất được khoanh tròn). Ảnh: EarthSky

NASA hiện đang theo dõi khoảng 95% các vật thể kề cận Trái đất (NEO) có đường kính gần 1km hoặc lớn hơn. Cố vấn khoa học của Nhà Trắng John Holdren cảnh báo, một thiên thạch sở hữu kích thước như vậy hoàn toàn có thể chấm dứt một nền văn minh của nhân loại.

Cho tới nay, không có bất kỳ vật thể nào trong tầm ngắm của NASA tỏ ra là một hiểm họa trực tiếp. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Khoa học, Không gian và Công nghệ thuộc Hạ viện Mỹ chỉ ra rằng, thiên thạch “khủng bố” nước Nga cũng từng được ước tính có chiều rộng chỉ 17 mét và không hề được theo dõi trước đó. Với kích thước càng bé, các thiên thạch hoặc tiểu hành tinh càng khó phát hiện nhưng chúng vẫn có thể nguy hiểm chết người.

Theo cố vấn John Holdren, cách tốt nhất để phát hiện những vật thể có khả năng đang trên đà va chạm với Trái đất là đưa một kính thiên văn cảm ứng hồng ngoại vào một quỹ đạo giống như của sao Kim. Ông Holdren ước tính chi phí cho một kính thiên văn như vậy vào khoảng 500 - 750 triệu USD.

Một công việc hao tổn tiền của và thời gian nữa sẽ tăng gánh nặng cho sứ mệnh làm chuyển hướng một vật thể đe dọa Trái đất sau khi giới khoa học phát hiện ra nó. Cuộc săn tìm các thiên thạch và tiểu hành tinh nguy hiểm của NASA dự kiến sẽ bị ảnh hưởng do sự cắt giảm chi tiêu của chính phủ liên bang. Và ở mức độ được đầu tư như hiện nay, NASA ước tính cơ quan này sẽ mất gần 20 năm để xác định tất cả các vật thể NEO có khả năng đe dọa Trái đất.

Một giải pháp mà tất cả các nhà lập pháp Mỹ dường như đều tán đồng là hợp tác với những quốc gia khác cũng như các nhà thiên văn học nghiệp dư để tạo ra nguồn lực hùng hậu cùng săn lùng những thiên thạch và tiểu hành tinh nguy hiểm tiềm tàng với Trái đất.

Tuấn Anh (Theo EarthSky)