Việc tiếp xúc với phóng xạ rò rỉ từ sự cố Chernobyl năm 1986 đã để lại những di chứng lâu dài trên cây cối ở khu vực này, theo một nghiên cứu mới công bố.


{keywords}
Sự biến đổi màu của vòng gỗ tăng trưởng trên thân cây xích tùng ám chỉ năm xảy ra sự cố rò rỉ hạt nhân Chernobyl. Ảnh: BBC

Các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết, những ảnh hưởng tồi tệ nhất được ghi nhận trong vài năm đầu tiên sau thảm họa hạt nhân. Tuy nhiên, các cây cối sống sót rất dễ bị tổn thương trước những tình trạng căng thẳng của môi trường, ví dụ như hạn hán.

Viết trên tạp chí Trees, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, công trình của họ là nghiên cứu đầu tiên xem xét ảnh hưởng ở quy mô toàn cảnh. Họ khám phá ra rằng, các cây non đặc biệt chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự cố hạt nhân xảy ra cách đây gần 3 thập niên.

Tim Mousseau, một thành viên nhóm nghiên cứu đến từ Đại học South Carolina (Mỹ), tuyên bố: "Các kết quả của chúng tôi phù hợp với những phát hiện trước đó của các nghiên cứu dựa vào mẫu ở quy mô nhỏ hơn. Chúng cũng nhất quán với nhiều báo cáo về các ảnh hưởng gen đối với thực vật. Nhiều cây cối cho thấy sự phát triển bất bình thường ở tỷ lệ cao, phản ánh hậu quả của biến đổi gen và chết tế bào từ việc tiếp xúc với phóng xạ rò rỉ".

{keywords} 

{keywords}
Hiện tượng các thân cây xích tùng bị vặn xoắn được cho là do đột biến vì tiếp xúc với phóng xạ.

Trong nghiên cứu của mình, giáo sư Mousseau và các cộng sự đã chọn xem xét mẫu lõi của các cây xích tùng, vì chúng là loài thực vật được phát hiện ở khắp châu Âu và được trồng rất nhiều trong khu vực Chernobyl do có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, các vòng tăng trưởng trên thân cây xích tùng cũng dễ đọc hơn ở những loài thực vật khác trong khu vực nghiên cứu, chẳng hạn như cây bạch dương.

Nhóm của ông Mousseau hy vọng có thể tiếp tục nghiên cứu của họ ở vùng Fukushima của Nhật, nơi việc chặt đốn gỗ có ảnh hưởng rất lớn đối với nền kinh tế và cây thông cũng được trồng phổ biến.

"Dựa vào các quan sát hạn chế của chúng tôi trên thực địa ở những khu vực nhiễm xạ nghiêm trọng nhất của ukushima, dường như không có hiện tượng cây cối chết hàng loạt như ghi nhận đối với các cây xích tùng tại Chernobyl. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy có việc chết dần chết mòn của các chồi và cành đang lớn ở một số khu vực, ám chỉ sự cố có thể ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của thực vật. Điều này vẫn cần được điều tra thêm", ông Mousseau giải thích.

Tuấn Anh (Theo BBC)