Các nhà thiên văn học cho biết một thiên thạch có kích thước 5m đã lao xuống Trái đất chỉ vài giờ sau khi được phát hiện, nhưng nó dường như đã bị đốt cháy trong bầu khí quyển.

Thiên thạch có chiều rộng 5m, được các nhà thiên văn học đặt tên là 2014 AA, gần như chắc chắn lao vào bầu khí quyển của Trái đất vào ngày 2/1, theo các nhà khoa học tại Trung tâm các thiên thể thuộc Hội thiên văn học quốc tế.

{keywords}
Sơ đồ thiên thạch 2014 AA lao vào bầu khí quyển Trái đất.

Thiên thạch đã lao vào bầu khí quyển Trái đất trên Đại Tây Dương tại khu vực nằm giữa Trung Mỹ và Đông Phi. Theo tính toán của nhà thiên văn học Stephen Chesley, thiên thạch 2014 AA rơi xuống ngoài khơi bờ biển Tây Phi vào khoảng 2h30 ngày 2/1 (theo giờ quốc tế).

Nhà vật lý học Peter Brown đã nói với tạp chí Sky & Telescope rằng năng lượng của thiên thạch tạo ra khi lao vào bầu khí quyển tương đương với sức mạnh của vụ nổ 500 đến 1.000 tấn thuốc nổ TNT và nó có kích thước không lớn hơn một chiếc ô tô con.

2014 AA là thiên thạch đầu tiên được phát hiện trong năm mới. Các nhà thiên văn học cho biết nó được phát hiện vài giờ trước khi lao xuống Trái đất.

Hà Hương (Theo RIA Novosti)