Sự cố gắng của các quốc gia như hiện nay là chưa đủ trước thảm họa nhãn tiền do sự biến đổi khí hậu gây ra.
Tin bài liên quan:
Khái niệm hiệu ứng nhà kính
Hiệu ứng nhà kính từ một khái niệm vật lý đơn thuần được khám phá vào thế kỷ 19 (năm 1824) bởi nhà khoa học Joseph Fourier, bỗng đến thế kỷ 21 này trở thành một hiện tượng thiên nhiên đáng sợ, một tác nhân gây nên hiểm họa biến đổi khí hậu toàn cầu, một mối đe dọa lớn đối với loài người.
Sự gia tăng nhiệt độ khí quyển và sự thay đổi khí hậu và thời tiết, đã gây ra hạn hán, lụt lội, bão tố, lốc xoáy, cháy rừng v.v… Ảnh: internet |
Hiệu ứng nhà kính đơn giản xảy ra trong một ngôi nhà trồng cây. Khi tia sáng mặt trời xuyên qua các cửa sổ hay mái nhà bằng kính, năng lượng của tia sáng được hấp thụ bởi không khí bên trong và phân tán thành nhiệt lượng cho toàn không gian ngôi nhà. Do sự ngăn cản của lớp kính, chỉ một phần nhỏ nhiệt lượng truyền ngược ra ngoài, còn phần lớn được lưu giữ lại và sưởi ấm toàn bộ không gian, nhờ đó cây cảnh trong nhà kính có thể đâm chồi, ra hoa, kết trái sớm hơn bình thường.
Hiệu ứng thu và phát nhiệt (hay năng lượng) không cân bằng nói trên cũng xảy ra trong bầu khí quyển của trái đất. Và, người ta mượn cụm từ “hiệu ứng nhà kính”, dù không thật chuẩn, để nói đến hiệu ứng nhà kính khí quyển hoặc hiệu ứng khí quyển nhân tạo (vì nó gây ra do tác động của con người).
Hiệu ứng kiểu mới này có thể hiểu một cách ngắn gọn như sau. Ánh sáng Mặt Trời chiếu vào Trái Đất dưới dạng các tia bức xạ sóng ngắn (tia tử ngoại…) nên dễ dàng xuyên qua lớp khí quyển đến mặt đất, nhưng khi phản xạ trở lại dưới dạng các bức xạ nhiệt sóng dài (tia hồng ngoại…) lại bị hấp thụ một phần đáng kể trong lớp khí quyển do sự có mặt của các loại khí gọi là “khí nhà kính”; đó là hơi nước và CO2 (Cacbon dioxit), các loại khí CH4 (Mê tan), O3 (Ôzôn) và N2O, hoặc các khí CFC, CF6, HFCs và PFCs. Tỷ lệ đóng góp vào hiệu ứng nhà kính trên Trái Đất của bốn khí “nhà kính chính” là: Hơi nước (36–70%), Cacbon dioxit (9–26%), Mê tan (4–9%), Ôzôn (3–7%).
Tăng nhiệt độ: lợi và hại
Hậu quả của sự mất cân bằng thu và phát nhiệt trên Trái Đất làm tăng nhiệt độ bầu không khí.
Cũng nên nói đến vai trò tích cực của hiệu ứng nhà kính khí quyển. Nếu không có hiệu ứng này sẽ xẩy ra tình trạng cân bằng giữa thu và phát năng lượng của Trái Đất đối với ánh sáng Mặt Trời được thiết lập, và hậu quả là Trái Đất không được sưởi ấm và nhiệt độ trung bình của Trái Đất chỉ vào khoảng –15 °C. Đó cũng là tai họa đối với cuộc sống con người trên Trái Đất. May thay, nhờ sự có mặt của các khí nhà kính với tỷ lệ đóng góp của CO2 khoảng 0,036% nên nhiệt độ khoảng 33 °C được duy trì trong nhiều thế kỷ nay trên mặt đất.
Đáng tiếc, cùng với quá trình công nghiệp hóa, lượng khí nhà kính và đặc biệt là khí CO2 đang tăng lên đáng kể trong khoảng 100 năm qua. Ví dụ, lượng khí CO2 trong khí quyển năm 2005 đã tăng 35% so với cách đây 650 000 năm. Riêng ở Việt nam, lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2020 dự kiến sẽ tăng tới 93% so với năm 1998.
Và hậu quả là nhiệt độ của bầu khí quyển tăng quá giới hạn cần thiết và sự biến đổi khí hậu trên Trái Đất giờ đây đã lên đến mức báo động khẩn cấp. Đó là sự thật, mặc dù, một số ít người được gọi là “các nhà phê bình khí hậu” phủ nhận điều nay. Vì vậy, con số các nhà khoa học đứng về phía họ gần đây đã giảm đi rõ rệt. Và chính TT. Mỹ Obama vừa qua cũng đã phản ứng: "Tôi không có nhiều kiên nhẫn cho việc cãi cọ với “các nhà phê bình khí hậu” về sự thật của thách thức này (biến đổi khí hậu)”.
Có thể nói, hầu hết các nhà khoa học trên thế giới ủng hộ giả thuyết cho rằng việc tăng nồng độ các loại khí nhà kính sẽ làm tăng nhiệt độ trên toàn cầu và dẫn đến làm thay đổi khí hậu trong thế kỷ đã qua và sẽ tiếp tục trong thời gian tới.
Tai họa khôn lường
Có thể kể ra một số hậu quả đáng kể liên quan đến sự thay đổi khí hậu do hiệu ứng nhà kính. Sự gia tăng nhiệt độ khí quyển và sự thay đổi khí hậu và thời tiết, đã gây ra hạn hán, lụt lội, bão tố, lốc xoáy, cháy rừng v.v… Điều này dẫn đến suy giảm nhanh sự đa dạng sinh học, giảm số lượng và chất lượng các loại thủy sản, làm tuyệt chủng nhiều loài động và thực vật quý hiếm. Đặc biệt là khi Trái đất nóng lên, băng ở hai cực tan ra làm mực nước biển dâng lên nhấn chìm nhiều vùng lãnh thổ của các quốc gia nằm ven bờ biển.
Có thể đưa ra các số liêu thống kê đã được công bố sau đây của Việt Nam để làm ví dụ. Ở Việt Nam, diện tích đất bình quân đầu người rất thấp (thứ 159 trong khoảng 200 nước quốc gia, chỉ bằng 1/6 bình quân của thế giới). Vậy mà, ở xứ sở này, hiện đang có đến trên 7 triệu ha (trong 31,2 triệu ha đất liền) đang chịu tác động của sự hoang mạc hóa, trên 400 nghìn ha cồn cát và bãi cát di chuyển, 120 nghìn ha đất bị xói mòn, 30 nghìn ha bị nhiễm mặn nhiễm phèn và 300 nghìn ha đất thường xuyên thiếu nước.
Dù tính đa dạng sinh học của VN được xếp vào loại cao, thứ 16 trên thế giới, với khoảng 2400 loài thực vật bậc thấp, 11 400 loài thực vật bậc cao, 335 loài thú, 840 loài chim, 317 loài bò sát, 162 loài ếch nhái, 1000 loài cá nước ngọt và 2500 loài cá biển và số loài vi sinh vật càng đa dạng hơn, nhưng hiện nay dần dần bị tuyệt chủng do tình trạng biến đổi khí hậu. Trong đó, đáng chú ý là các loại động vật quý hiếm như bò rừng, heo vòi, tê giá, công, trĩ... Hoặc, do sự biến đổi khí hậu và cả do sự phá hoại của con người, các loại thực vật đặc trưng vùng nhiệt đới như gỗ đỏ, gụ mật, lát hoa, giáng hương, táu, lim xanh, nghiến, hoàng đàn, sao, sến, chò chỉ và nhiều loài dược liệu quý hiếm ngày càng thưa dần.
Ngoài ra, dự đoán nước biển có thể dâng cao thêm từ 0,3 đến 1,0m, hậu quả là nhiều vùng thấp ở hai châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long sẽ bị ngập hoặc bị mặn hóa...
Các “cường quốc” khí nhà kính
Cơ quan Thông tin Năng lượng quốc tế IEA có trụ sở ở Paris đã thống kê mức phát thải khí nhà kính, chủ yếu là khí carbon dioxide từ tất cả các nguồn đốt nhiên liệu hóa thạch và từ sử dụng trong đời sống. Sau đây là danh sách 10 “cường quốc” khí nhà kính theo số liệu của năm 2008.
Quốc gia Tổng phát thải Phát thải đầu người
(Triệu Tấn CO2) (Tấn CO2/người)
1. Trung Quốc 6534 4.91
2. Hoa Kỳ 5833 19.18
3. Nga 1729 12.29
4. Ấn Độ 1495 1.31
5. Nhật 1214 9.54
6. Đức 829 10.06
7. Canada 574 17.27
8. Anh Quốc 572 9.38
9. Hàn Quốc 542 11.21
10. Iran 511 7.76
Thứ tự trên cho đến nay hầu như không thay đổi, mặc dù sự cố gắng cắt giảm phát thải khí nhà kính đều được các nước quan tâm ở những mức độ khác nhau.
Vị trí số 1 nhiều năm thuộc về Hoa Kỳ, nhưng nay đã “bị” Trung Quốc thay thế. Tổ chức IEA cho biết: Trung Quốc không chỉ vẫn giữ danh hiệu siêu cường số 1 phát thải tổng cộng khí nhà kính, họ còn chiếm giữ lượng khí thải lớn gia tăng lớn nhất so với các nước trong năm 2012 vừa qua, phun thêm 300 triệu tấn khí nhà kính, cao hơn cả phần giảm của Hoa Kỳ và Châu Âu cọng lại.
Sự cố gắng chưa đủ
Dù Trung Quốc vẫn là nước đạt kỷ lục thế giới về lượng phát thải tổng cọng và cả lượng phát thải trong năm 2012, nhưng cũng nên nhận thấy một điều là lượng gia tăng khí nhà kính năm qua là một trong những mức thấp nhất họ đạt được trong suốt thập kỷ nay. Điều này phản ánh nỗ lực của họ trong cố gắng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo và điện hạt nhân.
Ở Hoa Kỳ, “siêu cường quốc” thứ nhì về phát thải khí nhà kính, sự chuyển đổi từ than sang khí đốt trong sản xuất điện đã giúp họ giảm một lượng khí thải 200 triệu tấn, quay trở về mức độ phát thải giữa những năm 1990. Nước này cũng đang có chính sách phát triển năng lượng tái tạo (điện gió và điện Mặt Trời) và duy trì tiềm năng điện hạt nhân đứng đầu thế giới với trên 100 lò phản ứng năng lượng hiện nay.
Lượng khí thải CO2 của Nhật Bản năm qua tăng 70 triệu tấn, vì những nỗ lực để nâng cao hiệu quả năng lượng không thể bù đắp cho sự tăng cường sử dụng nhiên liệu hóa thạch do đóng băng hầu hết các nhà máy điện hạt nhân sau tai nạn hạt nhân Fukushima năm 2011. Việc tái khởi động hàng chục nhà máy điện hạt nhân trong thời gian tới là chủ trương được chính phủ của Thủ tướng Abe đang theo đuổi.
Tình hình ở một số quốc gia điểm qua trên đây là ví dụ phản ảnh sự lo lắng và sự cố gắng của cả thế giới trước mối đe dọa của tình trạng biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học cho rằng sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu cần phải được giới hạn ở mức dưới 2 độ C trong thế kỷ này. Điều này thực hiện được nếu mức phát thải được giữ ở khoảng 44 tỷ tấn CO2 tương đương vào năm 2020. Tuy nhiên, IEA cho biết các số liệu phát thải hiện nay cho thấy nhiệt độ trên thế giới đang có xu hướng gia tăng trung bình khoảng 3,6 và 5,3 độ C.
Rõ ràng, việc ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ Trái Đất như mong ước khó có thể giải quyết ngay trong thập kỷ này. Vì vậy, IEA kêu gọi các chính phủ nhanh chóng áp dụng các chính sách để vừa đảm bảo mục tiêu về hạn chế sự biến đổi xấu khí hậu mà không tổn hại tăng trưởng kinh tế.
Các chính sách đó là: nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà, trong công nghiệp và giao thông vận tải, hạn chế việc xây dựng và sử dụng các nhà máy điện không hiệu quả, giảm một nửa lượng khí thải khí mê tan, và bãi bỏ một phần trợ cấp nhiên liệu hóa thạch.
Trách nhiệm đặt ra cho mọi quốc gia trên thế giới, nhưng trước hết đặt trên vai các nước lớn, nước giàu và cũng là những nước phun ra khí độc – khí nhà kính lớn nhất. Sự cố gắng của các nước này như hiện nay là chưa đủ trước thảm họa nhỡn tiền do sự biến đổi khí hậu gây ra.
Minh Trần