Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đã xác định việc phát triển và ứng dụng cây trồng biến đổi gen là nhiệm vụ quan trọng của chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp quốc gia. Tuy vậy, cho tới nay, các giống cây trồng biến đổi gen vẫn chưa thể triển khai tại nước ta.
Cây trồng biến đổi gen đã được nghiên cứu trên thế giới từ nhiều thập kỷ trước. Bắt đầu từ năm 1996, cây trồng biến đổi gen đầu tiên đã được đưa ra trồng đại trà. Cho tới nay, sau 18 năm phát triển, cây trồng biến đổi gen đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, phát triển bền vững cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Ngô biến đổi gen được trồng khảo nghiệm tại Việt Nam. Ảnh: Thời báo kinh tế Sài Gòn. |
Tại Việt Nam, cây trồng biến đổi gen đã được đầu tư nghiên cứu và khảo nghiệm từ năm 2006 sau khi “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020” được phê duyệt tại Quyết định số 11/2006/QĐ-TTg.
Vào năm 2011, việc đưa ngô biến đổi gen vào sản xuất thương mại tại Việt Nam được dự kiến triển khai vào năm 2012 sau hai đợt khảo nghiệm trên diện rộng. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, nhiều nhà khoa học trong nước cho rằng, việc triển khai cây trồng biến đổi gen cần phải nghiên cứu kỹ và có những bước đi thận trọng.
Đến 2013, Bộ NN&PTNT đã công nhận kết quả khảo nghiệm 5 giống ngô biến đổi gen để trình Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp phép an toàn sinh học. Tuy nhiên, cho tới hiện tại, Bộ NN&PTNN cũng chỉ mới triển khai một số mô hình trình diễn trồng bắp biến đổi gen tại 6 tỉnh thành với quy mô 1,5-2ha/giống/mô hình.
Theo dự kiến, phải tới năm 2015, ngô biến đổi gen mới được đưa vào trồng đại trà. Trong khi đó, nhiều ý kiến vẫn tỏ ra nghi ngại về ảnh hưởng của cây trồng biến đổi gen với sức khỏe và môi trường một khi được triển khai đại trà tại Việt Nam.
Điều đáng nói là, trong lúc các nhà khoa học trong nước vẫn còn băn khoăn về việc triển khai ứng dụng cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam thì chúng ta vẫn đang hàng ngày nhập khẩu ngô biến đổi gen về sử dụng.
Theo số liệu của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, trong 8 tháng đầu năm 2013, Việt Nam nhập khẩu 1,34 triệu tấn ngô và 897.000 tấn đậu dùng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Số liệu của Tổng Cục Hải Quan cũng cho biết, chỉ trong tháng đầu tiên của năm 2014, cả nước nhập khẩu 580 nghìn tấn ngô, tăng gấp hơn 5 lần so với tháng 01/2013.
Đáng chú ý là nguồn nhập khẩu ngô của Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ thị trường Braxin, Argentina, Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan (chiếm tới hơn 90%), những nước có diện tích trồng cây biến đổi gen lớn nhất thế giới.
"Diện tích cây trồng biến đổi gen đang tăng lên nhanh chóng, trong khi chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học nào chứng minh, sản phẩm cây trồng biến đổi gen có ảnh hưởng tới sức khỏe. Chúng ta đi nhập ngô, đậu tương sinh học về sử dụng thì tại sao không tự trồng ngay trong nước?”, GS. TS Nguyễn Lân Dũng nói trên tờ An Ninh Thủ Đô.
"Chúng ta còn chậm trễ bao nhiêu thì nông dân Việt Nam sẽ chịu thiệt thòi bấy nhiêu”, ông nói.
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, việc phá vỡ các bế tắc trong việc phê chuẩn các loại cây trồng công nghệ sinh học là mấu chốt trong việc thương mại hóa cây trồng biến đổi gen và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
"Điều chúng ta cần đó là sự dũng cảm của các nhà lãnh đạo ở những nước mà nông dân vẫn chưa có sự lựa chọn nào ngoài những phương pháp cũ kỹ và kém hiệu quả”, TS. Clive James dẫn lại lời phát biểu của nhà nông học nổi tiếng người Mỹ - Norman Borlaug nói tại Hội nghị Triển vọng toàn cầu cây trồng biến đổi gen 2013.
Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần có những giải pháp quyết liệt hơn để đẩy mạnh việc ứng dụng cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam.
Cây biến đổi gen tăng mạnh ở các nước đang phát triển Báo cáo của Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong nông nghiệp (ISAAA) cho biết: Diện tích cây trồng biến đổi gen đang tăng nhanh trên thế giới đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển, những nước đang phải đối mặt với nguy cơ cao về an ninh lương thực.
Ông Clive James, người sáng lập ISAAA trong báo cáo của mình cho biết, tính đến năm 2013, cây trồng biến đổi gen đã được trồng ở 27 quốc gia với diện tích lên tới trên 175 triệu ha tăng hơn 100 lần kể từ năm 1996 khi cây trồng biến đổi gen. Đáng chú ý là, việc ứng dụng cây trồng biến đổi gen đang phát triển nhanh tại các quốc gia đang phát triển. Theo số liệu của ISAAA, trong năm 2013, diện tích cây trồng biến đổi gen tại các nước đang phát triển đạt 94,1 triệu ha, chiếm 54% tổng diện tích cây trồng biến đổi gen toàn cầu, tăng 2% so với năm 20012. Với con số này, khoảng cách diện tích cây trồng biến đổi gen giữa các nước đang phát triển và công nghiệp đã tăng lên 14 triệu ha, gấp 2 lần so với năm 2012. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp, diện tích cây trồng biến đổi gen tại các nước đang phát triển lớn hơn so với các nước công nghiệp phát triển. Lý giải điều này, TS Clive James nói: “Tăng trưởng diện tích cây trồng biến đổi gen ở các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đi ngang vào năm 2013 do tỷ lệ áp dụng cây trồng biến đổi gen được duy trì ở mức 90% hoặc cao hơn, ít cơ hội cho việc tăng thêm”. “Trong năm qua, tăng trưởng được dẫn dắt bởi các nước đang phát triển, cụ thể là Brazil, nước có diện tích canh tác khá ấn tượng, tăng 3,7 triệu ha, tương đương 10%. Trong năm tới, tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ tiếp tục ở các nước đang phát triển và Brazil sẽ tiếp tục dẫn đầu, liên tục thu hẹp khoảng cách với Hoa Kỳ”, TS James nói thêm. “Cây trồng biến đổi gen đang minh chứng giá trị toàn cầu như một công cụ cho những nông dân nghèo nguồn lực, những người phải đối mặt với nguồn cung cấp nước giảm và áp lực gia tăng về cỏ dại và sâu bệnh, cùng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”, TS Clive James khẳng định. |
Lê Văn