Trận động đất mạnh 8,9 độ richter xảy ra tại Nhật Bản vào ngày 11/3 vừa qua đã khiến ngày của Trái đất ngắn hơn, theo một nghiên cứu của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA).

TIN LIÊN QUAN

Bản đồ này cho thấy vị trí của trận động đất ngày 11/3/2011 tại Nhật Bản, cũng như các tiền chấn (đường tròn đứt đoạn) và các dư chấn (đường tròn liền mạch). Kích thước của các vòng tròn tương ứng với cường độ của trận động đất hoặc cơn địa chấn liên quan. Ảnh: USGS

Theo kết quả phân tích của nhà địa vật lý học Richard Gross thuộc Phòng thí nghiệm máy bay phản lực của NASA, trận động đất mạnh 8,9 độ richter ở Nhật Bản đã khiến tốc độ xoay của trái đất tăng thêm 1,8 phần triệu giây. Điều này đồng nghĩa thời gian của một ngày trên Trái đất giảm 1,8 phần triệu giây.

Trang Space dẫn lời tiến sĩ Richard Gross cho biết: “Các cơn địa chấn dữ dội trong trận động đất ở Nhật Bản vừa qua đã khiến Trái đất của chúng ta xoay nhanh hơn, khiến thời gian của một ngày giảm 1,8 phần triệu giây. Con số này có thể sẽ tăng lên sau khi những kết quả phân tích mới về trận động đất ở Nhật Bản được công bố.

Đây không phải là lần đầu tiên một trận động đất mạnh làm thay đổi thời gian của một ngày trên Trái đất. Cơn địa chấn mạnh 8,8 độ richter xảy ra tại Chile vào ngày 27/2/2010 cũng đã khiến mỗi ngày mất 1,26 phần triệu giây; trận động đất Sumatra mạnh 9,1 đô richter vào năm 2004 cũng làm một ngày trên hành tinh của chúng ta ngắn thêm 6,6 phần triệu giây.

Trong khi đó, kết quả phân tích của Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ phát hiện trận động đất đã dịch chuyển đảo chính của Nhật Bản khoảng 2,4m.

“Sự dịch chuyển này khiến Trái đất của chúng ta làm thay đổi một chút tốc độ xoay quanh trục của nó, nhưng không làm ảnh hưởng tới trục của Trái đất trong vũ trụ. Vị trí trục hành tinh của chúng ta chỉ thay đổi trong vũ trụ khi bị tác động của các ngoại lực như Mặt trời, Mặt trăng và các hành tinh khác”, tiến sĩ Richard Gross nói thêm.

  • Hà Hương